Chiếc bánh ngọt hình xe tăng gợi lại vụ thảm sát Thiên An Môn trong giới trẻ TQ

  • Frances Mao
  • BBC News
Mr Li and his colleague present an ice-cream cake said to resemble a tank on his livestream show

Nguồn hình ảnh, Taobao

Chụp lại hình ảnh, Buổi livestream của Lý Giai Kỳ đã bị cắt sau khi anh và đồng nghiệp giới thiệu chiếc bánh có hình xe tăng

Nhiều thế hệ trẻ Trung Quốc lớn lên không biết gì về vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Nhưng một vụ bê bối trên mạng đã đặt câu hỏi về chủ đề chính phủ Trung Quốc từ lâu đã cố gắng trấn áp.

Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi) là một trong những người nổi tiếng nhất trên Internet ở Trung Quốc, với hơn 64 triệu người theo dõi.

Gương mặt chuyên làm các buổi phát trực tiếp (live stream) này là người bán lẻ trên mạng các sản phẩm từ mỹ phẩm dưỡng da đến các sản phẩm dành cho trẻ em, đến đồ trang sức, trang điểm. Anh từng bán được 15.000 thỏi son chỉ trong một buổi, được đặt biệt danh Vua Son Môi.

Tối thứ Sáu tuần trước, Lý đang thực hiện buổi phát trực tiếp vốn được nhiều người ưa thích thì chương trình đột ngột kết thúc.

Người đàn ông 30 tuổi, nổi tiếng với giọng nói mượt mà dễ nghe và ngoại hình như thần tượng K-pop, khi đó vừa cho khán giả xem chiếc bánh kem vani trong lúc anh rao bán đồ ăn vặt.

Chiếc bánh giống một chiếc xe tăng: bánh xe làm bằng bánh quy Oreos, còn nòng súng làm bằng chiếc bánh quế. Và buổi livestream của Lý diễn ra vào ngày 3/6, một ngày trước dịp kỷ niệm 33 năm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn.

Ngày này được người Trung Quốc trên khắp thế giới tưởng nhớ bằng những buổi thắp nến cầu nguyện. Nó gợi lên hình ảnh những chiếc xe tăng nối hàng dài tiến vào Quảng trường Thiên An Môn, nơi quân đội đã nã đạn vào hàng nghìn nhà hoạt động đòi dân chủ, những người đã biểu tình trong nhiều tháng.

Hình ảnh nổi tiếng nhất có lẽ là hình ảnh được gọi là 'Tank Man', với một người dân cầm túi nilon mua sắm đứng trước một hàng xe tăng, cố gắng chặn chúng lại. Ông bị lôi đi, và không biết chuyện gì đã xảy ra với ông - thậm chí không ai biết ông là ai.

Cũng không có cách nào để biết đã có bao nhiêu người thiệt mạng trong ngày hôm đó - các con số ước tính dao động từ hàng trăm đến 3.000 người.

"Tank Man" in Beijing

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người đàn ông cô đơn đang tìm cách chặn đoàn xe tăng là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng mạnh mẽ nhất về cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn hồi 1989

Nhưng tại Trung Quốc, ngày 4/6 là chủ đề cấm kỵ - những gì gợi đến các cuộc biểu tình và vụ thảm sát này đều được quản lý chặt chẽ, và các bài đăng trên mạng xã hội về chuyện này đều bị gỡ bỏ.

Những bối rối và những câu hỏi

Nhiều thế hệ người Trung Quốc đã lớn lên mà không được biết về vụ thảm sát - và nhiều người trong số những người thuộc Thế hệ Thiên niên kỷ và Thế hệ Z đó có vẻ như đã theo dõi buổi livestream của Li hôm thứ Sáu và trong những ngày tiếp theo.

Lý đã không thể quay trở lại chương trình livestream của mình sau khi đường truyền bị cắt. Ngay sau đó, anh đăng trên tài khoản Weibo cá nhân rằng anh gặp một số trục trặc kỹ thuật.

Nhưng sự vắng mặt liên tục của anh - cho đến nay anh đã bỏ ba buổi livestream trong một trong những lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất của năm - chỉ làm tăng thêm nhiều câu hỏi và tranh luận.

Một số người đã nhanh chóng giải thích lý do tại sao anh bị kiểm duyệt, trong khi đó những người khác tiết lộ nội dung khác.

"Xe tăng có nghĩa là gì?" một người xem chương trình hỏi.

Một người khác nói: "Có thể nói điều gì sai được khi chỉ bán đồ ăn vặt?"

Những người khác phản hồi bằng cách nói những ai đặt câu hỏi hãy liên hệ với họ qua cách nhắn tin riêng. Và những người khác thì dùng ngôn ngữ mã hóa để ám chỉ sự mất tích của Lý.

Cuộc thảo luận kéo dài trong suốt dịp cuối tuần nhưng đến thứ Hai, đội quân kiểm duyệt của Trung Quốc đã bắt kịp.

Thông tin của Lý không còn xuất hiện trong kết quả tìm kiếm trên Taobao, nền tảng thương mại điện tử nơi anh phát livestream. Tất cả hình ảnh về chiếc bánh kem hình xe tăng cũng đã bị xóa sạch trên mạng xã hội Trung Quốc.

Những người chậm chân trong việc tham gia thảo luận nay đặt câu hỏi: "Hình dạng của chiếc bánh đó như thế nào? Có ai có thể gửi qua tin nhắn riêng cho tôi được không? Tôi đã tìm kiếm rất nhiều nhưng vẫn không biết câu trả lời."

Một người phản pháo: "Tài khoản của chúng tôi sẽ gặp rắc rối nếu chúng tôi dám gửi riêng cho bạn bức ảnh đó. Ai mà dám liều chứ?"

Li Jiaqi with his lips painted holds a lipstick

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Lý Giai Kỳ có biệt danh là Vua Son Môi, là một trong những người có ảnh hưởng mạnh nhất trên internet ở Trung Quốc

Muốn đưa ra tuyên bố chính trị hay bị gài bẫy?

Không mấy người trên mạng tin rằng Lý đang cố gắng đưa ra một tuyên bố chính trị.

Với địa vị nổi tiếng của mình, anh ấy biết cách vượt qua các nhạy cảm chính trị và tránh xa các bãi mìn, họ nói. Và anh ấy chưa từng bày tỏ quan điểm chính trị.

Một số người thậm chí còn cho rằng có thể anh nằm trong số những người không biết về vụ thảm sát Thiên An Môn.

Nhiều fan trung thành của anh cũng thắc mắc liệu gương mặt phát livestream hàng đầu này có phải đã bị các đối thủ gài bẫy hay không, và có lẽ chiếc bánh đã bị lén đưa vào dàn dựng chương trình của anh hôm thứ Sáu.

Một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội, dường như là khoảnh khắc trước khi chiếc bánh được mang ra, cũng cho thấy Lý bày tỏ sự ngạc nhiên trước thông báo về một sản phẩm xe tăng.

Một trợ lý nam thông báo từ phía sau rằng có một món hàng hình xe tăng để quảng cáo bán. Lý cười nói: "Cái gì? Xe tăng?" Sau đó, người cùng dẫn chương trình với anh: "Hãy xem liệu tôi và Lý Giai Kỳ có còn ở đây lúc 11 giờ tối không."

Họ đã bị ngắt sóng ngay sau 9 giờ tối.

Trong thế giới rất khó bán hàng trực tiếp qua livestream ở Trung Quốc - một ngành công nghiệp béo bở trị giá hàng triệu USD - vụ bê bối của Lý xảy ra chỉ vài tháng sau khi hai đối thủ chính của anh cũng bị nhà chức trách cáo buộc trốn thuế.

Một người viết, "Wei Ya [một người phát livestream khác] đã ra đi. Lý Giai Kỳ trở thành người duy nhất thống trị (mảng kinh doanh này), vì vậy anh ta bị nhắm thành mục tiêu."

Một người khác nói: "Tôi nghĩ nhóm của anh ấy có kẻ phản bội, hoặc các công ty khác cố tình khiến anh ấy gặp rắc rối."

Việc Lý quay trở lại chương trình của mình có thể dập tắt được cuộc tranh luận đang điên cuồng diễn ra. Nhưng hiện tại, những câu hỏi vẫn còn đó.

"Tại sao anh ta lại gặp rắc rối ngay lập tức khi đưa ra cho mọi người xem chiếc bánh đó? Chúng ta có cần phải thận trọng với hình dạng này không? Chuyện gì đã xảy ra với đất nước này?" một người dùng Weibo đặt câu hỏi.

Nhưng với những người khác, thì vụ bê bối đã đào xới lên một chương đen tối mà họ không mấy biết đến.

"Nhờ có Lý mà tôi nay đã biết lịch sử," một người dùng Weibo viết.