Vào nội dung chính
VIỆT NAM - XÃ HỘI DÂN SỰ

Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc tố cáo Việt Nam đàn áp các nhà tranh đấu môi trường

Chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc tố cáo chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp giới tranh đấu bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là ‘‘những nhà hoạt động  môi trường’’.

Ảnh lưu trữ : Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng.
Ảnh lưu trữ : Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng. © CHANGEVN
Quảng cáo

Ông Surya Deva, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền phát triển, đã thăm Việt Nam từ ngày 06/11 đến 15/11/2023. Theo AFP, hôm qua, 15/11, ngày cuối cùng của chuyến đi, trả lời báo giới, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh là chính quyền cần để cho xã hội dân sự lên tiếng : ‘‘Tôi nghĩ rằng trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, cần chấp nhận các quan điểm khác biệt và bất đồng, bởi những người bất đồng chính kiến không có ý đồ chống lại đảng hay Nhà nước’’.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Surya Deva chỉ trích việc chính quyền ‘‘sử dụng luật pháp một cách có chủ đích để chống lại một số nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà tranh đấu vì khí hậu hay các nhà bảo vệ nhân quyền về phương diện môi trường’’. Kể từ năm ngoái đến nay, chính quyền Việt Nam bắt giữ và kết án tù tổng cộng năm nhà hoạt động môi trường, bị khép tội ‘‘gian lận thuế’’.

Trong số những người bị bắt, có nhà tranh đấu nổi tiếng Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Change, chuyên chống nạn ô nhiễm và nạn buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã. Cuối tháng 9/2023, đến lượt bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc Công ty Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam, bị bắt giữ, với cáo buộc ‘‘chiếm đoạt tài liệu nội bộ liên quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN’’.  Bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt một tháng sau khi nhóm các nhà tài trợ quốc tế - gồm Hoa Kỳ và Liên Âu - cam kết huy động 15,5 tỉ đô la hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Công ty của bà Ngô Thị Tố Nhiên có tham gia triển khai dự án của JETP.

Hồi đầu năm 2023, một nhà tranh đấu khác, bà Ngụy Thị Khanh, được trả tự do sau hơn một năm giam giữ. Từng được trao tặng giải thưởng Goldman, được coi như giải Nobel môi trường, bà Ngụy Thị Khanh nổi tiếng về các nỗ lực chống lại các dự án gia tăng điện than tại Việt Nam.

Trong một bức thư gửi báo cáo viên Liên Hiệp Quốc trước chuyến thăm của báo cáo viên Liên Hiệp Quốc, nhóm Projet 88, chuyên bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam, cho rằng ‘‘các vụ bắt bớ nói trên gây nghi ngờ về cam kết phát triển bền vững của chính quyền Việt Nam’’, ‘‘trong số các nhà tranh đấu về chính sách năng lượng và môi trường bị bắt giam, nhiều người đang làm việc cho chính phủ Việt Nam, và về chính các chính sách được coi là ưu tiên của chính phủ’’.

Phó chủ tịch Ban Dân Nguyện Quốc Hội bị bắt

Ông Lưu Bình Nhưỡng, 60 tuổi, phó trưởng Ban Dân Nguyện, đã bị Công An tỉnh Thái Bình bắt tại phi trường Nội Bài, Hà Nội, vào đêm 14/11/2023. Theo công an Việt Nam, vụ bắt giữ, khởi tố ông Lưu Bình Nhưỡng là nằm trong ‘‘quá trình điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường, biệt hiệu Cường “Quắt,” 37 tuổi, với cáo buộc đồng phạm của ‘‘nhóm giang hồ cưỡng đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp khai thác cát.”

Theo AFP, ‘‘hiện tại không có bất cứ thông tin nào’’ về quan hệ giữa giới chức bị bắt và nghi phạm Phạm Minh Cường được công an Việt Nam công bố. Ông Lưu Bình Nhưỡng là tiến sĩ luật, từng được nhiều báo chính thức ở Việt Nam ca tụng là “người đại biểu của dân.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.