Bảo tồn kiến trúc Pháp ở Hà Nội: Trường hợp biệt thự Trần Hưng Đạo

Hà Nội, với một quá khứ thuộc địa Pháp, đã sở hữu một khối kiến trúc mà thời gian đã đưa nó trở thành một di sản văn hóa, góp phần tô điểm thêm vẻ duyên dáng và thanh lịch cho thành phố này. Với ý nghĩa đó, khối di sản kiến trúc tự nó vượt lên trên những giá trị kinh tế và đòi hỏi được bảo tồn.

Căn biệt thự trên phố Trần Hưng Đạo vẫn đang được trùng tu. Ảnh: Mỹ Hạnh.

Chúng tôi biết rằng, các vấn đề về bảo tồn và phát triển di sản đã trở thành mối quan tâm tại Hà Nội vào giữa những năm 1990 khi đất nước mở cửa cho đầu tư quốc tế và và rất nhanh chóng, kiến trúc của khu phố cổ Pháp trở thành một chủ đề trung tâm. Ban UBND TP. Hà Nội, với vai trò là chủ sở hữu của nhiều biệt thự, đã đặt câu hỏi về giá trị đất đai của di sản này, xem nó như một bất động sản hơn là công trình cần được bảo tồn. Tuy nhiên, quan điểm của các nhà lãnh đạo đã tiến bộ theo hướng bảo tồn di sản thuộc thời kỳ thuộc địa, được thúc đẩy bởi không chỉ mục tiêu gìn giữ văn hóa, mà còn tăng giá trị kinh tế của di sản này cũng như khu trung tâm thành phố.

Các cơ quan chính quyền địa phương tại Hà Nội đã triển khai một chính sách phân loại và bảo tồn di sản, và các chuyên gia Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn trong việc phục hồi di sản truyền thống Việt Nam (chùa, đền và nhà cổ). Tuy nhiên, kiến trúc này với cấu trúc gỗ khác rất nhiều so với kiến trúc bằng gạch được xây dựng trong thời kỳ thuộc địa Pháp (1873-1954). Do đó, vùng Île-de-France và Ủy ban Nhân dân Hà Nội đã tham gia hợp tác phi trung ương từ năm 1989 và những thách thức trong việc bảo vệ di sản đã rất nhanh chóng trở thành một chủ đề quan trọng của sự hợp tác này – vào năm 1996, lần đầu tiên các tòa nhà trường trung học Chu Văn An được trùng tu (tòa nhà nhà hiệu trưởng, toà nhà lớp học). Năm 2007, theo yêu cầu của phòng kiến ​​trúc và quy hoạch đô thị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, một nghiên cứu lớn về nâng cao giá trị di sản trong khu phố cổ Pháp đã bắt đầu, bao gồm việc lập danh sách di sản thuộc thời kỳ thuộc địa (công trình công cộng và tư nhân) trong khu vực phía nam hồ Hoàn Kiếm và khu Ba Đình. Danh sách này đã cho phép xếp hạng hơn 500 công trình là nổi bật, đáng chú ý hoặc phụ. Giai đoạn thứ hai của chương trình này (năm 2009) bao gồm việc đề xuất một kế hoạch tổng thể với các nguyên tắc giới hạn xây dựng trong hai khu vực nghiên cứu. Một số phân khu đã được xác định để bảo tồn một không gian đô thị cụ thể, chẳng hạn như phân khu nhà thờ lớn, phân khu xung quanh hồ Thiền Quang, hoặc phân khu Nhà hát Opera. Quy hoạch tổng thể này cũng cố gắng làm nổi bật các trục đô thị chính được vẽ bởi các đường phố của khu phố cổ của Pháp.

Điều cần thiết là phải có một tầm nhìn đô thị về tương lai cho các lĩnh vực di sản, không bị trói buộc trong quá khứ, mà ngược lại, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đô thị và kinh tế của thành phố Hà Nội.

