Chi 25 triệu/tháng học phí cho con, bố mẹ phải vay tiền sinh hoạt

Nhung Nhung

(Dân trí) - "Tuy học phí hơi lớn một chút nhưng tôi cứ cố gắng vay mượn để đầu tư cho con, mong sau này con có tương lai tươi sáng hơn...", chị H. chia sẻ.

Thu nhập 35 triệu/tháng, đóng học phí hết 25 triệu

Với ưu thế về cơ sở vật chất và phương pháp giáo dục khai phóng, giúp phát huy tối đa tiềm năng của mỗi học sinh, trường tư thục chất lượng cao đang là "lựa chọn lý tưởng" của nhiều phụ huynh.

Trong đó, có gia đình chị Trần Thị H. (Hà Nội), cả 2 vợ chồng đều là công chức thu nhập ở mức 35 triệu/tháng sau thuế, nhưng phải chi đến khoảng 25 triệu/tháng học phí cho con trai học lớp 11 tại một trường phổ thông song ngữ liên cấp ở quận Long Biên.

Ngoài khoản học phí gần 190 triệu/năm, chị H. cho biết, phụ huynh còn phải đóng một số khoản khác gồm: dịch vụ bán trú (34,1 triệu/năm); xây dựng và phát triển trường (15 triệu/năm); đồng phục (4,2 triệu/năm); sách giáo khoa, giáo trình, học liệu, học phẩm (12 triệu/năm).

Chi 25 triệu/tháng học phí cho con, bố mẹ phải vay tiền sinh hoạt - 1

Nhiều bậc cha mẹ cố gắng đầu tư cho con học ở môi trường tốt nhất mặc dù chi phí đắt đỏ (Ảnh minh họa: Canva).

Chị H. cho biết, tuy thu nhập không đổi nhưng khoản phải chi trả mỗi tháng cho việc học của con chỉ có tăng chứ không giảm. Lý do là có nhiều khoản phát sinh trong những dịp lễ, sự kiện.

Vì vậy, thỉnh thoảng, vợ chồng chị phải vay tạm ông bà 2 bên nội, ngoại vì kẹt tiền sinh hoạt. Cả nhà mệt mỏi vì chuyện tiền nong nhưng nghĩ tất cả là vì con, chị H. lại "tặc lưỡi" chi tiêu.

"Tuy học phí hơi lớn một chút nhưng tôi vẫn cố gắng vay mượn để đầu tư cho con, mong sau này con có tương lai tươi sáng hơn.

Tiền thì mình có thể kiếm thêm được, việc lựa chọn môi trường giáo dục cho con mới quan trọng. Nếu vì tiếc tiền mà chọn bừa một ngôi trường kém chất lượng sẽ khiến con thua kém ngay từ vạch xuất phát", chị H. tâm sự.

Cá nhân chị Nguyễn Trần Minh Phương (TP. HCM) quan niệm "tiền nào của nấy".

Chị Phương cho rằng, với mức chi 100 triệu/năm, đổi lại là con được học trong ngôi trường có cơ sở vật chất hiện đại, các môn học chứa nhiều kiến thức xã hội, giáo dục ngoại ngữ tốt. Đó là những lợi ích đáng để phụ huynh đầu tư.

Nếu như đại đa số phụ huynh lựa chọn cho con một ngôi trường vừa với "túi tiền" của gia đình thì chị Minh Phương lại có quan điểm ngược lại.

"Tôi chấp nhận nếu chẳng may có biến cố khiến thu nhập giảm đi thì tôi vẫn sẽ lựa chọn cố gắng để con có thể tiếp tục ở lại trường tư chất lượng cao", chị Phương chia sẻ. 

Chia sẻ lý do nhất định phải cho con học trường tư, chị Phương cho biết, gia đình chị vốn có định hướng cho con du học sau khi học hết cấp 3.

Ngoài việc phải đáp ứng trình độ ngoại ngữ, học tập tốt, học sinh còn cần phát triển các kỹ năng mềm, tham gia hoạt động ngoại khóa chất lượng. Ngôi trường mà con đang theo học hoàn toàn có thể tạo đầy đủ điều kiện giúp con chị Phương "làm đẹp" hồ sơ du học.

Vì vậy, tuy chi phí đắt đỏ nhưng với chất lượng giáo dục của môi trường tư thục, chị Phương cảm thấy khoản đầu tư này hoàn toàn xứng đáng.

