Chất bán dẫn: Dầu mỏ của nền kinh tế mới và tham vọng của Việt Nam

RFA
2022.11.21
Chất bán dẫn: Dầu mỏ của nền kinh tế mới và tham vọng của Việt Nam Tại Hà Nội 16 năm trước, Chủ tịch Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) Morris Chang và phu nhân chụp ảnh cùng Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết và phu nhân.
Reuters

Theo ước tính vào đầu năm 2022 của Awi Federgruen, Trưởng khoa quản trị tại Trường Cao học Kinh doanh, Đại học Columbia, việc thiếu hụt chip điện tử toàn cầu mấy năm qua đã ảnh hưởng trực tiếp không dưới 169 ngành công nghiệp khác nhau. Ví dụ, năm ngoái, do thiếu hụt chip điện tử, ngành sản xuất xe hơi phải giảm sản lượng, sản xuất ít hơn gần bốn triệu chiếc xe so với năm trước đó. 

Có thể nói, chip điện tử đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế dựa trên công nghệ cao. 

Chất bán dẫn trong chính trị quốc tế

Theo một báo cáo của Boston Consulting Group, khoảng 75% công suất sản xuất chất bán dẫn, cũng như nhiều nhà cung cấp vật liệu quan trọng cho việc sản xuất chip - chẳng hạn như tấm silicon, chất cản quang, và các hóa chất đặc biệt khác - tập trung ở Trung Quốc và Đông Bắc Á. 

Hơn nữa, tất cả năng lực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất trên thế giới — ở mức dưới 10 nanomet — hiện nằm ở Hàn Quốc (8%) và Đài Loan (92%). Đối với Hoa Kỳ, đây là khu vực có nhiều bất ổn địa chính trị. Nếu những bất ổn này gây gián đoạn quá trình sản xuất và cung cấp chip điện tử, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiệm trọng. 

Ngày 9/8/2022, Hoa Kỳ thông qua Đạo luật CHIPS, chi 52,7 tỷ đô la cho “nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phát triển lực lượng lao động chất bán dẫn”, nhằm giảm sự phụ thuộc vào chip điện tử sản xuất bên ngoài Mỹ. Nhưng theo một phân tích của Goldman Sachs, công bố ngày 26/10/2022, thì “Đạo luật CHIPS không có khả năng làm giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Châu Á.”

Ngoài ra, để tránh rủi ro khi quá trình sản xuất những sản phẩm quan trọng, trong đó có chip điện tử, phụ thuộc vào Trung Quốc, Hoa Kỳ đã công bố chính sách “friend-shoring” (chuyển sản xuất đến những nước thân thiện với mình), như Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã nói tại Atlantic Council hôm 13/4/2022. 

Chip điện tử: Đài Loan - Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau 

TSMC (Công ty TNHH Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan) cho biết doanh thu tháng tám khoảng bảy tỷ USD, chiếm hơn một nửa sản lượng chip toàn cầu. Với vị thế này, TSMC trở thành “lá chắn” cho Đài Loan trước đe dọa về an ninh của Trung Quốc: cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều cần đến họ. 

Theo báo cáo thường niên của TSMC, doanh thu tại Trung Quốc năm 2021 chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của công ty này. TSMC là công ty Đài Loan sản xuất chip lớn nhất thế giới. Xét từ phía Trung Quốc, trong sáu tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 79.4 tỷ USD chip điện tử, trong đó Đài Loan chiếm 37.7%. Như vậy Trung Quốc phụ thuộc vào Đài Loan 37.7% lượng chíp nhập khẩu, trong đó đa phần là của TSMC. 

Ngược lại, Đài Loan cũng phụ thuộc vào Trung Quốc, tuy không phải ở lĩnh vực công nghệ cao. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan, Trung Quốc chiếm 42% còn Mỹ chiếm 15%. Do đó giả sử Trung Quốc cấm vận hoàn toàn hàng hóa của Đài Loan thì kinh tế Đài Loan sẽ gặp khó khăn lớn. 

000_96P8KX.jpg
Nhà máy của TSMC ở Đài Chung, Đài Loan. AFP

Việt Nam muốn sản xuất chip? 

