Báo Trung Quốc nhận nhầm ảnh Việt Nam

08/01/2014 03:00 GMT+7

Nhân Dân nhật báo Trung Quốc, phiên bản trên mạng bằng tiếng Pháp, vừa giới thiệu một chùm ảnh màu về Trung Quốc. Tuy nhiên, trong đó có những bức ảnh chụp Bắc kỳ (tên gọi cũ của miền Bắc Việt Nam thời thuộc Pháp).

Ông Đinh Trọng Hiếu, nhà dân tộc học của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp đã không thể ngồi yên khi nhìn thấy bài báo có tên Người Pháp Albert Kahn mang ảnh màu tới Trung Quốc (Le Francais Albert Kahn donne des couleurs à la Chine), vì theo ông trong đó có những hình ảnh chụp Bắc kỳ - tên gọi cũ của miền Bắc Việt Nam thời thuộc Pháp đầu thế kỷ 20. Ông Hiếu đã viết thư cho TS Phạm Xuân Thạch, Phó chủ nhiệm Khoa Văn học, ĐH Quốc gia Hà Nội, nêu rõ sự việc, kèm theo đường dẫn của bài báo trên tại địa chỉ http://french.peopledaily.com.cn/Culture/8465978.html.

 
Bức Móng tay nhà nho tại triển lãm ảnh tại Trung tâm văn hóa Pháp - Ảnh: Trinh Nguyễn chụp lại từ màn hình

Tại đường dẫn trên, phần nội dung của bài báo ghi rõ: “Loạt ảnh màu này cho chúng ta thấy Trung Quốc cách đây 100 năm, dưới triều Mãn Thanh. Hình ảnh được chụp bởi những nhiếp ảnh gia được người Pháp Albert Kahn tài trợ và là những ảnh màu đầu tiên của Trung Quốc”.

Tuy nhiên trong 10 bức ảnh màu đó có những bức ảnh hiện đang trưng bày tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình hợp tác nhân Mùa Pháp tại Việt Nam, dựa trên ý tưởng của nhà sử học Emmanuel Poisson, ĐH Paris Diderot và ông Đinh Trọng Hiếu, nhà dân tộc học của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Cụ thể có bức ảnh Móng tay của nhà nho ghi lại hình ảnh móng tay dài của cụ đồ đất Bắc - người xưa thường gọi là móng tay lá lan. Hai bức ảnh khác ghi lại phố Hà Nội, được Trung tâm văn hóa Pháp chú thích là phố Hàng Thiếc và phố bán đèn lồng đầu thế kỷ 20. Bức thứ tư chụp các vị quan phụ trách vùng Hà Nội năm 1915. Các tác phẩm này đều do Léon Busy chụp, thuộc dự án của Albert Kahn.

 
Cũng bức ảnh đó trên trang tiếng Pháp của Nhân Dân nhật báo - hình ảnh được cho là của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại rìa bức ảnh có chữ Tonkin - tên gọi miền Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc

Chiều 6.1, Thanh Niên đã liên lạc với Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace tại Hà Nội, đề nghị cho biết xuất xứ của những bức ảnh trên. Câu trả lời rất rõ ràng: “Trung tâm văn hóa Pháp khẳng định ba trong bốn bức ảnh trên được sử dụng trong triển lãm tại trung tâm đều là những hình ảnh của Hà Nội, do tác giả Léon Busy chụp vào những năm đầu thế kỷ 20. Những bức ảnh này hiện đang được lưu trữ tại kho lưu trữ toàn cầu, Bảo tàng Albert Kahn của Pháp. Việc phân loại và lưu trữ những bức ảnh này được thực hiện rất chuyên nghiệp nên khả năng sai sót là rất ít. Ngoài ra, bảo tàng còn lưu trữ cả thông tin đi kèm về tác giả, ngày tháng và địa điểm chụp của từng bức ảnh”.

Cũng chiều 6.1, nhà sử học Emmanuel Poisson qua thư điện tử đã xác nhận nguồn gốc của ba bức ảnh chụp ở Hà Nội. Chúng đều thuộc kho lưu trữ của Bảo tàng Albert Kahn. Riêng bức ảnh thứ tư, chụp các vị quan lại, ông gửi đường dẫn một bài viết khoa học chứng minh rằng đó cũng là một tác phẩm của Léon Busy chụp tại Việt Nam. Trong thư, ông còn nói rõ, trong dự án với Albert Kahn, Léon Busy không hề tới Trung Quốc.

Theo TS Phạm Xuân Thạch, “Điều hết sức khó hiểu là các bức ảnh của Albert Kahn đều được chú giải rõ ràng về nơi thực hiện. Trong đó, ta có thể thấy tấm thứ ba (tấm Móng tay nhà nho - NV) vẫn còn chú thích ảnh Bắc kỳ Việt Nam - ghi trong ảnh là Tonkin)”. “Bất luận thế nào, sự nhầm lẫn này cũng có thể gây ra những hiểu lầm tai hại. Các cơ quan chức năng Việt Nam cần có phản hồi với Nhân Dân nhật báo để có sự đính chính ngay”, TS Thạch đề nghị.

Trinh Nguyễn

>> Dấu ấn văn hóa Pháp- Việt
>> 6 chương trình trong Tuần văn hóa Pháp tại Đà Lạt
>> Triển lãm dấu ấn di sản văn hóa Pháp ở Việt Nam
>> Trung Quốc tràn lan sách trẻ em nội dung bạo lực, khiêu dâm
>> Lũ lụt nghiêm trọng tại Trung Quốc, Nga 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.