Chị Phương tin rằng, giáo dục cũng theo cơ chế thị trường, mỗi hệ thống giáo dục đều có khách hàng mục tiêu riêng của mình. Vì vậy, với khoản đầu tư không nhỏ đã bỏ ra và danh tiếng của nhà trường, gia đình chị tin con sẽ có kết quả học tập tốt.

"Thực tế, con tôi tỏ ra hào hứng khi được khuyến khích thể hiện suy nghĩ và khả năng của bản thân trong học tập và các hoạt động trải nghiệm. Con có khả năng giao tiếp tốt và tự tin", chị Phương nói.

Vợ thu nhập 20 triệu/tháng chỉ đủ đóng học phí cho con

Hiện tại, chị Trần Thị Minh T. (Cầu Giấy, Hà Nội) có 2 con đều đang theo học ở một hệ thống trường liên cấp song ngữ tại Hà Nội (học song song chương trình của Bộ GD&ĐT và chương trình học thuật của Đại học Cambridge).

Chi 25 triệu/tháng học phí cho con, bố mẹ phải vay tiền sinh hoạt - 2

Học phí cho con đang chiếm tỷ trọng cao trong chi tiêu của nhiều gia đình (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Để có đủ tiềm lực tài chính cho 2 con theo học tại trường tư thục theo nhu cầu, tất cả mọi chi tiêu trong gia đình chị T. đều được "cân - đo - đong - đếm".

Với mức học phí gần 60 triệu/năm cho con nhỏ học cấp 1 và 77 triệu/năm cho con lớn học cấp 3, chưa kể đến các khoản phí khác như: hoạt động trải nghiệm, học phẩm, bán trú. Ngoài ra, học phí sẽ tăng theo lộ trình, từ 5-10% một năm.

Về ý kiến "Cho con học trường tư chỉ tốn tiền", chị Thư đáp lại: "Không những tốn mà còn rất tốn, nhưng tôi không coi việc đầu tư giáo dục đó là tốn tiền".

Khác với quan điểm của nhiều phụ huynh, chị T. sẵn sàng chi mạnh tay để con có được môi trường học tập tốt.

Xác định giáo dục là quá trình đầu tư lâu dài, tốn kém nên gia đình chị T. phải tính toán cẩn thận để đáp ứng được con số gần 2,5 tỷ tiền học cho 2 con từ lớp 1 đến lớp 12. 

Chị T. cho biết, với mức thu nhập của 2 vợ chồng hiện tại, để con theo học trường tư phù hợp, các khoản chi tiêu sinh hoạt hằng ngày của gia đình phải thực sự được "chắt bóp".

Tổng học phí và tiền dịch vụ khác của 2 con khoảng 20 triệu/tháng, vừa bằng mức lương của chị T. Tất cả chi tiêu còn lại trong gia đình phụ thuộc vào lương của chồng chị, khoảng 25 triệu/tháng.

Trừ đi các khoản phải trả hàng tháng như tiền lương cho người giúp việc, phí sinh hoạt gia đình (điện, nước, internet, dịch vụ ở chung cư,...), chỉ còn lại 14 triệu chi cho ăn uống và các khoản không cố định khác.

Để có thể cân đối, gia đình chị T. hạn chế mua sắm quần áo, đi ăn uống và tụ họp xa xỉ, chỉ sử dụng máy lạnh khi trời quá nóng, không có thú vui riêng phải tiêu tốn tiền bạc.

Thừa nhận giáo dục là chi phí 'khủng", chiếm 50% trong khoản chi tiêu của gia đình, nhưng chị T. cho rằng, đó là một khoản đầu tư không lo bị lỗ vốn.

Con chị được làm quen với chương trình giáo dục nước ngoài các môn toán, ngữ văn, ESL (chương trình học tiếng anh như ngôn ngữ thứ hai), khoa học, công nghệ thông tin giúp con nâng cao khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là ngoại ngữ chuyên ngành.

Con đồng thời vẫn được học văn hóa Việt Nam thông qua các môn lịch sử, địa lý, việt nam học, mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, CLISE (giáo dục kỹ năng, phẩm chất), GCED (giáo dục công dân toàn cầu).

"Vì vậy, dù con du học hay lựa chọn học đại học tại Việt Nam, tôi luôn tin con mình có thể thích nghi tốt", chị T. cho biết.

Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, phương pháp dạy con, câu chuyện học sinh, sinh viên... tại ô bình luận bên dưới hoặc gửi về email: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cảm ơn!