Như vậy, di sản kiến ​​trúc của nửa đầu thế kỷ 20 không phải là sự tích tụ của những tòa nhà biệt lập, mà được hiểu là di sản đô thị, một hệ thống đô thị có ý nghĩa với không gian công cộng, đặc biệt là vỉa hè rộng và hàng cây xanh. Điều cần thiết là phải có một tầm nhìn đô thị về tương lai cho các lĩnh vực di sản, không bị trói buộc trong quá khứ, mà ngược lại, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đô thị và kinh tế của thành phố Hà Nội. Cuối cùng, giai đoạn ba của chương trình (năm 2010) là xây dựng một dự án quy định kiến trúc và đô thị cụ thể cho khu vực này. Dự án quy định này nhằm tôn vinh di sản thuộc thời kỳ thuộc địa trong sự phát triển của Hà Nội, bằng cách áp dụng các hướng dẫn và quy định được đề xuất trong kế hoạch tổng thể. Do đó, quy mô kiến trúc được đề cập, đặc biệt bằng cách đề xuất giới hạn chiều cao, khuyến nghị về mặt tiền và các công trình chính. Quy mô đô thị cũng là một phương tiện quan trọng để nâng tầm giá trị: tăng cường giá trị của các trục đường thông qua kiểm soát công trình mới (chiều cao, kích thước, khoảng cách so với đường…) và quản lý các hoạt động (dịch vụ, thương mại…).

Căn biệt thự trước khi trùng tu. Ảnh: tác giả cung cấp.

Một dự án kiểu mẫu

Chính trong khuôn khổ chương trình này, dự án trùng tu biệt thự hai tầng có diện tích 174m2, được xây dựng trên một miếng đất có diện tích 993m2 tại góc đường Trần Hưng Đạo và Hàng Bài đã bắt đầu. Biệt thự đã được xếp hạng trước đó trong nghiên cứu khảo sát năm 2007 như một công trình “đáng chú ý”, với tính chất kiểu mẫu trung bình, tổng thể tòa nhà được cho là khá xuống cấp, đã có sự sửa chữa (đặc biệt là trên mặt tiền đường Hàng Bài và các phần mở rộng xung quanh biệt thự). Tuy nhiên, căn biệt thự có tính thống nhất đô thị rất đáng chú ý (nằm ở góc đường và miếng đất rộng có hàng rào).

Bản vẽ tòa biệt thự. Ảnh: tác giả cung cấp.

Từ năm 2009, UBND TP. Hà Nội đã xác định biệt thự này phù hợp cho một dự án thử nghiệm phục hồi di sản, một phần nhằm hiện thực hóa kinh nghiệm phục hồi kiểu mẫu, và một phần nhằm minh họa các khuyến nghị được đưa ra trong kế hoạch tổng thể của khu vực và quy định liên quan. Dự án này có hai mục tiêu, đầu tiên là phục hồi chính biệt thự và khu vườn để nâng cao giá trị tổng thể; thứ hai là sẽ sử dụng khu đất để tạo thành một tòa nhà mẫu của kiến trúc Pháp tại Hà Nội, một trung tâm diễn giải di sản thế kỷ 20. Việc xây dựng trung tâm diễn giải di sản sẽ được tổ chức thành ba phần: tái hiện hai phòng được trang trí giống như đầu thế kỷ 20 tại Hà Nội; tạo cảnh tái hiện quá trình phục hồi của biệt thự (trưng bày các yếu tố kiến trúc ban đầu, quy trình phục hồi và một bản tin được thực hiện trong quá trình phục hồi); triển lãm trình bày cuộc sống đô thị tại Hà Nội vào đầu thế kỷ 20.

Khi bắt tay lên kế hoạch cho dự án này, chúng tôi không nghĩ rằng quá trình triển khai dự án lại tốn rất nhiều thời gian đến vậy. Nguyên nhân là do các vấn đề hành chính liên quan đến việc xác nhận và phê duyệt các giai đoạn khác nhau của dự án trong hệ thống Việt Nam (thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bổ nhiệm chủ đầu tư, nghiên cứu ban đầu, dự án phục hồi, dự án vận hành…).

Năm 2014, một cuộc khảo sát chi tiết về biệt thự đã được tiến hành do sự ủy thác của Văn phòng hợp tác giữa Hà Nội và vùng Île-de-France, PRX-Việt Nam (trước đây có tên là Institute of City Trades – IMV, cho đến năm 2017) cho một kiến trúc sư người Pháp, Nicolas Viste – một chuyên gia về di sản. Công việc khảo sát không thực sự như mong đợi bởi vào thời điểm đó, mảnh đất vẫn đang được sử dụng nên không thể có một nghiên cứu hoàn chỉnh, tuy nhiên, giai đoạn quan trọng này của dự án đã cho phép có thông tin kỹ thuật khá sâu về công trình: cấu trúc, vật liệu xây dựng, tổ chức bên trong của ngôi nhà (phân phối), kỹ thuật xây dựng… Khảo sát được bổ sung bằng một nghiên cứu về các vấn đề của công trình. Việc phân tích các vết nứt hiện rõ đã giúp hiểu rõ hơn về tình trạng rối loạn cấu trúc diện nhẹ của một phần của tòa nhà và đưa ra các đề xuất can thiệp để khắc phục. Cuối cùng, nhờ vào một đề xuất phục hồi, dựa trên kiến thức thu thập được từ việc chẩn đoán di sản tuy vẫn còn thiếu sót nhưng đủ để giúp chúng ta hình dung ngôi biệt thự trước khi các công trình xây dựng bổ sung được tiến hành, và nằm giữa một miếng đất rộng lớn của khu vườn riêng tư.

