Bản tin ngày 27-2-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Về 4 tàu hải cảnh của TQ đang lảng vảng ở Biển Đông, Facebooker Phạm Thắng Nam cập nhật: Sau 2 lần quấy phá 2 mỏ dầu quan trọng nhất của VN là Hải Thạch và Mộc Tinh, tàu CCG 5304 đã chuyển sang xâm nhập lãnh hải Malaysia, tàu Haijing 5204, từng thực hiện 38 lần quấy phá lô khai thác dầu khí 06.01 hiện đã tắt định vị AIS. Còn tàu Coastguard 3502 và Haijing 3304 hiện vẫn đang “cắm trại” trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Vị trí 3 tàu hải cảnh của TQ lúc 6h18’ sáng nay 27/2/2021. Riêng tàu Zhongguo Haijing 5204 đã tắt định vị AIS. Ảnh: Phạm Thắng Nam

Báo Thanh Niên đưa tin: Anh nhấn mạnh thông điệp tuần tra Biển Đông, thách thức Trung Quốc. Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Nick Carter cho biết, chiến lược quốc phòng của Anh sẽ nghiêng về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong bối cảnh nước này sắp điều tàu sân bay đến Biển Đông. Tướng Carter nói thêm, Hải quân Hoàng gia Anh sẽ hiện diện thường xuyên trong khu vực, đồng thời cho rằng Trung Quốc sẽ là “thách thức chiến lược” của Anh.

Tin cho biết, dự kiến vào tháng 5/2021, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ bắt đầu sứ mệnh tại khu vực và sớm khu vực Đông Á, trong đó có Biển Đông. “Tàu sân bay này sẽ được hộ tống bởi 2 tàu khu trục Type 45, 2 tàu hộ tống Type 23, một tàu ngầm hạt nhân, một tàu tiếp liệu lớp Tide và tàu tiếp tế RFA Fort Victoria”.

Mời đọc thêm: Siết vòng vây Trung Quốc (TN). – Áp lực gia tăng, Trung Quốc dự kiến tăng ngân sách quốc phòng (VTC). – Đại sứ Anh: Anh có ‘nghĩa vụ’ tuân thủ UNCLOS tại Biển Đông (PLTP). – Trung Quốc xây căn cứ tên lửa gần biên giới Việt Nam? (BBC).

Các vụ “ăn đất”

Diễn biến mới vụ thâu tóm 43 ha ‘đất vàng’: Bắt giam nguyên Cục trưởng, Cục phó Cục Thuế Bình Dương, báo Thanh Niên đưa tin. Cơ quan CSĐT (C03) – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Văn Trang, cựu Cục trưởng; ông Võ Thanh Bình, cựu Cục phó và ông Nguyễn Thái Thanh, Phó trưởng phòng của Cục Thuế tỉnh Bình Dương. Ba bị can này bị bắt để điều tra tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công gây thất thoát lãng phí”.

Liên quan đến vụ án này, trước đó CQĐT đã khởi tố ông Lý Thanh Châu, Phó Tổng GĐ; ông Huỳnh Công Phát, cựu Phó Tổng GĐ; bà Đỗ Thị Thanh Thúy, kế toán trưởng và ông Nguyễn Thế Sự, trưởng ban kiểm soát của Công ty SX-XNK Bình Dương. 

Khu “đất vàng” 43 ha ở phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh: Đỗ Trường/TN

VOV có bài: Bắt tạm giam nguyên Cục trưởng, nguyên Cục phó Cục Thuế tỉnh Bình Dương. Tin cho biết, các cán bộ vừa bị khởi tố do liên quan đến vụ tính tiền sử dụng đất của hai khu “đất vàng” gồm khu 43ha và khu 145ha tại TP Bình Dương, từng do Tổng công ty 3-2, thuộc sự chi phối của Tỉnh ủy Bình Dương, quản lý nhưng nay đã về tay tư nhân. Vụ án từng được Bộ Công an ủy quyền cho Công an tỉnh Bình Dương khởi tố, điều tra nhưng nay được “rút về” để cơ quan điều tra của bộ phụ trách.

