Bà Suu Kyi đọc tuyên thệ trước Quốc hội

Lãnh đạo đảng đối lập ở Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, vừa tuyên thệ vào Quốc hội Miến Điện, một tháng sau khi đảng của bà chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung.

Bà Suu Kyi cùng các thành viên Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) ban đầu đã từ chối tham gia vào lễ tuyên thệ vì nội dung của lời thề.

Tuy nhiên, hôm thứ Hai, 30/4, họ đã đồng ý nhượng bộ trong lúc Tổng thư ký Ban Ki-moon có chuyến thăm tới Miến Điện.

Lễ tuyên thệ đánh dấu lần đầu tiên nhân vật từng đoạt giải Nobel nhận một chức vụ chính thức.

Mặc dù giành chiến thắng trong lần bầu cử hôm 1/4, bà Suu Kyi và những nhà lập pháp khác trong NLD vẫn chỉ là một thành phần thiểu số trong Quốc hội Miến Điện.

Một phần tư tổng số ghế trong Quốc hội đương nhiên dành cho các quân nhân, trong khi phần lớn thuộc về đảng cầm quyền vốn được sự hậu thuẫn bởi quân đội.

Tuy nhiên, giới quan sát cho biết, việc đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi ra mắt Quốc hội đánh dấu một bước tiến quan trọng vào thời điểm chính phủ Miến Điện tiếp tục tiến hành cải cách.

“Linh động”

Bà Suu Kyi làm lễ tuyên thệ tại văn phòng thuộc Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Nay Pyi Taw, Miến Điện.

Trước đó NLD đã phản đối tuyên thệ ‘bảo vệ’ Hiến pháp, vốn do chính quyền quân sự cũ soạn thảo.

Họ muốn chuyển ngôn từ thành ‘tôn trọng’ thay vì ‘bảo vệ’ Hiến pháp trong lời tuyên thệ, nhưng sau đã ủng hộ.

“Lý do chúng tôi đồng ý (tuyên thệ) đầu tiên là vì khao khát của người dân. Những cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ chúng tôi bởi vì họ muốn nhìn thấy sự có mặt của chúng tôi trong Quốc hội,” bà Suu Kyi nói.

Tuy nhiên, Hiến pháp vốn xác lập vai trò của lực lượng quân đội trong chính trường sẽ tiếp tục trở thành tâm điểm của các cuộc đấu tranh chính trị ở Miến Điện, phóng viên BBC có mặt tại Nay Pyi Taw cho biết.

Sự xuất hiện lần đầu tiên của bà Suu Kyi tại Quốc hội diễn ra giữa lúc thế giới bên ngoài đang muốn ủng hộ tiến trình cải cách của chính quyền dân sự tại Miến Điện.

Hôm thứ Hai 30/4, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phát biểu trước Quốc hội Miến Điện.

Ông Ban cũng đã gặp mặt Tổng thống Thein Sein, một nhân vật từng trong quân đội hiện đang dẫn dắt bộ máy chính phủ nước này.

Một ngày sau đó, tại cuộc gặp tại nhà riêng của bà Suu Kyi ở Rangoon, ông Ban cho biết bà Suu Kyi đã chấp nhận lời mời của ông đến thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.

Ông Ban nói ông hoan nghênh và tôn trọng quyết định nhượng bộ của bà xung quanh lời tuyên thệ vì lợi ích lớn hơn.

“Một nhà lãnh đạo thực thụ cho thấy sự linh động trước vì lợi ích lớn hơn của người dân,” ông nói.

“Tôi tin chắc rằng bà ấy sẽ đóng một vai trò xây dựng và chủ động với tư cách là thành viên Quốc hội.”

Trước đó, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc kêu gọi giảm bớt các biện pháp trừng phạt Miến Điện.

Ông nói ông cảm thấy khích lệ với những nỗ lực cải cách gần đây ở quốc gia này nhưng cũng nói thêm rằng quá trình cải cách còn mong manh và cần được tiếp tục nuôi dưỡng.

Bà Suu Kyi nói bà ủng hộ duy trì một số lệnh trừng phạt lên chính quyền Miến Điện để đảm bảo quá trình cải cách được tiếp tục.