Chiến lược mới của Mỹ tại Biển Đông

01/08/2019 06:50
Tiến sĩ Phạm Cao Cường
(GDVN) - Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông có sự chuyển biến mạnh mẽ, trong đó Biển Đông được đặt trong phạm vi “Chiến lược cường quốc Biển” của Washington.

LTS: Tiến sĩ Phạm Cao Cường - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về Chiến lược mới của Mỹ tại Biển Đông, Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Do bài viết dài, Tòa soạn chia thành 3 kỳ. Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Phạm Cao Cường và mời quý bạn đọc theo dõi!

Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vào thực hiện các hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tại khu vực phía Nam Biển Đông gần với bãi Tư Chính của Việt Nam, bị dư luận thế giới lên án gay gắt.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L. Engle ngày 26/7 cũng đã tuyên bố phản đối gay gắt:

“Các hành động hung hăng gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy một điều đáng lo ngại là quốc gia này công khai xem thường luật pháp quốc tế…

Tôi đứng về phía Việt Nam và các đối tác trong khu vực cùng lên án sự hung hăng này”.

Lời tuyên bố mạnh mẽ từ phía vị quan chức này của Mỹ không chỉ là sự lên án đối với Trung Quốc, mà nó có còn thể hiện một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Biển Đông dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một chính sách mạnh mẽ nhất từ trước tới nay thể hiện quyết tâm can dự linh hoạt nhằm tạo ra một “trật tự dựa trên luật lệ” tại Biển Đông.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L. Engle.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L. Engle.

Tham vọng của Trung Quốc

Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong suốt những năm 1990s cả về kinh tế lẫn quân sự đã tạo đà cho nước này mở rộng không gian chiến lược, cũng như tìm cách củng cố những tham vọng của mình tại Biển Đông.

Nếu như sự phát triển của Trung Quốc là một “hiện tượng” được nhiều quốc gia trên thế giới mộ điệu, nhất là tại các quốc gia Đông Nam Á, thì những tham vọng cũng như hoạt động do Trung Quốc tiến hành tại Biển Đông lại được coi là một sự “thụt lùi chiến lược” khi tạo một tình trạng bất ổn tại khu vực, đe dọa tới quyền và chủ quyền của các quốc gia khác.

Thực tế, tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông ít nhiều đã được bộc lộ trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước nhưng nó thực sự trở nên rõ ràng hơn từ giữa những năm 1990.

Nếu sự “trỗi dậy” của Trung Quốc và đi kèm với nó là sự thiếu minh bạch về ngân sách quốc phòng, đã góp phần không nhỏ vào thuyết về “mối đe dọa” của Trung Quốc ở phương Tây, thì sự kiện Trung Quốc chiếm bãi cạn Vành Khăn (tên tiếng Anh là Mischief Reef, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mà Philippines cũng yêu sách) vào tháng 2/1995 lại tạo ra một nhận thức về “mối đe dọa” khác của Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Mặc dù ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố 4 điểm về lập trường của Mỹ đối với những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, song chính sách đối phó của Mỹ lúc bây giờ vẫn chưa đủ mạnh để có thể “kiềm chế” những tham vọng của Bắc Kinh tại khu vực. [1]

Đá Gạc Ma của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ và quân sự hóa.
Đá Gạc Ma của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ và quân sự hóa.

Với chính sách “trung lập” dưới thời chính quyền Bill Clinton hay “trung lập tích cực” dưới thời George W. Bush, và thậm chí là “can dự giới hạn” dưới thời Barack Obama, Trung Quốc vẫn không từ bỏ tham vọng của mình tại Biển Đông bởi đây được coi là “khu vực chiến lược”, “vùng đệm”, “vùng ảnh hưởng” để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình ra khu vực phía Nam, mà trước tiên là khu vực Biển Đông.

Một số học giả khi nghiên cứu về Biển Đông đã chỉ ra rằng: “Ai khống chế được quần đảo Trường Sa thì người đó nắm được quân át chủ bài của khu vực này”. [2]

Do thiếu một chính sách chặt chẽ của Mỹ đối với Biển Đông mà Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này tiến hành “quân sự hóa” Biển Đông.

Mặc dù chính quyền Barack Obama nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc duy trì các tuyến đường biển “tự do” và “mở cửa” và coi điều này nằm trong “lợi ích quốc gia”, song chính sách của Mỹ dường như vẫn chưa đủ mạnh.

Tuyên bố 5 điểm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7/2010 chỉ là một sự tiếp nối các quan điểm trước đây và phần nào thể hiện sự can dự tích cực nhiều hơn. [3]

Tuy nhiên, quan điểm và chính sách đó không thể giúp Mỹ ngăn được được Trung Quốc tiến hành bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông, từng bước xây dựng đường băng, trang bị vũ khí biến nó trở thành các tiền đồn tại khu vực.

