Chợ "độc" giữa Sài Gòn

15/02/2021 - 06:35

PNO - Năm giờ sáng, bầu trời còn đen kịt, ánh đèn đường chưa tắt, nhưng mọi người đã bắt đầu hoạt động từ lâu. Tiếng chổi xào xạc từ đâu vẳng lại; tiếng lốc cốc của những chiếc xe đẩy bán cà phê, đồ ăn sáng…; tiếng người đi tập thể dục, tiếng nói cười của những chú xe ôm ở các góc ngã tư chập chờn trong một sớm Sài Gòn.

Chợ chỉ hút đàn ông

Đó là khung cảnh của “chợ sâu bọ”, nằm ở góc sân nhỏ rộng khoảng 30 mét vuông, bên hông Thuận Kiều Plaza (quận 5). “Tiểu thương” là người từ các miệt vùng ven Hóc Môn, Củ Chi, Tây Ninh, Long An… chạy xe máy đến, lỉnh kỉnh bày thau chậu, thùng xốp ra vỉa hè để “họp chợ”. Trong đó, có đủ loại côn trùng, sâu bọ, từ dế, cào cào, sâu gạo, sâu quy, tắc kè, thằn lằn, rắn… đến những loại hiếm như ve đầu mùa, điêu, rết…

Trời càng về sáng, một vài người đi đường tấp xe, trưng ra những chiếc lồng có chú chim họa mi, ào xuống thùng côn trùng, bỏ những con điêu trên tay ra vẻ cưng nựng rồi nói: “Thời tiết ngày càng ngộ, không có liu điu, sâu quy nào to một chút sao?”. Được chủ đút cho, con chim nuốt trọn năm tới bảy con sâu quy trong một nốt nhạc, không quên bày tỏ sự vui vẻ bằng cách nhảy loạn xạ trong lồng. Từ ngày có “chợ sâu bọ”, thị dân khu này luôn chào ngày mới bằng tiếng chim hót, tiếng dế kêu, hệt như vừa thức giấc ở một vùng quê nào đó.

Người ướt sũng sau chuyến đi vợt cào cào, yên xe còn nguyên chiếc đụt(*) to đựng chiến lợi phẩm, anh Hùng đi thẳng từ Hóc Môn lên đây. Chiếc đụt to của anh lợi thế nhất chợ, vì nó đựng cào cào vừa mới bắt. (Côn trùng mới bắt nhiều dinh dưỡng hơn). Tuy nhiên, theo “luật chợ”, mỗi loại côn trùng đều cùng giá bán, không ai được phá giá.

Có lẽ hiếm có ngôi chợ thị thành nào mà “tiểu thương” lại có xuất thân từ đồng ruộng, kênh phân phối thu gọn từ đồng lên hẳn chợ - như ở đây. Vì thế, dù là một nơi bán mua, nhưng ai nấy đều có trong mình một câu chuyện của những người săn bắt. Có người chuyên trị địa bàn Củ Chi, người khác chạy thẳng xuống Tây Ninh, Long An hay Bình Dương, Đồng Nai... đến những nơi có bãi cỏ lớn, ruộng hoang, rừng rậm để lùng sục côn trùng. Nhưng không phải cứ đi là gặp.

“Chợ côn trùng” dù không danh phận, nhưng đã nuôi sống bao mảnh đời khốn khó, là nơi tìm về của những người con xa quê
“Chợ côn trùng” dù không danh phận, nhưng đã nuôi sống bao mảnh đời khốn khó, là nơi tìm về của những người con xa quê

Anh Hùng ví dụ, muốn bắt cào cào thì phải đợi từ 10 - 15 ngày sau mưa, khi cào cào đầy ruộng. Mùa nắng vào tháng Hai, tháng Ba thì ra những cánh đồng ngoài bưng biền hoặc bờ sông; qua tháng Năm, tháng Sáu có mưa rào lại lên cánh đồng đất gò; từ tháng Mười trở đi cần chọn những cánh đồng lúa vừa gặt xong. Chúng chỉ xuất hiện lúc sáng sớm hoặc từ bốn giờ chiều đến tám giờ tối. Còn ngoài đồng cỏ, nếu vợt được 100 con cào cào thì may mắn chỉ vợt được mười con liu điu. Nhưng muốn bắt được liu điu phải ra tuốt miệt Đồng Nai. Chưa ai công nhận bắt côn trùng là một cái nghề, bởi không có nghề gì mà “kỳ” vậy. Nhưng không biết từ khi nào, nó đã trở thành kế sinh nhai nuôi sống cả gia đình sáu miệng ăn nhà anh Hùng, và biết bao gia đình khác ở cái góc chợ con con này. 

