Cẩn trọng khi biến hóa trang phục dân tộc

20/01/2024 - 07:36

PNO - Nhiều mẫu thiết kế trang phục dân tộc tại các cuộc thi trong nước hoặc được mang đi thi quốc tế đã gây tranh cãi vì sáng tạo quá đà, không phù hợp.

Bộ trang phục dân tộc Nguyễn Hoàng Tùng mang đến cuộc thi Mister Grand International 2024 - Nam vương Hòa bình Quốc tế bị dư luận phản ứng. Thiết kế được mô tả là “trang phục chần bông trấn thủ - một trang phục đặc biệt từ thời kỳ Điện Biên Phủ những năm 1954, miêu tả hình ảnh các chiến sĩ Việt Nam đang đứng lên để bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc”. Áo dài được lồng ghép bên trong, bằng vải xuyên thấu.

Có ý kiến cho rằng, không nên biến tấu trang phục của quân đội, lực lượng vũ trang để phục vụ cho một sân chơi giải trí. Trong bộ ảnh giới thiệu trang phục này có một số ảnh Hoàng Tùng cởi áo để lộ cơ thể, càng được cho là không phù hợp.

Những thiết kế gây tranh cãi tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam  và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam
Những thiết kế gây tranh cãi tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam

Khoảng 7 năm qua, trang phục văn hóa dân tộc/trang phục dân tộc luôn xuất hiện tại các cuộc thi nhan sắc trong nước lẫn khi dự thi quốc tế. Thay cho áo dài, nhiều thiết kế lấy ý tưởng từ các nét văn hóa truyền thống như: múa rối, lân sư rồng, tuồng, chèo, cải lương, các món ăn… Chúng ngày càng được thiết kế táo bạo và được đầu tư nhiều hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, những trang phục này cũng không ít lần gây tranh cãi. Tại đêm trình diễn trang phục văn hóa dân tộc thuộc khuôn khổ Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023, thiết kế Mắc võng Trường Sơn cũng nhận những bình luận trái chiều khi phối áo dài cùng võng, áo choàng người lính, mô hình núi.

Tại cuộc thi này năm trước, việc áo bà ba được cắt xẻ, mặc cùng áo yếm hay mặc bà ba ở trên nhưng bên dưới để chân trần… cũng được bàn tán xôn xao. Ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, trang phục về nghề nail, chiếu Cà Mau, heo đất… cũng nhận ý kiến khen, chê trái chiều. Những thiết kế lấy cảm hứng từ hoa, lá… phần lớn đều phá cách táo bạo, ít giữ được nét truyền thống. Đây là xu hướng thiết kế đang được nhiều người làm nghề ủng hộ. Tuy nhiên, việc cách tân áo dài quá mức cũng khiến dư luận băn khoăn.

Theo nhà thiết kế (NTK) Minh Châu, khi làm thời trang, đặc biệt với các NTK trẻ thì kinh nghiệm, sự nhìn nhận có phần hạn chế. Theo anh, mỗi quốc gia có đặc tính văn hóa riêng, cần hiểu biết, tuân thủ. Những yếu tố liên quan đến lịch sử, chính trị… cần được cân nhắc cẩn trọng. Anh cho rằng, nếu có sai sót xảy ra hoặc có tranh cãi thì điều cần là những ý kiến đóng góp tích cực, để từ đó các NTK có thể tiếp thu, cải thiện.

NTK Cao Minh Tiến cho rằng, khi sáng tạo, cũng khó để xác định liều lượng cho chính xác. Theo anh, ngoài ý thức, kiến thức của tự thân NTK thì sự định hướng của các cơ quan quản lý về văn hóa cũng góp phần quan trọng. Không nên bó buộc sự sáng tạo nhưng cần có những góp ý, hỗ trợ để tránh, giảm những tranh cãi, sai sót. 

Hà Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI