17.2.23

Chống lại sự thao túng lịch sử. Lời nói đầu cho ấn bản mới của “Thời đại thái cực” của Eric Hobsbawm

CHỐNG LẠI SỰ THAO TÚNG LỊCH SỬ

Lời nói đầu cho ấn bản mới của “Thời đại thái cực” của Eric Hobsbawm

Đây là bài tựa cho ấn bản cuốn sách của nhà sử học Anh Eric Hobsbawm (1917-2012) đã được chỉnh sửa và cập nhật mới được NXB Agone ấn hành.

Serge Halimi, 16 tháng tư 2020

Le Monde Diplomatique

Vassily Kandinsky. — “Jaune-Rouge-Bleu, 1925

Chúng ta có thể chịu đựng sống trong hang động, chiêm ngưỡng bóng tối của nó, miễn là, ít nhất là một lần trong cuộc sống, chúng ta có thể phá bỏ xiềng xích của mình, cảm thấy đôi cánh của mình lớn lên, nhìn thấy mặt trời.

Upton Sinclair, La Jungle (1906)

Lịch sử của thế kỷ 20 đã kết thúc từ lâu, nhưng sự diễn giải nó chỉ mới bắt đầu. Ít nhất là về điểm này, và chỉ về điểm này, lịch sử nối lại với ký ức mà Hobsbawm cho rằng “không phải là một cơ chế để ghi lại mà là một cơ chế để chọn lọc” cho phép “đọc những mong muốn của hiện tại trong quá khứ”.

Eric J. Hobsbawm (1917-2012)

Liệu chúng ta có thể thoát khỏi sự lệch lạc như vậy không khi một quá khứ rất gần đè nặng lên hầu hết mọi cuộc đấu tranh đương thời của chúng ta? Sự giải thích về triều đại của Louis XI tất yếu ít gây chấn động đối với độc giả ngày nay, nhất là khi người này còn hoạt động tích cực về mặt chính trị, hơn là sự phân tích lịch sử của chủ nghĩa cộng sản, việc nhắc lại các vụ thiêu đốt dân thường bằng vũ khí hạt nhân hoặc việc xác định các lực lượng xã hội ủng hộ sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít. Điều này thậm chí còn đúng hơn khi trật tự hiện tồn gây ra gần hàng loạt các cuộc nổi dậy ở gần khắp mọi nơi và vẫn chưa thể xếp vào hạng mục những cổ tích đầy bụi bm các chương gần đây của một lịch sử đã chứng kiến ​​các dân tộc lật đổ những gì được coi như là không thể bị lật đổ. Niềm hy vọng của họ đôi khi bị thất vọng, bị tiêu diệt, bị chặt đầu (câu chuyện này ai cũng biết), nhưng đôi khi cũng được đền đáp (và câu chuyện này ngày càng ít đi). Nhân loại không phải lúc nào cũng bất lực và không có vũ khí khi khao khát thay đổi vận mệnh của mình. Nói cách khác, chúng ta không bao giờ bị “buộc phải sống trong thế giới mà chúng ta đang sống[1]”.

François Furet (1927-1997)

Điều này không còn được coi là đương nhiên vào năm 1994 khi Hobsbawm xuất bản The Age of Extremes/Thời đại Thái cực. Và thậm chí còn ít hơn vào năm sau khi, dưới sự bảo trợ của quỹ Saint-Simon mà ông đã thành lập, François Furet đã công bố Le Passé d´une illusion/Quá khứ của một ảo tưởng ở Pháp. Trong tâm trí của con người trước đây là cộng sản, người đã tự nhận mình từng ca tụng Stalin trước khi sau cùng trở thành một người theo chủ nghĩa tự do kiên trì, vấn đề rõ ràng là phải tiễu trừ “ảo tưởng” về một xã hội hậu tư bản. Furet dự định tẩy sạch ảo tưởng này ra khỏi đất nước, giống như hai thập kỷ trước đó ông đã từng giải ngộ cuộc Cách mạng Pháp. Thành công của ông sau đó càng được chú ý hơn khi kỷ niệm hai trăm năm cách mạng 1789 trùng với sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Nhà sử học cộng sản Albert Mathiez đã mô tả Lênin như là “một Robespierre đã thành công”, và mọi người đều biết rằng những người Bolshevik đã lấy cảm hứng từ những người Jacobins, như vậy cùng một xẻng đất được dùng để chôn vùi hai điều không tưởng. Đúng vậy, nhưng được bao lâu?

Những lúng túng của lịch sử đã trở lại

Erik Izraelewicz (1954-2012)
François Mitterrand (1916-1996)

25 năm sau, các thi thể đã động đậy chuyển mình. Thời đại Thái Cực được xuất bản khi “trật tự mới của thế giới”, tân tự do và dưới sự chỉ đạo của Mỹ, đã xóa bỏ mọi biên giới. Trên đất liền: NATO đã can thiệp cách xa khu vực can thiệp ước định của họ, ở Nam Tư và sau đó là Afghanistan. Chính trị: nay đã kết thúc tiến trình chuyển sang chủ nghĩa tư bản, đảng cánh tả cầm quyền đã trở thành đảng thứ hai của giới kinh doanh, thậm chí còn là đảng thứ nhất, với Mitterrand, Clinton, Blair, Schröder là những người trực cửa cho cuộc hôn lễ. Vào thời điểm đó, sự hài lòng tự phụ tổng hợp cảm xúc của những nhà cm quyền. Vào tháng 8 năm 1997, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Hubert Védrine đã trình bày với các đại sứ Pháp một phân tích địa chính trị được chia sẻ rộng rãi: “Một trong những hiện tượng nổi bật nhất kể từ ngày thế giới lưỡng cực chấm dứt là sự mở rộng dần ra toàn hành tinh của quan niệm của phương Tây về dân chủ, thị trường và các phương tiện truyền thông”. Hầu hết các nhà bình luận giỏi nhất thời đó cũng nghĩ như vậy. Nhà báo kinh tế Erik Izraelewicz, giám đốc tương lai của tờ Le Monde, viết: “Bất chấp những sự chia rẽ mà nó gây ra, cuộc cách mạng công nghiệp mới đang khuếch tán khắp hành tinh, vào cuối thế kỷ này, một cảm giác lạc quan tổng quát. Ông nói thêm: “Bằng cách tiếp liệu cho sự tăng trưởng toàn cầu, sự trỗi dậy của châu Á là một yếu tố kích thích cho các nước công nghiệp. Thay vì lo lắng về những việc làm sẽ chuyển đến đó, các nước giàu nên chào đón sự xuất hiện trên thị trường thế giới của những đối thủ này và sự năng động mà chúng mang lại cho nền kinh tế thế giới[2].

Francis Fukuyama (1952-)

Một vài tháng sau những phân tích này kết hợp sự khuây khỏa và sự thanh thản khi đối mặt với sự bế tắc sinh thái đang làm cho chân trời bị che khuất, một cuộc khủng hoảng tài chính đã nổ ra. Ở Đông Nam Á và Châu Mỹ Latinh, nó làm cho sự “toàn cầu hóa hạnh phúc” bị lung lay. Nó cũng tàn phá nước Nga thời hậu Xô Viết và nước này nhanh chóng phát hiện ra rằng chủ nghĩa tư bản không chỉ là sự tồn tại của các cửa hàng đầy sản phẩm mà cả việc không thể tiêu thụ nếu không có điều kiện. Cú sốc kinh tế và tài chính chỉ là sự thông báo một cú sốc thậm chí còn khủng khiếp hơn sẽ xảy ra vào mười năm sau, vào năm 2007-2008. Lần này, tâm chấn của cuộc khủng hoảng là ở Hoa Kỳ và sau đó là Châu Âu. Và những địa chấn chính trị của nó thách thức mô hình xã hội mà theo Furet hay Fukuyama, đã được sự sụp đổ của Bức tường thừa nhận một cách dứt khoát. Đối với những người theo chủ nghĩa tự do, những ngọn đèn lồng của sự kết thúc của những điều không tưởng và sự vĩnh cửu của nền dân chủ tự do đã bị dập tắt. Những lúng túng của lịch sử lại tiếp tục.

Tất cả những điều trên, Hobsbawm đã thoáng thấy một phần tư thế kỷ trước. Chắc là sửng sốt trước sự tan rã đẫm máu của Nam Tư, thường có cơ sở trên vấn đề chủng tộc, ông tuyên bố trong cuốn sách này: “Sự sụp đổ của các chế độ cộng sản, giữa Istria và Vladivostok, không chỉ tạo ra một khu vực bấp bênh chính trị, bất ổn, hỗn loạn và nội chiến rộng lớn: nó cũng phá hủy hệ thống quốc tế vốn đã ổn định quan hệ quốc tế trong bốn mươi năm. Sau này, ông đã tóm tắt ý nghĩa sâu xa của trật tự thế giới mới này bằng cách lưu ý rằng NATO không ngừng mở rộng, can thiệp ra ngoài khu vực của mình trong khi Hiệp ước Warsaw lại biến mất. Và, ngay trước cuộc xâm lược Iraq mà phần lớn các thành viên hiện tại của Liên minh châu Âu sẽ tham gia, Hobsbawm viết: “Sự hoang tưởng tự đại là bệnh nghề nghiệp của những kẻ chiến thắng khi không có nỗi sợ hãi nào có thể kiểm soát được họ. Thế mà hiện nay không ai kiểm soát Hoa Kỳ nữa[3].

Cũng không còn ai kiểm soát giai cấp tư sản, được giải phóng khỏi đối thủ dù sao cũng đã từng làm cho nó lo lắng bất chấp mọi thứ và khiến nó phần nào phải tự kiềm chế. Nay đã trở thành chủ của cuộc chơi, nó lạm dụng tình hình. Sự bất ổn đặc trưng của các mối quan hệ quốc tế sau đó lại gia tăng các cơn nổi giận xã hội cục bộ nhưng được lặp đi lặp lại kèm theo. Và các cơn nổi giận càng cay đắng hơn nữa khi chúng dường như không có lối thoát chính trị trong các nền dân chủ bề ngoài, nơi các lựa chọn của cử tri thường bị bỏ qua, và nơi những người ký séc cũng là những người viết luật.

