Các cơ quan tình báo đã biết gì về Donald Trump?

  • Paul Wood
  • BBC News, Washington
Những cáo buộc chống lại Donald Trump giống như kịch bản của một bộ phim dở

Nguồn hình ảnh, AP

Chụp lại hình ảnh,

Những cáo buộc chống lại Donald Trump giống như kịch bản của một bộ phim dở

Donald Trump đã miêu tả những cáo buộc - rằng đội ngũ bầu cử của ông đã hợp tác với Nga và rằng người Nga đang nắm giữ những tài liệu nhạy cảm về đời tư của ông - là "tin bịp". Phóng viên Paul Wood của BBC đã biết về những cáo buộc này từ trước khi cuộc bầu cử diễn ra, và tường thuật lại hậu quả của chúng sau khi các cáo buộc được đưa ra ánh sáng.

Những cáo buộc này rất nghiêm trọng vì nếu đúng, điều đó có nghĩa là Tổng thống mới đắc cử của Mỹ có thể dễ dàng bị người Nga uy hiếp.

Theo tôi hiểu, CIA tin rằng Điện Kremlin có thể đang sở hữu những tài liệu nhạy cảm - tiếng Nga là kompromat - liên quan đến tân Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ. Cùng lúc đó, một đội đặc nhiệm chung giữa CIA và FBI đang điều tra những cáo buộc rằng người Nga có thể đã gửi tiền cho tổ chức của ông Trump hoặc chiến dịch tranh cử của ông.

Nội dung của một cuốn băng có thể được dùng để uy hiếp Trump của người Nga đã được nhắc đến trong một loạt các bản báo cáo của một cựu đặc vụ tình báo Anh, được cho là Christopher Steele.

Là một thành viên của MI6, ông ta từng được cử đến Đại sứ quán Anh ở Moscow và hiện đang điều hành một công ty tư vấn về các vấn đề liên quan đến kinh doanh ở Nga. Ông đã nói chuyện với một số nguồn tin cũ của ông ở FSB - hậu duệ của KGB - trong đó một số người được trả tiền.

Họ nói với ông rằng ông Trump đã bị quay lén khi đang ở cùng với một nhóm gái bán dâm tại Phòng Tổng thống ở khách sạn Ritz-Carlton, Moscow. Tôi biết việc này bởi công ty nghiên cứu chính trị tại Washington - cũng là công ty đã đặt hàng bản báo cáo - đã cho tôi xem bản báo cáo đó trong tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử.

BBC đã quyết định không đăng tin này vào lúc đó, vì lý do rất chính đáng rằng chỉ đến khi được xem cuốn băng - nếu nó có tồn tại - chúng tôi mới có thể xác thực độ chính xác của các cáo buộc đầy những chi tiết có thể gây sốc này. Ở thời điểm này, toàn bộ các bản báo cáo đã được đăng tải bởi trang BuzzFeed.

Những người ủng hộ Trump nói rằng đây là một cuộc tấn công mang động cơ chính trị.

Còn bản thân Tổng thống đắc cử đã đăng những dòng tweet đầy giận dữ này lúc sáng nay "Có phải chúng ta đang sống ở nước Đức Quốc xã không vậy?"

Trong buổi họp báo được mong chờ diễn ra sau đó, ông đã không hề kiềm chế.

"Một thứ như thế không bao giờ nên được viết ra," ông nói "và chắc chắn là không bao giờ nên được đăng tải."

Ông nói rằng bản báo cáo được viết bởi "những kẻ bệnh hoạn đã viết ra thứ rác rưởi này."

Công ty đã thuê làm bản báo cáo này là một công ty nghiên cứu điểm yếu của các chính trị gia. Ban đầu họ làm việc cho một Siêu Ủy ban Hành động Chính trị (Super PAC) có mục tiêu chống lại Trump trong vòng tranh cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa.

Sau đó trong vòng tranh cử chung cuộc, công ty này được cấp vốn bởi một người giấu danh tính ủng hộ đảng Dân chủ. Nhưng họ không phải là những kẻ làm chính trị vô lương tâm - công việc thường ngày của họ bao gồm phân tích tình hình các quốc gia và đánh giá rủi ro thương mại, tương tự như công ty tư vấn của đặc vụ MI6 kia. Và ông ta có vẻ là đã cung cấp bản báo cáo này cho FBI, đi ngược lại lời khuyên của công ty.

Ông Trump đã ở Moscow vào năm 2013 để tham dự cuộc thi sắc đẹp Miss Universe

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Ông Trump đã ở Moscow vào năm 2013 để tham dự cuộc thi sắc đẹp Miss Universe

Và cựu đặc vụ MI6 này không phải là nguồn tin duy nhất khẳng định về tài liệu nhạy cảm của Tổng thống đắc cử mà người Nga đang giữ. Hồi tháng Tám, một cựu điệp viên nói với tôi rằng ông ta đã được biết về sự tồn tại của nó bởi "người đứng đầu một cơ quan tình báo Đông Âu".

Sau đó, tôi đã thông qua một trung gian để chuyển một số câu hỏi đến các đặc vụ CIA đang nghiên cứu hồ sơ này - họ không chịu nói chuyện trực tiếp với tôi. Tôi đã nhận được câu trả lời rằng "có nhiều hơn một cuốn băng", "gồm cả hình ảnh và âm thanh", "trong nhiều hơn một dịp", "ở nhiều hơn một địa điểm" - cả ở khách sạn Ritz-Carlton ở Moscow và ở St Peterbrug - và rằng nội dung của cuốn băng "có bản chất tình dục".

'Hãy hết sức cẩn thận'

Những thông tin về tài liệu nhạy cảm về Trump mà người Nga giữ là "có thể tin tưởng", theo nhận xét của CIA. Đó là lý do tại sao - theo tờ New York Times và Washington Post - những thông tin này đã xuất hiện trên bàn của Tổng thống Barack Obama vào tuần trước, trong một bản tóm tắt được đưa cho các lãnh đạo Quốc hội và bản thân ông Trump.

Ông Trump đúng là có đến Moscow vào tháng 11 năm 2013, thời điểm mà cuốn băng được cho là đã được quay. Hình ảnh của ông trong cuộc thi Miss Universe đã được phát trên truyền hình . Và bất cứ một du khách khôn ngoan nào đến đại khách sạn ở Moscow cũng nên giả định rằng phòng của họ bị gắn thiết bị quay phim và ghi âm.

Trong cuộc họp báo, ông Trump nói rằng ông đã cảnh báo các nhân viên của mình khi đi du lịch: "Hãy hết sức cẩn thận, vì ở phòng khách sạn của các cậu cũng như bất cứ nơi nào các cậu đến cũng có thể có gắn camera." Và lực lượng mật vụ Nga đã đưa việc kiếm những tài liệu nhạy cảm này lên tầm nghệ thuật.

Vladimir Putin

Nguồn hình ảnh, AP

Chụp lại hình ảnh,

Ngay cả Tổng thống Vladimir Putin nói rằng ông cũng có "tài liệu nhạy cảm" bị người khác giữ - mặc dù đó có thể chỉ là nói đùa

Một chuyên gia người Nga nói với tôi rằng Vladimir Putin đôi khi nói rằng chính ông cũng có những tài liệu nhạy cảm trong tay người khác - mặc dù có thể là ông ta chỉ đang đùa. Chuyên gia đó còn nói với tôi rằng các sĩ quan FSB thường khoe khoang về việc nắm giữ các cuốn băng của những người nổi tiếng, và rằng họ nên cẩn thận trước khi nói ra bất kỳ điều gì.

Một cựu sĩ quan CIA nói với tôi rằng anh ta đã liên lạc qua điện thoại với một sĩ quan FSB đương nhiệm về cuốn băng này. Anh ta kết luận: "Đó chắc chắn là đồ giả."

Ông Trump và những người ủng hộ có lý khi chỉ ra rằng đó là những cáo buộc không có căn cứ.

Nhưng chuyện không chỉ là tình dục mà còn liên quan đến tiền nữa. Bản báo cáo của cựu đặc vụ MI6 có nhắc đến việc Điện Kremlin đã tìm cách đề nghị với Trump những "giao dịch ngọt ngào" ở Nga để đổi lấy sự trung thành của ông.

Ông Trump đã từ chối những đề nghị đó, và thực tế là ông cũng không kinh doanh nhiều ở Nga. Nhưng một đội đặc nhiệm chung của FBI và CIA đang xem xét những cáo buộc rằng Điện Kremlin đã trả tiền cho chiến dịch tranh cử của Trump qua những cộng sự của ông.

