Cần đội ngũ tinh hoa dẫn dắt sự phát triển

TS. Nguyễn Minh Hòa - 09:10, 25/01/2023

TheLEADERLịch sử cho thấy một quốc gia, một thành phố lớn tồn tại, phát triển, hưng thịnh là nhờ có 4 trụ cột chính là: tầng lớp quý tộc, trí thức, tầng lớp doanh nhân và đội ngũ kỹ thuật cao.

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Điểm đến của tầng lớp tinh hoa

Nói về câu chuyện không xa lắm. Năm 2008, khu đô thị Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng trao bằng công nhận là “Khu đô thị kiểu mẫu” đầu tiên ở Việt Nam. Vào thời điểm đó có không ít người có trách nhiệm và một số tổ chức la lên là không thể như thế được, vì mô hình đó chính là điển hình cho phân biệt giai cấp, việc cấp bằng như thế đã tạo ra tiền lệ “khu nhà giàu” và “xóm nhà nghèo” trong đô thị.

Năm ngoái, có một vị trong hội đồng nhân dân thành phố bị mạng xã hội “ném đá” chỉ vì nói là làm sao hạn chế bớt dân nhập cư, nhất là những người bán hàng rong, lượm ve chai, ăn xin để dành chỗ cho những người lao động có tay nghề cao.

Cần đội ngũ tinh hoa dẫn dắt sự phát triển
TS. Nguyễn Minh Hòa

Nhưng hôm nay, chuyện này nói ra không còn sợ bị quy chụp nữa, bởi người đứng đầu quốc gia trong bài phát biểu ngày 23/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh và rõ ràng tới hai lần nội dung “TP.HCM là hạt nhân, thành phố kinh tế tri thức, trung tâm tài chính quốc tế, là điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức, nhất là trí thức trẻ. Trình độ phát triển của TP.HCM ngang tầm với thành phố lớn châu Á”; và “TP.HCM phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo; là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc”. Khẳng định này của Tổng bí thư như cởi tấm lòng cho các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu trên các diễn đàn và truyền thông chính thức, cũng như hoạch định các chính sách.

Thật ra quan niệm thành phố lớn được định vị có vai trò trung tâm, động lực phải là nơi tập trung các tinh hoa và khá giả của một quốc gia hay vùng miền không phải là mới mà rất phổ biến trên thế giới từ cổ chí kim. Bởi thủ đô hay thành phố trung tâm vùng là nơi phát ra các quyết định chính trị quan trọng nhất, nơi đưa ra các quyết sách, chiến lược hành động và các hoạt động kinh tế- văn hóa- giáo dục của nó tác động sống còn đến toàn bộ quốc gia, vùng miền. Do vậy nó là nơi mà như các học giả tổng kết “nhỏ-tinh-linh”. Nó không cần rộng lớn, dân số không cần quá đông nhưng đa phần dân cư ở đó là những người có chất lượng dân số cao, bao gồm sức khoẻ, học vấn và kiến thức, tay nghề và kỹ năng, trách nhiệm công dân, và tất nhiên là khá giả, giàu có. Nơi ấy tỏa ra sự linh thiêng do tích tụ các trầm tích văn hóa-lịch sử và khí thiêng sông núi.

Đâu là trụ cột của một quốc gia?

Tầng lớp quý tộc qua các thời kỳ thường là các nhà lãnh đạo xuất sắc, các chính khách lão luyện, và những người vị thế có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Họ thường là vua, quan, các lãnh tụ, trong nhiều thời kỳ thì tính cả những lãnh tụ tôn giáo. Tầng lớp này không hẳn là giàu có nhất nhưng lại có quyền lực và mưu lược. Họ thường nghĩ ra nhiều thứ, có cái chung cho xã hội có cái cho riêng mình, có cái bảo vệ lợi của gia tộc mình, có cái làm ra cho xã hội để rồi xã hội lại phục vụ lại. Các cung điện, lăng tẩm, đền đài, thành trì, quảng trường, nhà thờ, hí viện là do họ nghĩ ra và đòi hỏi.

