Bốn đời vẹn nguyên một tình yêu Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Định cư tại Paris từ năm 1988, hầu như năm nào tôi cũng về Hà Nội, dạo hồ Gươm, thăm Văn Miếu, những thắng cảnh di tích của Thủ đô và đất nước mà người ruột thịt của tôi có công gìn giữ. Ngày xuân, tôi muốn kể câu chuyện cách đây hơn 100 năm: Phạm Văn Thụ (1886-1930) - đại thần triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, cụ ngoại tôi mà mẹ tôi gọi bằng ông nội, thân sinh của Phạm Văn Lệ (1895-1964 ) - Tuần phủ Hưng Yên, ông ngoại của tôi.

Mẹ tôi, dược sĩ Phạm Thị Thành (1920-1969) có chồng trước là kỹ sư canh nông Đào Đức Thông, liệt sĩ chống Pháp, hy sinh năm 1947. Mẹ tôi tái giá với cha tôi, dược sĩ Thẩm Hoàng Tín (1909-1990), Thị trưởng Hà Nội từ tháng 2-1950 đến tháng 8-1952.

Tác giả vẽ lại chân dung mẹ - dược sĩ Phạm Thị Thành (1920-1969) từ tranh gốc của cha - Thẩm Hoàng Tín (1909-1990), Thị trưởng Hà Nội từ tháng 2-1950 đến tháng 8-1952

Tác giả vẽ lại chân dung mẹ - dược sĩ Phạm Thị Thành (1920-1969) từ tranh gốc của cha - Thẩm Hoàng Tín (1909-1990), Thị trưởng Hà Nội từ tháng 2-1950 đến tháng 8-1952

Cha tôi và cầu Thê Húc

Một điểm trùng hợp, cha tôi - Thẩm Hoàng Tín và cụ ngoại tôi - Phạm Văn Thụ đều có công giữ những di tích quan trọng cho Hà Nội cổ kính. Khi làm Thị trưởng Hà Nội, cha tôi đã cho sửa cầu Thê Húc. Nguyên do Tết Nhâm Thìn 1952, người dân đi lễ đền Ngọc Sơn quá đông, làm cầu Thê Húc bị sập. Rất may nước hồ Gươm năm đó cạn nên trẻ con rơi xuống hồ không bị đuối nước. Thị trưởng Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới. Để có thiết kế đẹp, dược sĩ Thẩm Hoàng Tín tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu và trong hơn 30 mẫu của kiến trúc sư Pháp và Việt Nam tham gia, thì mẫu của Nguyễn Ngọc Diệm được lựa chọn. Vẫn giữ lại dáng cong cầu vồng xưa, nhưng cong hơn để cầu khỏe hơn đồng thời làm cầu nổi hơn, giữ nguyên 16 hàng cọc tròn, các đầu trụ được vuốt nhọn gợi nhớ lại chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938. Dầm ngang, dầm dọc, mặt và thành cầu đều bằng gỗ.

Cụ ngoại tôi có công giữ lại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Mấy năm trước, tôi tìm thấy một quyển sách bìa màu xanh lá cây trên giá sách cũ nhà anh Hoàng (kỹ sư Đào Đức Hoàng, anh cùng mẹ khác cha), bên trong giấy ngả màu vàng. Mở ra là tập hồi ký của cụ ngoại Phạm Văn Thụ được dịch từ Hán Nôm ra tiếng Việt, rất khó đọc vì câu văn cổ ngày xưa. Chuyện là, nam thanh nữ tú, học sinh sinh viên, du khách thăm thú Văn Miếu - Quốc Tử Giám, có ai biết được để giữ gìn sự tồn tại của di tích này cho đến ngày nay, đã có công lao không nhỏ của cụ Phạm Văn Thụ.