Ông Lê Văn Trang, cựu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương. Ảnh: ĐC/VOV

Vấn nạn “ăn đất” ở Đà Nẵng: Lòng vòng chuyển đổi đất công, chiếm dụng thành đất tư nhân, theo báo Lao Động. Tại khu vực Trung tâm văn hóa thể thao Mỹ An ở quận Ngũ Hành Sơn, UBND TP Đà Nẵng giao gần 3.000 m2 đất công để Công ty K&H xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cho cộng đồng, nhưng doanh nghiệp này đã “chiếm dụng, cải tạo để phục vụ các hình thức kinh doanh khác xa so với mục đích ban đầu”.

Báo Tuổi Trẻ thống kê diện tích đất nhà nước bị Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG), Tổng công ty Lâm nghiệp VN (Vinafor) và Tổng công ty Chè VN (Vinatea) chiếm: Gần 19.000ha đất công bị lấn, chiếm. Vinatea đã đưa 12 khu đất để góp vốn liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định, thoái vốn không thông qua đấu giá, vi phạm quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phải chuyển qua công an điều tra.

Nhiều dự án nhà nước giao đất trồng cao su có diện tích bị lấn, chiếm chưa được thu hồi. Ảnh: Ngọc Cầm/TT

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, “tổng diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho ba đơn vị nói trên quản lý bị lấn, chiếm chưa thu hồi là gần 19.000ha. Trong đó, VRG bị lấn chiếm trên 10.700ha, Vinafor bị lấn chiếm gần 7.400ha và Vinatea bị lấn chiếm gần 500ha”.

Mời đọc thêm: Vụ 43 ha đất vàng: Bắt nguyên cục trưởng Cục Thuế Bình Dương (PLTP). – Khởi tố, bắt giam nguyên Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương (NLĐ). – Trần Thị Ngọc Nữ lấn chiếm đất công ở Mũi Né: Chủ tịch Bình Thuận ký phạt hành chính (TN). – Cựu cán bộ văn phòng đăng ký đất đai lừa hàng chục tỉ đồng vì thua cá độ bóng đá (TT). – Mới nhất vụ Khánh Hòa cho thuê ‘đất vàng’ SVĐ Cam Ranh giá bèo (TP). – Loạt vi phạm trên đất vàng đến sân golf, chuyển Bộ Công an điều tra 12 vụ (VNN). – “Chảo lửa” sốt đất ở Bình Phước (LĐ). 

Ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke

Vấn nạn karaoke ngày càng diễn biến phức tạp: Karaoke vang trời ở các quán nhậu tại TP.HCM, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Tin cho biết, tối qua, một nhóm 5 người tụ tập ăn nhậu ngay góc đường ray xe lửa – Hiệp Bình ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Họ hát karaoke ngoài trời bằng “loa kẹo kéo”: “Cứ thế nhóm người thay nhau hát với âm thanh khá to, chỉ khi đoàn tàu đi qua mới lấn át được âm thanh của dàn karaoke ngoài trời này”.

Người dân hát karaoke ngoài trời với âm thanh khá to tại TP Thủ Đức. Ảnh: PLTP

Một người dân phường Hiệp Bình Chánh cho biết, trước Tết đoạn dọc đường ray xe lửa, các quán nhậu thường xuyên mở thâu đêm: “Người dân ăn nhậu ồn ào, hát loa kẹo kéo xuyên đêm khiến cả nhà nhức đầu, mấy đứa con tôi không ngủ đủ giấc để học tập tốt được”. Cũng theo người này, đã xảy ra ẩu đả trong khu vực liên quan đến karaoke. 

Tình hình karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn tràn lan đến mức Chủ tịch UBND TP HCM ra công văn khẩn, chỉ đạo xử nghiêm karaoke tự phát, theo báo Người Lao Động. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong “vừa ký văn bản khẩn, chỉ đạo các ủy viên UBND TP, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện, TP về việc tăng cường phòng chống vi phạm tiếng ồn”.