Tuy nhiên, ngay cả khi một cuộc chạy đua tốc độ đang đối lập một chủ nghĩa chuyên quyền tự do càng cứng rắn và chủ nghĩa dân tộc cực hữu ở nhiều nước, thì sự lựa chọn giải phóng khỏi chủ nghĩa tư bản dường như nằm ngoài tầm với. Điều này có đúng hơn khi Hobsbawm kết thúc Thời đại Thái Cực và cân nhắc về sự dai dẳng đáng kinh ngạc của một hệ thống thống trị vốn đã hơn một lần gây ra sự tan rã của xã hội? Ở những thời điểm khác, không xa lắm, khi các dân tộc không còn tin vào một trò chơi chính trị với những lá bài lừa bịp, khi họ quan sát thấy chính phủ của họ đã tự tước bỏ chủ quyền của bản thân, khi họ yêu cầu các ngân hàng phải bị kiểm soát, khi họ được huy động mà không biết cơn giận của họ sẽ dẫn họ đến đâu, điều đó cho thấy rằng cánh tả không chỉ sống mà còn đang chuyển mình, nếu không nhất thiết phải chiến thắng. Chúng ta còn xa điều này. Chủ nghĩa xã hội, “từ nêu lên sự mong muốn của chúng ta” - như một trí thức Mỹ đã gọi, mượn một công thức của Tolstoy mà nhà văn Nga đã dành cho Chúa - dường như đã dứt khoát bị loại bỏ.

Điều này càng được hiểu rõ hơn vì nó luôn luôn được kích hoạt lại. Thậm chí có lẽ còn hơn hai mươi lăm năm trước, đề cập đến chủ nghĩa xã hội cầm quyền thật vậy làm nổi lên hai bóng ma đối lập nhau. Bóng ma đầu tiên có các nét của các “chế độ cộng sảnnhất thiết được tóm gọn trong bộ máy công an chính trị và các trại lao động của Liên Xô. Bóng ma thứ hai có bộ mặt của nền xã hội dân chủ, vừa là tự do và cũng vừa là đế quốc. Một năm trước khi ông qua đời, Hobsbawm đã chỉ ra rằng “cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa Mác không chỉ là cuộc khủng hoảng của nhánh cách mạng của nó, mà còn là của nhánh xã hội - dân chủ của nó[4].

Tuy nhiên, cả bóng ma của Beria và Blair đều không tóm tắt được những khó khăn mà dự án cộng sản và chủ nghĩa xã hội dân chủ phải đối mặt ngày nay. Hobsbawm cũng lưu ý rằng “sự toàn cầu hóa kinh tế rốt cuộc đã giết chết không chỉ chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn cả chủ nghĩa cải cách dân chủ xã hội, nghĩa là khả năng của giai cấp công nhân trong việc gây áp lực lên các Nhà nước-quốc gia[5]. Đặc biệt là vì từ nay những Nhà nước-quốc gia này thậm chí còn có thể viện cớ về sự bất lực của chính chúng. Cánh tả cực đoan Hy Lạp lên cầm quyền năm 2015, phải đầu hàng vài tháng sau đó. Rồi sau đó đã đánh mất quyền lực.

Những người mà ngọn lửa cách mạng đã thúc đẩy

Ngay cả trong Thời đại Thái cực, ngọn lửa cách mạng đã thắp sáng (và đôi khi đốt cháy) thế kỷ XX dường như đã lu mờ nhiều, điều có lẽ là giá phải trả do năm xuất bản cuốn sách và sự tỉnh ngộ của người cầm bút. Tuy nhiên, tác giả, người mà đôi khi chúng ta thấy xuất hiện trong câu chuyện của mình, giống như Hitchcock trong các bộ phim của ông này, là một trong số những người muốn chinh phục cả bầu trời, hy vọng sẽ nghe thấy tiếng đại bác của tàu tuần dương Aurora vang lên một lần nữa, và cá cược rằng họ sẽ chiến thắng trái với ý kiến của tất cả những người chuyên tiên đoán và tất cả những người thận trọng. Vả lại, ông cũng thừa nhận: “Cá nhân tôi có thể làm chứng rằng cuộc cách mạng dường như thực sự nằm trong tầm tay của những người thanh niên (như tác giả của những dòng này) đã hát La Carmagnole trong các cuộc biểu tình của Mặt trận Bình dân[6]!” Nhưng, trong cuốn sách này, sự nhiệt tình trước đây đã bị một sự mỉa mai quá đáng đã tỉnh ngộ xóa đi, có lẽ vì muốn biểu hiện một thái độ không còn hăng say ngược lại với những người khác hay nổi giận. Ông viết “Cuộc cách mạng Cuba có tất cả: chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa anh hùng trên núi, những cựu thủ lĩnh sinh viên và lòng hào hiệp vị tha của tuổi trẻ - những người lớn tuổi nhất chưa bước qua tuổi ba mươi - một dân tộc niềm nở và một thiên đường nhiệt đới cho khách du lịch sống theo nhịp của điệu rumba”. Cách mạng Cuba còn có thành tích đã đánh bại chủ nghĩa đế quốc Mỹ chỉ cách đại bản doanh của nó không xa. Hiểu được những năm 1960, trong trường hợp này, đòi hỏi chúng ta phải truyền tải tốt hơn sự nhiệt tình này, chủ nghĩa lãng mạn này, sự hào hiệp này, ngay cả khi một vài thập kỷ sau, một sự khôn ngoan, lỗi thời, có thể đánh giá họ là ngây thơ và không thích đáng.

Những thế hệ khác, sau thế hệ của Hobsbawm, cũng không thể chấp nhận bức chân dung đáng ghê tởm mà chủ nghĩa chống cộng muốn áp đặt lên những nhà cách mạng mà họ từng biết, mà chính họ đã từng là - và đôi khi vẫn là. Một phân tích về thế kỷ trước sẽ tốt hơn nếu lắng nghe họ nhiều hơn. Nhưng thời gian đang chống lại họ. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta có nguy cơ liên kết chủ nghĩa cộng sản một cách dễ dàng hơn với quần đảo Gulag và Hiệp ước Đức-Xô (mà các chương trình truyền hình lịch sử và các nhà bình luận nổi tiếng rất ưa chuộng) hơn là với “những chiến binh khiêm tốn thấm nhuần lý tưởng vốn suốt đời đã chờ đợi giây phút đất nước của họ cuối cùng sẽ đến gặp họ. Những người mà François Mitterrand đã nói đến với những từ ngữ này vào buổi tối ngày đắc cử của ông, ngày 10 tháng 5 năm 1981. Những người đã bán tuần báo L’Humanité Chủ nhật và hoa huệ chuông vào Ngày Một tháng Năm. Năm mươi năm nữa, trong ký ức tập thể sẽ còn có gì về họ nếu không còn ai dám nhắc lại những gì họ đã đạt được và tất cả những gì chúng ta nợ họ? Ai sẽ coi Chiến hạm Potemkin, Cuộc sống là của chúng ta, Trái đất đang rung chuyển, nghe Jean Ferrat kỷ niệm nước Pháp của mình “từ 36 lên 68 ngọn nến” hay nghe Georges Moustaki khôi phục lại dũng khí cho các nhà hoạt động chống chủ nghĩa Franco tập trung tại Mutualité: “Với những người không còn tin tưởng nữa / Không còn nghĩ rằng lý tưởng của họ sẽ được hoàn thành / Hãy nói với họ một bông hoa cẩm chướng đỏ / Đang nở rộ ở Bồ Đào Nha?

Luis Sepúlveda (1949-2020)

Trong truyện ngắn Người lính Tchapaïev ở Santiago Chile, Luis Sepúlveda kể lại một trong những hành động đoàn kết của ông với người Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Dần dần, người đọc phát hiện ra rằng vào tháng 12 năm 1965 nhà văn là bí thư chính trị của chi bộ Maurice Thorez của Đảng Cộng sản Chile, đồng chí của ông đã chỉ đạo chi bộ Nguyễn Văn Trôi, rằng họ đã tranh luận với nhau về cuộc Cách mạng Thường trực (của Léon Trotsky) và Nhà nước và Cách mạng (của Lênin), rằng họ nhớ “tại Duma (quốc hội) ở Saint-Petersburg, những người Bolshevik và Menshevik đã thảo luận 72 giờ trước khi kêu gọi quần chúng Nga nổi dậy”, rằng họ đã tán các cô gái bằng cách mời các cô gái đọc And the Steel Was Tempered/Thép đã tôi thế ấy của Nikolai Ostrovsky, và xem các bộ phim của Liên Xô... Có hàng triệu câu chuyện về chủ nghĩa quốc tế như thế này. Trong những người cựu phát xít ai có thể kể những câu chuyện tương tự? Và có thể khẳng định rằng hàng ngũ của họ bao gồm cả Angela Davis và Pablo Neruda, Ambroise Croizat và Pablo Picasso. Ở các nước Phương Nam, “ở khắp mọi nơi, giới tinh hoa nói chung thuộc tầng lớp trung lưu, thường được đào tạo ở phương Tây, đôi khi bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cộng sản Liên Xô, khao khát giải phóng đất nước của họ, hiện đại hóa nó; họ ra sức vận động người dân đa số ở nông thôn, thường không biết chữ, gắn bó sâu sắc với các hình thái xã hội truyền thống nhất[7]. Có ai sẽ tổng kết rằng hoạt động của họ luôn là tiêu cực?

Mối quan hệ rất cá nhân và đam mê của Hobsbawm đối với thế kỷ mà ông phân tích và chủ nghĩa cộng sản, vốn đã tạo nên một chiều kích thiết yếu của thế kỷ này, đôi khi được thể hiện, nhưng một cách bất ngờ, khi nhà sử học gợi lên một sự gắn bó khác của ông: “Nếu ta không phải là người cùng thời với Rolling Stones, ta có thể tham gia vào sự nhiệt thành cuồng nhiệt mà nhóm này đã khơi dậy vào giữa những năm 1960 không? Điều này vẫn còn mù mờ chừng nào chúng ta chưa trả lời được câu hỏi khác: phải chăng niềm đam mê đối với âm thanh và hình ảnh hiện tại lại không nằm ở sự đồng nhất hóa: không phải bài hát này tuyệt diệu nhưng nó là “bài hát của chúng ta”?

Thật vậy, lịch sử cách mạng của thế kỷ XX là lịch sử của ông. Hy vọng cũng như kiến ​​thức của ông truyền cảm hứng cho các phán đoán mà ông đưa ra. Là một bó hoa hỗn tạp, danh sách danh nhân của ông quy tụ Bukharin, Gorbachev, Roosevelt, “Hồ Chí Minh cao quý”, “Tướng de Gaulle vĩ đại”, Mặt trận Bình dân. Và tất nhiên cái cốt yếu, Phe Cng hòa Tây Ban Nha: “Đối với nhiều người trong chúng ta, những người sống sót, nay đã vượt quá tuổi thọ trong Kinh thánh, cuộc chiến tranh Tây Ban Nha vẫn là chính nghĩa duy nhất vẫn giữ sự thuần khiết và sức hấp dẫn của nó như vào năm 1936, ngay cả với khoảng cách về thời gian.” Ngược lại không ngạc nhiên lắm khi Stalin, cả Mao, cả Castro (mà ông đã gặp), cả Che Guevara “nhà cách mạng lưu động đẹp trai”, cũng không phải “những người thuần túy theo chủ nghĩa cực tả được chất đống trong lăng danh nhân của ông. Và, điều không đáng ngạc nhiên, càng không phải Kennedy, “tổng thống Mỹ được đánh giá quá cao nhất trong thế kỷ này”, và Nixon, “nhân vật đáng ghét nhất”.