Năm 1902, bệnh dịch hạch lan tràn ở Hà Nội, lính Pháp và thường dân lây nhiễm vô kể, bệnh viện quá tải, chính quyền Pháp định phá Văn Miếu để xây dựng nhà thương, dự chi hai vạn bạc để dời Văn Miếu về Hà Đông. Phạm Văn Thụ tìm gặp Pierre Pasquier, Đổng lý văn phòng Phủ Toàn quyền (sau này là Toàn quyền Đông Dương), với thái độ cương trực, đòi giữ lại bằng được Văn Miếu. Ông quyết liệt: “Dẫu triều Nguyễn dời đô vào Phú Xuân, cũng không hủy được Văn Miếu, phải để nguyên làm cổ tích nước Nam...”. Hơn nữa, ông đã phân tích lợi hại cho Pasquier hiểu: “Nếu nay hủy đi làm cho sĩ dân cả nước ngã lòng rất là phương ngại...”. Pasquier đã đồng thuận, giữ nguyên, còn cho sửa sang, tẩy uế miếu đường nơi thờ cúng. Sĩ phu Hà thành lúc đó rất cảm kích công lao của ông.

Phạm Văn Thụ sinh ngày 30-6-1886 (18-5 năm Bính Dần, niên hiệu Tự Đức thứ 19) tại xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nhà nho nghèo. Theo hồi ký của ông, thời trai trẻ, ông được gặp lãnh tụ Tán Thuật (Nguyễn Thiện Thuật, 1844-1926), được cụ khuyên: “Đi học phải thi đỗ, phải ra làm quan, nhưng làm quan không phải để vinh thân phì gia, mà phải vì dân”, và cụ nhấn mạnh thêm: “Nhà nho làm quan thời này, khoan phần nào dân nhờ phần ấy, có điều đám mình phải giữ lấy bản lĩnh, không nên theo thói hổ trành” (ám chỉ bọn lái trâu, lái lợn không có học hành mà làm quan nên quen thói hống hách).

Năm 1925, Vua Khải Định băng hà, Vua Bảo Đại kế vị, Phạm Văn Thụ được phong Nam tước thượng thư, Cơ mật đại thần, Thái tử thiếu bảo Đông các đại học sĩ. Phạm Văn Thụ về hưu được hơn 4 năm, ngày 12-6 năm Canh Ngọ (7-7-1930), thì ông bị bệnh đột ngột rồi mất tại quê nhà, thọ 65 tuổi.

Triều đình Huế đã cho xây lăng mộ ông trên thửa ruộng 412m2 có tường bao quanh, mộ xây bằng đá, trang trí hoa văn, phòng cảnh núi sông, tùng bách, đầm sen, chim hạc...; phía trước có nhà bia ghi công trạng. Năm 2006, tỉnh Hưng Yên đã công nhận lăng mộ Đại thần Phạm Văn Thụ là Di tích Lịch sử Văn hóa. Chẳng riêng cá nhân tôi và gia đình, mà tất cả mọi người đều tự hào về những danh nhân đất Việt yêu nước thương nòi như Phạm Văn Thụ. Xin nhắc lại câu của Nguyễn Thiện Thuật dành cho cụ tôi, cũng là lẽ sống của những người làm quan đức độ mà mọi thời đều mong muốn để kết bài này: “... Làm quan không phải để vinh thân phì gia, mà phải vì dân”.

Tác giả vẽ lại chân dung cha - Thẩm Hoàng Tín (1909-1990), Thị trưởng Hà Nội từ tháng 2-1950 đến tháng 8-1952 từ tranh gốc của danh họa Bùi Xuân Phái

Tác giả vẽ lại chân dung cha - Thẩm Hoàng Tín (1909-1990), Thị trưởng Hà Nội từ tháng 2-1950 đến tháng 8-1952 từ tranh gốc của danh họa Bùi Xuân Phái