Yêu cầu điều tra

Vào ngày 15 tháng Mười, tòa án tình báo Hoa Kỳ đã ra lệnh điều tra với hai ngân hàng Nga. Tin này được cung cấp cho tôi bởi một vài nguồn khác nhau và được chứng nhận bởi một người mà tôi sẽ chỉ nói là một thành viên lão làng trong cộng đồng tình báo Mỹ. Ông ta sẽ không bao giờ đưa ra bất cứ thông tin nào - việc tiết lộ tài liệu mật là phạm pháp - nhưng sẽ xác nhận hoặc bác bỏ những gì tôi nghe được từ các nguồn khác.

Ông Trump nói Moscow "chưa bao giờ tìm cách gây áp lực lên tôi."

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Ông Trump nói Moscow "chưa bao giờ tìm cách gây áp lực lên tôi."

Tôi sẽ dò hỏi bằng câu "Tôi chuẩn bị viết một câu chuyện về…", và ông ta sẽ trả lời "Tôi thấy không có vấn đề gì cả" nếu nguồn tin của tôi là chính xác. Chuỗi sự kiện dưới đây đã được ông ta xác nhận.

Cuối tháng Tư vừa rồi, giám đốc CIA đã nhận được những tin tình báo đáng quan ngại. Nó được cho là một cuốn băng ghi âm lại một cuộc trò chuyện liên quan đến việc Điện Kremlin tuồn tiền cho chiến dịch tranh cử Mỹ.

Cuộn băng được gửi đến Mỹ bởi một cơ quan tình báo của một quốc gia vùng Baltic. Do CIA không có thẩm quyền điều tra công dân Mỹ trên lãnh thổ Hoa Kỳ nên một đội đặc nhiệm phản gián chung đã được thành lập.

Đội này có sự tham gia của sáu cơ quan trực thuộc chính phủ. Việc điều tra trong nước được đảm trách bởi Cục Điều tra Liên bang FBI, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Việc điều tra đầu mối ở nước ngoài và thông tin tình báo thuộc về ba cơ quan là Cơ quan Tình báo Trung ương CIA, Văn phòng Giám đốc Tình báo Trung ương và Cơ quan An ninh quốc gia - đảm nhận việc theo dõi qua các kênh điện tử.

Các luật sư từ Bộ phận An ninh Quốc gia, Bộ Tư pháp sau đó đã soạn thảo một bản yêu cầu điều tra. Họ nộp nó cho tòa án mật của Hoa Kỳ chuyên xử lý các vấn đề tình báo, tòa FISA, đặt theo Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc. Họ muốn được cấp phép nghe lén các liên lạc điện tử của hai ngân hàng Nga.

Bản yêu cầu đầu tiên, vào tháng Sáu, bị các thẩm phán từ chối ngay lập tức. Họ trở lại với một bản yêu cầu khiêm tốn hơn vào tháng Bảy và tiếp tục bị từ chối. Cuối cùng, với một thẩm phán mới, lệnh điều tra được chấp thuận vào ngày 15 tháng Mười, ba tuần trước ngày bầu cử.

Harry Reid, lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Thượng viện, cáo buộc FBI che giấu thông tin

Nguồn hình ảnh, AP

Chụp lại hình ảnh,

Harry Reid, lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Thượng viện, cáo buộc FBI che giấu thông tin

Cả Trump lẫn các cộng sự của ông đều không nằm trong lệnh điều tra của tòa FISA, vốn chỉ dùng để điều tra các công dân hoặc tổ chức nước ngoài - trong trường hợp này là các ngân hàng Nga. Nhưng suy cho cùng, cuộc điều tra này nhằm vào các lệnh chuyển tiền trái phép từ Nga sang Mỹ, mà nếu chúng tồn tại thì mỗi lệnh đều là một trọng tội.

Một luật sư - nằm ngoài Bộ Tư pháp nhưng quen thuộc với vụ án - nói với tôi rằng ba cộng sự của ông Trump cũng nằm trong diện điều tra. "Nhưng rõ ràng vụ này là nhằm vào Trump," ông nói.

Tôi đã phỏng vấn cả ba người được nhận diện bởi nguồn tin này. Tất cả đều dứt khoát phủ nhận tất cả các cáo buộc. "Vớ vẩn," một người nói. "Nhảm nhí," một người khác. Với hai ngân hàng Nga, một cũng phủ nhận mọi cáo buộc, còn ngân hàng kia thì từ chối bình luận.

Cuộc điều tra vẫn tiếp diễn ngay trong thời gian bầu cử. Trong giai đoạn đó, lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Thượng viện, Harry Reid, đã viết cho giám đốc FBI, cáo buộc ông ta đã che giấu những "thông tin gây chấn động" về Trump.

Ông Reid gửi bức thư này sau khi nhận được một báo cáo tình báo, cùng với các lãnh đạo khác của Quốc hội. Chỉ có tám người có mặt: Trưởng ban và người đại diện phe đối lập ở các Ủy ban Tình báo của lưỡng viện, cùng với các lãnh đạo của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa - hay như họ đôi khi được gọi, "băng tám người". Thông thường, những viên chức cao cấp cũng dự họp phổ biến tin tình báo của "băng tám người", nhưng lần này thì không. Các lãnh đạo Quốc hội thậm chí còn không được phép ghi chép nội dung buổi họp.

'Con rối'

Trong bức thư gửi giám đốc FBI James Comey, ông Reid viết: "Trong các thư từ với ông và những quan chức chủ chốt trong cộng đồng tình báo quốc gia, tôi đã biết được rằng ông đang sở hữu những tin tức gây sốc về mối quan hệ và cộng tác gần gũi giữa Donald Trump và các cố vấn hàng đầu của ông ta với chính phủ Nga - một chính quyền ngoại quốc có thái độ thù nghịch công khai với Hoa Kỳ, và một thường xuyên được ông Trump khen ngợi mọi lúc có thể.

"Công chúng có quyền được biết thông tin này. Tôi đã viết cho ông nhiều tháng trước để yêu cầu công bố rộng rãi thông tin này trước đại chúng. Việc đó không có bất cứ điều gì nguy hiểm đến lợi ích của nước Mỹ. Ấy thế mà ông vẫn tiếp tục không nghe theo các lời kêu gọi đưa thông tin quan trọng này ra trước công chúng."

CIA, FBI, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đều từ chối bình luận khi tôi tiếp xúc họ sau khi có tin về lệnh điều tra của FISA.

Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra với cuộc điều tra dưới thời Tổng thống Trump - hoặc thậm chí liệu đội đặc nhiệm này có còn đang tiếp tục công việc của mình hay không. Người Nga đã bác bỏ tất cả các cáo buộc về việc tìm cách gây ảnh hưởng lên Tổng thống đắc cử - bằng tiền hoặc bằng một cuốn băng quay trộm.

Bà Hillary Clinton đã gọi ông Trump là "con rối của Putin" trong các cuộc tranh luận

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Bà Hillary Clinton đã gọi ông Trump là "con rối của Putin" trong các cuộc tranh luận

Nếu một cuốn băng tồn tại, người Nga sẽ khó có khả năng chịu đưa chúng ra, mặc dù có thể hy vọng vào khả năng tồn tại một quan chức FSB bất mãn và có thể muốn kiếm một khoản hời. Trước cuộc bầu cử, Larry Flynt, chủ biên tạp chí khiêu dâm Hustler, đã treo giải một triệu đôla cho một cuốn băng có thể buộc tội Trump. Tạp chí người lớn Penthouse đang bắt chước với một đề nghị một triệu đôla cho cuốn băng Ritz-Carlton (nếu nó tồn tại).

Đúng là một tình cảnh phi thường, chỉ 10 ngày trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức, nhưng nó đã báo trước trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử.

Trong cuộc tranh luận cuối cùng, bà Hillary Clinton đã gọi ông Donald Trump là "con rối" của nhà lãnh đạo Nga, Vladimir Putin. "Chẳng phải con rối. Chẳng phải con rối," ông Trump ngắt lời bà Clinton. "Bà là con rối thì có. Không, bà là con rối thì có."

Trong một bài viết mang ý kiến riêng trên tờ New York Times hồi tháng Tám, cựu giám đốc CIA Michael Morell đã viết "Trong ngành tình báo, chúng tôi có thể nói rằng ông Putin đã tuyển mộ ông Trump trở thành một đặc vụ bất đắc dĩ của Liên bang Nga."

Đặc vụ hay con rối - cả hai từ đều ám chỉ có một mức độ ảnh hưởng hoặc điều khiển từ Moscow.

Michael Hayden, cựu giám đốc của cả CIA lẫn NSA, thì đơn giản gọi Trump là một "polezni durak" - một thằng đần hữu dụng.

Bối cảnh của những nhận xét này là thông tin - vào thời điểm đó - chỉ nằm trong cộng đồng tình báo. Bây giờ thì mọi người Mỹ đều đã biết. Và khi chỉ còn hơn một tuần là đến lễ nhậm chức, họ sẽ phải quyết định xem liệu Tổng thống mới đắc cử của họ có thật là đang bị Moscow uy hiếp hay không.