CÂU HỎI TỪ PHIÊN TOÀ XÉT XỬ TRƯƠNG DUY NHẤT


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Sau khi vụ xét xử sơ thẩm nhà báo Trương Duy Nhất kết thúc, hàng loạt các báo Nhà nước chỉ đưa vỏn vẹn 1 thông tin mới: kết án 2 năm tù. Chỉ cần đọc 1 báo thì biết cả trăm báo. Trong lúc đó, thông tin về phiên toà lại được các bloger và báo nước ngoài đưa khá cụ thể, từ bài viết, tường thuật đến các cuộc phỏng vấn luật sư có mặt tại phiên toà, và cả những thông tin bên ngoài phiên toà. Điều đó khiến người dân bỏ báo nhà nước để đến với báo mạng tự do.

Blogger Trương Duy Nhất trong phiên xử tại Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng, ngày 4/3/2014. Ảnh VOA

Blogger Trương Duy Nhất trong phiên xử tại Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng, ngày 4/3/2014. Ảnh VOA

Ở đây người ta được biết, công an Đà Nẵng bảo vệ vòng ngoài khá ôn hoà, lịch sự, tôn trọng người dân bên ngoài cổng toà, dù không cho họ vào bên trong để xem vụ xét xử “công khai” như đã được thông báo. Ở đây người ta biết được luật sư bảo vệ thân chủ đã tranh tụng và chứng minh Trương Duy Nhất không vi phạm điều 258 bộ luật hình sự, và vô tội… buộc toà phải thay đổi tội danh chỉ còn “xâm phạm lợi ích nhà nước”, dù điều này không làm thoả mãn luật sư lẫn bị cáo. Ở đây người ta biết được, Trương Duy Nhất tự bảo vệ những bài viết của mình là vì lợi ích của nhà nước, của nhân dân. Người ta cũng biết bà chánh án đã cắt ngang sự tự bảo vệ của bị cáo khi mới bảo vệ đến bài thứ 7/12 bài bị cáo buộc phạm tội, rút ngắn thời gian xử án mà không có điều luật nào qui định…

Luật sư Trần Vũ Hải cho biết: “Nhà báo Trương Duy Nhất thừa nhận có viết 11 bài như cáo trạng nêu nhưng ông cho rằng ông không ‘xâm phạm quyền và lợi ích’ của tổ chức hay cá nhân nào cả mà chỉ ‘chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm, những hiện tượng chưa đúng’ với hy vọng ‘lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ thấy ra, khắc phục, sửa chữa và rút kinh nghiệm. Thậm chí ông Nhất còn cho rằng ông ấy còn có công đã chỉ ra những điểm ấy để cho các lãnh đạo và Nhà nước Việt Nam tốt hơn”.

Trong lời cuối cùng trước khi Tòa tuyên án Nhất khẳng định ông ‘vô tội.

Trương Duy Nhất nói trước toà: “Với tư cách nhà báo tự do tôi góp phần cho không khí dân chủ ở Việt Nam, góp phần giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức được những vấn đề của đất nước, những suy nghĩ của người dân”.

Nhất cũng nói: “Có những loại tù mà người ta cảm thấy ân hận hay xấu hổ, nhưng trường hợp của tôi thì tôi thấy tự hào.”

Và người ta được biết Nhất sẽ kháng án khi ông tuyên bố: “Chừng nào tôi chưa được tự do mà vẫn còn bị  kết tội thì tôi còn đấu tranh cho đến khi được xóa bỏ tội danh”.

*
Qua vụ án này, chúng ta thấy có gì lúng túng ở phía công tố và thẩm phán toà án khi phải thay đổi tội danh. Đó là một bước lùi. Cái bước lùi ấy chính là một bước tiến của tư pháp ở Việt Nam? Và sẽ lùi đến đâu thì mang đến cho mọi người dân tính công bằng, công minh, thượng tôn pháp luật?

Một câu hỏi buồn vui lẫn lộn.

Nhưng đó là một câu hỏi cần phải có lời giải.

Hà Nội, 4.3.2014

5 bình luận

  1. Đây là cuộc đấu tranh pháp lí giữa cơ quan quyền lực với người dân . Cơ quan công quyền từ xưa sẵn có tư tưởng ỷ thế : ” cái lí trong tay kẻ có quyền “. Cho nên ta thấy những năm trước đây chủ tịch xã , huyện …(chưa nói là công an ) họ đã ra lệnh bắt nhốt người . Đến nay qua nhiều năm sự đấu tranh và hội nhập quốc tế nạn quan liêu này đã được triệt xoá . Song trong tầm thức con người nằm phần lớn ở cơ quan công quyền vẫn coi : pháp luật là của họ , họ đứng trên pháp luật , cho nên họ xử lí vụ án thường có chỉ đạo cấp trên và trước đó , từ tư tưởng đó mà đẻ ra quan liêu bắt sai , xử oan . Cũng Từ đó ta thấy đôi khi cũng rất khó cho những người trức tiếp xử lí vụ án , mặc dù người trực tiếp xử lí vụ án đã ý thức được một phần cái vô lí của ban cáo trạng , và họ đã đổi tội danh , giảm tội cho bị cáo , thật đáng mừng là công lí của vụ an TDN đã được cơ quan công quyền dần nhận ra , tôi tin phiên phúc thẩm sẽ có một kết cục tốt đẹp hơn cho TD N và dư luận xã hội ! Qua thực tế xét xử vụ án TDN cho ta thấy còn có niềm tin vào lãnh đạo của nhà nước ta phía trước .

  2. tôi vô cùng ngưỡng mộ tinh thần dụng cảm của TDN . Anh hãy vững tin , nhân dân VN sẽ luôn ủng hộ anh đến thắng lợi cuối cùng

  3. “Cái bước lùi ấy chính là một bước tiến của hành pháp ở Việt Nam?” có phải anh muốn nói “bước tiến của tư pháp VN”?

  4. Vâng, nếu vậy thì đúng là tư pháp anh ạ, còn hành pháp chỉ đề ra những chính sách (để QH thông qua) và thực hiện chúng, chứ không phán xử ai (tất nhiên, ở VN thì… khác, vì họ đâu có phân lập các quyền như thiên hạ !).

    Tg

    • Cám ơn bạn HDT và anh Hà Dương Tường. Đúng là “một bước tiến của tư pháp ở Việt Nam?”. Ở đây tôi có đặt dấu chẩm hỏi (?), với ý rằng: Toà án có tiếp thu ý kiến tranh tụng của luật sư và bị cáo tự bào chữa, điều mà trước đây rất hiếm. Nếu vai trò luật sư được tôn trọng thì nhiều vụ án sẽ có những thay đổi đáng kể cho thân chủ.

Bình luận về bài viết này