Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

"Chiến lang" Trung Quốc hoạt động trở lại tại Pháp

Bằng hai từ ngắn ngủi tiếng Pháp mang tính chất thóa mạ nhắm vào một chuyên gia Pháp về châu Á và Trung Quốc, đại sứ quán Trung Quốc tại Paris đã làm dấy lên trở lại cả một làn sóng phản đối dữ dội, chống lại cung cách ngoại giao bi mệnh danh là “Chiến lang”, thiên về thóa mạ, xuyên tạc mà cơ quan đại diện của Bắc Kinh tại Pháp thường xuyên áp dụng.

Nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz tại phòng thu của đài phát thanh RFI. Ảnh minh họa.
Nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz tại phòng thu của đài phát thanh RFI. Ảnh minh họa. RFI
Quảng cáo

Đối tượng bị sứ quán Trung Quốc tấn công không chỉ là các nhà nghiên cứu hay nhà báo có quan điểm phê phán đối với Bắc Kinh, mà còn bao gồm cả các chính khách, thậm chí là chính quyền.

Mọi sự bắt đầu từ hôm 19/03/2021 vừa qua với một bình luận ngắn ngủi bằng tiếng Pháp “Petite frappe” - tạm dịch là “tiểu tốt”, thậm chí là “lưu manh tỉnh lẻ” - trên tài khoản Twitter chính thức của đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp, trả lời một tin nhắn của ông Antoine Bondaz, một chuyên gia Pháp về châu Á và Trung Quốc tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS). Trong tin nhắn Twitter của mình, nhà nghiên cứu Pháp đã tố cáo Trung Quốc gây áp lực với các nghị sĩ Pháp có ý định đi thăm Đài Loan.

Phản ứng mang tính chất nhục mạ của đại sứ quán Trung Quốc ở Paris đối với ông Bondaz đã lập tức bị giới nghiên cứu cũng như các nghị sĩ, đại biểu dân cử Pháp nhất loạt lên án và đã bị cơ quan đại diện Trung Quốc đáp trả cũng với những lời lẽ kém ngoại giao.

Trong một bức thư công bố trên trang web của mình ngày hôm qua, 21/03, sứ quán Trung Quốc đã ghi nhận rằng “Một số người đổ lỗi cho đại sứ quán Trung Quốc vì đã "xúc phạm" một "nhà nghiên cứu độc lập". Trên thực tế (...) ông ta chỉ là một kẻ xấu về ý thức hệ (troll idélogique)", thân Đài Loan.

Không chỉ thóa mạ ông Bondaz, đại diện Trung Quốc còn gọi những người ủng hộ nhà nghiên cứu Pháp là những “con linh cẩu điên cuồng (hyènes folles)”, những người “khoác áo giới nghiên cứu và truyền thông để tấn công Trung Quốc một cách dữ dội”.

Đại sứ quán Trung Quốc đã phủ nhận việc đã vượt quá tập quán ngoại giao trong bối cảnh nhiều người đã yêu cầu bộ Ngoại Giao Pháp phản đối mạnh mẽ các hành vi nói trên của đại sứ quán Trung Quốc, cho rằng ngoại giao chính là “bảo vệ lợi ích và hình ảnh của đất nước” mình đại diện.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, đây không phải là lần đầu tiên mà đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp, và vị đại sứ Lư Sa Dã (Lu Shaye) có những lời lẽ khiếm nhã như vậy đối với những ai bị ông cho là đụng chạm tới Trung Quốc.

Gần đây nhất, ông tuyên bố “kiên quyết phản đối” chuyến thăm của các nghị sĩ Pháp tới Đài Loan. Một tuyên bố đã bị bộ Ngoại Giao Pháp đáp trả, theo đó "các nghị sĩ Pháp có quyền tự do quyết định về kế hoạch đi thăm và tiếp xúc của họ”.

Đối với nhật báo Pháp Le Figaro vào hôm qua 21/03, sự kiện chung quanh vụ tấn công chuyên gia Bondaz cho thấy là các nhà ngoại giao Trung Quốc thuộc diện “Chiến lang”, mà đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã là một nhân vật tiêu biểu, đã lại tiếp tục cuộc chiến chống lại chính quyền, nhà báo và chuyên gia các nước phương Tây.

Kể từ cuối mùa xuân năm 2020, các "Chiến lang", những tay súng bắn tỉa ngoại giao có nhiệm vụ đáp trả lại những lời chỉ trích của các nền dân chủ phương Tây đối với mô hình Trung Quốc, đã giảm bớt các cuộc tấn công của họ, mà đôi khi bị coi là phản tác dụng ở Bắc Kinh.

Từ khi bị bộ trưởng Ngoại Giao Jean-Yves Le Drian, triệu mời vào tháng 4 năm 2020, vì đã khẳng định rằng các nhân viên điều dưỡng trong các nhà dưỡng lão đã bỏ mặc người cao tuổi ở đây đến chết, đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã cũng đã hạ thấp giọng điệu của mình.

Nhưng người có biệt danh "Petit Lu" từ những năm học ở Pháp vì thân hình nhỏ con, từ vài tuần nay đã lại tiếp tục cuộc chiến trên mạng xã hội. Và đặc biệt là trên Twitter, vốn đã trở thành kênh chính để truyền tải cuộc chiến do các nhà ngoại giao Trung Quốc tiến hành tới các nhà chức trách, nhà báo và chuyên gia ở các nước phương Tây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.