Chợ chỉ thu hút đàn ông, bởi phụ nữ mà nhìn mớ “hàng hóa” có khi xỉu. Theo ký ức một vị khách, chợ phải có trên 20 năm tuổi. Lúc đầu, chỉ có vài người ngồi bán, dần dà có khách nhiều nên chợ đông cả ngày. Trải qua bao nhiêu năm, phố xá, nhà cửa thay đổi nhiều, người dân rời bỏ chợ tạm, chợ cóc, thích đi siêu thị. Nhưng có lẽ, côn trùng không thể… “vào” siêu thị, nên góc chợ này vẫn sống với cách riêng của mình. Không chỉ là “chén cơm” nuôi sống bao người nghèo khó, còn là nơi quen thuộc để tìm về của những người yêu cá, yêu chim, cả những người mênh mang nỗi nhớ quê nhà. 

Chợ bán mỗi bắp

Khi nghe kể về chợ bắp, nghĩ bụng, chắc nó cũng giống như bao chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức. Nhưng tới nơi, tôi hơi bất ngờ khi chợ chỉ là những dãy phố với từng căn nhà chất đầy bắp bên đường Trịnh Thị Miếng (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn). Ở đây, bắp chất đống cao bằng đầu người, nhà nào cũng có vài chục nhân công ngồi lựa bắp, lặt bắp, cân bắp. 
- “Bắp nay bao nhiêu?” - một người phụ nữ trạc trung niên, tấp xe máy vào một vựa bắp, xé toạc đầu vài trái bắp ngắm hỏi. 
- “Bắp nhỏ 8.000 đồng/ký, bắp vừa 10.000 đồng/ký, bắp lớn 12.000 đồng/ký” - chủ vựa bắp trả lời. 
- “Lấy bắp lớn đi. Năm nay bắp mắc quá, phải nâng giá bán, khách la quá trời. Mà không bán bắp thì không biết bán gì. Hốt cho tui đầy hai bao” - vừa dứt lời, đôi bàn tay lem luốc của người phụ nữ này vừa móc tiền ra đếm.
“Thương vụ” kết thúc khi có hai phu khuân vác khiêng từng bao bắp chất lên xe cho khách. Chị khách nhỏ vội vàng rồ ga phóng đi giữa nắng chói chang, không quên bỏ lại câu nói: “Về nấu sớm đặng kịp mai đem ra đường Cách Mạng Tháng Tám bán cho dân văn phòng. Đồ Tây, đồ Tàu tùm lum mà người ta vẫn ghiền ăn bắp hà”.

Lại có vài chiếc xe máy, xe ba gác tấp vào, người mua cũng có vài thao tác xé toạc mấy lớp vỏ đầu trái, hỏi giá, cân, rồi trả tiền. Họ lấy bắp về luộc mang ra chợ bán, có người đổ đống bán lề đường, tách ra làm bắp xào hoặc đem bỏ mối cho các điểm bán khác. Các đống bắp bắt đầu vơi dần vì người đến, người đi liên tục. 

Gần mười hai giờ trưa, chợ càng nhộn nhịp hơn khi năm, sáu chiếc xe tải (mỗi xe khoảng 10 tấn) chở bắp từ các tỉnh miền Tây, miền Đông, nối đuôi nhau vào chật đường Trịnh Thị Miếng. Hàng chục thanh niên lực lưỡng từ trong các vựa túa ra, nhảy rất nhanh lên xe rồi lùa bắp xuống thành đống cao ngồng dưới đất. Năm, sáu người phụ nữ xắn tay áo, lựa từng loại bắp cho vào sọt. Hễ sọt nào đầy thì có người bưng đổ vào bao, cân ký, chất trở lại lên xe tải nhỏ, ba gác giao đi các tỉnh. Phần còn lại thì chất đống dành cho bạn hàng tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. 

Dù là chợ trời, nhưng lại là chợ bắp sỉ lớn nhất Sài Gòn
Dù là chợ trời, nhưng lại là chợ bắp sỉ lớn nhất Sài Gòn

“Chợ bắp đầu mối lớn nhất Sài Gòn đó, khắp cả nước đều đến đây mua, nên công nhân chúng tôi phải làm từ bốn giờ sáng đến tận mười hai giờ khuya. Trước đây tôi làm ở xí nghiệp may, dịch COVID-19 khiến công ty phá sản, tôi thất nghiệp, ra chợ bắp làm. Hồi trước may cả ngày chỉ khoảng 200.000 đồng, nay ngày làm được 300.000 đồng, còn nam khiêng vác cực hơn thì 400.000 - 500.000 đồng/ngày, đỡ lắm cô” - chị Nguyễn Thị Thu Hà, quê ở Quảng Nam, vừa ngồi lựa bắp, vừa nói. 

Nhưng theo chị Mỹ Tiên (chủ vựa bắp Mỹ Tiên), khung cảnh có vẻ là nhộn nhịp đó, thật ra đã đìu hiu nhiều so với hồi từ tháng Tư đến tháng Chín, khi bắp vào vụ. 