Ông Phong đề nghị, GĐ công an TP tiếp tục chỉ đạo công an TP Thủ Đức và công an các quận, huyện giao trách nhiệm cho trưởng công an xã, phường, thị trấn, trực tiếp làm việc về “công tác phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các vi phạm về tiếng ồn tại địa bàn quản lý”.

Báo Thanh Niên có bài: Gặp Chủ tịch TP.HCM, chủ tịch phường đề nghị dùng app trị karaoke kẹo kéo. Trong cuộc đối thoại với 312 chủ tịch các phường, xã, thị trấn, Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp nói với ông Nguyễn Thành Phong: “Dù quy định đầy đủ các chế tài nhưng khả năng thực thi thì không có. Nguyên nhân là do cán bộ phường ít, thiếu công cụ đo tiếng ồn. Điều này dẫn đến biện pháp nhắc nhở là chủ yếu, việc xử phạt rất ít, công an thì nói rằng nếu hát karaoke gây ồn ào thì sau 10 giờ xử lý được”

Gần đây, báo chí “lề đảng” hay đưa tin, bài về vấn nạn karaoke nên Chủ tịch Nguyễn Thành Phong vội làm “động tác” này, sử dụng công an là lực lượng quen cưỡng chế, đàn áp dân để quản lý vấn đề karaoke. Ý tưởng không tồi nhưng chắc chắn không thể dẹp hết vấn nạn karaoke, vì lý do đơn giản: Cả báo chí “lề đảng” và ông Phong đều chỉ đề cập đến các nhóm karaoke thuần dân sự, mà bỏ qua các sự kiện karaoke có yếu tố bộ đội

Với người Nhật Bản, Hàn Quốc, hát karaoke thì vào phòng kín, hát cho nhau nghe dựa trên dàn âm thanh đã được bảo đảm không làm phiền người dân sống xung quanh. Nhưng ở VN, do sự hiện diện của các dàn loa di động công suất lớn, hay được gọi là “loa kẹo kéo”, nên bất cứ sự kiện ngoài trời nào cũng có thể trở thành “hội karaoke”, bao gồm cả các sự kiện văn nghệ mà người tham gia chính là các ông cựu chiến binh CS.

Dân thường khi hát karaoke sẽ chỉ xoay quanh mấy bài hát nội dung đời thường, tình cảm như “60 năm cuộc đời”, trong khi mấy ông bộ đội, một khi đã có hứng “biểu diễn văn nghệ” thì họ sẽ cùng… rống lên các “bài ca người lính”, đó mới là yếu tố gây ô nhiễm tiếng ồn hơn cả mấy hội nhóm karaoke dân sự. Các tay bộ đội này vốn “trưởng thành” trong môi trường mà họ phải hét ra âm thanh đủ to để người cách xa 5, 6m vẫn nghe rõ, ngay cả khi bom rơi, đạn nổ.

Đây là một clip ghi lại một sự kiện “karaoe cựu chiến binh” vào năm 2018, ở khu vực Trảng Bàng, Tây Ninh, một trong các vùng “thánh địa CS”:

Một số người cho rằng, bộ đội hay các quan chức đảng mà hát thì họ vào hội trường. Điều này chỉ đúng với các dịp lễ hội, sự kiện cấp quận trở lên, còn từ cấp phường trở xuống, hoặc mấy ngày kỷ niệm riêng của các đơn vị bộ đội với quy mô tiểu đoàn trở xuống, thì rất khó kiểm soát. Chúng tôi đã nhiều lần tận mắt chứng kiến họ biến một khoảng sân của UBND phường thành “tụ điểm văn nghệ”, nơi các “bài ca người lính” vang vọng suốt từ chiều đến tận gần khuya, mà không ai dám can thiệp. 

Vào rừng cũng… không thoát karaoke. Biếm họa của báo Tuổi Trẻ Cười.

Với người dân thường buồn miệng hát karaoke, đám công an vừa nhận được chỉ đạo của ông Phong có thể ra tay không ngần ngại. Nhưng khả năng mấy tay công an đó dám đụng tới mấy sự kiện văn nghệ mà người tham gia toàn là cựu chiến binh CS thì rất hiếm.