Mặt trận Bình dân và tư tưởng Khai minh

Như vậy, nằm trên đỉnh cao trong danh sách của ông là Mặt trận Bình dân và cuộc chiến tranh Tây Ban Nha. Khi đề cập đến cuộc chiến này, Hobsbawm nhấn mạnh rằng “thật khó để nhớ đến ý nghĩa mà nó có đối với những người theo chủ nghĩa tự do và những người thuộc cánh tả.” Đặc biệt là khi sự gắn bó của tác giả với một liên minh giữa những người tiến bộ và những người theo chủ nghĩa Mác đã thấm nhuần những phân tích của ông về thế kỷ XX. Người ta cảm nhận rằng chàng thanh niên đã sống một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của mình – về mặt dấn thân và tình yêu - vào ngày 14 tháng 7 năm 1936 tại Paris trên một chiếc xe tải của đảng xã hội Pháp SFIO sẽ mong muốn thời kỳ của Mặt trận Bình dân, sau đó là thời kỳ của liên minh lớn chống lại các cường quốc của phe Trục kéo dài. Không chỉ là một chiến thuật phòng thủ và tạm thời chống lại chủ nghĩa phát xít, mà còn là một chiến lược mở đường một xã hội bình đẳng. Cuộc đối đầu giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản, người lao động và kẻ tư bản sẽ dần dần bị pha loãng trong một tổng hợp xã hội - dân chủ, tức là một chủ nghĩa tư bản ôn hòa - hoặc đã biến đổi - bởi chính sách New Deal, sự kế hoạch hóa, sự tồn tại của các công đoàn mạnh và, đối với những người giàu nhất, của mức thuế gần bằng mức tịch thu. Sau một sự sắp xếp lại như vậy, cuộc tranh luận chính trị sẽ đối lập chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phổ quát, chính sách ngu dân và tư tưởng Khai minh.

Perry Anderson (1938-)

Trong một phê bình vừa hào phóng vừa chính xác về cuốn sách này, nhà sử học người Anh Perry Anderson nhấn mạnh tính chất ảo tưởng của niềm hy vọng về một sự tập hợp tiến bộ có khả năng xóa đi (hoặc làm dịu) những đối lập cơ bản giữa các tầng lớp xã hội và hệ thống chính trị canh tranh với nhau. Nhận định này cũng có giá trị đối với thập kỷ rưỡi “chung sống hòa bình” giữa Liên Xô và Hoa Kỳ (1962-1979), trong đó các dân tộc trên thế giới, không chỉ là Mỹ và Liên Xô, cuối cùng đã không còn lo sợ về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Vì ngay cả nền hòa bình tương đối này cũng không ngăn cản được chiến tranh hay đảo chính, mà các nhân vật chủ chốt thường được một trong hai phe ủng hộ, hầu như luôn phải đối mặt với thân chủ, dù thực hay giả, của siêu cường kia - ở Đông Nam Á, châu Mỹ Latinh, Nam Châu Phi. Dù thế nào đi nữa, kể cả sau khi Bức tường sụp đổ và sau khi cách nhận định lưỡng cực về các mối quan hệ quốc tế bị xóa mờ, niềm tin chống đế quốc của Hobsbawm không bao giờ dao động. Ông phản đối Chiến tranh vùng Vịnh, sau đó là chiến tranh ở Afghanistan, sau đó là cuộc xâm lược Iraq của phương Tây. Perry Anderson lưu ý, ít nhất là trong lĩnh vực này, “rất khó để tìm thấy một trí thức người Anh tầm cỡ như ông (Hobsbawm) với một định hướng không thể chối cãi như vậy[8]”.

Về các chính sách đối nội, những lựa chọn của ông đáng bị tranh cãi hơn. Sự ưa thích của Hobsbawm đối với các liên minh rộng lớn nhất, việc ông từ chối óc bè phái và các diễn ngôn về chiến tranh lạnh thường khiến ông trở nên khoan dung đối với những hướng đi khó có thể bào chữa. Clinton, Mitterrand, González: nhân danh “sự liên hiệp cần thiết của tất cả các lực lượng dân chủ và tiến bộ” và bởi vì, theo ông, cần phải đòi hỏi, “không phải những gì chúng ta muốn, mà là những gì chúng ta có thể đạt được”[9], ông tự ru ngủ mình trong những ảo tưởng đối với những nhân vật đầy tham vọng hoặc xảo quyệt, những người, dưới chiêu bài hiện đại hóa nó, đã khiến cánh tả rơi vào tình trạng còn hoang tàn hơn so với khi họ chiếm lĩnh nó. Một khi Hobsbawm thừa nhận sự vượt trội của tự do kinh doanh và thị trường tư nhân so với nền kinh tế được quản lý, ngay cả Tony Blair cũng gây cảm hứng đối với ông. Ông đã hối tiếc việc này khi phát hiện ra rằng ông đã si mê một “Thatcher mặc quần[10]”.

Sự kết thúc của Liên Xô làm thay đổi kế hoạch

Daniel Bell (1919-2011)

Ban đầu, Thời đại Thái Cực dự kiến có hai phần chính: Thời đại Thảm họa (từ năm 1914 cho đến khi Stalin qua đời) và Thời đại Cải cách. Như vậy, Thời đại thứ hai sẽ giống như một “thời kỳ hoàng kim” kết hợp “chủ nghĩa tư bản có bộ mặt con người” của một phe với chủ nghĩa cộng sản văn minh nhờ chính sách perestroika của phe kia. Việc đặt cược vào việc xích lại gần nhau của các hệ thống đối lập phần nào gợi nhớ đến tuyên bố về “sự kết thúc của các hệ tư tưởng” của Daniel Bell vào năm 1960, vốn bị phủ nhận bởi các cuộc nổi dậy xã hội, sinh thái và của xã hội trong suốt mười lăm năm sau đó. Khi Hobsbawm tạm gác lại thế kỷ mười tám và mười chín đã chiếm trọn cuộc đời của một nhà sử học để phân tích lịch sử thế kỷ của mình, tất nhiên ông không phải là không biết về tất cả những điều này. Cả vụ ám sát anh em Kennedy, Martin Luther King, Malcolm X, cả cuộc Chiến tranh Đông Dương, nạn đói ở Biafra, cuộc đảo chính của Pinochet, cả Lữ đoàn Đỏ. Tuy nhiên, chính sự phân rã của Liên Xô và ở một mức độ thấp hơn, các cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp ở phương Tây đã khiến ông phải sắp xếp lại bản thuyết trình của mình. Sự hòa giải của hai hệ thống mà ông đã tưởng tượng (hoặc hy vọng) đã bị vứt xuống đất. Thay vào đó, ông đã quan sát sự tiêu diệt của một phe, chiến thắng của phe kia.

Sự “chuyển động” này áp đặt cho ông một sự xếp đặt mới, một phần thứ ba. Perry Anderson tóm tắt Thời đại Thái cực, “giống như một cung điện đang được xây dựng mà kiến ​​trúc sư đã buộc phải sửa lại sơ đồ[11]”. Bởi vì, khi thế kỷ 20 dần kết thúc, thì không còn gì nhiều về một nền kinh tế hỗn hợp, về kế hoạch hóa, về chính sách trọng cầu có khả năng phòng ngừa khủng hoảng, về chủ nghĩa tư bản thuần hóa, về sự thịnh vượng (tương đối) được chia s. Và không còn gì nữa về Liên Xô. Trên đống đổ nát riêng của mỗi phe, là sự đào sâu các bất bình đẳng, sự mất quyền lực của các Nhà nước, quyền uy tuyệt đối của truyền thông, “cuộc chiến của các nền văn minh”, bản anh hùng ca của chủ nghĩa cá nhân, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc bài ngoại và chủng tộc, các chính sách về bản sắc. Nói tóm lại, mọi thứ mà Hobsbawm căm ghét.

Đúng vậy, nhưng thời kỳ này cũng là thời kỳ giải phóng phụ nữ, của quyền lựa chọn của phụ nữ về thời điểm thai nghén của họ, của cuộc tuần hành đòi bình đẳng cho các nhóm giới tính thiểu số, của sự phát triển của một nhận thức về sinh thái. Nếu ông viết cuốn sách của mình hai mươi lăm năm sau, Hobsbawm chắc chắn sẽ gán cho những tiến bộ này một tầm quan trọng lớn hơn, và có lẽ ông sẽ nói về chúng một cách nồng nhiệt hơn. Thật vậy, Thời đại Thái Cực thực sự cho thấy tác giả của nó đặc biệt chú ý đến những biến đổi “địa chấn” của xã hội (nhân khẩu học, đô thị hóa, khoa học, và cả âm nhạc) và hệ quả của chúng đối với cuộc sống hàng ngày. Chính xác đến mức có thể kể số nhà máy ô tô mà Volkswagen xây dựng tại Argentina và Brazil, ông cũng có thể phân tích tôn giáo và đĩa bay với mức độ nghiêm túc như nhau. Hoặc để ý rằng Thời đại Thảm họa cũng là của thời đại của màn ảnh rộng.

Các cuộc cách mạng trong các cuộc cách mạng

Bận lòng với việc nhắc nhở người đọc rằng, “đối với 80% nhân loại, thời Trung cổ đột ngột dừng lại vào những năm 1950”, Hobsbawm đưa ra, ở Valencia, Palermo và Peru, những ví dụ rút ra từ những quan sát cá nhân của ông về sự phát triển của du lịch, sự trỗi dậy của bất động sản đô thị hoặc những thay đổi trong trang phục truyền thống. Nhân tiện, ông cũng đã ghi nhận một đặc ân đã biến đi với ông: “Những độc giả không đủ tuổi cũng như ít di động để thấy lịch sử di chuyển theo cách này kể từ năm 1950 không thể hy vọng lặp lại những trải nghiệm này”. Thời kỳ mà ông phân tích hẳn là đã thuần hóa nguyên tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, trải rộng các thành phố, phổ cập các màn hình; tuy nhiên, đối với Hobsbawm, điều cốt yếu nằm ở chỗ khác: “Sự biến đổi xã hội ấn tượng nhất và có hệ quả nghiêm trọng nhất của nửa sau thế kỷ XX, sự biến đổi đã cắt đứt chúng ta vĩnh viễn với thế giới của quá khứ, là cái chết của thành phần nông dân. Kể từ thời đồ đá mới, hầu hết con người thực sự đã sống nhờ đất đai và gia súc hoặc đánh bắt cá.” Liệu, đối với chúng ta, quá trình biến đổi khí hậu sẽ mãi mãi cắt đứt chúng ta với thế giới quá khứ không?