Ký ức 1952 - 2022

Tôi sinh ra tại Hà Nội, khi cha tôi là Thị trường thời Pháp thuộc. Lúc ông đương chức, gia đình tôi được ở công thự chính là biệt thự Pháp, 51 Trần Hưng Đạo, sau này là trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Cha tôi, một người yêu nước, đã chọn du học Paris, ngành dược cho nhanh, thay vì học để thành bác sĩ. Học nhanh để về Hà Nội mở hiệu thuốc, trụ cột gia đình. Người vợ đầu của cha tôi tử nạn khi xe đi lễ ở Thái Bình bị trúng bom Pháp. Ông tục huyền với mẹ tôi, sinh được duy nhất con chung là tôi, là con út của hai người. Dãy nhà số lẻ đầu phố Cửa Nam là cơ ngơi của Thẩm Hoàng Tín. Sau này, Nhà nước trưng thu, vẫn giữ Hiệu thuốc 8.3.

Chuyến về Hà Nội cuối năm 2022 của tôi rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, tôi không ở nhà anh Hoàng (anh cùng mẹ khác cha mà về ở tại tầng 3 nhà 13 Cửa Nam - phần diện tích còn lại năm xưa, để được sống ký ức tuổi thơ, tuổi trẻ. Vẫn còn những ô cửa sổ sắt uốn chữ T là do cha tôi vẽ kiểu, lưu dấu tên vợ chồng Tín - Thành. Tôi được một kỷ niệm quý nữa là lên Sơn La theo đoàn phim của đạo diễn - NSƯT Lưu Trọng Ninh. Tôi đã đón tiếp Ninh và NSND kịch nói Hoàng Cúc (hai người đều sinh 1956, kém tôi 5 tuổi) tại Thủ đô Paris (Pháp) khi họ sang dự Liên hoan phim quốc tế gần 30 năm trước.

Về Hà Nội, tôi tập trung vẽ tranh cha, mẹ. Tôi làm việc nhiều năm cho hãng máy ảnh ở Pháp, gene vẽ là thừa hưởng từ cha. Cha tôi nổi tiếng yêu nghệ thuật, trọng nghệ sĩ. Nhà tôi suốt nhiều năm là một nơi hội tụ những nghệ sĩ lớn của Thủ đô và đất nước.

Bức tranh xưa vẽ lại dưới mái nhà xưa

Tại đây, ngôi ở tầng 3 nhà 13 Cửa Nam, năm 1977, hoạ sĩ Bùi Xuân Phái (1920-1988) đã thực hiện bức chân dung cha tôi. Hoàn thành sau 2 ngày lao động nghệ thuật, bức này tôi để lại tặng anh trai Thẩm Vũ Can làm kỷ niệm. Tôi cũng họa lại một bức tranh cha tôi vẽ mẹ tôi khoảng những 1953-1954, chất liệu sơn dầu. Năm 1988, người ta không bán hộp ống đựng tranh, tôi lười không nghĩ ra, không làm hộp mà mang sang Pháp, bằng cách cuốn trong vali, nên bị hỏng nặng. Tôi sửa lại, như ở bảo tàng sửa chữa các tranh bị hỏng.

Tranh vẽ cha để 45 năm, tranh vẽ mẹ gần 70 năm tôi mới sửa lại khi tuổi chớm 72. Muộn. Ân hận. Nhưng dẫu sao cũng còn cứu được di sản ký ức và hiện vật tinh thần. Lòng tôi vơi được chút day dứt, ăn năn. Còn nợ Hà Nội ư (?!) Yêu nhiều thì lúc nào chẳng nhớ và muốn hiến dâng, nhưng vì hoàn cảnh và cả sự quyết tâm chưa nhiều, tôi đã để trôi đi bao năm. Giờ đây thất thập, càng tiếc xót mà lực bất tòng tâm, đành thất tán biết bao tư liệu ảnh, tranh, kỷ vật và cả dữ liệu trong hồi tưởng. Vẽ xong thì cũng là lúc đau lưng nằm một chỗ và đêm chủ nhật, ngày 4-12-2022, tôi phải di chuyển bằng xe lăn tại Sân bay quốc tế Nội Bài và được “cẩu” lên máy bay trở về Paris.