Nhưng để biến cái mong muốn, nhiều khi kỳ quái thành hiện thực thì phải có những người tính toán, lên kế hoạch, chương trình, thiết kế. Đó chính là tầng lớp trí thức, tầng lớp này giúp cho ý tưởng của các nhà chính trị sáng rõ hơn qua xây dựng, phân tích phản biện, và làm ra các đề án, dự án bài bản.

Tiếp theo đó là phải có tiền, thật nhiều tiền. Đây chính là lúc cần đến các doanh nhân, các đại gia. Họ có thể là người cung cấp tài chính để thu lợi nhuận qua đầu tư hay là các nhà mạnh thường quân, nếu không có tầng lớp doanh nhân thì mọi ý tưởng dù hay mấy cũng chỉ là hão huyền.

Cuối cùng thì cần đến tầng lớp kỹ thuật bậc cao. Họ chính là người thi công trên thực tế, biến các ước mơ thành công trình. Con đường ra đời của Kim tự tháp, Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, Di Hòa Viên, cung điện Louvre, hay cả một thành phố như Paris, Moscow, đều ra đời như thế. Bất cứ quốc gia nào cũng cần đến 4 trụ cột này, nếu không có, hoặc có nhưng yếu ớt, hoặc thiếu 1 trong 4 thì quá trình hiện đại hóa đô thị ở bất cứ giai đoạn nào không thành công, hoặc thành công rất hạn chế.

Chính vì thế những người thuộc top đầu của 4 trụ cột này được gọi là tinh hoa, hay là “elite”. Họ là nhóm dẫn dắt xã hội, đẩy và kéo đại đa số nhân dân đi theo (đa số người dân được gọi là tầng lớp hưởng ứng). Do vậy bất cứ thành phố nào cũng muốn được sở hữu đội ngũ tinh hoa này với số lượng đông, chất lượng cao, có thu nhập tốt, tất nhiên là tử tế nữa.

Ở một phía khác, các thành phố lớn trên thế giới có xu hướng muốn giảm bớt những người thuộc nhóm lao động có trình độ học vấn thấp, không có tay nghề, những người được hiểu là “gánh nặng” như người vô gia cư, ăn xin. Cần phải hiểu điều này để không quy chụp. Các thành phố dù giàu có đến đâu cũng cần một số lượng nhất định làm lao động phổ thông. Họ là những công việc được coi là “3D” tức là nguy hiểm (dangerous), khó khăn (difficult) và bẩn (dirty). Chẳng hạn như thu gom rác, thông cống, làm sạch ống khói, công nhân các công trường xây dựng, thu hoạch nông sản, cắt cỏ… Tuy nhiên cũng cần nói thêm là do phát triển của kỹ thuật cho nên các nghề này hiện nay không phải làm chân tay nữa mà sử dụng các máy móc hiện đại, nên người lao động cũng phải qua đào tạo mới làm việc được.

Cần đội ngũ tinh hoa dẫn dắt sự phát triển 1
Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Chu Hoàn

Tích tụ và tập trung

Để có được đội ngũ đông đảo những người tinh hoa, và giảm dần những người lao động phổ thông bậc thấp thì các thành phố có những chính sách khác nhau, trong có có chính sách kinh tế, hàng rào luật pháp, thuế phí, giá cả và quy hoạch.

Chẳng hạn như Singapore là một quốc gia rất nghiêm ngặt trong việc định cư, mỗi năm số lượng người được định cư ngắn hạn và nhập tịch được ấn định rõ ràng và phải đáp ứng được những yêu cầu rất chặt chẽ. Họ chỉ tuyển những người mang lại lợi ích cho Singapore. Đó là chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nhân, các công nhân kỹ thuật có tay nghề bậc cao. Ngay cả khi họ muốn mang vợ con theo thì bản thân người đó phải có mức lương tối thiểu là 4.500 USD/tháng. Nên biết chất lượng dân số của Singapore rất cao 96,8% hoàn thành bậc học các cấp, trong đó 58,2% tốt nghiệp trung học; 16% có bằng đại học; 26% tốt nghiệp trường kỹ thuật nghề. Dân số của Singapore là 5,5 triệu người, trong đó 1,8 triệu người là chuyên gia và sinh viên nước ngoài đang sinh sống và làm việc.

Rất nhiều thành phố do giá nhà, hàng hóa đắt đỏ, thuế phí rất cao và yêu cầu công việc cho nên ai trụ lại được phải là những người giỏi chuyên môn, có kỹ năng, có sức khỏe tốt, hội nhập tốt và tất nhiên phải có thu nhập cao, thậm chí là rất cao. Họ thuộc nhóm 20% giàu có, 70% trung lưu (còn lại là 10% là cận trung lưu và thu nhập thấp).

Có một thời gian làm việc ở Thâm Quyến mới hiểu được điều mà GS. Chu Trường Thành của ĐH Phúc Đán (Thượng hải) nói là thành phố này không dành cho người già, người ít học và người kém cỏi vì đây là thành phố có tốc độ chuyển động cực kỳ nhanh, những ai yếu, ai nghèo sẽ văng ra khỏi guồng máy này.

Có thể khẳng định là hầu hết các thành phố phát triển trên thế giới đều có xu hương gia tăng nhóm tinh hoa, nhóm từ trung lưu trở lên (high class, middle class) và hạn chế nhóm ở tầng thấp (low class), và rất nhiều thành phố đã thành công trong việc tạo ra bộ lọc như thế. Ai sống được ở Songdo, thành phố thông minh của Hàn Quốc phải có thu nhập 1 tháng từ 7-10.000 USD, tương tự ở Thâm Quyến, Chu Hải là 4.200 USD, Singapore là xấp xỉ 6.000 đô la Sing.

Tại sao những nơi như Singapore, Thâm Quyến, Thiên Tân (Trung Quốc), Putrajaya (Malaysia), Songdo (Hàn Quốc) và nhiều thành phố khác thực hiện điều này mà không bị lên án? Đơn giản là chính quyền của các quốc gia, thành phố đó cho rằng khi “tích tụ và tập trung” được nhiều người giỏi ở một nơi sẽ tạo ra năng suất lao động cao, phát minh sáng chế ra nhiều điều mới mẻ và như thế sẽ tạo giá trị lớn cho xã hội bao gồm hàng hóa, kiến thức, con người và tài chính. Và khi tạo ra những giá trị lớn, các thành phố sẽ đóng góp nhiều hơn cho quốc gia, cho các quĩ phát triển và tất nhiên những người nghèo, người yếu thế ở các vùng sâu vùng xa, nông thôn không phải kéo nhau về thành phố kiếm ăn vất vả mà vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực qua các kênh khác nhau như phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế-xã hội, các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nước sạch, nhà ở, dạy nghề, vay vốn lãi suất thấp để phát triển kinh tế... Còn nếu tất cả ai cũng kéo về thành phố thì chỉ làm khó nhau, không giàu lên được mà chỉ “chia nhau sự nghèo khó”, bởi tài nguyên ở thành phố là hữu hạn. “đất lành chim đậu”, nhưng nếu chim nhiều quá thì không còn đất cho người tinh hoa dụng võ.

Khắc phục điểm yếu đông mà không mạnh

TP.HCM là thành phố đông dân nhất (khoảng 13 triệu người), nhưng nhìn một cách tổng quát và so với các thành phố khác trong khu vực thì chất lượng dân số của thành phố chỉ ở mức trung bình. Một cảm nhận là thành phố đông nhưng không mạnh, chưa phải là thành phố tri thức, chưa phải là thành phố có đẳng cấp trong khu vực. Nhìn vào, ai cũng thấy thành phố “lam lũ, nhếch nhác, khổ khổ”. Cái khổ, các nghèo, cái lam lũ không chỉ ở cảnh quan, phố phường, tổ chức đời sống mà trên từng khuôn mặt. Những khuôn mặt thiếu tự tin, thiếu thư thái, thiếu trí tuệ và sự lịch lãm.

Cần đội ngũ tinh hoa dẫn dắt sự phát triển 2
Bình minh ở thành phố mang tên Bác. Ảnh: Chu Hoàn

Các nghiên cứu và khảo sát gần đây đã cho thấy: TP.HCM chưa có được một đội ngũ trí thức thực mạnh, không có đội ngũ chuyên gia tầm quốc tế, thậm chí quốc gia, nếu có thì cũng rất ít, không kết thành một đẳng cấp xã hội. Thiếu vắng các đơn vị nghiên cứu mạnh ở tầm quốc tế trên các lĩnh vực khác nhau.

Đội ngũ cán bộ công quyền (rường cột của chính quyền) không giỏi, thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng (đặc biệt hai kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng tổ chức hành động thực tiễn và kỹ năng ngoại ngữ), thiếu sáng tạo, và khá phụ thuộc. Đặc biệt là thành phố thiếu những nhóm tham mưu giỏi, chuyên sâu cho lãnh đạo. Chỉ có 28% cán bộ làm quản lý địa chính của 322 đơn vị phường, xã là có bằng đại học, chỉ có 9% biết sử dụng ngoại ngữ ở mức trung bình, 13,6% thành thạo tin học văn phòng.

Không có đội ngũ doanh nhân có tầm quốc tế, có trí tuệ và có tính cộng đồng cao. Doanh nhân ở TP.HCM còn nhỏ bé về qui mô, tầm mức ảnh hưởng hẹp, yếu ớt, chưa nhiều doanh nghiệp lớn vươn ra được tầm quốc tế. Việt Nam và TP.HCM thiếu các đại gia kinh tế như Samsung, LG, Honda… mà các đại gia Việt Nam chủ yếu là thuộc lĩnh vực bất động sản, giàu lên nhờ chênh lệch địa tô, dựa thế quan hệ, nắm bắt cơ hội chính sách... Những thành phần này chưa đủ tầm để dẫn dắt xã hội về kỹ thuật, công nghệ, tổ chức và hình ảnh. Có thể nói rằng đa phần doanh nghiệp của TP.HCM là những doanh nghiệp tý hon.

Thành phố cũng thiếu vắng đội ngũ công nhân công nghiệp hiện đại gọi là “cổ cồn xanh” theo đúng nghĩa, mà chỉ có những lao động phổ thông làm thuê, đời sống kinh tế nghèo, dân trí thấp, không kết thành giai tầng xã hội như ở các nước phát triển. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP.HCM, chỉ có 17% công nhân kỹ thuật lành nghề, 19,8% tốt nghiệp đại học, hơn 30% chưa qua đào tạo.

Mức độ phát triển trung bình kém không chỉ trong thu nhập, mức sống, công nghệ-kỹ thuật, năng suất lao động mà còn trong văn hoá, lối sống, tác phong, cách thức ứng xử. Chính vì chất lượng dân số không cao mà sản phẩm của họ tạo ra chỉ ở mức trung bình, không có khả năng cạnh tranh khu vực. Các sản phẩm văn học nghệ thuật ở mức thấp, có phần dễ dãi, kiểu như hài nhảm, phim thương mại, ca sĩ kẹo kéo…

TP.HCM có nguy cơ đứng ở mức phát triển trung bình như hiện nay nếu không có tư duy đột phá, giải pháp mạnh mẽ, hành động chiến lược và đội ngũ tinh hoa đông đảo thì tình trạng dậm chân tại chỗ sẽ rất lâu, có thể 15-20 năm nữa cũng không có gì mới. Điều đó có nghĩa “kỳ tích sông Sài Gòn” hay “hòn ngọc Viễn Đông” chỉ là ước mơ xa vời.