Trong cuốn tự truyện, xuất bản năm 2002, Hobsbawm thừa nhận: “Tôi tiếp tục coi ký ức và truyền thống của Liên Xô với sự khoan dung và trìu mến mà tôi không cảm thấy đối với Trung Quốc Cộng sản, bởi vì tôi thuộc thế hệ mà Cách mạng Tháng Mười tiêu biểu cho hy vọng của thế giới, điều chưa bao giờ là trường hợp của Trung Quốc[12]”. Sự thiên vị như vậy giải thích cho cả sự thiếu nhiệt tình tương đối của tác giả đối với các cuộc cách mạng ở Thế giới thứ ba, vốn đã tự giải phóng khỏi các chỉ thị thận trọng của Moscow, và cho thái độ coi thường sâu sắc mà ông dành cho “những người cực tả” ở châu Âu. Do đó, nhận định của ông về Cách mạng Văn hóa chỉ giới hạn trong một lời nhắc nhở hốt hoảng về số lượng tử vong mà nó gây ra, và ông đã không có sự khảo sát nào về một câu hỏi cơ bản biện minh cho sự khởi đầu của nó, hoặc là được nó sử dụng như là cái cớ: nỗi sợ hãi về sự thoái hóa của bộ máy quan liêu. Tuy nhiên, ông đã nhắc lại khuynh hướng tuân phục của người Trung Quốc, điều mà ông tin rằng được củng cố bởi tư tưởng Nho giáo về sự hài hoà. Như vậy làm sao ông có thể ngạc nhiên về những lời kêu gọi “nổ súng vào tổng hành dinh”, đứng lên chống lại thành phần quan liêu hay “chủ nghĩa xét lại” của Mao lại gây được nhiều tiếng vang như vậy, không chỉ với Hồng vệ binh, mà còn với một bộ phận thanh niên phương Tây cực đoan nhất? Một thành phần, ngược lại với Hobsbawm, coi chế độ Xô Viết là không thể phục hồi. Và cũng muốn dẹp bỏ trật tự tư sản, mà không cần phải thông qua các thùng phiếu vốn hầu như luôn chống lại họ.

Có lẽ cũng vì lý do đó mà “hình ảnh người du kích da sạm tạo dáng giữa thảm thực vật nhiệt đới là một phần thiết yếu của quá trình cực đoan hóa Thế giới thứ nhất vào những năm 1960.” Sau năm 1960, Liên Xô không còn truyền cảm hứng cho thành phần thanh niên cách mạng nữa, mà là những trận chiến đấu của Thế giới thứ ba. Tuy nhiên, Hobsbawm hầu như không gợi lên các cuộc tranh luận ý thức hệ diễn ra trong phong trào cộng sản quốc tế xung quanh các vấn đề cốt yếu như tiến trình quan liêu hóa, cải cách hay cách mạng, chung sống hòa bình hay chiến tranh cách mạng. Do đó ông cũng khó nhận thức về những gì sẽ diễn ra trong thế kỷ một khi mà Moscow, thành phần quyền cao chức trọng của Nhà nước (nomenklatura) đầy huy chương và các đảng Cộng sản tuân theo nó không còn truyền cảm hứng cho những người chống đối hệ thống tư bản. Trong khi những vấn đề về tiến trình trưởng giả hóa của tầng lớp quý tộc lao động, sự bảo thủ của bộ máy công đoàn, và tính cấp bách của một cuộc cách mạng trong cách mạng được đặt lên hàng đầu.

Khi phân tích biến cố tháng 5 năm 68 ở Pháp, Hobsbawm ghi nhận những động lực khác nhau của sinh viên và công nhân. Nhưng để kết luận rằng “sau hai mươi năm cải thiện không ngừng đối với những người làm công ăn lương trong các nền kinh tế có tình trạng mọi người có việc làm, cách mạng có lẽ là điều cuối cùng trong tâm trí của quần chúng vô sản.” Ông biết gì? Ai đã nói với ông? Với một giọng tương đối tự phụ, ông cho rằng “không có cá nhân nào có kinh nghiệm tối thiểu về các giới hạn của thực tế của cuộc sống, không có người trưởng thành nào có thể sáng tạo ra các khẩu hiệu độc đoán của tháng 5 năm 68 hoặc của mùa thu nóng bỏngở Ý năm 1969 như là “Tutto e subito [Mọi thứ và ngay lập tức]”. Tuy nhiên, ai hơn ông để có thể hiểu rằng những người tạo ra lịch sử không phải lúc nào cũng là những người chấp nhận “giới hạn của những thực tế của cuộc sống”? “Mọi thứ và ngay lập tức” mà ông nhắc lại không phải là sự sáng tạo của một thanh niên tiểu tư sản được lập trình để một ngày nào đó trở thành cán bộ điều hành, kỹ sư hoặc ông chủ, mà là một trong những graffiti mà ta có thể đọc được trên bức tường của nhà máy Fiat ở Turin vào thời điểm các cuộc đình công nổi dậy. Hobsbawm sau đó thừa nhận rằng ông không có khả năng nhận thức được sự kiệt quệ về mặt lịch sử của các hình thức đấu tranh thông thường mà giới lãnh đạo chính trị và công đoàn coi là chính đáng. Và ông cũng vậy: “Phải chăng chúng ta sai lầm khi coi những người nổi dậy những năm 1960 là một giai đoạn hay một biến thể khác của cánh tả? Trong khi đó, trong trường hợp của họ, đó không phải là một nỗ lực thất bại để đạt được một thứ cách mạng nhất định, mà là một lựa chọn kiểu cách mạng khác nhằm xóa bỏ chính trị truyền thống và đặc biệt là chính trị của cánh tả truyền thống. Nhìn lại với khoảng cách hơn ba mươi năm, có thể dễ dàng nhận thấy rằng tôi đã không nhận ra tầm quan trọng của ý nghĩa lịch sử của những năm 1960[13].

Chủ nghĩa cộng sản bên ngoài các “Sách đen”

Nhưng đối với tất cả phần còn lại... Đối với tất cả phần còn lại, nhờ tác phẩm này, người đọc có thể đo lường các vụ thao túng lịch sử thế kỷ XX mà người ta đã nhét vào đầu, những điều không những đã không soi sáng các kiến ​​thức của ta, mà còn đã làm cho chúng nổ tung. Hobsbawm từng lưu ý: “Không có gì kích thích tâm trí của nhà sử học bằng thất bại, bởi vì kẻ bại trận cần phải giải thích tại sao những gì đã xảy ra không như những gì họ mong đợi”[14]. Tuy nhiên, sẽ là quá hào phóng để giải thích khối lượng những sự bóp méo lịch sử mà những người chiến thắng đã dựng lên một cách ngoan cố trong hơn ba mươi năm nay. Ngày nay cố gắng lập bản kiểm kê những sự bóp méo này thì không biết phải bắt đầu từ đâu. Hay đúng hơn là có, vì lịch sử của một quốc gia đã thống trị cả thế kỷ XX và các chiến dịch lên án mà cuốn Thời đại Thái cực đã mang lại cho Hobsbawm. Hãy hướng đến Liên Xô.

Stéphane Courtois (1947-)

Các cuộc tranh luận liên quan đến Liên Xô đã bị chi phối bởi sự tuyên truyền, đặc biệt là ở Pháp kể từ khi cuốn Sách đen về chủ nghĩa cộng sản được xuất bản năm 1997. Mục đích công khai của tác phẩm do Stéphane Courtois làm chủ biên – mà sự phổ biến càng mạnh bao nhiêu thì cuốn của Hobsbawm càng bị bóp nghẹt bấy nhiêu – là khẳng định trên cơ sở những con số được tưởng tượng rằng chủ nghĩa cộng sản thậm chí gây chết chóc còn nhiều hơn cả chế độ (được cho là) toàn trị anh em họ của nó, chủ nghĩa Quốc xã. “Các chế độ cộng sản”, Courtois viết, “đã gây tội ác đối với khoảng một trăm triệu người[15], so với khoảng 25 triệu người trong chủ nghĩa Quốc xã[16]”. Do đó, ông nói, cần phải thiết lập một phiên tòa Nuremberg mới. Sự tương đồng như vậy giữa hai chế độ đã không ngừng được nện đi nện lại kể từ đó. Đến mức đã trở thành chủ đề của một số nghị quyết của Nghị viện Châu Âu, trong đó có những khẳng định lịch sử kỳ dị được chêm vào và được tuyệt đại đa số dân biểu tán thành.

Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008)

Ý tưởng đề cập đến “chủ nghĩa cộng sản” như là một khối là có vấn đề ngay từ đầu, vì chủ nghĩa này đã trải qua những thay đổi cơ bản kể từ khi Quốc tế thứ ba được thành lập. Nếu chúng ta chỉ tính đến Liên Xô, Đảng Bolshevik của Lenin phần lớn bị Stalin thanh trừng cùng với hầu hết các nhà lãnh đạo của nó. Sau đó, không những các cuộc thanh trừng điên cuồng trong những năm 1937-1938 (680.000 người bị giết!) sẽ không bao giờ xảy ra nữa với quy mô như vậy, mà chúng sẽ bị tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô tố cáo vào năm 1956, người sẽ tống thi thể được ướp của Stalin ra khỏi lăng mộ của ông ta ở Quảng trường Đỏ. Khi Solzhenitsyn xuất bản Quần đảo Gulag/L’Archipel du goulag, những trại nơi ông đã từng bị giam giữ đã không còn tồn tại. Hobsbawm thậm chí còn lưu ý rằng số người ở tù của Liên Xô trong những năm 1980 thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ và công dân Liên Xô bình thường “ít có nguy cơ bị giết hơn - nạn nhân của tội phạm, nội chiến hoặc chiến tranh Nhà nước – so với nhiều quốc gia của Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ.

