Bố cáo nhân 10 năm ra đời của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng

Câu lạc bộ (CLB) Lê Hiếu Đằng được thành lập tính đến nay đã tròn 10 năm (10/2/2014 – 10/2/2024).

1. Bối cảnh ra đời

Lê Hiếu Đằng là Thủ lĩnh phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn và các đô thị miền Nam trước 1975. Ông từng bị nhà chức trách Việt Nam Cộng hòa kết án tử hình. Sau 1975 ông là luật sư, chức vụ trong chính quyền là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lê Hiếu Đằng mất ngày 22/1/2014 (nhằm 22 tháng Chạp Quý Tỵ). Trong thời gian trọng bệnh, ông đã chia sẻ những nỗi niềm trăn trở, những lời tâm huyết với các bạn bè về thực trạng đất nước và những sai lầm của đảng cầm quyền đi ngược lại ý nguyện và những đóng góp của những người đã xây dựng lên chế độ, trong đó có ông.

Lê Hiếu Đằng là một trong 72 người đầu tiên đã kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 2013. Ông cũng là người đi đầu trong các cuộc biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam. Ông lớn tiếng phê phán chính quyền đã vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền khi trấn áp những người Việt Nam yêu nước biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo. Lê Hiếu Đằng đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước chống xâm lăng đấu tranh ôn hòa chống độc tài, đòi dân chủ và đa nguyên cho Việt Nam.

Trung thành với những di sản, tâm nguyện của Lê Hiếu Đằng, sau khi ông mất, ngày 10/2/2014, các đồng đội cũ của ông đã họp mặt tại công viên Văn Thánh, TP. Hồ Chí Minh, chính thức thành lập CLB Lê Hiếu Đằng và bầu bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm làm Chủ nhiệm câu lạc bộ. Ba năm sau, Hội nghị ngày 19/2/2017 bầu ông Lê Thân, bạn chiến đấu của ông Lê Hiếu Đằng làm Chủ nhiệm.

2. Mục đích / Sứ mệnh của CLB

Truyền bá và thực hành tư tưởng của Chí sĩ Phan Chu Trinh: Góp phần “KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH” một cách ôn hòa, bất bạo động, từ đó mong muốn hình thành nên xã hội dân sự góp phần thúc đẩy dân chủ hoá, tiến bộ xã hội.

3. Một số hoạt động của CLB 10 năm qua

Trong 10 năm qua, Câu lạc bộ Lê Hiếu đằng đã theo sát tình hình chính trị xã hội, kinh tế của đất nước và thời sự thế giới, để có những phản ứng phù hợp.

3.1. Các hoạt động thực tế

- Các thành viên CLB đã tham gia một số cuộc biểu tình phản đối Trung quốc gây hấn ở Biển Đông, cướp phá tàu thuyền của ngư dân đánh bắt trên vùng biển Việt Nam, đưa giàn khoan 981 xâm phạm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; phản đối Tập Cận Bình sang Việt Nam, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam; phản đối Luật Đặc khu cho Trung Quốc thuê đất 99 năm ở những vị trí trọng yếu bảo vệ đất nước là Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc.

- Tổ chức tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh bảo vệ Tổ quốc: Thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa 19/1/1974, các đồng bào, chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 17/2/1979, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh trên đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa 14/2/1988.

- Thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ bà con dân oan ở một số nơi; thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình tù nhân lương tâm trong điều kiện cho phép.

3.2. Ra những tuyên bố, kiến nghị

Trước những sự kiện, những vấn đề cấp thiết của đất nước, CLB luôn lên tiếng có tính phản biện, góp ý, kiến nghị:

- Tuyên bố Biển Đông số 1, 2, 3, 4, 5, 6.

- Tuyên bố về Thủ Thiêm 1, 2, 3.

- Thổi bùng ngọn lửa Phan Chu Trinh.

- Tuyên bố về Quyền tự do lập hội và quyền biểu tình.

- Thư gởi ông Nguyễn Phú Trọng về thay đổi nội dung điều 4 Hiến Pháp.

- Hãy cứu lấy Đồng bằng Sông Cửu Long. 

- Thư ủng hộ Nhân dân Ukraine.

- Chống Tham nhũng và sửa đổi Luật Đất đai.

- Tuyên bố đã đến lúc thực hiện điều 25 Hiến pháp.

- Tuyên bố phản đối chặt phá 600 ha rừng nguyên sinh Bình Thuận để làm hồ Thủy lợi.

- Tuyên bố yêu cầu nhà nước Việt Nam nâng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

- Thư ủng hộ Nhân dân Ukraine.

- Thư gởi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nước CHXHCN Việt Nam về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa.

- Tuyên bố về 50 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm.

- Tuyên bố 45 năm cuộc chiến tranh tự vệ chống xâm lược Trung Quốc (17 tháng 2 năm 1979).

- Và một số Tuyên bố khác…

3.3. Tác dụng của những tuyên bố, kiến nghị nói trên

Mỗi tuyên bố, kiến nghị của CLB trước khi công bố đều được gửi đến các thành viên để lấy ý kiến, được gửi đến các Tổ chức xã hội dân sự (XHDS) trong nước để góp ý và cùng lên tiếng. Nhờ vậy, các tuyên bố, kiến nghị đã được một số tổ chức, đông đảo nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp xã hội trong và ngoài nước đồng ký tên.

Các tổ chức XHDS đồng hành: 

1. Lập Quyền dân, do Nhà Nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Khắc Mai đại diện.

2. Diễn đàn XHDS, do TSKH. Nguyễn Quang A đại diện.

3. Bauxite Việt Nam, do GS. Nguyễn Huệ Chi đại diện.

4. Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, do GS. Nguyễn Đình Cống đại diện.

5. Câu Lạc bộ Phan Tây Hồ, do TS. Hà Sĩ Phu đại diện.

6. Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, do Nhà văn Nguyên Ngọc đại diện.

Kết luận

Tình hình đất nước và thế giới ngày càng thay đổi. Sự ra đời CLB Lê Hiếu Đằng và các tổ chức xã hội dân sự là xu hướng tất yếu của các xã hội tiến bộ, văn minh. Những việc làm của CLB Lê Hiếu Đằng chỉ là bước đầu vô cùng khiêm tốn, nhưng nó gợi ra phương hướng hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự trong bất kỳ một quốc gia nào muốn tiến tới dân chủ, văn minh và phồn thịnh trong hoà bình, ổn định, tránh được những bất ổn xáo trộn, đổ máu không đáng có.

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng sẽ tiếp tục kiên trì, bền bỉ thực hiện sứ mệnh của mình.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 2 năm 2024

TM CLB Lê Hiếu Đằng

Chủ nhiệm Lê Thân

Nguồn: FB Mạc Văn Trang

 

This entry was posted in CLB Lê Hiếu Đằng, Tổ chức xã hội dân sự. Bookmark the permalink.