Việc quân sự hóa này thậm chí còn đe dọa tới lợi ích của Mỹ các công ty Mỹ đang làm ăn tại khu vực.

Chiến lược cường quốc Biển

Tuy nhiên, tất cả các quan điểm chính sách đã thay đổi kể từ khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng.

Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông có sự chuyển biến mạnh mẽ, trong đó Biển Đông được đặt trong phạm vi “Chiến lược cường quốc Biển” của Washington.

Đối với Mỹ, Tư tưởng “cường quốc biển” của Mỹ thể hiện qua 5 cấu thành quan trọng, bao gồm:

Kiểm soát được các vùng biển và đại dương (nhất là các tuyến thương mại biển); duy trì một vị trí địa chiến lược thuận lợi tiếp cận với các đại dương và duy trì các căn cứ hậu cần biển; duy trì một lực lượng hải quân hùng mạnh; có khả năng đánh bại hạm đội của kẻ thù để giành lấy sự thống trị trên biển; coi hải quân là nền tảng của bá quyền Mỹ. [4]

Nếu xem xét kỹ tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Tổng thống Donald Trump đưa ra vào hồi 11/2017, không khó có thể nhận ra vai trò của biển trong chiến lược của Mỹ.

Thực tế, chính quyền của ông Trump đã quay trở lại cách tiếp cận và suy nghĩ trước đây đó là coi trọng sức mạnh hải quân trong tổng thể sức mạnh quân đội Mỹ.

Tư tưởng về “chiến lược cường quốc hải quân” thể hiện rõ trong tài liệu chiến lược “Từ chiến trường Biển: Chuẩn bị cho lực lượng hải quân trong thế kỷ 21” đã được Bộ Hải quân Mỹ công bố hồi tháng 9/1992.

Chiến lược này nhấn mạnh những chuyển đổi: Từ việc thực hiện cuộc chiến hải quân một cách độc lập, trên quy mô rộng sang hình thức hỗ trợ trên biển cho lực lượng trên bộ và trên không.

Chuyển hướng từ hoạt động “trên biển” bên sang hoạt động “từ biển”; chuyển đổi việc “triển khai tuyến đầu” sang “hiện diện tuyến đầu” và chuyển đổi từ việc thực hiện các “cuộc chiến đấu chủ yếu trên biển” sang đối phó với “các cuộc xung đột khu vực”. [5]

Chiến lược biển.
Chiến lược biển.

Chiến lược cường quốc biển và hải quân tiếp này tục được cập nhập và bổ sung vào năm 2015 để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong báo cáo “Chiến lược hợp tác dành cho cường quốc biển thế kỷ 21” công bố tháng 8/2015, Hải quân Mỹ tiếp tục coi việc “làm chủ trên biển” là một trong 5 chức năng chính của lực lượng Hải quân.

Tiếp tục, tháng 1/2017, Hải quân Mỹ lại công bố tài liệu “Chiến lược lực lượng tác chiến trên Biển: Sự trở lại của việc kiểm soát Biển” trong đó nhấn mạnh lực lượng hải quân Mỹ cần phải theo đuổi khái niệm mới “phân phối sức mạnh” nhằm thực hiện chiến lược làm chủ vùng biển. [6]

Bổ sung cho chiến lược này, Mỹ đồng thời công bố “Chiến lược An ninh hàng hải châu Á - Thái Bình Dương” với 3 mục tiêu quan trọng, bao gồm: Bảo vệ sự tự do của các bờ biển; ngăn ngừa xung đột và cưỡng ép; thúc đẩy việc tuân thủ các chuẩn mực và luật pháp quốc tế. [7]

(Còn nữa)

Tài liệu tham khảo:

[1] Christine Shelly, “US Policy on Spratly Islands and South China Sea,” Daily Press Briefing, the US Department of State, May 10, 1995.

[2] Trần Hồng Ba, "Nghiên cứu vấn đề Trường Sa," Tạp chí Học viện Nghi Xuân, Số 1, 2006, tr. 103 trích dẫn lại trong Đinh Tiến Hiếu, "Chiến lược của Trung Quốc trong việc từng bước thôn tin Biển Đông," Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 (169), 3-2015, tr. 4.

[3] Renato Cruz De Castro (2011): Tuyên bố Hà Nội của Clinton về Biển Đông: Khởi nguồn chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, http://nghiencuubiendong.vn

[4] Russell Weigley, The American Way of War: A History of United States Military Strategy and Policy, Liberation Army Press, 1986, pp.219-288.

[5] US Department of the Navy, From the Sea: Preparing the Naval Service for the 21st Century, September 1992, http://www.globalsecurity.org/military/library/policy/navy/fts.htm.

[6] US Naval Surface Forces, Surface Force Strategy: Return to Sea Control, January 9, 2017, http://www.navy.mil/strategic/SurfaceForceStrategy-ReturntoSeaControl.pdf.

[7] Ibid.

Tiến sĩ Phạm Cao Cường