Bản tin Biển Đông ngày 15/8/2018

BTV Tiếng Dân

Giải mã Gạc Ma

Xung quanh biến cố Gạc Ma năm 1988, cựu chiến binh Phan Trí Đỉnh đã chia sẻ trên Facebook cá nhân một số trích đoạn được cắt từ một thước phim ghi hình cuộc nói chuyện của Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm.

Trong những đoạn trích này, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho biết một số thông tin cụ thể về tình hình Biển Đông và Gạc Ma năm 1988, sự chuẩn bị và những khó khăn của Hải quân Việt Nam khi đó, cũng như quan điểm của ông về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. 

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định, biến cố Gạc Ma không phải là một trận hải chiến mà là một cuộc thảm sát mà lực lượng Trung Quốc với vũ khí, tàu chiến hiện đại gây ra đối với lực lượng tàu vận tải của Việt Nam.

Đọc thêm bài phỏng vấn Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm được báo Thanh Niên thực hiện năm 2014 với nhiều thông tin chi tiết: Từ thảm sát Gạc Ma đến mộng bá chủ Biển Đông.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm từng là Phó tham mưu trưởng Hạm đội 171, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 61, Tham mưu phó phụ trách tác chiến của Quân chủng Hải quân, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam. Ông là người trực tiếp phụ trách tác chiến của Quân chủng Hải quân khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đảo Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988. Hiện ông là Chủ tịch Hội Khoa học – Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM.

Diễn biến thực địa và thái độ các bên

Tiếp tục câu chuyện về việc Trung Quốc cảnh báo phi cơ của các nước khi bay qua các khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở Biển Đông, mới đây tướng Carlito Galvez, Tư lệnh quân đội Philippines nói, Trung Quốc vẫn đe doạ tàu và máy bay nước ngoài hàng ngày ở Biển Đông.

“Và phi công của chúng tôi chỉ trả lời: Chúng tôi chỉ đang thực hiện chuyến bay thường lệ của mình trong phạm vi quyền hạn và lãnh thổ của chúng tôi,” tướng Galvez cho biết.

Trong một buổi họp báo, Harry Roque, Phát ngôn viên Tổng thống Philippines cũng khẳng định mạnh mẽ: “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục các chuyến bay. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền của chúng tôi. Và nếu cần, các phi công Philippines sẽ sẵn sàng hy sinh cho chủ quyền của chúng tôi“.

Hôm 13 tháng 8, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng cảnh báo việc triển khai lực lượng đóng quân ở Biển Đông trong một bài trả lời phỏng vấn truyền thông: “Chúng tôi ủng hộ việc các tàu biển, kể cả chiến hạm, di chuyển qua Biển Đông, nhưng phản đối việc triển khai lực lượng đóng quân tại đó. Đây là lời cảnh báo tới tất cả các nước, đừng gây ra căng thẳng không cần thiết“, AP dẫn lời Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.

Tuyên bố của Thủ tướng Mahathir được đưa ra trong bối cảnh Malaysia liên tục phát đi những thông điệp thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

“Trung Quốc đã triển khai nhiều tàu hải cảnh lớn không khác gì tàu chiến tới những khu vực giàu tài nguyên và gây bất an cho các nước láng giềng”, Ngoại trưởng Malaysia Abdullah Saifuddin phát biểu hồi cuối tháng 7. Ông cho rằng chính phủ tiền nhiệm hiếm khi chỉ trích Trung Quốc, dù tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến gần lãnh hải nước này và Bắc Kinh liên tục bồi đắp, triển khai trái phép nhiều loại vũ khí tới các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Thủ tướng Mahathir đang tìm cách giảm bớt ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Malaysia bằng cách đánh giá lại các dự án đầu tư. Chính phủ của ông đã đình chỉ một dự án đường sắt trị giá nhiều tỷ USD, vốn là trọng tâm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, cùng hai dự án đường ống dẫn khí để thương thảo những điều khoản tốt hơn.

Giải pháp cho Biển Đông 

Trên Tuần Việt Nam có bài viết “Biển Đông: TQ tham vọng kép, Mỹ cần hành động khẩn?” trong đó tổng hợp đề xuất của các học giả quốc tế về những việc Mỹ cần phải làm để chặn đứng tham vọng của Trung Quốc.

Trước tiên, Mỹ cần mở rộng năng lực áp đặt mức phạt đối với những vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực khu vực và quy định trong và ngoài Biển Đông. Trung Quốc vươn xa như vậy cho thấy đã không có mức phạt đủ nghiêm khắc chống lại chiến lược “lát cắt salami” mà Trung Quốc đang tăng cường ở Biển Đông.

(Nói về “Lát cắt salami”, đây vốn là thuật ngữ được phương Tây sử dụng. Tuy nhiên Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có lẽ là người đầu tiên nhìn ra chiến lược này của Trung Quốc từ hơn bảy trăm năm trước, mà ông gọi là chiến lược “tằm ăn dâu”.)

Thứ hai, Mỹ cần nỗ lực gấp đôi, cả ở quy mô quốc gia và trong sự phối hợp với các nước khác có cùng chí hướng, nhằm cải thiện một nhóm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có chung ý thức về hàng hải. Cuộc khủng hoảng bãi cạn Scarborough năm 2012 lẽ ra đã được ngăn ngừa nếu Manila được thông tin tốt hơn về tương quan lực lượng trong khu vực.

Thứ ba, Mỹ cần ủng hộ việc thiết lập một đội tàu đa quốc gia nhằm phát hiện các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng trong khu vực. Một mô hình liên minh hàng hải có thể là Lực lượng hỗn hợp đặc biệt 150 (CTF 150), một nhóm quốc tế tìm cách phá vỡ các chiến dịch khủng bố tại một số hải trình đông đúc nhất thế giới quanh Vịnh Aden và Biển Đỏ. Chỉ huy lực lượng này có thể luân phiên giữa một số nước Đông Nam Á.

Mục đích cao nhất của một lực lượng hàng hải mới này là tạo một bức tường thành chống lại tình trạng gia tăng quân sự hóa tại Biển Đông và các hành động phạm pháp khác. Hơn nữa, các nước bên ngoài Đông Nam Á phụ thuộc vào hải trình qua Biển Đông, như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Pháp, Anh,… cũng có thể tham gia các chiến dịch của lực lượng này.

Trung Quốc cũng được hoan nghênh nếu chấp nhận các quy định mà lực lượng đặt ra. Hơn nữa, lực lượng này có thể giúp thực thi Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) khi nó ra đời.

Cuối cùng, đã đến lúc ngăn Trung Quốc lập luận vô nghĩa rằng Bắc Kinh tuân thủ luật hàng hải quốc tế trong khi Washington chế giễu văn kiện này. Đó là Mỹ nên phê chuẩn Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển.

Bốn bước trên chưa tạo nên một chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương toàn diện, nhưng kết hợp với nhau, chúng có thể là sự khởi đầu của một mạng lưới đối tác mạnh hơn và tạo ra phương tiện ngăn cản bất cứ quốc gia nào đơn phương đặt ra quy định cho thế giới, bài báo kết luận.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây