Wednesday, April 24, 2024

Câu chuyện níu chân người ra đi Dương Tường

Nguyễn Trọng Khôi

Năm ấy, người bao biện, tiễn dẫn tôi vào Hà Nội là Trà – một người bạn sơ giao nhưng lại rất nhiệt tâm. Anh đã đưa tôi đi thăm thú các ngõ ngách của Hà Nội, có những quán ăn bán thức ăn “Tây“ mà phải đi luồn vào buồng như vào trong một gia đình và ngồi ăn trên cái bàn nhỏ kê sau cái tủ như tủ quần áo, ăn một miếng beefsteak mà giống như ăn “lén.”

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường. (Hình: Nguyễn Trọng Khôi cung cấp)

Trà đưa tôi đi thăm các nhà thơ, nhà văn, các maître họa sĩ của Hà Nội. Trà không uống được rượu nhưng tiếp tôi luôn chu đáo. Ở Hà Nội dân nhậu rượu trắng là hắt luôn một ly vào miệng chứ không uống “chip chip” từng tí, thường uống rất nhiều. Khi ấy tôi thích uống Ararat – brandy của người Armenia, đi đâu Trà cũng thủ theo một chai để phòng hờ khi tôi không chịu nổi Làng Vân thì cáo lỗi mọi người cho tôi uống Ararat.

Trong số những người gặp gỡ tại Hà Nội có nhà thơ Dương Tường. Anh hiền lành và nhỏ nhẹ, giọng mềm và duyên dáng. Phải nói dạo ấy tôi sợ tiếp xúc với người Hà Nội vì những lý luận. Đi đâu cũng gặp, tôi là họa sĩ nhưng lại rất ngại tới hội mỹ thuật, vì đến đó lại gặp một rừng những câu nói đầy tính nghiêm trọng, cái gì cũng logic.

Đã có những tiếng vọng đến tai mình: anh ấy ít nói quá nhỉ! Tôi hay ăn phở Tư Lùn đối diện với khách sạn Dân Chủ, tôi có cảm tưởng là một cô bán phở có thể nói vài phạm trù ngay trên bàn phở.

Trở lại với nhà thơ Dương Tường mềm mỏng, hay cười nhẹ dí dỏm. Hàng ngày, thường uống rượu với tôi tại Dân Chủ, trong câu chuyện thấy anh thật uyên thâm không chỉ về văn học mà còn mỹ học nữa.

Riêng tôi, anh là một trong những người đi tiên phong trong phong trào thi ca mới của Việt Nam, khi mà tân hình thức và hậu hiện đại lúc ấy ở Việt Nam chưa nói đến. Không kiêu căng, không vác mặt lên trong sinh hoạt. Tư cách một chân dung lớn.

Sau này, lần nào đến Hoa Kỳ anh và tôi đều gặp nhau. Nhớ mãi một lần đã khuya lắm tôi nhận một cú điện thoại từ anh: “Khôi ơi! Làm sao kiếm được mấy nén nhang nhỉ. Hôm nay là ngày giỗ Văn Cao.”

Ảnh kỷ niệm. (Hình: Nguyễn Trọng Khôi cung cấp)

Tôi đang tính ngủ, bật dậy, cũng lại phone khắp cùng, sau cũng kiếm được vài nén nhưng phải dùng tạm vì là nhang chống muỗi. Phóng xe đến anh cùng đốt nhang tưởng nhớ nhạc sĩ Văn Cao vào nửa đêm tại Hoa Kỳ. Thế đấy, tấm lòng. Có thấy tấm lòng người ta mới thực sự yêu thương nhau.

Lần khác, anh đưa tôi một bản thảo tập thơ, tôi xem rất ngạc nhiên nghĩ nhanh anh muốn khơi mở điều gì ở đây, tất cả bản thảo đều là ký hiệu và những hình vẽ lăng quăng. Nó giống như một phát hiện mới, một ngôn ngữ mới trong thi ca, một thứ biểu tượng trình bày cảm xúc bằng ngôn ngữ chung nhân loại.

Tôi chợt hình dung những đối thoại từ những vách đá cổ đại mà người ta truyền đạt cho nhau. Anh Dương Tường bảo tôi xem có thể in ra ít bản. Khi ấy nhà tôi không có phương tiện in ấn, mà nhà in thì phải in số lượng cao họ mới in nên đành phải cho trôi qua. Đáng tiếc thật.

Hôm nay nhớ về anh thì sẽ nhớ nhiều lắm. Nhớ tấm lòng trải ra vô hạn bằng chính niềm vui của mình.

Vĩnh biệt anh, Dương Tường. Vĩnh biệt một tài năng hiếm quý sót lại của Hà Nội Bùi Xuân Phái, Hà nội phố phường chật hẹp.

[disqus_shortcode_codeable]

Ông Phạm Hoài

Ông Nguyễn Chí Thông

Ông Huỳnh Nhâm