Chống dịch khó khăn, vì sao?

Nguyễn Thị Từ Huy

Một thống kê nhỏ dưới đây liên quan tới thông tin về các trường hợp nhiễm covid 19 ở Tp Hồ Chí Minh có thể góp phần giải thích từ một khía cạnh cho những khó khăn trong việc chống dịch COVID hiện nay tại thành phố này. Bài này chỉ tập trung vào thông tin của những ngày gần đây, từ 23/8/2021, và chỉ tập trung vào một vấn đề, trong số vô vàn các vấn đề mà thành phố đang phải giải quyết.

1) Thông tin trong bài báo “Sau 3 ngày TP.HCM test gần 1 triệu mẫu, khoảng 3,5% mẫu dương tính”, đăng ngày 26/8 trên báo Tuổi trẻ cho biết:

Cụ thể 3 ngày qua, TP test nhanh khoảng 1 triệu mẫu. […] Ông Nam cũng cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy ngày 23-8 phát hiện 3,5% test dương tính; ngày 24-8 khoảng 3,2% mẫu dương tính và ngày 25-8 khoảng 3,8% mẫu dương tính.  Qua đánh giá của các nhà dịch tễ thì trung bình 3 ngày qua phát hiện khoảng là 3,5% mẫu dương tính.”

Nguồn: https://tuoitre.vn/sau-3-ngay-tp-hcm-test-gan-1-trieu-mau-khoang-3-5-mau-duong-tinh-20210826180849715.htm

Như vậy, 3,5% của 1 triệu, tức là Sài Gòn có 35.000 người nhiễm trong ba ngày 23,24,25/8.

2) Trong khi đó, con số người nhiễm được Bộ Y tế công bố chính thức theo từng ngày và đăng trên các báo, như sau:

ngày 23/8: 4251, ngày 24/8: 4627,  ngày 25/8: 5294, ngày 26/8: 3934, ngày 27/8: 5283, ngày 28/8: 5481

Vậy, tổng cộng ba ngày 23, 24, 25/8, theo tin từng ngày lại cho ra kết quả: 14.172 (=4251+4627+5294) người nhiễm.

Con số này chỉ bằng một nửa con số Sở Y Tế Tp HCM công bố ngày 26/8.

Tại sao có sự chênh lệch này, cùng là trên các nguồn chính thống? Chúng tôi không có câu trả lời, không biết tại sao. Nhưng điều này cho thấy rằng các con số được công bố chính thức tiềm ẩn một mức độ thiếu chính xác đáng kể so với thực tế (thông tin ở mục 1 và 2 cho thấy sai số là 50%).

Và điều này cũng để thấy rằng, làm cố vấn cho trường hợp Việt Nam thực sự phải chấp nhận một rủi ro rất cao về việc có thể bị mất uy tín. Bởi số liệu thiếu chính xác sẽ dẫn tới các phân tích thiếu chính xác, tiếp theo sẽ dẫn tới các kết luận thiếu chính xác, và cuối cùng các khuyến nghị sẽ rất xa thực tế.

Nhưng điều quan trọng hơn, cốt yếu hơn: các số liệu thiếu chính xác sẽ là căn cứ rủi ro trên đó những người làm chính sách đề xuất những giải pháp không đúng với thực chất và do đó dẫn tới thiếu hiệu quả, có thể sẽ chi rất nhiều tiền cho những việc không cần thiết, và những việc thực sự cần thực sự quan trọng lại không có tiền và nguồn lực để giải quyết.

Điều này giải thích một phần những khó khăn mà Sài Gòn gặp phải trong việc đưa ra các quyết sách chống dịch, và cũng giải thích một phần cho sự kém hiệu quả của các biện pháp chống dịch trong thời gian qua.

Đã đến lúc chúng ta, cả người dân và các cấp chính quyền, phải đối diện với sự thật, đối diện với các vấn đề đúng như chúng tồn tại trong thực tế, mới mong có thể tìm ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả, tránh tổn thất về mọi phương diện. Sài Gòn đã phải chịu nhiều tổn thất, cả về sức khỏe và tính mạng con người, cả về kinh tế. Chúng ta cần có can đảm để nhận diện một cách chính xác tình trạng của mình mới mong thoát khỏi đại dịch với tổn thất được giảm thiểu.

Comments are closed.