Mời đọc thêm: TP.HCM chỉ đạo khẩn dẹp “nạn” karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn (VOV). – Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu xử lý tiếng ồn karaoke tự phát (BNews). – Karaoke tự phát: Tiếng ồn càng to, mức phạt càng cao (PLTP). – ‘Hung thần karaoke’: Người chết, kẻ tù bao giờ mới hết? (TT). – Chồng bị chém nguy kịch vì vợ hát karaoke ồn ào ở Phú Quốc (NLĐ). – Đâm chém vì hát karaoke Tết: Tâm lý tiểu nông bộc phát (ĐV). – Dẹp karaoke “tra tấn” là chuyện lớn, không phải bình thường (LĐ). 

Các vụ đàn áp nhân quyền ở châu Á

Ở Myanmar, liên tiếp xuất hiện các diễn biến bất lợi cho bà Aung San Suu Kyi và những người ủng hộ bà. Các quan chức đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) tiết lộ, bà Aung San Suu Kyi ‘bị chuyển tới nơi giam bí mật’, VnExpress đưa tin.

Bà Suu Kyi đã bị đưa khỏi căn nhà ở thủ đô Naypyidaw từ 6 ngày trước. Một quan chức cấp cao NLD cho biết: “Chúng tôi không biết bà ấy đang bị giữ ở đâu”. Một nguồn tin khác trong NLD nói thêm, hàng xóm của bà Suu Kyi là Thị trưởng Naypyidaw cũng đã bị giam ở một địa điểm không được tiết lộ kể từ khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự.

RFA đưa tin: Viettel bị cáo buộc ‘lạm dụng’, tiếp tay cho quân đội Miến Điện vi phạm nhân quyền. Tổ chức Công lý cho Myanmar (Justice for Myanmar) công bố một phóng sự điều tra, cáo buộc tập đoàn viễn thông Viettel của VN đồng lõa với tội ác vi phạm nhân quyền của Myanmar. Người phát ngôn nhân của Justice for Myanmar cho biết: “Báo cáo [của chúng tôi] đã nâng cao nhận thức về những mối nguy nghiêm trọng mà người dân Myanmar phải đối mặt từ hoạt động kinh doanh của Viettel với quân đội Myanmar”.

Ông Phil Robertson, Phó GĐ của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khu vực châu Á bình luận: “Tôi nghĩ rằng Viettel là một ví dụ điển hình của việc quân đội Việt Nam sử dụng ảnh hưởng của mình để kiếm lợi nhuận mà không có phải chịu bất kỳ trách nhiệm giải trình gì đối với người dân Việt Nam và đối với chính phủ dân sự. Quan niệm quân đội có thể điều hành các công ty vì lợi nhuận thực sự là một khái niệm tệ hại”.

Lại có thêm người biểu tình bị sát hại ở Myanmar: Một phụ nữ bị bắn chết khi cảnh sát Myanmar trấn áp biểu tình, Zing dẫn tin từ Reuters. Nguồn tin cho biết, một phụ nữ đã thiệt mạng do trúng đạn trong quá trình cảnh sát trấn áp cuộc biểu tình hôm nay ở thị trấn Monywa, phía bắc Myanmar. Cũng trong sáng nay, tại TP Yangon, cảnh sát được triển khai và bắt giữ người biểu tình tại giao lộ Trung tâm Hledan, là tụ điểm quen thuộc của những người biểu tình phản đối quân đội Myanmar. 

Cảnh sát được triển khai ở giao lộ TP Mandalay hôm nay để ngăn chặn người biểu tình. Ảnh: AP/Zing

Đại sứ Myanmar kêu gọi LHQ hành động chấm dứt chính biến, theo báo Pháp Luật TP HCM. Ông Kyaw Moe Tun, đại sứ Myanmar tại LHQ, đã kêu gọi LHQ “sử dụng bất kỳ biện pháp cần thiết để phản đối chính quyền quân đội Myanmar”, nhằm khôi phục dân chủ tại đất nước này.