Ông cũng nhắc lại lòng tin của người dân Liên Xô giữa sự kết thúc của kỷ nguyên Stalin và thời kỳ trì trệ, một phần tư thế kỷ sau, làm cho hệ thống bị xơ cứng dần đến mức bị tê liệt. “Trong nửa đầu những năm 1970,” ông viết, “hầu hết mọi người ở Liên Xô đều sống và cảm thấy tốt hơn bất cứ thời kì nào họ có thể nhớ được”. Điều làm kinh ngạc những người đã từng được nuôi dưỡng với những bản tường thuật khủng khiếp giống nhau về lịch sử của quốc gia này và chế độ chính trị này, được tóm tắt một cách có hệ thống bằng bộ máy đàn áp của họ. Tuy nhiên, một nghiên cứu của trường đại học Mỹ xác nhận rằng “con người Xô Viết mới” của những năm 1960 và 1970 “tự hào về những thành tựu của đất nước mình, tự tin rằng Liên Xô là một cường quốc đang lên trên thế giới, tin rằng tiến bộ kinh tế của nó được phản ánh ở mức độ ngày càng tăng của phúc lợi cá nhân, và chắc chắn rằng hệ thống Xô Viết đã mang đến những cơ hội không giới hạn, đặc biệt là cho những người trẻ tuổi[17]. Động lực cho sự thay đổi sẽ xuất hiện trong một hoặc hai thập kỷ sau đó sẽ không đến từ cơ sở, mà là từ trên thượng tầng xuống. Việc lật đổ chế độ sẽ diễn ra trong hòa bình khi các nhà lãnh đạo của nó mất “niềm tin vào hệ thống của chính họ”. Đã có kết cục như vậy ở Ý của Mussolini hay ở Đức Quốc xã không?

Samuel Huntington (1927-2008)

Năm 1977, ngay cả Samuel Huntington, một trong những kiến ​​trúc sư trí tuệ của chính sách “bình định” ở Việt Nam, và mở rộng ra của Chiến tranh Lạnh, đã tự hỏi làm thế nào để giải thích sự ổn định của Liên Xô. Điều này càng làm ông khó chịu vì, hai năm trước đó, trong một báo cáo nổi tiếng của Ủy ban Ba ​​bên, ông đã lên tiếng báo động về tính “không thể cai trị” của các xã hội tư bản[18]. Vào thời điểm đó, những câu trả lời cho sự bí ẩn này nêu bật một loạt các yếu tố: giới lãnh đạo và người dân Liên Xô ưa thích trật tự và ổn định; xã hội hóa tập thể củng cố các giá trị của chế độ; bản chất không lũy tiến của các vấn đề cần được giải quyết, cho phép độc đảng có thể thao túng; kết quả kinh tế tốt góp phần đạt được sự ổn định mong muốn; sự gia tăng mức sống; vị thế của một cường quốc; v.v.. Sau khi thu thập vô số chỉ số khớp nhau, Huntington chỉ có thể buồn bã kết luận: “Không một thách thức nào được dự báo trong vài năm tới có vẻ khác về chất so với những thách thức mà hệ thống Liên Xô đã khắc phục thành công[19]”. Mọi người đều biết chuyện gì đã xảy ra sau đó.

Boris Yeltsin (1931-2007)

Sau khi Liên Xô tan rã, Solzhenitsyn trở về nước. Ở đó, ông khám phá ra một nước Nga “trong tình trạng sụp đổ”: các liệu pháp sốc của những người thực hiện cuộc cách mạng tự do đã phát huy tác dụng của chúng. Tất nhiên người ta đã trách tác giả của Thời đại Thái cực đã bộc bạch sự kinh ngạc và hoài nghi của mình khi thấy “tính chính thống của thị trường tự do thuần túy, rõ ràng đã bị mất uy tín vào những năm 1930”, lại được áp đặt năm mươi sáu mươi năm sau. Ông đã sống cảnh những bữa ăn phát chn, những cuộc diễn hành tố cáo nạn đói, các Chùm nho phẫn nộ; ông đã quan sát sự bần cùng tàn bạo của Liên Xô cũ thông qua một cuộc giải phu kinh tế sống do một con rối của phương Tây, Boris Yeltsin, còn là một kẻ nghiện say rượu, điều khiển. Nó khiến tổng sản phẩm quốc nội của Nga sụt giảm gần 50% từ năm 1992 đến 1998, một sự sụt giảm “quan trọng hơn cả trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi một phần lớn đất nước bị quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng[20]”. Cả sự sụt giảm tuổi thọ tương đương với những gì chúng ta thấy trong thời kỳ quân đội chiếm đóng hoặc đói kém. Sẽ tốt hơn nếu Hobsbawm tránh được những lời nhắc nhở không phù hợp có thể phá vỡ những truyền thuyết đẹp đẽ về nền dân chủ tự do - một phép nghịch dụ trong trường hợp này.

Từ nay, những hành vi điên rồ và những tội ác của chế độ Xô Viết, được mọi người biết đến, và đã từ rất lâu, có nguy cơ khiến chúng ta quên rằng những nhà lãnh đạo Bolshevik đầu tiên đã phải đối mặt với một những kẻ đối kháng ít nhất cũng tàn nhẫn không kém sự hung dữ mà họ thể hiện để chống lại phe này. Tướng Kornilov tuyên bố khi chiến đấu chống lại người Bolshevik: “Sự khủng bố càng lớn thì những chiến thắng của chúng ta càng lớn. Chúng ta phải cứu lấy nước Nga cho dù phải làm ¾ người Nga đổ máu”[21]. Càng có ý nghĩa hơn nữa, trước khi tan rã, Liên Xô đã đạt được hai mục tiêu thiết yếu: bắt kịp trình độ công nghiệp của phương Tây và thành lập một quốc gia hùng mạnh, được cả thế giới thừa nhận. Hobsbawm có căn cứ để coi kết quả này là ấn tượng, đặc biệt là vì ban đầu nó được áp dụng cho “một đt nước phần lớn mù chữ”, “lạc hậu và thô sơ, bị cắt đứt mọi viện trợ nước ngoài”. Và cho một Nhà nước mà sự trông đợi – đã bị thất vọng – vào sự lan truyền sang các quốc gia khác của cách mạng đã buộc phải thực hiện một bước nhảy vọt vào chốn chưa ai biết trong hoàn cảnh tồi tệ nhất. Nước này sẽ phải xây dựng chủ nghĩa xã hội một mình khi không có bất kỳ điều kiện nào quy định cho sự thành công của nó được đáp ứng, và nó đã bước vào con đường đầy gian truân này giữa một cuộc nội chiến và bị các nước thù địch bao vây[22]. Khi nói đến Trung Quốc Cộng sản, Hobsbawm không có bất cứ sự khoan dung nào; thậm chí, ông còn tuyên bố bản thân “bị sốc bởi bản tổng kết của hai mươi năm của chủ nghĩa Mao, nơi mà sự vô nhân đạo và chính sách ngu dân đi đôi với những sự phi lý kỳ quái của những cáo buộc được đưa ra nhân danh tư tưởng của một nhà lãnh đạo được thần thánh hóa”. Tuy nhiên, ở đây một lần nữa ông lưu ý rằng “nếu thành quả của thời kỳ Maoist chắc chắn không thể làm cho các nhà quan sát phương Tây kinh ngạc, thì nó không thể không gây ấn tượng với người Ấn Độ và người Indonesia”.

Vào thời điểm giành được và sau đó bảo vệ nền độc lập của mình, các dân tộc Phương Nam còn có những lý do khác để cảm phục trước hành động của các Quốc gia Cộng sản. Các quốc gia này đã xây dựng nền kinh tế được giải phóng khỏi các quan hệ tài sản tư bản chủ nghĩa, một kinh nghiệm chắc chắn hữu ích cũng là một sự khích lệ khi muốn thoát khỏi sự chi phối của chủ nghĩa thực dân mới và những liều thuốc cay đắng của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế. Sự tồn tại của các quốc gia của “khối cộng sản” cũng đã cho phép sự viện trợ - thiết thực, vật chất, vũ trang nếu cần - được cung cấp cho các phong trào giải phóng dân tộc mà phương Tây hầu như luôn chống lại. Tất nhiên là cần phải tưởng niệm mỗi năm Hiệp ước Đức-Xô được dựng lên như một biểu tượng lý tưởng về sự đồng lõa của hai chế độ giết người - kỷ niệm Hiệp định Munich không thể có cùng giá trị giáo dục vì Chamberlain và Daladier, chứ không phải Stalin, khi đó đã thỏa hiệp với Hitler - nhưng phải chăng ta có thể thỉnh thoảng, chẳng hạn cứ 50 năm một lần, cũng đề cập đến các hiệp ước khác, chính thức hoặc không, như những hiệp ước đã liên kết các chính phủ phương Tây với các tướng Franco, Suharto và Pinochet, thống chế Mobutu, Shah của Iran, với Hoàng đế Bokassa, với những kẻ ám sát Thomas Sankara?

Và ta cũng đừng quên - ở đây cũng chỉ cứ 50 năm lại một lần – sự khoan dung kéo dài của “thế giới tự do” đối với chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Chế độ này đã sụp đổ chỉ vài tháng sau Bức tường Berlin. Pháp, Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên Bang Đức, Israel và Vương quốc Anh không liên quan gì đến sự sụp đổ này; Liên Xô, Việt Nam, CHDC Đức và Cuba, thì nhiều. Nhiều cán bộ của Hội Nghị Dân tộc Nam Phi (ANC), đồng minh với Đảng Cộng sản Nam Phi, thực sự đã được đào tạo và huấn luyện ở Mátxcơva, Hà Nội, Đông Đức. Và sự can thiệp của các đội quân Cuba đã xác nhận sự tán loạn của chế độ phân biệt chủng tộc vốn đã đánh đuổi ANC đến tận Namibia và Angola. Washington và London khi đó đang theo đuổi chính sách “cam kết mang tính xây dựng” với chính phủ ở Pretoria. Một chính phủ chắc chắn là phân biệt chủng tộc, nhưng đã được xá tội nhờ chính sách chống cộng triệt để của mình. Vào thời điểm mà thuật ngữ “thuộc địa” xâm chiếm từ vựng của cánh tả cùng với các chương trình ở trường học, mà sự nghi ngờ phân biệt chủng tộc dẫn đến việc bị loại ngay lập tức, điều đó đáng được ghi nhận. Hobsbawm sẽ làm điều này.

Khi Liên Xô cứu vãn nền dân chủ tự do

Nói một cách tổng quát hơn, tác giả nhắc nhở chúng ta rằng cả chế độ phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa phát xít, hay chế độ độc tài đều không làm cho các nền dân chủ cảm thấy khó chịu. Ngay cả vào thời điểm tồi tệ nhất đối với nhân loại: “Nếu không có Trân Châu Cảng và lời tuyên chiến của Hitler, Hoa Kỳ chắc chắn đã đứng ngoài Thế chiến thứ hai. [...] Nếu cần phải lựa chọn giữa chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Bolshevism, và nếu chế độ Ý là loài duy nhất của chủ nghĩa phát xít tồn tại, thì một số người bảo thủ hoặc ôn hòa sẽ do dự. Ngay cả Winston Churchill cũng ủng hộ Ý.” Cho đến cuối, các nền dân chủ tự do hy vọng rằng người đỏ (cộng sản) và người nâu (phát xít) sẽ đối đầu nhau mà không cần họ tham gia. Hitler đã không để họ lựa chọn đó.