Chúng tôi coi dự án biệt thự Trần Hưng Đạo là kiểu mẫu bởi những nghiên cứu tiền đề như thế  này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi tại Hà Nội. Phương pháp chẩn đoán cấu trúc và di sản, đặc biệt nổi tiếng và được áp dụng rộng rãi ở Pháp, có thể cung cấp thông tin chi tiết về công trình di sản cần bảo tồn và phục hồi, đồng thời giúp đưa ra quyết định về các biện pháp can thiệp có thể được điều chỉnh phù hợp với thực tế mảnh đất, cũng như khả năng tài chính của khách hàng, khả năng của các doanh nghiệp địa phương…

Hơn nữa, một bản tường trình chi tiết về tình trạng biệt thự với một bản vẽ kiến trúc kinh điển: sơ đồ mặt cắt và mặt tiền cũng như một báo cáo chính xác bằng văn bản, giúp chẩn đoán chất lượng kiến trúc của công trình, giá trị lịch sử và giá trị niên đại của nó.

Ngôi biệt thự Trần Hưng Đạo khá tiêu biểu cho tất cả các công trình thời Pháp ở Hà Nội. Đây không phải là những bản sao của các công trình kiến ​​trúc của Pháp vốn chỉ đơn giản là được di dời đến đây ở Viễn Đông, mà là những công trình kiến ​​trúc phương Tây được điều chỉnh cho phù hợp với Hà Nội.

Các nghiên cứu để chẩn đoán và ghi lại tài liệu này đã giúp chúng tôi có thêm hiểu biết về kiến thức biệt thự. Nó cho thấy sự sáng tạo và linh hoạt của các kiến trúc sư Pháp khi thiết kế lên một tòa nhà Pháp phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới: sử dụng hầm móng [khoảng bò]; một thiết bị giúp nâng cao công trình và cách khỏi mặt đất. Hệ thống đặc biệt hữu ích tại Hà Nội để phòng tránh tình trạng ẩm ướt đến từ mặt đất; sử dụng nhiều loại gạch; cấu trúc sàn dạng vòm: thanh thép chịu lực được cách đều nhau, gạch vòm và vật liệu nhồi đá vụn cho cấu trúc chính; xà gồ và sàn gỗ cho cấu trúc phụ; hệ thống xây dựng đặc biệt hợp lý: độ dày của tường giảm theo tải trọng của nó, dày đặc cho móng và hầm móng, mỏng hơn cho tầng 1 và mỏng hơn nữa cho tầng 2; thi công mái kín chống rò truyền thống cho sân thượng với hai lớp chống thấm và hệ thống thoát nước mưa; cấu trúc kết cấu gỗ và thép hỗn hợp, với thanh thép là cấu trúc chính và gỗ là cấu trúc cho dầm và lithos; các lò sưởi hiện diện trong tất cả các phòng được gia đình sử dụng thường xuyên, một số đã biến mất ở tầng 1 nhưng dấu vết cho thấy sự tồn tại ban đầu của chúng trong ngôi nhà; thiếu phòng bếp trong ngôi nhà, điều này có nghĩa là nó được đặt trong một tòa nhà phụ (dấu vết đã được khôi phục lại sau này ở góc Tây Nam của khu đất), chỉ có một gian bếp phụ để chuẩn bị dụng cụ ăn uống trong phòng ăn; chỉ có một phòng tắm (phòng tắm và nhà vệ sinh) cho toàn bộ biệt thự.

Để cố gắng hiểu rõ hơn về nguồn gốc của biệt thự, PRX-Vietnam đã tiến hành các nghiên cứu bổ sung, tìm kiếm tài liệu và hồ sơ. Vì đây là một ngôi nhà riêng tư, không có hồ sơ lưu trữ ở các trung tâm công cộng – cả ở Pháp và Việt Nam nên hình ảnh duy nhất được tìm thấy là một bưu thiếp, trên đó gia đình đứng cùng với những người hầu Việt Nam trước ban công phía khu vườn. Thời đó, việc chụp ảnh chưa được phổ biến nên các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chỉ chụp ảnh cho những người muốn được chụp để họ có thể in thành bưu thiếp gửi về cho gia đình ở Pháp. Gia đình Pháp chủ ngôi biệt thự này có vẻ khá mộc mạc nhưng rất khá giả: quần áo, đặc biệt là của bốn đứa trẻ, khá là đắt tiền. Sự hiện diện của bốn người hầu Việt Nam cũng cho thấy tình hình kinh tế tốt của các định cư trong ngôi nhà này. Bức ảnh duy nhất này cũng cho thấy ban công (đã biến mất) phía khu vườn và một phần của tường nhà với hệ thống sọc xen kẽ (vữa/gạch).

Lớp sơn phủ bên ngoài và bên trong của tường ở trong tình trạng tồi tệ nhưng chúng vẫn còn nguyên vẹn và cho thấy rất nhiều lớp trát liên tiếp chồng lên nhau. Các mặt tiền được tạo thành từ các dải xen kẽ: một dải màu vàng và một dải khác được tạo thành từ 4 hàng gạch giả màu đỏ với các mối nối được đánh dấu rõ ràng. Ảnh: tác giả cung cấp.

Việc đọc và phân tích các bản đồ cũ của Hà Nội còn tiết lộ những thông tin thú vị về Hà Nội thời đó mà nay đã mai một với chính người Hà Nội. “Bản đồ quy hoạch thành phố Hà Nội” năm 1890 do V. Leclanger, trưởng phòng dịch vụ đường giao thông công cộng, vẽ lên, cho thấy dự án quy hoạch khu phố hình lưới đều đặn phía Nam hồ Hoàn Kiếm, nhưng không có biệt thự. Tuy nhiên, nó rõ ràng cho thấy đường Trần Hưng Đạo (khi đó được gọi là đường Gambetta) đã hoàn thành, rộng rãi và là hình mẫu cho khu phố Pháp. Ngược lại, đường Hàng Bài vẫn chưa tồn tại, chỉ có một con đường mang tên là “đường Huế” đi về phía Nam và đi qua một số làng trước khi đi qua “cổng Huế” nằm phía Nam. “Bản đồ vùng ngoại ô Hà Nội” năm 1893, do các ông MM. Husson, Desplanques, Peltier và Spicq (các công trình khảo sát thực địa đã được thực hiện từ tháng 12/1892 đến tháng 3/1893), trình bày cùng một tình trạng: không có nhà ở vị trí này và đường Huế. Tuy nhiên, “Bản đồ thành phố Hà Nội” năm 1898, do Văn phòng Đo đạc của quân đội Đông Dương lập, hiển thị khu đất theo trạng thái hiện tại, với một biệt thự ở trung tâm và một công trình phụ ở góc Tây Nam. Ở đây, “đường Huế” được thể hiện rộng hơn một chút, nhưng vẫn chưa thẳng và chưa được cải tạo thành đường phố đô thị. Các bản đồ năm 1911 và 1922 cho thấy tình hình tương tự cho khu đất và biệt thự, nhưng “đường Huế” đã trở thành “Đại lộ Đồng Khánh”, rộng và mang dáng dấp đô thị, hiện đã có một tuyến đường điện rõ ràng trên bản đồ năm 1911.

Do đó, đã có thể xác định thời điểm xây dựng của biệt thự từ năm 1893 đến 1898 và lối vào chính nằm trên đường Gambetta (hiện là đường Trần Hưng Đạo), trong khi mặt tiền đường Hàng Bài hướng ra một khu vườn lớn đã bị thu nhỏ một phần trong quá trình mở rộng “đường Huế” để trở thành “Đại lộ Đồng Khánh” vào đầu thế kỷ 20. Điều này cũng được xác nhận bởi bố trí bên trong của biệt thự: phòng đầu tiên trên mặt tiền phía Tây là một phòng tiếp đón cho tất cả các phòng khác trên tầng một và cũng cho phép tiếp cận cầu thang dẫn lên tầng hai. Phòng đầu tiên hướng ra mặt tiền đường Hàng Bài là một phòng tiếp khách mở ra một ban công cho phép đi xuống vườn bằng một cầu thang. Cách tổ chức bên trong phòng phù hợp với các ngôi nhà được xây dựng tại Pháp trong cùng thời kỳ cuối thế kỷ 19.