Bà Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên LHQ về Myanmar, kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận tính hợp pháp của chính quyền quân sự Myanmar, đồng thời cam kết huy động đủ áp lực quốc tế để “đảm bảo cuộc chính biến này sẽ thất bại”.

Diễn biến mới trong chuỗi sự kiện đàn áp nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương: Cao Ủy Nhân Quyền LHQ kêu gọi điều tra độc lập về các vi phạm nhân quyền, RFI đưa tin. Bà Michelle Bachelet, Cao Ủy Nhân Quyền LHQ đã lên tiếng tố cáo TQ: “Các nhà đấu tranh, giới luật sư và những người bảo vệ nhân quyền – cũng như một số công dân nước ngoài – đã bị cáo buộc hình sự, giam giữ một cách tùy tiện hoặc xét xử không công bằng”.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho rằng, các vụ tra tấn, lao động cưỡng bức và triệt sản đang diễn ra với “quy mô công nghiệp” ở khu vực Tân Cương. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tố cáo “một hệ thống giám sát và đàn áp được thể chế hóa trên quy mô lớn”. Tổng thống Mỹ Biden cũng cho rằng, TQ đã có những hành vi “diệt chủng” ở Tân Cương, cần phải buộc Bắc Kinh trả giá.

RFI bàn về đối sách Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc: Phủ nhận triệt để và hù dọa nạn nhân. TQ tiếp tục phủ nhận mọi cáo buộc từ các nước phương Tây, đồng thời dùng thủ thuật để các “học viên thực tập” người Duy Ngô Nhĩ diễn màn kịch “ca hát và nhảy múa” để “đón chào hàng trăm nhà ngoại giao và nhà báo từ các nước bạn bè, đã được Trung Quốc mời đến Tân Cương trong hai năm gần đây”.

Ảnh tư liệu 1/05/2014 về người Duy Ngô Nhĩ tại Urumqi, Tân Cương. Nguồn: Petar Kujundzic/ Reuters

Một thủ thuật khác biến nạn nhân thành “thủ phạm”: Chính quyền TQ công bố clip “cho thấy em gái và họ hàng của bà Sayragul Sauytbay – một phụ nữ người Kazakhstan ở Trung Quốc và là một trong những nhân chứng đầu tiên vào năm 2018 – lên tiếng cáo buộc là bà đã bịa đặt công việc phải làm trong một trại và đã đào thoát khỏi Trung Quốc để trốn nợ”.

Mời đọc thêm: Đụng độ leo thang ở Myanmar, thêm người thiệt mạng (NLĐ). – Đại sứ Myanmar giơ biểu tượng phản đối đảo chính trong phiên họp LHQ (TP). – Vai trò của Trung Quốc trong đảo chính ở Myanmar và tác động đến Việt Nam (RFA). – Đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc lên án tập đoàn quân sự (RFI).

Duy Ngô Nhĩ : Phương Tây dồn dập lên án, Trung Quốc tìm cách phản công (RFI). – Quốc hội Hà Lan cáo buộc ‘diệt chủng’ ở Trung Quốc, Trung Quốc phản đối (TT). – Mỹ để ngỏ khả năng tẩy chay Olympic Bắc Kinh, Trung Quốc giận dữ đáp trả (DT). – Người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương: Sự im lặng của tổng thống Pháp (RFI).

***

Thêm một số tin: Việt Nam: Chính phủ mới ‘cần yên lòng dân về đặc khu kinh tế’ (BBC). Gặp mặt các nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên ủy viên trung ương không tái cử (TT). – Công ty tăng lương nhưng 8.200 công nhân vẫn ngừng việc (PLTP). – RCEP có thực sự mang lại cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt Nam? (RFA).

Quanh tin Việt Nam vinh danh 12 cán bộ an ninh ‘vì vụ bắt cóc ở Đức’ (BBC). – Báo đảng gỡ bài Bộ Ngoại Giao CSVN trả lời cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (NV). – Hạ Viện Mỹ thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế của tổng thống Biden (RFI). – Chính quyền Biden giúp tiểu thương yếu thế, người Việt ‘nên tranh thủ’ (VOA).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây