BIÊN NIÊN SỬ BẰNG ÂM THANH VÀ SỰ THẬT LỊCH SỬ


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Nhạc sĩ Vũ Mão: "Không chỉ sáng tạo mà còn phải phát huy truyền thống..."

Nhạc sĩ Vũ Mão: “Không chỉ sáng tạo mà còn phải phát huy truyền thống…”

Sau vụ án kết tội hai nhạc sĩ trẻ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình sáng tác truyền bá những bài hát về đề tài “lịch sử và yêu nước” cùng với những hoạt động khác của họ được cho là “tuyên truyền chống phá nhà nước”, đã diễn ra cuộc tọa đàm “Sáng tạo âm nhạc về đề tài lịch sử” với sự tham gia của nhiều thế hệ nhạc sĩ, các nhà lý luận phê bình, do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức (2.11.2012).

Cuộc tọa đàm này hình như không nhắc gì đến các bài hát về đề tài “lịch sử và yêu nước” của Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, mà chủ yếu “nhìn lại” một khối lượng đồ sộ những tác phẩm âm nhạc viết về đề tài lịch sử của Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay với nhiều hình thức như ca khúc, hợp xướng, nhạc hòa tấu, nhạc giao hưởng, hợp xướng giao hưởng, kịch hát và nhạc kịch (Opera), v..v… khẳng định sức mạnh vô bờ của âm nhạc kích hoạt lòng yêu nước và kháng chiến. Vì thế mà nhạc sĩ Huy Thục đề nghị Nhà nước nên trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam vì âm nhạc thực sự  là vũ khí trong kháng chiến cứu nước.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng nhắc nhở rằng, các nhạc sĩ viết về đề tài lịch sử cần phải tôn trọng sự thật lịch sử. Ông kể rằng, gần đây có nhà xuất bản muốn in bài hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” (tên chính thức là Chiến đấu vì Độc lập Tự do) trong một tuyển tập ca khúc của thời kỳ sau 1975 nhưng đề nghị nhạc sĩ sửa lại một số từ trong lời hát “Quân xâm lược bành trướng dã man”. Ông không đồng ý và bài hát đã không được đưa vào tuyển tập. Ông nói: “Nếu hôm nay tôi sửa theo ý họ, mai tình hình khác, chẳng lẽ tôi lại phải sửa nữa hay sao. Vấn đề ở đây là phải tôn trọng lịch sử như nó đã có”. Ông cũng nhắc nhở không nên bịa ra các nhân vật lịch sử (kể cả nhà sử học và nhạc sĩ) để đến nỗi về sau nó trở thành phản tác dụng và làm mất ý nghĩa cao quý của việc sáng tạo nghệ thuật như trường hợp nhân vật Lê Văn Tám – Cây đuốc sống: “Có một thời, hình tượng Lê Văn Tám được các thế hệ thiếu nhi Việt Nam coi như một biểu tượng về lòng quả cảm, anh dũng hy sinh thân mình qua bản giao hưởng Cây đuốc sống của tác giả Nguyễn Đình Tấn với lời tựa được tác giả ghi trân trọng: Ngọn đuốc Lê Văn Tám được đốt lên từ chính thân mình đã soi sáng cho toàn thể thế hệ thiếu nhi Việt Nam mãi mãi về sau. Thế nhưng bỗng một ngày kia, công chúng mới vỡ lẽ ra người anh hùng liệt sĩ ấy chưa từng hiện hữu trên đời này và hành động quả cảm ấy hoàn toàn không có thật!”.  Cũng tương tự như vậy, đã có những bài hát ca ngợi “anh hùng Nguyễn Văn Bé” sau khi được truyền tụng, thì lịch sử lại chứng minh Nguyễn Văn Bé là “một tên chiêu hồi”. Rồi có sự nhầm lẫn anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi thành Nguyễn Văn Trôi (do điện tín viết chữ không dấu), mà sự nhầm lẫn này không thể sửa chữa được lời ca không dấu thành có dấu trong ca khúc tiếng Việt! Ở đây, vấn đề cảm xúc của người sáng tác và người nghe là cảm xúc thật, nhưng nội dung tuyên truyền thì bị sai lệch. Đấy cũng là những “cú hố” mà công cụ tuyên truyền bị vấp phải một cách đáng tiếc.

Nhà nghiên cứ âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng: Ngày hôm nay là lịch sử của ngày mai. Vậy thì viết về ngày hôm nay là nhạc sĩ cũng đang viết về lịch sử. Cũng giống như những ông quan Ngự sử vậy, phải chép đúng những gì đã diễn ra hàng ngày từ trong triều đình đến ngoài xã hội, và những nhà sáng tác về đề tài lịch sử đang ghi lại lịch sử của dân tộc mà đôi khi họ không nghĩ rằng mình đang làm một công việc chép sử bằng cảm xúc và ngôn ngữ nghệ thuật.

Trở lại một số ca khúc của Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, tôi nghĩ họ cũng đã làm công việc chép sử bằng âm thanh. Bài hát “Việt Nam tôi đâu” của Việt Khang là tiếng kêu nhức nhối của người Việt trước nguy cơ bành trướng của “nước bạn” láng giềng đối với dân tộc mà đặc biệt là việc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu đúng như lời khai của Việt Khang là khi bài hát này được truyền bá đã bị người khác sửa câu kết “Chống quân xâm lược cướp nước Việt Nam” thành “Chống quân nhu nhược bán nước Việt Nam” thì thiết nghĩ bài hát này chủ yêu kêu gọi tinh thần yêu nước của dân tộc trước hiểm họa ngoại xâm mà thôi

Việt Nam Ơi
Thời gian qua nửa đời người
Và ta đã tỏ tường rồi
Ôi cuộc đời, ngày sau tàn lửa khói

 

Mẹ Việt Nam đau
Từng cơn xót dạ nhìn đời
Người lầm than đói khổ nghèo nàn
Kẻ quyền uy giàu sang dối gian

Giờ đây
Việt Nam còn hay đã mất
Mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu

Là một người con dân Việt Nam
Lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm
Người người cùng nhau
Đứng lên đáp lời sống núi

Từng đoàn người đi, chẳng hề chi
Già trẻ gái trai, giơ cao tay
Chống quân xâm lược cướp nước Việt Nam.

Ngay cả bài hát “Anh là ai” của Việt Khang cũng là một lời nhắc nhở về lòng yêu thương và tinh thần đoàn kết của người Việt đã có truyền thống từ bao đời nay:

Xin hỏi anh là ai – Sao bắt tôi, tôi làm điều gì sai?
Xin hỏi anh là ai – Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay!
Xin hỏi anh là ai – Không cho tôi xuống đường để tỏ bày
Tình yêu quê hương này, dân tộc này, đã quá nhiều đắng cay

… Xin hỏi anh ở đâu?
Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi?

(Anh Là Ai)

Và đó cũng là thứ âm nhạc chép lại tâm trạng lịch sử mà thôi.

Hoặc bài hát “Rạng ngời nước Nam” của Trần Vũ Anh Bình hát về truyền thống nghìn năm văn hiến của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào cho các thế hệ mai sau. Đây chính là một bài hát về lòng yêu nước:

Một nghìn năm, hồn thiêng sông núi
Một nghìn năm mang lấy dòng máu oai hùng
Một nghìn năm bao lớp người vẫn kiên cường
Đây nước Nam tôi, nghìn năm Thăng Long rạng ngời
Hồn Việt ơi? nghìn năm văn hiến
Lòng trào dâng giọt máu nòi giống tiên rồng
Lời sông núi ôm ấp con cháu bên lòng…
Hai tiếng quê hương sục sôi từng lớp trai hùng…

Con yêu thiết tha giống nòi Việt Nam
Và con yêu thiết tha đất mẹ Việt Nam
Nghìn năm văn hiến thêm tự hào
Sử xanh luôn thắm tươi máu đào
Non sông nam quốc trị vì…
Định phân nơi thiên thư
Mãi nghìn đời, rạng ngời nước Nam…

Nghe Đan Trường hát bài RẠNG NGỜI NƯỚC NAM

Nhiều ý kiến trong cuộc tọa đàm do hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức than phiền lớp trẻ đang sao nhãng về lịch sử về truyền thống dân tộc, thì những bài hát nói trên của Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã hướng tuổi trẻ vào lịch sử, vào truyền thống một cách chân thành.

Rồi lớp nhạc sĩ già sẽ ra đi, để lại tình yêu lịch sử trong các tác phẩm âm nhạc của mình. Lớp trẻ lại tiếp bước cha ông viết tiếp những tác phẩm mới về đề tài lịch sử. Bên cạnh việc cần đầu tư cho các tác phẩm âm nhạc như giao hưởng, sân khấu về đề tài lịch sử được vang lên và nhân rộng trong đời sống âm nhạc của nước nhà, nhà nước cần đầu tư cả vật chất và tinh thần cho những sáng tác mới. Nhưng vấn đề quan trọng là khuyến khích sự tự do trong sáng tác để dòng âm nhạc này phát triển đa dang, phong phú và mới mẻ, phù hợp với thời đại hiên nay. Làm sao để có nhiều tác phẩm phản ánh sự thật lịch sử mà không bị xuyên tạc hay phủ nhận một cách hồ đồ. Cái gì thuộc về nhân dân và sự thật thì cái đó sẽ tồn tại và phát triển.

Hà Nội, 11.2012

10 bình luận

  1. Thời bây giờ để hiểu khái niệm sáng tác về đề tài lịch sử là phải bóp méo lịch sử để phục vụ chế độ chú Tạo ạ.
    “Thời gian qua nửa đời người
    Và ta đã tỏ tường rồi”

  2. Hoan hô nhà thơ-nhạc sĩ NTT.không quay lưng với thực
    tại để làm thơ…viễn mơ mà vẫn luôn trăn trở với chuyện
    thời sự có liên quan tới vận nước !

  3. PHẢI TÔN TRỌNG SỰ THẬT LỊCH SỬ!

    “Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng nhắc nhở rằng, các nhạc sĩ viết về đề tài lịch sử cần phải tôn trọng sự thật lịch sử. Ông kể rằng, gần đây có nhà xuất bản muốn in bài hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” (tên chính thức là Chiến đấu vì Độc lập Tự do) trong một tuyển tập ca khúc của thời kỳ sau 1975 nhưng đề nghị nhạc sĩ sửa lại một số từ trong lời hát “Quân xâm lược bành trướng dã man”. Ông không đồng ý và bài hát đã không được đưa vào tuyển tập. Ông nói: “Nếu hôm nay tôi sửa theo ý họ, mai tình hình khác, chẳng lẽ tôi lại phải sửa nữa hay sao. Vấn đề ở đây là phải tôn trọng lịch sử như nó đã có”.

    Đây thực sự là những “CÚ HÈN”!

    “… Ông cũng nhắc nhở không nên bịa ra các nhân vật lịch sử (kể cả nhà sử học và nhạc sĩ) để đến nỗi về sau nó trở thành phản tác dụng và làm mất ý nghĩa cao quý của việc sáng tạo nghệ thuật như trường hợp nhân vật Lê Văn Tám – Cây đuốc sống: “Có một thời, hình tượng Lê Văn Tám được các thế hệ thiếu nhi Việt Nam coi như một biểu tượng về lòng quả cảm, anh dũng hy sinh thân mình qua bản giao hưởng Cây đuốc sống của tác giả Nguyễn Đình Tấn với lời tựa được tác giả ghi trân trọng: Ngọn đuốc Lê Văn Tám được đốt lên từ chính thân mình đã soi sáng cho toàn thể thế hệ thiếu nhi Việt Nam mãi mãi về sau. Thế nhưng bỗng một ngày kia, công chúng mới vỡ lẽ ra người anh hùng liệt sĩ ấy chưa từng hiện hữu trên đời này và hành động quả cảm ấy hoàn toàn không có thật!”. Cũng tương tự như vậy, đã có những bài hát ca ngợi “anh hùng Nguyễn Văn Bé” sau khi được truyền tụng, thì lịch sử lại chứng minh Nguyễn Văn Bé là “một tên chiêu hồi…”.

    Đấy là những “CÚ HỐ” quá đáng tiếc, đáng xấu hổ và còn hơn thế nữa của công cụ tuyên truyền!!!

    Xin trân trọng cảm ơn.

  4. Cảm ơn bài viết của NT NTT, đã mạnh dạn nói lên suy nghĩ tâm tư của các nhạc sĩ đối với “lịch sử” và sự thật lịch sử…

    Có điều nhờ NT-NS NTT tìm hiểu giùm xem đâu là “sự thật” về nhân vật Nguyễn Văn Trỗi. Không phải chỉ nhầm tên Trỗi thành Trôi. TKL và các bạn cùng thời cũng như thế hệ cùng thời rất tự hào về nhân vật Nguyễn Văn Trỗi qua tác phẩm “Sống như anh”. Đã có biết bao bài ca ca ngợi anh NVT. Thế nhưng, sau 1975 thì TKL được thầy cô giáo dạy văn sử trong trường CĐSP Hà Nội (khóa đào tạo chuyên tu) “tiết lộ” bí mật là nhân vật anh Trỗi chỉ là hình tượng thôi (không có thật hay chỉ dựa vào một trong những nét anh hùng ngoài đời mà xây dựng nên để phục vụ cho việc thống nhất đất nước…) và tên của nhà văn cũng chỉ là “bí danh” thôi, và còn một số tác phẩm khác nữa… TKL không nhớ cụ thể tên nhà văn nào (vì đã qúa lâu – 1977), nhưng chi tiết anh NVT chỉ là hình tượng văn học thì TKL không thể quên. Nhưng cho đến bây giờ, sự thật đó vẫn chưa được tiết lộ, có lẽ vì nhiều lý do khách quan? Nhưng “sự thật phải được trả về với sự thật” và đến bao giờ sự thật đó mới được “tiết lộ”?
    Chúc NT NTT vui khỏe!

  5. Nếu tôi nhớ không lầm thì tác giả “Sống như anh” là của Trần Đình
    Vân,ngay 1975 đã thấy tuồn vào thành phố SG.để tuyên truyền.
    Làm sao lịch sử lại có thể thoát khỏi con mắt giám thị của nhà nước
    toàn trị được cơ chứ (mà họ xem như 1 phương tiện tuyên truyền) ?
    Đó là lý do tại sao Việt sử bị trộn lẫn hư thực không biết đâu mà mò !
    Tiện đây,xin nhắc lại nhận định thẳng thừng của giảng viên sử học đại học Huế Hà Văn Thịnh về lịch sử VN.hiện đại : 30% thật và 70% giả.

  6. TKL vẫn tin vào trí nhớ của mình và qủa đã nhớ không lầm: Vừa rồi TKL gọi điện cho chị bạn cùng học khóa chuyên tu 1977-1979 tại trường CĐSP (là con gái cố nhạc sĩ Lê Lôi, giáo viên đã nghỉ hưu) và chị bạn cũng nhớ như vậy: Trần Đình Vân là bí danh của một nhà văn ngoài bắc, có tên tuổi thời bấy giờ, anh Trỗi chỉ là hình tượng văn học… (tiếc là chị cũng quên tên nhà văn đích thực của TP “Sống như anh”. TKL cũng đã “nghi ngờ” trí nhớ của mình từ cách đây 2 năm, khi đọc thông tin của một blog về kỷ niệm anh Trỗi trên vnweblog, TKL cũng đã có ghi cảm nhận như trên sự thật về anh Trỗi… và người đó đã đưa những dẫn chứng về gia đình chị Quyên viếng thăm mộ anh Trỗi… Lại đọc trên mạng tin tức mộ LS ở TP HCM không có hài cốt anh Trỗi mà được chuyển ra bắc… Rồi có cả hình ảnh chị Quyên cùng gia đình… Thật cứ rối tung rối mù, chẳng còn biết đâu là thật là giả nữa? Không lẽ giáo viên dạy ở trường CĐSP nói sai sự thật? Nhưng trí nhớ của 2 người, không thể là sai! Và đâu là sự thật? Sự thật bao giờ mới thực sự được tiết lộ? Có ai quen biết nhà văn Trần Đình Vân không? Nhà văn này hiện ở đâu và có tác phẩm nào nữa không? Xin ai biết thì cho biết, TKL xin cảm ơn!
    Chúc chủ trang vui khỏe!

  7. Nhà văn Trần Đình Vân (tức nhà báo Tô Duy), viết cuốn Sống như Anh từ lời kể của chị Quyên (vợ anh Trỗi) khi được đưa ra miền Bác và một số tư liệu khác. Đây là một nhân vật có thật, đi vào văn chương theo ngòi bút nhà văn.

    Theo đường Link này sẽ xem nhiều ảnh về đám giỗ anh Trỗi, có chị Quyên và nhà văn Trần Đình Vân:

    https://picasaweb.google.com/112237741019875888266/GiATrI?noredirect=1#5257288543857796642

  8. @ntnguyentrongtao
    Cảm ơn NT NTT đã cho xem đường link và xem ảnh chụp nhà văn Trần Đình Vân và chị Quyên cùng gia đình. Thế hóa ra em và chị bạn đều nhớ nhầm? Hay giáo viên trường CĐSP đã nhầm? Bây giờ thì “botay.com” rồi. Hy vọng sự thật là thế (dù sao thì em cũng tin vào trí nhớ của mình và chị bạn và không tin rằng giáo viên trường CĐSP nói “nhầm”) nhưng cũng hy vọng không có ngày “bỗng nhiên”… như trường hợp Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé!
    Chúc chủ trang vui khỏe!

  9. Tác giả một phần nghe vợ của NVT.kể lại và một phần do chính nhà văn phóng đại,có ít xít ra nhiều như kiểu… “vẽ rắn thêm chân” !

  10. -Nhạc Trần Vũ Anh Bình nghe như một lời tâm sụ, hoặc nhắc nhở khuyên răn về lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

    -Nhạc Việt Khang nghe như lời trách móc, lời than van của một người ngỡ ngàng vì bị phụ tình- Không phải là tiếng thét hờn căm hoặc tiếng súng tiến công- Vậy mà sao cũng bị án tù phản động ????

    Xem ra lửa tranh đấu của dân ta đã nguội tàn dần, dường như sắp chịu khuất phục trước bước tiến công trong kế sách dài hạn của âm mưu xâm lược đất, biển và diệt chủng văn hóa của bọn lãnh đạo nước “lạ” thông qua bàn tay của những lãnh đạo “lạ”, lãnh tụ “lạ” của chính quyền Việt Nam….. (kiểu đồng chí Ếch… nào đó)-
    Mấy tên “lạ” này ở đâu chui ra mà nhiều quá, lúc nhúc như dòi vậy… ????
    Khổ cho dân ta rồi….

Bình luận về bài viết này