James K. Galbraith (1952-)

Theo Hobsbawm, “thế giới tự do” sẽ sai lầm khi kỷ niệm quá mức sự kết thúc của “Đế chế Ác ma”, bởi vì Liên Xô đã cứu nó hai lần. Lần đầu tiên bằng cách nghiền nát phần lớn quân đội Đức Quốc xã ở Mặt trận phía Đông; lần thứ hai bằng cách buộc nó (thế giới tự do) phải kiềm chế sự thèm muốn của chính mình. Việc nhắc nhở đến khía cạnh quân sự không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, hết thập kỷ này qua thập kỷ khác, bị đánh lừa bởi một chủ nghĩa xét lại lịch sử đang ngày càng thắng thế và bị Hollywood lừa dối (Có bao nhiêu bộ phim Mỹ về Trận Kursk? Bao nhiêu bộ phim về cuộc đổ bộ ở Normandie?), dư luận phương Tây đã tin rằng Hoa Kỳ, chứ không phải Liên Xô, đã giữ vai trò quyết định về kết cuộc của cuộc xung đột. Và tỷ lệ những người bị lừa không ngừng tăng lên khi hàng ngũ những người sống sót thưa dần[23]. Đến nỗi, 25 năm sau Thời đại Thái Cực, nhà kinh tế học người Mỹ James Galbraith hẳn đã gây kinh ngạc khi chỉ ra rằng “sức mạnh quân sự và công nghiệp của Liên Xô, được xây dựng gần như từ con số không chỉ trong hai thập kỷ, đã cung cấp gần chín phần mười của thép và máu đã giúp chiến thắng Đức Quốc xã[24].

Hobsbawm không thỏa mãn với việc chỉ chỉ ra, giống như nhiều người khác, nghịch lý của “liên minh tạm thời và bất thường giữa chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa cộng sản trong một phản ứng tự vệ” đã cứu nhân loại. Ông chỉ rõ: “Chiến thắng trước nước Đức của Hitler về cơ bản là do Hồng quân giành được và chỉ có thể đạt được bởi [...] chế độ do Cách mạng Tháng Mười thiết lập: sự so sánh giữa các thành tích của nền kinh tế Nga hoàng trong Thế chiến thứ nhất và của nền kinh tế Liên Xô trong Thế chiến II đủ để chứng minh điều này”. Và ông cũng nói thêm một điều, khi được đọc lại vào năm 2020, hơn 25 năm sau khi xuất bản Thời đại Thái cực, giống như một lời tiên tri: “Nếu không có Liên Xô, thế giới phương Tây có lẽ sẽ bao gồm [....] một loạt các biến thể về các vấn đề độc tài và phát xít hơn là các vấn đề tự do và nghị viện. Đây là một trong những nghịch lý của thế kỷ kỳ lạ này: kết quả lâu dài nhất của Cách mạng Tháng Mười mà mục tiêu là sự lật đổ chủ nghĩa tư bản trên toàn cầu, là đã cứu kẻ thù của mình, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, bằng cách khích động nó phải cải cách, vì lo sợ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.”

Kế hoạch hóa kinh tế, chính sách tạo công ăn việc làm cho mọi người, kiểm soát vốn, chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí, giảm bất bình đẳng thu nhập nhờ đánh thuế lũy tiến hơn: những gì mà các cuộc đấu tranh xã hội đã giành được – cộng thêm mối quan tâm xây dựng nỗ lực chiến tranh trên sự cố kết quốc gia mạnh mẽ và sau đó là ý chí của các nhà lãnh đạo chống Cộng sản để “thiết lập tính chính đáng dân chủ của cuộc đấu tranh của chủ nghĩa tư bản phương Tây chống lại Liên Xô[25]” - đang bị phá vỡ từ một phần tư thế kỷ nay. Trong những điều kiện này, làm sao chúng ta có thể ngạc nhiên về việc cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, mà các tầng lớp bình dân đã phải hoàn toàn trả giá và trùng hợp với thời đại phân hóa của cánh tả, lại tạo điều kiện thuận lợi cho các “chủ đề độc tài” và bài ngoại của cánh cực hữu?

Margaret Thatcher (1925-2013)
Ronald Reagan (1911-2004)

Cuộc khủng hoảng những năm 1930 và sự miễn nhiễm bề ngoài của Liên Xô đối với cuộc khủng hoảng này - Hobsbawm lưu ý rằng nền sản xuất công nghiệp ở Liên Xô tăng gấp ba lần từ năm 1929 đến năm 1940 - đã khuyến khích “chủ nghĩa tư bản tự cải tổ và từ bỏ tính chính thống của thị trường”. Sự sụp đổ của Bức tường đã xảy ra khi Reagan và Thatcher nắm quyền, và khi một nền xã hội-dân chủ bàng hoàng đi theo bước chân của họ. Trong trường hợp thứ nhất, những “khách du lịch kinh tế - xã hội” những năm 1930 đến Liên Xô để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, và họ trở về với chính sách kế hoạch hóa như một lá bùa hộ mệnh. Trong trường hợp thứ hai, những người đã làm cuộc cách mạng tự do của thập niên 1990, những “thần đồng trẻ tuổi của khoa học kinh tế phương Tây”, đã áp đặt lên Nga và các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu liệu pháp sốc mà chính các quốc gia của họ đã từ chối tuân theo. Ba mươi năm sau, một số động vật trong phòng thí nghiệm thời hậu Xô Viết vẫn chưa hồi phục sau những cú sốc mà chúng nhận được. Và chắc chắn không phải là cánh tả đã hưởng lợi từ sự thất bại này của chủ nghĩa thị trường triệt để.

Và ngày mai, sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản?

Trên quy mô thế giới, phong trào cộng sản là phong trào chính trị duy nhất trong lịch sử đã thách thức chủ nghĩa tư bản bằng nỗ lực xây dựng một mô hình kinh tế và xã hội đối lập với mô hình của chủ nghĩa tư bản. Sự sụp đổ của các quốc gia liên kết với dự án này, hoặc đã dựa vào dự án này, dường như đã tước bỏ giá trị của các ý tưởng như kế hoạch hóa, quyền sở hữu tập thể đối với các tư liệu sản xuất, sự từ chối doanh nghiệp tư nhân, thị trường và lợi nhuận như là các yếu tố quyết định nền kinh tế. Kết quả là, những xung động tàn bạo nhất của chủ nghĩa tư bản đã được giải phóng khỏi lồng của chúng. Cũng là những xung lực tự sát nhất. “Chủ nghĩa tư bản đã hết thời chưa?, tiêu đề đã được đăng vào tháng 10 năm 2019 với những chữ khổng lồ trên tờ Le Monde, một tờ báo, hai mươi năm trước đó, vào thời điểm mà hàng chục triệu người Nga, Brazil và Thái Lan đang lâm vào cảnh khốn cùng, đã ủng hộ “luật khắc nghiệt và công bằng của thị trường tài chính[26]”. Ít nhất về mặt ý thức hệ, bánh xe đã quay; ngay từ năm 2009, chắc có lẽ Hobsbawm đã vui mừng ghi nhận điều đó: “Bản kinh thánh của phương Tây đã sản xuất ít sữa hơn dự kiến[27].

Nhưng, chủ nghĩa tư bản đã hết thời? Nếu nói về sự tán thành đầy tự tin của các dân chúng trên toàn cầu vào một xã hội thị trường mà tất cả các hoạt động đều có khuynh hướng bị chi phối bởi sự cạnh tranh và lợi nhuận, thì chắc chắn Hobsbawm đã đúng khi kết luận rằng “điều phản không tưởng đối lập với điều không tưởng của Liên Xô cũng đã chịu một thất bại rõ ràng không kém. Tuy nhiên, vì còn một chặng đường dài phía trước, chủ nghĩa tư bản không còn cần phải khuấy động lòng nhiệt thành để cầm cự nữa. Và từ Berlin đến Bắc Kinh nó vẫn đứng vững.

Có nhiều lý do giải thích cho việc thu hẹp chân trời của những tham vọng tập thể, trong đó có cả lý do chúng ta quan tâm ở đây. Các thủ đoạn để đánh lạc, che dấu, sự đối lập nhị nguyên giữa nền dân chủ và chủ nghĩa toàn trị, và thường cũng chỉ là một, giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa dân túy, đã đâm hoa kết trái[28]. Hay chính xác hơn, đã nở rộ với nhiên liệu là sự bóp méo lịch sử của thế kỷ trước. Năm 1997, khi tác phẩm chiến tranh ý thức hệ do Stéphane Courtois là chủ biên được xuất bản, trong đó François Furet vừa qua đời vài tháng trước đó, đã hứa sẽ viết lời tựa, giám đốc của tạp chí Le Point đã vén một góc của bức màn, quả thực là khá mỏng, che đậy chiến dịch đang được triển khai: “Sách đen của chủ nghĩa cộng sản đã đến với chúng ta đúng lúc. Đối với tất cả những ai vẫn tiếp tục nhìn thấy những khuyết điểm trong nền dân chủ tự do của chúng ta, hai tai họa của thế kỷ - phát xít cũng như cộng sản – đã cho thấy những lối thoát bên ngoài hệ thống dễ dẫn đến vũng tang tóc[29]”. Đúng lúc...” Hobsbawm không sai khi chỉ ra, với sự điềm tĩnh lý thú: Chúng ta sẽ không tức giận về những vấn đề không còn mang tính thời sự nữa[30].

Một “chỉ dụ cấm đoán/fatwa” của Pháp chống lại Hobsbawm

Tôi vẫn còn nghe François Furet lặp lại với tôi, với giọng điệu nhạo báng trước sự lưỡng lự của tôi [để xuất bản cuốn Thời đại Thái cực]: “Chết tiệt, hãy dịch nó đi! Đây không phải là cuốn sách tồi đầu tiên ông xuất bản.

Pierre Nora, L’ « affaire Hobsbawm » (2011)

Pierre Nora (1931-)

Khi François Furet, Stéphane Courtois và nhiều người khác khởi động chiến dịch chống lại chủ nghĩa cộng sản, họ có ý định ngăn chặn sự thức tỉnh của một cánh tả chống tư bản chủ nghĩa, chứ không phải sự phục sinh rất khó xảy ra của Bức tường Berlin ở ngay trung tâm châu Âu. Tất nhiên, Hobsbawm làm phiền họ. Ông đối nghịch với phân tích của họ, ông hãm lại cuộc tấn công của họ. Chỉ một chút nữa thì cuốn lịch sử của thế kỷ XX của ông đã không bao giờ được xuất bản bằng tiếng Pháp, trong khi nó sẽ được xuất bản bằng tiếng Do Thái và tiếng Ả Rập, tiếng Serbia và tiếng Croatia, tiếng Albanie và tiếng Macédonie[31]. Vào thời điểm đó ở Paris, người ta giải thích rằng bản dịch tiếng Pháp của tác phẩm quá đắt đối với một thị trường nhỏ như vậy...

