Chiếc máy ảnh lấm đất Lạng Sơn và thấm máu Takano đã trở về nơi mà anh ấy học

Đoàn Lê Giang

 

Vừa qua thay mặt cho bà quả phụ Takano, thân nhân của gia đình đã trao tặng chiếc máy chụp ảnh của Takano Isao cho Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Takano đã đến học tiếng Việt từ năm 1967 đến 1971 ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của trường này), đúng vào lúc chiến tranh Việt Nam vào giai đoạn khốc liệt nhất. Đêm hôm chia tay người yêu là chị Michiko (sau này là vợ anh) anh nói: Anh được cử đi Việt Nam, có lẽ anh sẽ đến đó chiến đấu.

Anh không ngờ đến để học tiếng Việt. Học thời ấy cũng là một nhiệm vụ chiến đấu. Anh cũng không ngờ anh sẽ gắn bó cuộc đời anh với Việt Nam, trở thành dịch giả văn học Việt Nam, thành phóng viên viết về Việt Nam. Việt Nam sang đánh Pol Pot, cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng, anh sang đó ngay. Lúc ấy Phnom Pênh còn khét tiếng súng và hôi thối xác người, anh hân hoan viết bài gửi về Nhật Bản: “Campuchia – khi nụ cười trở lại”. Việt Nam bị 600 nghìn quân Trung Quốc xâm lược, anh lên biên giới Hoàng Liên Sơn đưa tin. Quân Trung Quốc không thắng được Việt Nam, tuyên bố rút quân. Anh mừng như một người Việt Nam mừng thoát nạn. Anh lên ngay Lạng Sơn để xem quân Trung Quốc đã rút lui thật chưa? Anh sẽ chụp ảnh đưa tin về Nhật, để từ Nhật mà loan đi khắp thế thế giới, ép Trung Quốc phải thực hiện lời hứa. Vì thế khi Lạng Sơn còn đầy thám báo trong các căn nhà đổ nát và đầy các ổ phục kích ở bờ bắc sông Kỳ Cùng, anh nhất quyết đòi vào thành phố cho bằng được. Anh đã vào ngay cả khi bộ đội Việt Nam chưa dám vào. Anh đi trên chiếc xe U-oát vào thành phố chết, đường phố ngổn ngang cây đổ, dây điện, tường nhà loang lổ, xác trâu bò chết trương… như Hiroshima sau trận bom nguyên tử. Anh ghi lại hết. Chợt một tràng đạn đại liên từ ổ phục kích của quân Trung Quốc lóe lên, anh nhảy xuống xe, giơ máy lên bấm lia lịa. Một viên đạn đã cắm vào thái dương của anh!

Anh ngã xuống tay vẫn giữ chặt máy ảnh – như người chiến sĩ giữ chặt khẩu súng! Anh nằm đấy nhiều tiếng đồng hồ cho đến khi đêm đến xe tăng của bộ đội Việt Nam vào đưa xác anh ra!

Chiếc máy ảnh đầy đất Lạng Sơn và máu Takano được người vợ trẻ góa bụa của anh giữ gìn như báu vật suốt 44 năm 8 tháng, từ tháng 3 năm 1979 đến tháng 11 năm 2023. Chị Michiko kết hôn với anh ấy sống với nhau được 6 năm, nhưng có lẽ chỉ chừng 2 năm bên nhau, còn 4 năm anh ấy dành cho Việt Nam. Những ngày hạnh phúc nhất là những ngày theo chồng đến Hà Nội, chị làm phát thanh viên tiếng Nhật cho đài Tiếng nói Việt Nam. Khi ấy chị hơn 30 tuổi, cô con gái Emi chừng 2-3 tuổi.

Sau cái chết của Takano, chị tâm sự: Từ đây trở đi tôi mãi mãi là vợ liệt sĩ Takano. Tôi hiểu câu ấy nghĩa là: Chị được mọi người nhắc tới khi nhớ tới anh ấy và chị không thay đổi cái “danh” ấy suốt đời mình.

Đến nay chị đã trên 80 tuổi, con gái Emi mồ côi cha từ năm 3 tuổi, nay đã có chồng và con gái. Có lẽ chị nghĩ sắp đến lúc mình không giữ được kỷ vật Takano bên mình nữa, chị đã trao nó cho nơi chị nghĩ là xứng đáng nhất: Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, nơi đã đào tạo nên anh ấy.

Sợ không giữ đúng được như hiện vật bảo tàng, dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên, TS. Lê Thị Thanh Tâm bàn với tôi hay đưa chiếc máy ảnh đó vào Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Tôi đến liên hệ, Bảo tàng ấy nói: nơi đây chỉ lưu giữ chứng tích chiến tranh chống Mỹ. Đành thôi! Hiện giờ chưa có bảo tàng chứng tích chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược, mà chắc chẳng bao giờ có!

Vậy là máy ảnh Takano chụp khi ngã xuống ở Lạng Sơn ngày 7 tháng 3 năm 1979 đã được trao cho Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt lưu giữ. TS Lê Thị Thanh Tâm đã thay mặt Khoa tiếp nhận báu vật vật ấy.

Chiếc máy ảnh Pentax thế hệ cũ, giờ chỉ có thể tìm ở những nhà sưu tầm cổ vật, nhưng nó là chiếc máy ảnh duy nhất thấm máu một người Nhật đã sống vì tình yêu Việt Nam và đã chết vì tình yêu Việt Nam!

Chúng tôi (GS Nguyễn Thiện Nam, nguyên trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt cùng nhà báo Goro và các bạn của anh ấy) đã đến nơi chiếc máy ảnh ấy trên tay Takano ngã xuống trên đất Lạng Sơn (ảnh). Trên bìa sách do Dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên và tôi dịch, biên soạn có hình Takano cầm chiếc máy ảnh ấy.

Có những tấm ảnh đời người, có những cái máy ảnh đời người: đời một người phóng viên, đời một người góa phụ trẻ! Chị Michiko hay nhắc: Người Việt Nam cứ áy náy mãi về cái chết của Takano, nhưng thực ra anh ấy chết khi thực hiện nhiệm vụ của mình mà!

Đúng là phụ nữ Nhật, họ luôn làm chúng ta cảm phục!

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

clip_image005

Nguồn: FB Đoàn Lê Giang

Comments are closed.