Công trình xây dựng này đã là một giai đoạn quan trọng khác trong việc làm giàu kiến thức về tòa nhà. Chính thức bắt đầu vào tháng 12/2019 với sự hiện diện của Đại sứ Pháp, các công việc đầu tiên đã bao gồm việc làm sạch biệt thự và gỡ bỏ các thành phần cũ quá hư hỏng.

Giai đoạn ban đầu này của công trình trên biệt thự đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về các vật liệu xây dựng được sử dụng và các kỹ thuật thực hiện chúng – những câu chuyện về sự chọn lựa của những bậc tiền bối cách đây cả trăm năm chợt trở nên thú vị vô cùng, khi những thông tin khá chi tiết được hé lộ. Ví dụ, sự đa dạng về vật liệu/gạch xây dựng cho công trình nhà biệt thự – một số gạch được sản xuất tại Việt Nam (đôi khi có in tên hoặc viết tắt của các công ty sản xuất gạch Việt Nam), trong khi các yếu tố khác như gạch tommette được sử dụng cho sàn tầng một được nhập khẩu từ Pháp (tất cả các loại gạch tommette được tìm thấy cũng có in tên một công ty sản xuất nằm tại Var – một tỉnh miền Nam Pháp nổi tiếng với loại gạch này). Cuối cùng, một số gạch đất sét lớn, có khi màu đỏ, có khi màu xám đậm, có vẻ như là vật liệu tái chế từ địa phương. Sau những cuộc thảo luận với các chuyên gia và nhà sử học, hoàn toàn có khả năng chúng có nguồn gốc từ công trình phá hủy tường thành Thành cổ Thăng Long Hà Nội diễn ra cùng thời điểm xây dựng nhà biệt thự.

Bức ảnh hiếm hoi về chủ nhân của ngôi biệt thự. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Mặt khác, phương pháp tái chế vật liệu xây dựng như vậy hết sức điển hình trong các xã hội tiền công nghiệp. Những lớp sơn phủ bên ngoài và bên trong của tường ở trong tình trạng tồi tệ nhưng chúng vẫn còn nguyên vẹn và cho thấy rất nhiều lớp trát liên tiếp chồng lên nhau. Do đó, việc phân tích hình ảnh trước khi thực hiện công trình và các lớp trát cũ nhất đã cho chúng ta biết rằng các mặt tiền được tạo thành từ các dải xen kẽ: một dải màu vàng và một dải khác được tạo thành từ bốn hàng gạch giả màu đỏ với các mối nối được đánh dấu rõ ràng. Tất cả các yếu tố đúc (gờ, khung cửa sổ, v.v.) trước tiên được làm bằng gạch, cắt và điêu khắc nếu cần, trước khi phủ một lớp vôi đồng nhất. Các cửa sổ được lắp đặt trong hệ thống khung cửa sổ/cánh rèm, được lồng vào kết cấu của tường. Các điểm dừng cánh rèm với hình “đầu bà nữ nông dân” – một đặc trưng của các ngôi nhà Pháp từ thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20 – được sử dụng để giữ cánh rèm lớn trong vị trí mở. Nền đất tự nhiên của khu đất thấp hơn hiện nay khoảng 45 cm. Một hệ thống thoát nước xung quanh biệt thự giúp thoát nước mưa.

Những khó khăn hiện hữu

Công việc cải tạo khu biệt thự Trần Hưng Đạo hiện đang diễn ra và việc khám phá cũng đang tiếp tục. Tuy nhiên, các phương tiện tài chính và kỹ thuật hiện có ở Việt Nam không cho phép thực hiện một dự án trùng tu di sản thực sự.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều kỹ thuật được áp dụng để bảo tồn di sản. Tại Hà Nội, các đội kỹ thuật của quận Hoàn Kiếm hiện có thể phát triển các dự án trùng tu các công trình kiến ​​trúc truyền thống kiểu Chùa, Phủ hoặc Đền, chẳng hạn như tòa nhà ở 26 Hàng Buồm, phố Đinh Liệt Hàng Bạc hoặc tòa nhà trên phố Hàng Bạc hay Phố Lãn Ông. Tuy nhiên, việc làm chủ các kỹ thuật cũ của phương Tây, được sử dụng một phần trong các ngôi nhà thời Pháp thực sự chưa thể áp dụng được trọn vẹn. Một dự án phục hồi thực sự cho một biệt thự như vậy sẽ yêu cầu sử dụng các vật liệu cụ thể và kỹ thuật cổ xưa. Cuối thế kỷ 19 là thời kỳ trong lịch sử kiến ​​trúc mà các vật liệu hiện đại không tồn tại hoặc rất hiếm khi được sử dụng như bê tông, xi măng, nhôm, vật liệu nhựa và hợp chất… Ví dụ, mạng điện được đặt bên ngoài các bức tường, và các ổ cắm bằng sứ được dùng làm vật cách điện thay cho dây cáp bọc vải. Lý tưởng cho một dự án trùng tu là tái sử dụng loại vật liệu này nhưng vẫn không thể thực hiện được ở Hà Nội. Một giải pháp có thể là nhập khẩu loại thiết bị này từ Pháp hoặc châu Âu, nhưng xu hướng của dự án này là đảm bảo toàn bộ dự án được thực hiện tại địa phương. Các chuyên gia người Pháp chỉ được ủy quyền cho các nghiên cứu sơ bộ – nghiên cứu chẩn đoán di sản, và để hỗ trợ vận hành trên công trường.

Do đó, các kết luận tạm thời của dự án này như sau:

Càng có nhiều kiến ​​thức về các kỹ thuật được sử dụng trong quá trình xây dựng của biệt thự, thì càng có vẻ rõ ràng rằng đó là một công trình xây dựng kết hợp. Hình dạng và tổ chức không gian hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn phương Tây. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi khu vực này thực sự là một ngôi nhà của một gia đình người định cư ở Hà Nội trong giai đoạn đầu của sự hiện diện của người Pháp. Phong cách kiến ​​trúc tân cổ điển cũng tương ứng với công năng sử dụng của thời kỳ này. Phong cách này được các cơ quan công quyền và cộng hòa Pháp đánh giá cao, tượng trưng cho sự ổn định của Nhà nước và sự tinh tế của văn hóa chính thức Pháp.

Đối với các kỹ thuật xây dựng được sử dụng, sự khác biệt rất rõ rệt: chúng ta đang chứng kiến sự kết hợp giữa các kỹ thuật phương Tây và các phương pháp thực hiện địa phương. Ví dụ, trong việc xây dựng cấu trúc chính, việc sử dụng vật liệu từ việc tái chế, nhập khẩu hoặc địa phương chứng tỏ sự thích ứng với các nguồn tài nguyên địa phương vào thời điểm xây dựng.

Trần nhà, mịn và màu trắng, với một hỗn hợp của vôi và rơm đặt lên cấu trúc nứt được giữ bởi dầm gỗ. Kỹ thuật này giống với những gì thực hiện ở Pháp, nhưng ở đây, hỗn hợp vôi và rơm thay thế thạch cao/vữa (plâtre) truyền thống được sử dụng ở Pháp. Hỗn hợp này chắc chắn hiệu quả hơn để chống lại độ ẩm của Hà Nội. Do đó, một số kỹ thuật được điều chỉnh phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, trong khi các kỹ thuật khác thích ứng với các kỹ năng địa phương.

Ở thời điểm công việc bảo tồn vẫn đang diễn ra, chúng tôi chỉ có thể đưa ra một số nhận xét là ngôi biệt thự Trần Hưng Đạo khá tiêu biểu cho tất cả các công trình thời Pháp ở Hà Nội. Đây không phải là những bản sao của các công trình kiến ​​trúc của Pháp vốn chỉ đơn giản là được di dời đến đây ở Viễn Đông, mà là những công trình kiến ​​trúc phương Tây được điều chỉnh cho phù hợp với Hà Nội. Chúng có thể được định nghĩa đúng hơn là các tòa nhà Pháp-Việt: được thiết kế bởi và dành cho người phương Tây, nhưng được xây dựng bởi các công ty và công nhân Việt Nam, những người mang bí quyết và kiến ​​thức của họ. Ngày nay, đây là một lĩnh vực đặc biệt thuận lợi cho sự hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, tiếp tục sự hợp tác này và kết hợp kiến ​​thức của mỗi bên vì lợi ích của việc phục hồi di sản đáng chú ý này của Hà Nội. □

Đinh Hạnh Duyên dịch

Tác giả: Giám đốc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX Việt Nam)

Tác giả