Trong bối cảnh đó, người ta thấy ở Việt Nam xuất hiện ước mơ sản xuất chip điện tử. Viettel tuyên bố đã thiết kế thành công chip trong thiết bị sử dụng cho trạm viễn thông 5G. Trong một diễn biến khác, ông Đỗ Cao Bảo, một lãnh đạo của Công ty FPT tuyên bố FPT đã “thiết kế và đặt cấu trúc” cho chip điện tử, “sau đó được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói”. Một thành viên khác của FPT tuyên bố việc này “khẳng định trí tuệ của người Việt và hiện thực hóa giấc mơ sản xuất chip bán dẫn của người Việt.”

Gần đây, "Viettel vừa đề xuất Thủ tướng để sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu". Trước đề xuất của Viettel, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Viettelnghiên cứu, sản xuất chip để phục vụ đắc lực, hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.” Theo ông Phạm Minh Chính, “Viettel phải là một trong những tập đoàn đóng vai trò dẫn dắt quá trình này.”

Trao đổi với RFA, một nhà nghiên cứu không muốn nêu tên nói: "Chỉ đạo của ông Phạm Minh Chính không có gì xa lạ với những người quan sát các kế hoạch phát triển của Việt Nam. Ở Việt Nam, khắp nơi muốn trở thành thung lũng Silicon. Năm 2017 ông Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố xây dựng Sài Gòn thành “Silicon Valley”. Năm 2018, Chính phủ Việt Nam có ý định làm một “Silicon Valley” ở Bình Định còn Vingroup tuyên bố xây dựng “Silicon Valley” VinTech City ở Đông Anh, Hà Nội. Năm 2019, Chính phủ Việt Nam ra quyết định xây dựng khu Hòa Lạc thành “Silicon Valley.” Cuối tháng 8/2022, tin cho hayTGĐ Vingroup “tiết lộ”: Việt Nam sắp có Thung lũng Silicon ở Khánh Hoà”, còn trước đó một tháng, Đà Nẵng cũng công bố kế hoạch sẽ trở thành Silicon Valley." 

Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu, quá trình sản xuất chip trên thế giới đã trở nên chuyên môn hóa cao độ, trong đó mỗi nước thực hiện một vai trò khác nhau tùy theo lợi thế so sánh của họ. Hoa Kỳ hiện vẫn dẫn đầu trong các hoạt động có tính trí tuệ cao nhất: tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), sở hữu trí tuệ cốt lõi (IP), thiết kế chip và thiết bị sản xuất tiên tiến. Hoa Kỳ có vị thế này vì họ có những trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu, các tài năng kỹ thuật và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được tự do nghiên cứu, một nền kinh tế tôn trọng định hướng thị trường. Đông Bắc Á đi đầu trong sản xuất tấm wafer. Đây là công đoạn đòi hỏi đầu tư vốn lớn, cần được chính phủ hỗ trợ, ưu đãi, cần lực lượng lao động có tay nghề cao, được đào tạo tốt. Ở khu vực này, Trung Quốc dẫn đầu trong công đoạn lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm. Công đoạn này đòi hỏi tương đối ít kỹ năng nhưng cần vốn đầu tư lớn và chậm thu hồi vốn. Dẫu sao, Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh mẽ để mở rộng năng lực của mình trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Trong bối cảnh quá trình sản xuất chip điện tử được chuyên môn hóa cao độ như vậy, ước muốn tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất chip điện tử toàn cầu là một tham vọng lớn. Ở phần tiếp theo, RFA phỏng vấn nhà nghiên cứu Hải Đăng ở Hà Nội về vấn đề này

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Nguyễn Trí Tín
22/11/2022 08:38

Việt Nam là nơi hô khẩu hiệu được sử dụng có lẽ nhiều nhất thế giới!

Ba xe ôm
02/12/2022 21:44

VN là một nước nhược tiểu, nhưng lại có số nhân tài Tiến Sĩ ( Giấy , TS Lu nước, TS Cầu Lông.v.v..), đếm không hết, nhiều hơn cả Hoa Kỳ , nay VN có mộng chế tạo những con chíp bán dẫn , nếu họ thành công, thì cả thế giói này, lúc đó sẽ đầy rẫy những con Chíp, với gía bán chỉ 10 cent..! Đất nưóc VN đưọc 4 triệu đảng viên CS cai trị , thì họ đều trở thành 4 triệu trái lựu đạn hơi, mởt chốt là nổ điếc cả tai , nhức cả óc...!