Sài Gòn - TPHCM là một thành phố của giao thương, của “đại thị trường”; vì thế, nói về chợ, có lẽ đây là một địa phương đa dạng bậc thầy. Chợ bắp độc đáo ở Hóc Môn, chợ sâu bọ nhộn nhịp, hay một chợ đêm chính thống đìu hiu cô quạnh trong vòng quay của nền kinh tế thị trường nơi quận 6, chỉ là một vài lát cắt trong muôn vàn gương mặt chợ ở nơi này. Ở đó, chúng đang phô diễn một cách đầy đủ trạng thái sống trong đời sống, sống trong văn hóa của cái đô thị đang thay da đổi thịt mỗi ngày. Bởi, có nơi nào, hội tụ hơn chợ, nhân sinh quan thu nhỏ hơn chợ - trăm mối “tơ vò" nhân gian? 

Bà Nguyễn Thị Hằng (chủ vựa bắp Út Hằng), mưu sinh ở đây đã gần 20 năm, cho biết chợ Bắp ngày trước thuộc về chợ Cầu Muối (quận 1). Khi chưa giải tỏa, Cầu Muối là chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn. Mỗi ngày, hàng ngàn lượt người về đây lấy thực phẩm phân phối cho các chợ lẻ, hàng quán khắp Sài Gòn. Năm 2000, từ Cầu Muối, thành phố đã di dời khu trái cây ra chợ đầu mối Tam Bình (quận Thủ Đức), thịt và rau quả thì về chợ đầu mối Hóc Môn, còn cá thủy hải sản thì về chợ đầu mối Bình Điền. Có hơn 20 tiểu thương bán bắp, thay vì về đầu quân tại chợ đầu mối Hóc Môn, đã “chạy” về đường Trịnh Thị Miếng mướn vựa, hình thành nên chợ bắp ngã ba Bầu.
“Chợ trời”, không ban quản lý, mỗi vựa hàng chục nhân công, ngày ngày cung cấp ra thị trường khoảng 500 - 1.000 tấn bắp, nhưng tuyệt nhiên không có cảnh cãi vã giành giật bạn hàng. Khách có thể tấp sạp này, ghé sạp kia để lựa được trái bắp ưng ý mà chủ vựa không một lời phàn nàn, lôi kéo. 
Giờ đây, chợ đã “lên đời”, ngoài bán tại chợ, bắp còn được xuất khẩu sang Tây. Lúc trước, chợ chỉ bán mỗi bắp nếp, bắp mỹ, nay bắp nữ hoàng đỏ - một loại bắp đắt đỏ cũng chọn chợ này làm nơi quảng bá với chủ xị là những công ty hạt giống lớn. Từ con số 20 vựa bắp, đến nay, chợ đã có hơn 40 vựa. 

“Ngôi chợ đêm chính thống” của Sài Gòn

Vào một buổi chiều nắng vàng rực, chúng tôi bắt gặp Dũng đang đi bộ chầm chậm trước cổng chợ Minh Phụng (quận 6) để ghi hình thu âm giới thiệu về chợ. Dũng nói, anh có tham gia một nhóm cộng đồng người Việt tại Mỹ và Canada trên mạng xã hội Facebook. Nhiều dì, chị định cư tại nước ngoài đã hơn 20 năm, chưa một lần về quê, nói rất nhớ các chợ truyền thống tại Việt Nam, đặc biệt là chợ Cây Gõ (tên cũ của chợ Minh Phụng). Họ mong muốn được một lần ôn lại kỷ niệm với ngôi chợ này, dù chỉ qua hình ảnh, tiếng nói của tiểu thương.  

Đứng kế bên chúng tôi, dì Năm Chà - tiểu thương bán cà phê rang xay - tiếp câu chuyện, dì có nhiều người bạn tại nước ngoài, cứ về Việt Nam là đến thăm chợ, mua sắm, ăn uống và lân la tám chuyện cả ngày. Trong số đó, có người đã từng gắn bó với ngôi chợ này từ thời chợ mới “tượng hình”, còn “quê một cục” và lụp xụp với sạp quầy trong chợ đều bằng gỗ, tre. Không cửa, không ban quản lý… xung quanh đều là đồng ruộng, xéo trước mặt là cầu Cây Gõ. Sau này cầu bị san lấp làm đường, nhà cao tầng thay cho đồng ruộng, sình lầy, lau sậy. Người từ nước ngoài về đây đều đi lạc đường, mọi thứ thay đổi quá nhanh, duy chỉ có hình ảnh chợ Cây Gõ vẫn neo lại như một mảnh ký ức, thỉnh thoảng bất chợt ùa về.  

Đặc biệt hơn, đây là một ngôi chợ chính thống duy nhất ở Sài Gòn mà tiểu thương bắt đầu dọn hàng ra bán từ chiều hôm nay đến rạng sáng hôm sau. Nói về sự khác biệt này, cô Diệp Nguyệt Nga - một tiểu thương bán quần áo 40 năm tại chợ - kể chợ ra đời sau năm 1975 với hình hài một ngôi chợ quê. Sát chợ có một ngôi đình Bình Tiên, thờ ngài tuần phủ thời vua Minh Mạng Đoàn Văn Tú - người có nhiều công lớn trong việc xây dựng thành Gia Định và Thành Hoàng Bổn Cảnh của thôn Bình Tiên xưa.

Hằng năm, đình tổ chức lễ Kỳ Yên vào tháng Giêng âm lịch kết hợp biểu diễn nghệ thuật nên thu hút rất đông người dân tại các tỉnh lân cận đến thăm viếng. Nhiều người ở mười bữa, nửa tháng nên nhu cầu mua sắm nhiều. Hồi đó, buổi tối trong chợ không có điện, tiểu thương bèn dọn hàng ra lề đường bán phục vụ du khách mùa lễ hội; thậm chí nhiều người còn gánh gốm sứ từ chợ Lò Gốm (phía bên sông cầu Hậu Giang) sang đây “nhóm chợ” chung, hình thành nên một khu chợ đêm “tả pí lù”.  

Thấy tiểu thương có thêm kế sinh nhai, cơ quan chức năng địa phương (lúc bấy giờ chưa có ban quản lý chợ) quyết định câu điện, lắp đèn, dời tiểu thương từ ngoài đường vào trở lại trong chợ, chính thức cho phép tiểu thương tại chợ hoạt động đến mười hai giờ khuya. Lúc đó, du khách đi chơi lễ hội kết hợp mua sắm rất đông, chợ luôn trong tình trạng chen chân không lọt. Hễ nhắc chợ đêm là người Sài Gòn cứ nghĩ đến hai từ “Cây Gõ”. 

Suốt nửa thế kỷ qua, bao nhiêu lần “khoác áo mới”, từ nền đất sạp tre gỗ đến bê tông, chợ vẫn giữ nét văn hóa rất riêng. Bao đời gắn chợ, tự hào đó, nhưng khuất sâu trong đôi mắt của nhiều tiểu thương nơi đây là một nỗi buồn man mác vì khách ngày càng thưa. Còn nhớ lần đầu ghé chợ hồi năm 2015, chúng tôi bị choáng ngợp vì nhìn đâu cũng toàn người là người. Khách văn phòng có, sinh viên có, công nhân từ các quận, huyện ngoại thành cũng có, tất cả hội tụ về đây để tìm mua đủ loại quần áo, giày dép, kẹp tóc, túi xách… rất thời trang nhưng giá bình dân.

Giờ khung cảnh náo nhiệt ngày xưa đâu mất, các chủ sạp lặng lẽ ngồi chống cằm, bấm điện thoại, vừa ngáp ngủ vừa đập muỗi chờ hết giờ rồi dọn hàng về; không ít sạp tạm ngưng hoạt động. “Vài năm trở lại đây, khi thương mại điện tử phát triển, siêu thị xuất hiện nhiều, người ta đã dần “bỏ chợ”. Hoặc có ghé qua thì cũng dừng lại mua tại những điểm kinh doanh tự phát phía ngoài, vốn không phải đóng thuế phí. Nay dịch COVID-19 xuất hiện, chợ càng hiu hắt.

“Nếu chợ được nâng cấp thêm, dọn dẹp lòng lề đường bên ngoài, thì lượng khách có thể sẽ đông trở lại” - cô Tuyết Nga nói. 

Càng về khuya, chợ càng lọt thỏm, mặc dù các tiểu thương vẫn ngồi đó. Nỗi buồn mất chợ truyền thống nói chung, mất nét đặc trưng chợ đêm Cây Gõ nói riêng - càng hiện hữu. Trong một cuộc tọa đàm về chợ dân sinh trong đô thị do Viện Kiến trúc, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia tổ chức, kiến trúc sư Stephanie Geertman, chuyên gia tư vấn chương trình thành phố sống tốt của tổ chức HealthBridge, đã cho rằng: “Không ít thành phố ở các nước phát triển đang tốn tiền của để khôi phục chợ dân sinh, sẽ là sai lầm nếu Việt Nam để các ngôi chợ truyền thống dần biến mất”. Bởi chợ luôn là một phần không thể tách rời đời sống xã hội, phản ánh trung thực đời sống kinh tế nơi đã sinh ra nó, và là yếu tố cấu thành đời sống văn hóa vùng miền. 

* * *

(*) một loại giỏ làm bằng tre có hình dạng giống giỏ đựng cá.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI