Cầu Long Biên: Nên bảo tồn giá trị lịch sử hay cải tạo vì giá trị kinh tế?

  • Lâm Lê
  • BBC Tiếng Việt
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng có chiều dài 1.600m được xây dựng từ thời Pháp

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM

Chụp lại hình ảnh, Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, có chiều dài hơn 1.600 m được xây dựng từ thời Pháp

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội vừa tròn 120 năm tuổi, dù chưa được xếp vào danh mục Di tích lịch sử - Danh thắng ở các địa phương, nhưng có ý kiến cho rằng với giá trị lịch sử và kiến trúc nó cần được quan tâm và đầu tư ở mức cao hơn hiện nay để công việc bảo tồn được tốt hơn.

Cầu Long Biên, tên gọi cũ là cầu Doumer, được đặt theo tên của Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương 1897-1902, Tổng thống Pháp 1931-1932), người đã đưa ra ý tưởng xây dựng cây cầu bắc qua sông Hồng dài 1.600m.

Cây cầu được khởi công xây dựng từ tháng 9/1898, do nhà thầu Daydé et Pillé (Pháp) thiết kế và thi công, đến tháng 2/1902 thì hoàn thành. Cầu được xây dựng với mục đích ban đầu là phục vụ đường sắt, nối Hà Nội với Trung Kỳ và Trung Quốc.

Đến đầu những năm 1920, cầu Long Biên được mở rộng thêm hai làn ở hai bên cho xe chạy để đáp ứng nhu cầu giao thông gia tăng, thay cho ý tưởng xây dựng một cây cầu mới lúc bấy giờ.

Trải qua hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cây cầu cũng bị ảnh hưởng bởi bom đạn, một số nhịp dầm cầu đã bị đánh sập.

Những năm gần đây, tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của cây cầu là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm về việc bảo tồn giá trị di sản hay cải tạo, nâng cấp để đạt hiệu quả kinh tế, giao thông thuận lợi hơn.

Mới đây nhất, chỉ trong tháng 5/2022, phần đường dành cho người đi bộ trên cầu Long Biên đã hai lần xuất hiện hố thủng bị đánh giá là gây nguy hiểm cho người đi lại.

Đánh giá về tình trạng xuống cấp của cầu Long Biên, kiến trúc sư, tiến sĩ Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) nói với BBC: "Cầu Long Biên đã quá cũ rồi, tình trạng han gỉ có thể nhìn thấy được bằng mắt và công tác bảo trì có lẽ cần được thực hiện một cách tích cực hơn."

"Và việc rơi một tấm đan ở mặt đường cầu xuống dưới chứng tỏ là nó đã có sự xuống cấp đến mức độ nguy hiểm rồi, chứ không phải như mình nhìn thấy gỉ sét bên ngoài nữa," ông nói thêm.

Long Bien bridge

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Cầu Long Biên được xây dựng với mục đích ban đầu là phục vụ đường sắt, sau này được mở rộng thêm hành lang hai bên để đáp ứng nhu cầu giao thông gia tăng

'Cần sự quan tâm ở quy mô cao hơn'

Từ Pháp, Kiến trúc sư Bùi Uyên, tiến sĩ chuyên ngành quy hoạch, kiến trúc tại vùng Ile de France bày tỏ ngạc nhiên khi cầu Long Biên được công luận và nhiều chuyên gia đánh giá là có giá trị lịch sử và là công trình di sản của Hà Nội, nhưng toàn bộ vấn đề về chi phí bảo trì, bảo hành cây cầu lại chỉ phụ thuộc vào công ty đường sắt và bên giao thông thôi.

Vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào việc tu sửa của bên ngành giao thông vận tải, nên theo bà Uyên, dẫn đến "hạn chế về khả năng bảo tồn, bảo trì" cây cầu, và hoạt động bảo trì cũng "chỉ là để nó hoạt động cầm chừng".

Vì chưa được quan tâm đúng mức nên kinh phí cho hoạt động bảo tồn, duy tu cũng rất hạn hẹp.

Báo Giao thông online, hôm 8/6, trích lời ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải, đơn vị trực tiếp quản lý, duy tu, bảo trì cầu Long Biên cho biết kinh phí bảo trì cầu Long Biên, do Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cấp, dù có tăng trong những năm gần đây, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 35-40% so với yêu cầu định mức.

"Tôi nghĩ đấy cũng là một lý do nó xuống cấp như thế, tức là người ta dành sự quan tâm cho nó chỉ trong giới hạn công trình hạ tầng giao thông," TS. Bùi Uyên nói với BBC, và "chuyện nó xuống cấp như thế này người ta đã có thể đoán trước từ rất lâu nay rồi".

Do đó, vị kiến trúc sư cho rằng Việt Nam cần quan tâm cũng như đầu tư ở quy mô cao hơn cho cây cầu.

