Vào nội dung chính
HOA KỲ - ISRAEL - GAZA

Chiến tranh Israel-Hamas : TT Mỹ kêu gọi "tạm ngừng" giao tranh vì lý do nhân đạo

Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Israel và Hamas « tạm ngừng » giao tranh để có thời gian đưa các « con tin » - từ ngữ cải chính của Nhà Trắng -   ra khỏi Gaza. Phát biểu hôm 01/11/2023 trong cuộc họp về xung đột, ông Biden khẳng định đã thuyết phục thủ tướng Israel và nói chuyện với tổng thống Sissi để Ai Cập mở cửa đón các con tin. Cùng ngày, Liên Hiệp Quốc và nhiều nước lên án hai vụ tấn công của Israel vào trại tị nạn Jabaliya lớn nhất Gaza.

Khói bốc lên từ Gaza sau vụ tấn công của Israel, ngày 09/10/2023.
Khói bốc lên từ Gaza sau vụ tấn công của Israel, ngày 09/10/2023. REUTERS - MOHAMMED SALEM
Quảng cáo

Tổng thống Mỹ nhắc lại « Israel có quyền và trách nhiệm bảo vệ công dân của họ trước khủng bố và phải tiến hành theo đúng luật pháp quốc tế và nhân đạo, đặt ưu tiên bảo vệ thường dân ». Ông chia sẻ đau thương với người dân Palestine ở Gaza sống trong bom đạn, thiếu thốn, đồng thời khẳng định không ngừng nỗ lực các gia đình được đoàn tụ. Tuy nhiên, theo AFP, Nhà Trắng chỉ kêu gọi « tạm ngừng » giao tranh để cứu trợ hoặc sơ tán thường dân, chứ không phải « đình chiến » vì như vậy sẽ rơi vào bẫy của Hamas.

Từ cuối tuần qua, Israel tăng cường oanh kích phía bắc Gaza nơi có hệ thống đường hầm chằng chịt của Hamas, song song với chiến dịch trên bộ. Trại tị nạn Jabaliya, lớn nhất ở Gaza, đã bị Israel oanh kích trong hai ngày 31/10 và 01/11, khiến hàng trăm người chết, theo thông tin của Hamas. Trong khi đó Israel khẳng định trong vụ oanh kích này đã triệt hạ được Muhammad Atzar, đứng đầu đơn vị chống tăng của Hamas.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết « kinh hoàng » về vụ tấn công của Israel. Tối 01/11, Cao Ủy Nhân Quyền cho rằng những vụ oanh kích đó có thể cấu thành « tội ác chiến tranh » do « số nạn nhân thường dân cao và quy mô phá hủy ». Pháp, Đức bày tỏ « quan ngại sâu sắc về thiệt hại nghiêm trọng » và nhắc lại « nghĩa vụ bảo vệ thường dân ». Jordanie phản ứng mạnh hơn khi trở thành nước Ả Rập đầu tiên triệu hồi « ngay lập tức » đại sứ ở Israel để phản đối. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế tránh để cuộc khủng hoảng lan rộng trong vùng.

Gaza : « Nước chúng tôi uống, người ta còn không dám đưa cho súc vật »

Theo Hamas, quân đội Israel oanh kích khu phố Tal al-Hawa, phía tây thành phố Gaza, trong đêm 01-02/11. Người dân ở Gaza ngày càng sống trong vô vọng, theo lời kể của một ngư dân với thông tín viên RFI Sami Boukhelifa tại Jerusalem :

« Zakaria sống ở thành phố Gaza. Gia đình ông tiếp đón 140 người. Nhiều người thân phải rời miền bắc nơi các trận oanh kích ngày càng dữ dội. Tìm cách tồn tại là thách thức hàng ngày. Ông nói : « Nước mà chúng tôi uống ư ? Anh thậm chí còn không thể đưa cho súc vật uống. Nhà chúng tôi lúc này có hai cháu bé mới chỉ vài tháng tuổi. Chúng tôi không thể cho chúng uống nước này. Tôi chạy ngang dọc khắp Gaza cả ngày để tìm mua nước đóng chai. Nhưng hôm nay, tôi chẳng tìm được gì ».

Ngư dân Gaza này cũng không tìm lương thực. Ông nói thêm : « Tầu chiến Israel đã đánh phá cảng Gaza. Hầu hết tầu cá của chúng tôi đã bị cháy. Kể cả khi cuộc chiến này chấm dứt, tôi cũng không nghĩ là chúng tôi được phép ra khơi. Kiếm thức ăn, thực sự là ngày càng khó. Các cánh đồng ở ngoại ngô Gaza thì bị oanh kích. Ngoài chợ cũng chẳng còn rau ».

Về viện trợ nhân đạo từ Ai Cập, Zakaria cho biết « chưa thấy chút dấu vết nào. Chắc chỉ vừa đủ cung cấp cho những người sơ tán xuống miền nam Gaza » ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.