Chi tiết tình báo quan trọng bị cắt trong "X6 – Điệp viên hoàn hảo" – Perfect Spy

Nguyễn Văn Phước

Một trong những cuốn sách gian truân nhất của First News – Trí Việt là cuốn X6 – Điệp viên hoàn hảo – Perfect Spy vì điều kiện tiên quyết trong lần ký bản quyển dịch Perfect Spy giữa tác giả GS Sử học Larry Berman và First News do Larry Berman đặt ra là: Phải thể hiện tinh thần tác phẩm, dịch trung thực, chính xác với bản gốc tiếng Anh (do GS Larry Berman trực tiếp ghi âm lời kể của vị tướng tình báo chiến lược tài năng Phạm Xuân Ẩn – nhà tình báo lỗi lạc nhất thế giới sau Đại chiến Thế giới lần thứ 2, do giới tình báo và thông tấn quốc tế thừa nhận) và phải bảo đảm 17 chi tiết quan trọng không bị cắt xén, kiểm duyệt khi xuất bản trong ấn bản tiếng Việt.

Trong lần xuất bản này có nhiều phần, nhiều chi tiết được cho là nhạy cảm lần đầu được công bố nên đích thân nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và Vụ Trưởng BTGTW phía Nam Đào Văn Lừng (người viết lời giới thiệu Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử) đã viết lời mở đầu và lời giới thiệu để bảo đảm sự ra đời cho cuốn sách đặc biệt này. Larry Berman đã thực hiện đúng ba điều qui ước, căn dặn của Phạm Xuân Ẩn: “Chỉ được xuất bản khi tôi đã chết, in đúng những gì tôi kể và gia đình tôi không liên can gì đến cuốn sách này”.

“Nói về tình báo, mật vụ, điệp viên thì cả thế giới ai cũng phải ngả mũ ngưỡng mộ tướng tình báo chiến lược tài hoa Phạm Xuân Ẩn. Chính Trần Kim Tuyến – Chỉ huy hệ thống An ninh Mật vụ Sài Gòn đã kể lại rằng trong suốt quá trình làm Tư lệnh mạng lưới An ninh Mật vụ, có hai người mà ông và CIA tin tưởng hơn bất kỳ ai hết: Đó là Phạm Xuân Ẩn và Đại tá Phạm Ngọc Thảo. Sau này khi được biết cả hai đều là điệp viên Cộng sản, Trần Kim Tuyến đã vô cùng sửng sốt, kinh ngạc và bảo rằng nếu nhìn lại quá khứ, ông có thể lý giải được Phạm Ngọc Thảo, nhưng không thể tin được rằng Phạm Xuân Ẩn chính là tình báo Cộng sản; vì chưa bao giờ có một manh mối hay bất kỳ một ngờ vực nào, dù là nhỏ nhất… Đến cuối đời, Trần Kim Tuyến cũng không thể nào quên được khoảnh khắc Phạm Xuân Ẩn đã cứu mình kịp di tản 30/4/75 khi trực tiếp lái xe và dùng sức cánh tay cản cửa trong gang tấc để Trần Kim Tuyến kịp chui qua khi cánh cửa nặng đang khép lại và quát to: “Chạy nhanh đi !” – Trần Kim Tuyến đã không bao giờ quên được Phạm Xuân Ẩn – nếu không muốn nói chính xác – là mang ơn suốt đời.”

Ông đã cứu Trần Kim Tuyến vì hiểu sau công việc là con người, nếu Trần Kim Tuyến không thoát được thời khắc đó sẽ khó bảo toàn tính mạng. Nhưng cũng chính hành động nghĩa hiệp tình người này của Phạm Xuân Ẩn đã làm khổ ông suốt một thời gian dài sau đó… Và ông không thể lý giải cho tất cả mọi người hiểu vì sao ông đã làm như vậy. Hành động này có thể đã làm lu mờ những gì lớn lao mà ông đã đánh đổi cả mạng sống của mình để thu thập nhiều tin tức tình báo tối mật, giá trị, cống hiến nhiều năm, đã giúp giảm bớt bao hy sinh xương máu cho những người lính Việt Nam rất nhiều. Và ông đã im lặng chấp nhận mọi chuyện đã xảy ra…

Phạm Xuân Ẩn sau cùng tiết lộ lúc đầu tham gia tình báo vì yêu nước – cũng như nhiều người khác – và quí bác Mười Hương, chứ không hiểu nhiều về cộng sản. Ranh giới giữa yêu nước và làm cách mạng lúc đó mong manh, không phân biệt rõ ràng. Ông chống Mỹ vì yêu dân tộc Việt ghét ngoại bang nhưng rất yêu, tin người Mỹ – và đó cũng là lý do ông chọn Larry Berman – người Mỹ – chứ không phải người Việt – để viết cuốn sách cuối đời quan trọng nhất này. Với cam kết rất chặt chẽ. Sau này mọi người mới nhận ra sự lựa chọn Larry Berman là tầm nhìn bậc thầy cực sáng suốt của Phạm Xuân Ẩn.

Để tạo vỏ bọc, thâm nhập thật sâu, tránh mọi nghi ngờ từ phía CIA và hệ thống An ninh Mật vụ dày đặc ở Sài Gòn lúc đó, Phạm Xuân Ẩn đã tỏ ra là một tay chơi có tiếng, ngoài việc uống rượu, hút cigar và tán gái bất khi nào có thể, ăn mặc sang trọng, thời thượng, lịch lãm đúng chất dân chơi Sài Gòn, ông còn dành dụm tiền, bán cả nhẫn cưới để mua một con chó Berger loại giống quí nhất lúc bấy giờ từ nước ngoài với giá mấy chục cây vàng (cũng có người kể lại là con chó Berger quí này là Phạm Xuân Ẩn đã quá thích nên “đổi chác gì đó” hay “phỗng tay trên” của Tướng Nguyễn Cao Kỳ), biết nghe lệnh bằng tiếng Pháp và thường ngồi cạnh ông trên chiếc xe Renault mui trần đi khắp đường phố Sài Gòn lúc bấy giờ. Giới ký giả các hãng thông tấn nước ngoài và sĩ quan Sài Gòn và cả phía Mỹ rất nể trọng và tin cậy Phạm Xuân Ẩn.

Hàng thập kỷ trước 1975, điệp viên Phạm Xuân Ẩn với vỏ bọc chắc chắn vô tiền khoáng hậu, đã âm thầm tác động và cung cấp thông tin tình báo chiến lược cho cấp cao nhất của Việt Nam để cuộc chiến tranh đổ máu hai phía mau kết thúc – và để Mỹ rút khỏi Việt Nam hoàn toàn nhưng lại rất mong muốn Việt Nam sẽ hợp tác với Mỹ để phát triển đất nước, ngay sau những ngày đầu thống nhất đất nước. Và khi cuối đời, ông chia sẻ với Larry Berman ước mong của ông về sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Mỹ để mau chóng đưa đất nước phát triển và bảo vệ đất nước khỏi những âm mưu bành trướng phương Bắc. Mỹ muốn tạo đồng minh nhưng trước giờ chưa từng có ý định xâm lược chiếm đóng quốc gia nào trên thế giới để làm thuộc địa vĩnh viễn cả, kể cả VNCH lúc đó – không phải như Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa là chiếm giữ luôn mãi mãi – đó mới là xâm lược. Những năm chiến tranh, phía Việt Nam gọi là Mỹ xâm lược Việt Nam là không hoàn toàn đúng. Năm 1972-1974 trước khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, ông đã có những báo cáo mật về trung ương. Nhưng tiếc rằng những năm dài ngay sau 1975, phía Việt Nam lại không đi theo hướng này…

Ông về sau cất tất cả các bằng khen, huân chương không treo trong nhà và rất ít khi mặc bộ quân phục cấp tướng. Tất cả là áo sơ mi trắng đơn giản và trầm lặng đi dạo chơi với con chó của mình.

First News đã thực hiện rất tốt trên cả lời hứa với Larry Berman khi ấn bản X6 – Điệp Viên hoàn hảo được cập nhật đầy đủ hơn nhiều so với bản gốc khi phỏng vấn xếp trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn là ông Trần Quốc Hương (tức bác Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương), Đại tá tình báo Tư Cang chỉ huy mạng lưới tình báo H63, Đại tá Mười Nho, cô Tám Thảo… là những đồng đội Phạm Xuân Ẩn, và tổ chức một chuỗi nhưng hoạt động ý nghĩa sau khi ra mắt sách như tổ chức đám giỗ Phạm Xuân Ẩn, dựng bảng đồng ghi dấu ấn hoạt động bí mật của Phạm Xuân Ẩn tại phòng 307 KS Continental Saigon, đúc tượng Phạm Xuân Ẩn, vận động đặt tên đường mang tên Phạm Xuân Ẩn khu Công trường Lam Sơn trước tiệm bánh Grival Coffee trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), triển khai thực hiện suốt 5 năm bộ phim truyền hình nhiều tập và bộ film nhựa đặc biệt 120 phút mang tên X6 – Perfect với dự định trình chiếu ở Hollywood và dự thi Canne.

GS Larry Berman là người Công giáo nhưng lại rất am hiểu cõi tâm linh phương Đông, trước khi First News nộp bản thảo cho Nhà Xuất bản ở Việt Nam xin cấp giấy phép. Ông đã cùng tôi và các đồng đội Phạm Xuân Ẩn lên nghĩa trang đứng trước mộ Phạm Xuân Ẩn đốt (hoá) bản thảo và khấn để Phạm Xuân Ẩn đọc duyệt bản thảo xem đã hoàn chỉnh chưa và có gì cần chỉnh sửa về báo mộng cho ông biết (!).

Tôi còn nhớ, vào mùa hè năm 2013, sau khi in xong bìa X6 – Điệp Viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn, tôi đã bay qua Mỹ mang bản bìa sách in thử cho GS Larry Berman xem duyệt từng câu chữ và chỉnh màu sắc tại văn phòng GS ở Đại học GSU Atlanta rồi về Việt Nam mới in thật. Cuốn sách này quả là kỳ công và Larry Berman đã thực sự sống với cuốn sách quan trọng này nhiều năm liền, ngay cả trong giấc mơ. Ông có một niềm tin chắc chắn rằng Phạm Xuân Ẩn từ cõi bên kia sẽ đọc được cuốn sách ông viết. Nguồn năng lượng cảm hứng kỳ lạ của ông đã truyền qua tôi và các cộng sự. Tôi còn nhớ một lần ông kể bị tai nạn xe hơi trên cao tốc ở California, xe ông méo mó hư hỏng nặng nhưng may mắn ông chỉ bị trầy xước chảy máu, ngay khi đó, trước khi được kéo ra khỏi xe, ông đã kêu lên: “Thanks Phạm Xuân Ẩn and God!”.

Và ngay sau buổi họp báo ra mắt sách, ông đã cùng tôi mời bác Mười Hương, chú Tư Cang, cô Tám Thảo, chú Mười Nho cùng các nhà báo lên mộ Phạm Xuân Ẩn để hoá đốt cuốn sách này cho Phạm Xuân Ẩn đọc. Nhìn cách ông khấn và sự thành tâm khi dâng sách cho Phạm Xuân Ẩn, mọi người mới hiểu ông quí trọng Phạm Xuân Ẩn đến chừng nào. Thật hiếm có người Mỹ nào lại yêu quí một kẻ thù từng gây ra sự thiệt mạng cho rất nhiều binh lính Mỹ và góp phần lớn làm người Mỹ, quân đội Mỹ thất bại ở Việt Nam đến như vậy.

Phải nói Phạm Xuân Ẩn quả rất có tầm nhìn khi chọn Larry Berman trong số hàng trăm ứng viên trong ước ngoài nước muốn thực hiện cuốn sách cuối đời của ông. Cuốn sách này do Đỗ Hùng và First News dịch và thực hiện.

Larry Berman yêu quí Phạm Xuân Ẩn đến mức đi đến đâu ông cũng kể về Phạm Xuân Ẩn, và sáng nay ông vừa thiết kế xong Namecard đặc biệt của Giáo sư có hình Phạm Xuân Ẩn đang ngậm điếu thuốc toả khói và cuốn sách cùng website về cuốn sách Phạm Xuân Ẩn do ông lập nên và đích thân quản lý nhiều năm nay.

Ngay sau khi xuất bản ấn bản tiếng Việt, GS Larry Berman đang mang cuốn sách về Mỹ, nhờ chuyên viên tiếng Việt tại Georgia University dịch ngược lại ra tiếng Anh để đối chiếu với bản gốc và Giáo sư phát hiện ra một chi tiết được Larry Berman cho là rất quan trọng bị thiếu trong ấn bản tiếng Việt.

Đó là trong băng ghi âm khi phỏng vấn Phạm Xuân Ẩn của giáo sư có phần kể vào năm 1968, khi Phạm Xuân Ẩn gửi tin tình báo mật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất sáng suốt và có tầm nhìn khẳng định rằng: “… Cuộc đấu tranh chống Mỹ là trước mắt và có thời gian, nhưng kẻ thù nguy hiểm và lâu dài nhất sau này của Việt Nam chính là Trung Quốc – chứ không phải là Mỹ”.

Cần nhớ rằng vào thời điểm đó Trung Quốc và Liên Xô (Nga) đang nhiệt tình viện trợ vũ khí và lương thực giúp Việt Nam chống Mỹ.

Trong hình ảnh có thể có: 5 người, bao gồm Nguyễn Văn Phước, mọi người đang đứng và ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Nguyễn Văn Phước, văn bản

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

Trong hình ảnh có thể có: 4 người, bao gồm Nguyễn Văn Phước

(Tặng các bạn bản dịch Pdf cuốn sách Death By China: https://www.facebook.com/100003103817076/posts/2115085988604841/ )

Nguồn: FB Nguyễn Văn Phước

Comments are closed.