"Để đối phó với việc nó càng ngày càng xuống cấp như thế này nó phải được quan tâm đến trong một mảng nào đấy với vai trò lớn hơn.

"Tức là kinh phí không những chỉ mang tính về giao thông mà còn là về bảo tồn công trình hoặc là chi phí về không gian công cộng… thì những ban ngành khác có thể có ngân sách cho cây cầu."

"Tất nhiên là chỉ cần để cho nó có thể hoạt động được thôi thì cũng cần một chi phí và sự quan tâm cao hơn nữa," TS. Bùi Uyên nhấn mạnh.

Về giải pháp trước mắt và lâu dài cho cây cầu Long Biên, Tiến sĩ Bùi Uyên đề xuất:

"Trong ngắn hạn, chắc chắn chỉ có cách duy nhất là phải đầu tư hơn.

"Còn dài hạn thì phải suy nghĩ đến chuyện là có dùng nó trong giao thông cơ giới hay không."

"Về quy hoạch thì liệu có phải suy nghĩ đến luồng giao thông, có thể phải bớt giao thông cơ giới, chỉ còn giao thông đi bộ, hoặc liệu có nên dùng đường sắt ở đây nữa không."

"Có thể vừa kết hợp quy hoạch với vấn đề xếp hạng cây cầu, hoặc là đánh giá bảo tồn nó như thế nào để có thể có thêm nhiều sự quan tâm hơn từ nhiều ban ngành để cùng bảo vệ nó."

Long Bien bridge

Nguồn hình ảnh, Viên Ngọc Chinh

Chụp lại hình ảnh, Cầu Long Biên hiện đang gánh trên mình nó cả giá trị lịch sử và giá trị kinh tế

Giá trị lịch sử hay giá trị kinh tế?

Tiến sĩ Bùi Uyên cho biết hiện chi phí bảo trì cầu Long Biên đang nằm trong chi phí của bên vận hành giao thông, chứ không nằm trong chi phí dạng bảo tồn các công trình cổ.

"Tôi nghĩ đấy cũng là một thiếu xót để có thể có thêm được sự hỗ trợ hoặc vốn đầu tư để trùng tu nó," bà nói.

Theo quan điểm cá nhân, TS. Bùi Uyên cho rằng cầu Long Biên đã đáp ứng được vai trò và chức năng của nó trong hơn một thế kỷ. Vì vậy, cây cầu cần được bảo tồn để gìn giữ giá trị lịch sử của nó, bà nói với BBC:

"Tôi nghĩ rằng mỗi công trình được xây dựng có khả năng đáp ứng cho nhu cầu tại thời điểm đó. Cây cầu Long Biên đã sống hơn một thế kỷ rồi thì nó có thể nói là có một sự già yếu nhất định với chức năng giao thông và vận tải của nó."

"Vai trò của cây cầu Long Biên không nên áp cho nó những vấn đề về giao thông hay là lợi ích kinh tế nữa, vì nó đã đóng góp vai trò của nó trong khoảng thời gian rất dài rồi."

"Bây giờ của nó chính là giá trị lịch sử và giá trị di sản mà tất cả dấu ấn của đô thị, biến động của đô thị trải qua, ngay cả nó đã có nhiều nhịp cầu chịu bom đạn Mỹ chẳng hạn, đấy cũng là những chứng tích."

"Tức là vai trò kinh tế của nó đã qua rồi thì bây giờ chúng ta phải hiểu nó là chứng nhân còn lại của lịch sử. Vì vậy, vai trò lịch sử của nó mới là vai trò của ngày hôm nay."

Trong khi đó, giá trị kinh tế, theo TS. Bùi Uyên, nên được giao cho các cây cầu mới do Việt Nam xây dựng sau này dưới thời kỳ độc lập.

Trong các quy hoạch từ năm 2008, với rất nhiều quy hoạch mở rộng Hà Nội thì có rất nhiều cầu mới bắc qua sông Hồng, bà Uyên cho biết thêm.

Do đó, nếu việc bắc qua sông Hồng để đảm bảo giao thông hiện tại và chịu được nhiều luồng giao thông lớn hơn thì song song với cây cầu Long Biên có rất nhiều cầu đang xây mới.

Tiến sĩ Trương Ngọc Lân thì cho rằng nên kết hợp bảo tồn với cải tạo cầu Long Biên để vừa giữ được giá trị lịch sử lại vừa đáp ứng được hiệu quả kinh tế và giao thông của nó. Ông nói:

"Theo tôi, cả hai mục tiêu này không có gì mâu thuẫn nhau cả. Bởi vì bảo tồn và phát huy giá trị của một công trình có giá trị di sản để mà nó vừa giữ được giá trị di sản vừa đáp ứng được nhu cầu của thời đại mới thì nó là điều tất nhiên."

"Trong công tác bảo tồn, nhìn chung người ta đều hướng tới mục tiêu như vậy chứ không chỉ đơn thuần là bảo tồn như một hiện vật bảo tàng để ngắm."

"Trong các công trình di sản kiến trúc đô thị thì luôn luôn người ta hướng tới phát huy giá trị của nó nữa, để mà nó phục vụ được đời sống mới nữa."

TS. Trương Ngọc Lân cho rằng nên kết hợp bảo tồn với cải tạo cầu Long Biên

Nguồn hình ảnh, Trương Ngọc Lân

Chụp lại hình ảnh, TS. Trương Ngọc Lân cho rằng nên kết hợp bảo tồn với cải tạo cầu Long Biên

Giải pháp được TS. Bùi Uyên đưa ra trước thực trạng xuống cấp của cầu Long Biên hiện nay, nhưng vẫn đảm bảo giữ được giá trị lịch sử của cây cầu như một di sản của đô thị Hà Nội, là giảm tải cho nó bằng việc mở các tuyến giao thông khác.

Bà gợi ý có thể chỉ sử dụng cây cầu cho đi bộ hoặc là hoạt động đường sắt du lịch, đường sắt tuyến nhẹ chứ không phải là tuyến chở hàng nặng.

"Những giao thông còn có thể sử dụng được thì mình sử dụng, nhưng mà không chất tải thêm mà thậm chí giảm tải cho nó, nhưng mà mình không theo hướng là phá bỏ nó đi và cũng không theo hướng nâng cấp nó mà chỉ giữ nguyên trạng nó thôi. Còn những cây cầu khác mới hơn thì sẽ làm nhiệm vụ của ngày hôm nay," TS Bùi Uyên kết luận.

Long Bien bridge

Nguồn hình ảnh, Viên Ngọc Chinh

Chụp lại hình ảnh, Ảnh chụp cầu Long Biên do độc giả của BBC cung cấp

Liên quan đến đường sắt, báo Giao thông online cũng nêu ý kiến của ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội cho biết trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch, gồm có có tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên có liên quan đến cầu Long Biên cho Hà Nội.

Tuy vậy, bộ này cũng chưa nêu rõ hướng xử lý với cầu Long Biên sẽ như thế nào mà chỉ cho biết đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu nữa và chỉ dừng tại khu vực đường sắt đầu mối Ngọc Hồi.

Bài báo trích dẫn lời ông Hải nói rằng: "Ngay cả khi đã hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến thủ đô. Do đó cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu".

Chụp lại video, Nhà 61 Trần Phú: Làn sóng bất động sản xóa dần kiến trúc Hà Nội cũ

Hỗ trợ của Pháp?

Tháng 4/2021, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND Hà Nội khi đó là ông Chu Ngọc Anh, thông báo phía Pháp muốn được tham gia vào dự án cải tạo cầu Long Biên để gìn giữ công trình mang tính biểu tượng của Hà Nội này.

Cây bút Huy Đức, trên trang Facebook cá nhân Truong Huy San, hôm 5/6 đã đăng lại nội dung email trả lời từ Đại sứ quán Pháp rằng "Pháp đặc biệt quan tâm dự án trùng tu cầu Long Biên" từ nhiều năm nay.

Đánh giá về đề xuất hỗ trợ từ chính phủ Pháp, Tiến sĩ Bùi Uyên cho rằng sự giúp đỡ của Pháp thường theo hai hướng: một là về kỹ thuật và chuyên môn, hai là về kinh phí.

Về mặt kỹ thuật và chuyên môn, Pháp có thể cung cấp chuyên gia có hiểu biết, hoặc các nghiên cứu chuyên môn, tài liệu lịch sử để trợ giúp công việc bảo tồn.

Về kinh phí, TS. Bùi Uyên nhận định với dự án như cầu Long Biên thì Việt Nam không thể chỉ phụ thuộc vào một nguồn vốn hỗ trợ được mà sẽ phải từ nhiều bên.

Bà Uyên lấy dẫn chứng một số dự án ở Việt Nam được cải tạo và trùng tu hoàn toàn từ vốn đầu tư của Pháp như dự án Mã Mây hay một số nhà cổ.

Tuy nhiên, dự cán cầu Long Biên, nếu có sự hỗ trợ về kinh phí của Pháp, theo đánh giá của bà sẽ chỉ có thể là một phần chứ không thể nào là tất cả được, và phía Việt Nam có lẽ cũng không mong chờ điều này, mà sẽ chủ yếu về mặt chuyên môn.

"Dự án cầu này phức tạp hơn bởi vì nó không phải là một không gian nhỏ hẹp mà là cả vấn đề giao thông và đô thị của Việt Nam, nằm trong quy hoạch của Việt Nam. Thành ra, nếu như mà ngay cả có sự hỗ trợ của một bên khác thì nó có ảnh hưởng rất nhiều đến các bộ ngành khác nhau và các vấn đề về giao thông, thủy lợi…" TS. Bùi Uyên giải thích.