Đúng là một “ngoại lệ của Pháp”, vì theo bản thân tác giả, cuốn Thời đại Thái cực sẽ là tác phẩm của ông được tiếp đón tốt nhất, bởi cả công chúng lẫn giới phê bình. Sự chào đón như vậy chắc hẳn đã an ủi một người từng bị gạt ra ngoài lề xã hội ở đất nước của mình vào thời kỳ Chủ nghĩa McCarthy và Chiến tranh Lạnh, và mặc dù vậy, các tác phẩm của ông không bao giờ được dịch ở Liên Xô. Nhưng Hobsbawm, được công nhận là một trong những sử gia quan trọng nhất trong thế hệ của ông, kể cả bởi những kẻ thù chính trị kịch liệt nhất của ông, một lần nữa lại trở thành mục tiêu của một sự tẩy chay tương tự. Ở bên ngoài quê hương, ở một đất nước mà ông đến thăm hầu như hằng năm kể từ năm 1933, một trong những nước mà ông biết rõ nhất và cũng là thân yêu nhất đối với ông. Tóm lại, đó là Pháp. Một số người chịu trách nhiệm chính hoặc đồng phạm trong việc gạt bỏ ông, những người có địa vị trong lĩnh vực sử học ở Pháp vào thời đó, không thể chịu đựng cái chủ nghĩa Mác của ông, kể cả tư cách thành viên lâu năm trong Đảng Cộng sản Anh, trong khi chính họ - François Furet, Annie Kriegel, Emmanuel Le Roy Ladurie, Alain Besançon - từng là những người theo chủ nghĩa Stalin hoặc, như Stéphane Courtois theo chủ nghĩa Mao. Thật vậy, Hobsbawm đã tuyên bố từ chối từ bỏ một loại sử học, “chung của chủ nghĩa Mác và trường phái Annales cho đến những năm 1970, vốn dành ưu tiên cho các xu hướng dài hạn và động thái của các hệ thống kinh tế và xã hội[32]”, cho dù sự trung thành về mặt trí tuệ này từ nay đã dẫn đến sự cô lập chính trị và việc bị đặt ngoài lề về mặt xuất bản ở Paris. Ông nghĩ rằng: “Hiện nay, càng cần thiết hơn nữa phải thu hút sự chú ý của các nhà sử học trẻ đối với những cách lý giải duy vật về lịch sử” khi mà ngay cả cánh tả thời thượng ở đại học đã loại bỏ chúng, giống như vào những thời mà chúng từng bị tố là phổ biến một sự tuyên truyền cho độc tài toàn trị để mạt sát các cách lý giải này một cách mạnh mẽ hơn nữa[33]. Với sự phổ biến ngày càng tăng của xu hướng nhấn mạnh đến tình cảm, hệ tư tưởng hậu hiện đại và chính sách dựa trên bản sắc trong các nghiên cứu khoa học xã hội, cuộc chiến mới chỉ bắt đầu...

Pierre Nora, giám đốc của bộ sưu tập “Tủ sách các lịch sử” tại NXB Gallimard, đã trình bày chi tiết những lý do biện minh cho việc ông từ chối dịch và xuất bản cuốn Thời đại Thái cực. Được xuất bản trong một số của tạp chí của ông, Le Débat, chủ yếu dành cho cuốn sách của Hobsbawm, bài tự biện hộ của ông là một trong những văn bản soi sáng nhất - và lúng túng nhất - trong lịch sử đương đại của đời sống trí thức Pháp. Khởi động một cuộc tranh luận dài 84 trang trong một tạp chí mà mình chủ trì về một tác phẩm mà trước đây mình đã từ chối xuất bản, tức là không cho nó cơ hội để được biết đến, tự nó đã là một loại kỳ tích. Như Hobsbawm lưu ý khi tạp chí của Pierre Nora mời ông bình luận về những lý do bác bẻ của những người phản biện, các độc giả của tạp chí Le Débat đã buộc phải “theo dõi cuộc thảo luận hiện tại thông qua các phản hồi của tác giả trước những lời phê bình về một bản văn mà họ không có trong tay. [...] Trừ khi đọc Thời đại Thái cực trong một trong những ngôn ngữ mà nó đã được xuất bản, thì làm thế nào ta có thể có được một ý tưởng về hình thức và bản chất của tác phẩm mà các nhà phê bình thảo luận?”. Ta không thể nói rõ hơn.

Nhưng điều kỳ lạ về mặt tri thức của vụ việc này nằm ở chỗ khác: ngay trong lời nói của chính Nora. Với tiêu đề giản dị, “Traduire: nécessité et difficultés / Dịch: Sự cần thiết và khó khăn”, lời biện hộ trước tiên của ông viện dẫn “lý do thương mại” đã khiến cho cuốn sách không thể được dịch ở Pháp. Sau đó, Nora đã đi thẳng vào vấn đề, thừa nhận rằng “lý do kinh doanh” của nhà xuất bản bắt nguồn từ nhận định chính trị của ông. Theo ông, nếu cuốn Thời đại Thái cực không tìm được khách hàng cũng như thị trường ở Pháp, thì đó là bởi vì từ nay Hobsbawm đã quá lạc điệu/tương phản với “không khí của thời đại” mà Nora tin mình là người đánh giá tốt nhất. Tốt hơn là nên trích dẫn ông ở đây vì những lời của ông tóm tắt với sự tinh khiết như kim cương sự giam hãm về mặt trí tuệ mà chủ nghĩa tự do thời Chiến tranh Lạnh có thể dẫn đến, điều mà chúng ta vẫn chưa thoát khỏi: “Cộng thêm vào những trở ngại vật chất này là ảnh hưởng của một hoàn cảnh rất đặc thù của Pháp vào những năm 1990. Hẳn là không có nhà xuất bản tổng quát nào lại tự định vị dựa trên các định hướng chính trị hoặc ý thức hệ: ngược lại, hầu hết được cảm thấy vinh hạnh khi thực thi chủ nghĩa đa nguyên và chỉ xem xét chất lượng của một cuốn sách. Nhưng tất cả, dù không muốn, buộc phải tính đến thời cuộc tri thức và ý thức hệ trong đó các sách của họ được xuất bản”. Ngay sau khi kết thúc lời ca tụng sáng ngời về sự dũng cảm của tòa soạn, giám đốc bộ sưu tập của Gallimard đã công bố phán quyết của mình: Có những lý do nghiêm túc để nghĩ rằng cuốn sách này sẽ xuất hiện trong một môi trường lịch sử và tri thức không thuận lợi. Vì vậy có sự thiếu nhiệt tình để đặt cược vào khả năng của nó. [...] Eric Hobsbawm chắc chắn nuôi dưỡng sự gắn bó, dù có khoảng cách, với sự nghiệp cách mạng như một điểm tự hào, một lòng trung thành của niềm tự hào, một phản ứng đối với bầu không khí của thời đại; nhưng ở Pháp, và hiện nay, nó khó được chấp nhận. Chuyện là như vậy, chúng ta không thể làm gì hơn được[34].

Pierre Nora, thừa phát lại nhẫn nhục của thời đại? Thôi nào. Tuy vẫn chưa phải là thành viên của Hàn Lâm Viện Pháp (chắc sẽ sớm sẽ xảy ra thôi), nhà sử học cũng đồng thời là người xuất bản, giám đốc tạp chí và cột trụ của Viện Saint-Simon tập hợp lúc bấy giờ tinh hoa của giới tư tưởng thống trị đương thời (Alain Minc, Pierre Rosanvallon, Luc Ferry, Daniel Cohen, Jean-Marie Colombani, Anne Sinclair, Jean Daniel, Laurent Joffrin, Denis Olivennes, v.v.). Ngoài ra ông cũng có người bạn đồng hành cũng là nhà sử học, François Furet, anh rể của ông, cũng là một trụ cột của Viện Saint-Simon. Nói tóm lại, trong chỉ dụ cấm xuất bản mà Hobsbawm là nạn nhân và Hobsbawm nghĩ đã phát hiện trong đó “một sự trở lại di cảo của chủ nghĩa chống cộng thời Chiến tranh Lạnh trong giới trí thức Pháp”[35], còn là sự vạch trần sự kiêu ngạo của một nhóm nhỏ có ảnh hưởng vốn tin chắc rằng đã quật ngã kẻ thù cách mạng và nay thì vênh vang trước chiến lợi phẩm của mình. Và bây giờ là người độc nhất để thuật lại câu chuyện của thế kỷ và chiến thắng của nhóm. Dưới con mắt của những người theo chủ nghĩa tự do, không phải lúc nào cũng yêu thích cạnh tranh một cách say mê, những phân tích của Furet về “ý tưởng cộng sản trong thế kỷ XX”, mà tiếng vang ở Pháp thật là khổng lồ, là đủ để kết thúc cuộc điều tra, đưa ra phán quyết và đóng nắp quan tài...

Tiếc là không hoàn toàn như vậy, vì khi tác phẩm của Hobsbawm được xuất bản bằng tiếng Pháp, theo sáng kiến ​​của tờ Le Monde Diplomatique, những lo ngại mà Nora viện dẫn ngay lập tức bị phủ nhận. Thật vậy, cuốn sách bán rất chạy. Nora đã hình dung rằng nó sẽ bán được khoảng 800 bản, mức trung bình cho “loại công việc rất cụ thể này”; con số đã lên đến hơn 50.000. “Không khí của thời đại” do đó không - hoặc không còn - là bảo thủ như người ta đã hy vọng ở Gallimard và Viện Saint-Simon. Tôi thích nghĩ,tác giả của cuốn sách này sau này sẽ kể lại trong Hồi ký của mình,” rằng tôi đã chứng kiến ​​sự tái xuất hiện, tuy ngắn ngủi, của một cánh tả trí thức Paris vốn đã bị bao vây cho đến lúc đó[36].” Trong khoảng thời gian của cuộc hội thảo không còn ch trống tại giảng đường lớn của đại học Sorbonne, Paris không còn là “thủ đô của trào lưu phản động tri thức ở châu Âu[37].

Các nhà sử học theo chủ nghĩa tự do hay bảo thủ đã rút ra bài học gì từ việc này? Nora, bối rối, tuyên bố rằng thành công của cuốn sách là do vụ “tai tiếng”, theo ông là vô căn cứ, vì ông đã từ chối xuất bản gây ra. Ông cũng dám khẳng định rằng có cảm tưởng là Hobsbawm “bị phiền hà bởi cách quảng cáo gần như nhục nhã này[38]”; Hobsbawm, thì ngược lại, như chúng ta vừa thấy ở trên, đã kể lại với nhiều cảm xúc về sự hiện diện của ông ở Paris trong dịp này. Cuối cùng Nora còn tuyên bố rằng nếu ông đã không đề cập cuốn sách của Hobsbawm trên tờ Le Débat vào tháng 1 năm 1997, thì Le Monde Diplomatique sẽ không bao giờ chú ý đến nó; thế nhưng, tờ Le Monde Diplomatique đã dành cả hai trang cho tác phẩm này vào tháng 3 năm 1995[39]... Nhưng khi những sự bác b này, có thể kiểm chứng được một cách dễ dàng, nhất là đến từ một nhà sử học nổi tiếng, đã đến tay ông giám đốc bộ sưu tập của Gallimard, người chủ trì bộ Lieux de mémoire/Những di chỉ của ký ức, ông đã chọn bỏ qua chúng. Và ông ấy đã không ngượng ngùng lặp lại những khẳng định đã bị phủ nhận[40]. Bất kỳ ai khác, ít quyền lực hơn trong các mạng lưới biên tập, không thể nào có thể có một hành vi sai trái nghề nghiệp nghiêm trọng đến vậy, với một thái độ hời hợt như vậy.

Và vẫn chưa hết. Chiến dịch chống lại Hobsbawm đã không ngần ngại sử dụng điều được coi như là vũ khí hạt nhân trong các cuộc tranh luận học thuật: cáo buộc hạ thấp tầm quan trọng của cuộc diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc Xã gây ra. Đối với Hobsbawm, một người Do Thái chống chủ nghĩa dân tộc Zion, sinh ra ở Alexandria và gia nhập Đảng Cộng sản khi còn rất trẻ tại Berlin, thành phố bị các nhóm bán quân sự của Đức Quốc xã tuần tra, sự ngờ vực là không thể nào chấp nhận. Ông nhắc lại, vào những năm 1930, “chúng tôi chỉ có một nhóm kẻ thù, ông nhớ lại, chủ nghĩa phát xít và những kẻ, như chính phủ Anh, không muốn chống lại nó.” Điều đó không ngăn được những đối thủ gay gắt nhất của ông tìm cách hủy hoại danh tiếng của ông với tư cách là một nhà sử học - và với tư cách là một con người - bằng cách gợi ý rằng ông thờ ơ với các trại diệt chủng. Trong một chú thích đơn giản ở cuối trang, không thêm bớt và không nhấn mạnh, Pierre Nora trách móc “Eric”, “người bạn” của ông, đã không nói về Auschwitz trong Thời đại Thái cực, bằng chứng theo ông của “sự mơ hồ của loại sách này”[41]. Một nhận định thuộc loại này tự nó không còn gì là mơ hồ. Nó kéo theo một sự thanh trừng (loại bỏ) mạnh mẽ đến mức không cần phải nhấn mạnh: ai ăn trộm trứng thì sẽ trộm bò; người không phủ nhận lý tưởng cộng sản cũng chỉ có thể chế giễu về Auschwitz... Tất nhiên, Hobsbawm gợi lại “sự tiêu diệt có hệ thống người Do Thái” ngay từ chương đầu tiên của tác phẩm của mình (“Thời đại chiến tranh toàn diện”) và ông đề cập đến cuốn sách của Raul Hilberg về số nạn nhân (khoảng năm triệu). Hơn nữa, nếu thế kỷ mà ông phân tích là thế kỷ của những “thái cực”, thì đặc biệt bởi vì nó là thế kỷ gây nhiều chết chóc nhất trong lịch sử, vì sự vô nhân đạo, sự ghê tởm và tội ác đã đột ngột thay đổi quy mô, vì các chuẩn mực được chấp nhận cho đến lúc đó đã đột ngột thoái lui. Tuy nhiên, và nhất là, Hobsbawm thông báo ngay từ trang ba của ấn bản đầu tiên của cuốn sách của mình rằng ông đã đặt cho mình mục tiêu là “tìm hiểu và giải thích tại sao sự việc lại diễn biến như vậy, và chúng sắp xếp và ăn khớp với nhau ra sao, chứ không phải để “thuật lại lịch sử giai đoạn mà nó đề cập” (thư mục bằng tiếng Anh về các tác phẩm được trích dẫn gồm có hai mươi ba trang). Trong cái trò chơi, ngớ ngẩn và trơ tráo, tìm kiếm những cuốn sách không có trong thư mục của tác phẩm, hoặc những chủ đề ít được phát triển trong nội dung cuốn sách, một người Cộng sản Indonesia có thể sẽ ngạc nhiên khi chỉ tìm thấy một câu nói về vụ quân đội đã thảm sát hơn 500.000 người thân; một chuyên gia về Trung Quốc sẽ nhận xét rằng xung đột Trung-Xô được chỉ được đề cập chỉ trong sáu dòng; một người đam mê Trung Đông sẽ cho rằng chỉ một câu thôi không thể nào nêu lên tầm quan trọng của cuộc chiến giữa Iran và Iraq và cuộc chiến tranh vùng Vịnh vốn đã gây ra cuộc đọ sức giữa nước này với Hoa Kỳ; một chuyên gia về các trận đánh lớn trong Thế chiến thứ hai, sẽ dễ phẫn nộ rằng cái tên Kursk không được nhắc đến một lần; v.v..

Bret Stephens (1973-)

Nora dừng lại ở lĩnh vực của sự nham hiểm. Nhật báo chính của Mỹ đã chọn vượt quá giới hạn của lĩnh vực này. Trong một bài báo vào tháng 10 năm 2012 ca ngợi cái chết của Hobsbawm, tờ Wall Street Journal lần đầu tiên lưu ý rằng mặc dù các cuộc thanh trừng dưới thời Staline được nhắc đến tương đối thường xuyên trong Thời đại Thái cực, chỉ có “hai đoạn về các trại lao cải Xô Viết”. Nhưng tác giả của bài báo, Bret Stephens, không dừng lại ở đó. Và vì ông ta cũng vội vàng tham khảo bản tra cứu của cuốn sách, ông cũng đã ghi nhận rằng tên của Auschwitz không có trong đó. Tuy nhiên, vào năm 1987, Jean-Marie Le Pen, được trích dẫn từ dòng đầu tiên của bài báo trên Wall Street Journal, đã đồng hóa tội ác diệt chủng người Do Thái với “một điểm chi tiết trong lịch sử Thế chiến thứ hai”. Do đó, nhà báo chuyên viết xã luận của tờ Wall Street Journal đã kết luận một cách đắc thắng rằng Hobsbawm “đã chứng minh rằng ông là người tương đương với Le Pen về mặt đạo đức khi coi các trại lao cải như là một chi tiết trong lịch sử[42]”... Không có sự đê tiện nào mà không bị trừng phạt trong thế giới báo chí, Stephens rời Wall Street Journal 5 năm sau khi thực hiện bản cáo phó đáng ngưỡng mộ này, để trở thành một trong những cây bút được ca ngợi nhất của New York Times.

Thierry Wolton (1951-)

Lịch sử của thế kỷ 20 vẫn tiếp tục được viết lại. Vào năm 2018, thành phần thượng lưu của nền xuất bản của Pháp đã trao giải Aujourd’hui (Ngày nay), một giải thưởng được dành cho một tác phẩm soi sáng thời kỳ đương đại, cho bộ ba tác phẩm của Thierry Wolton, Une histoire mondiale du communisme/Một lịch sử toàn cầu về chủ nghĩa cộng sản và đặc biệt là tập thứ ba Les Complices/Những người đồng lõa. Hai tập đầu tiên mang tựa đề Những người phạm tội/Les CoupablesNhững nạn nhân/Les Victimes. Lễ trao giải một trong những giải thưởng văn học đắt giá nhất của đất nước đã diễn ra trước sự chứng kiến ​​của người nhà mạnh thường quân François Pinault, người có tài sản thứ sáu ở Pháp với 30,5 tỷ euro, chúng ta rùng mình tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu ban giám khảo thích chọn tác giả của cuốn “Lịch sử thế giới về chủ nghĩa tư bản” với ba tựa đề giống y hệt như trên. Chắc chắn là ban giám khảo sẽ không gặp bất kỳ rủi ro nào như vậy với Wolton, một nhà hoạt động cực hữu, người mà người ta mơ ước sẽ bị loại hoàn toàn vì đã coi Jean Moulin, anh hùng của Quân kháng chiến, như là một điệp viên Liên Xô, một người đang yên nghỉ tại điện Panthéon ở Paris, sau một buổi lễ được đánh dấu bằng một trong những bài diễn văn rung cảm nhất của André Malraux, với sự hiện diện của Tướng de Gaulle. Wolton còn tự vạch trần một lần nữa trong cuốn sách của ông đoạt giải của ban giám khảo[43]. Ông ta tuyên bố rằng Hobsbawm là một “kẻ phủ nhận (thực tế của mưu toan diệt chủng dân tộc Do Thái)”. Và ông lấy làm tiếc rằng một “chứng hay quên về chủ nghĩa cộng sản” đối lập với “chứng nhớ quá nhiều về chủ nghĩa Quốc xã”.

Edward Said (1935-2003)

Năm 1995, kết luận bài phân tích của mình về Thời đại Thái cực, Edward Said, nhà trí thức người Palestine, đã ghi nhận với một chút tiếc nuối sự thận trọng và giọng điệu u sầu của tác giả. Và ông đặt câu hỏi “phải chăng không có nguồn hy vọng nào lớn hơn trong lịch sử mà bản tóm tắt khủng khiếp của thế kỷ của chúng ta dường như không cho phép, và phải chăng số lượng lớn các chính nghĩa bị đánh mất rải rác ở đây đó lại không thực sự cung cấp cho chúng ta cơ hội tôi luyện ý chí và rèn giũa chất thép lạnh lùng của sự biện hộ mạnh liệt. Xét cho cùng, thế kỷ XX là một thời đại kháng chiến vĩ đại, và điều này vẫn chưa bị buộc phải im tiếng hoàn toàn[44].”

Điều này đã được hai thập kỷ đầu của thế kỷ tiếp theo gợi ý cho chúng ta.

Serge Halimi

Người dịch: Phạm Như Hồ

Nguồn:Préface de la nouvelle édition de “L’ère des extrêmes d’Eric Hobsbawm, Le Monde diplomatique, 16.4.2020.




Chú thích:

[1] François Furet, Le Passé d’une illusion, Robert Laffont/Calmann-Lévy, Paris, 1995, p. 575.

[2] Erik Izraelewicz, Le Monde qui nous attend, Grasset, 1997, p. 12, 128-129.

[3] Eric J. Hobsbawm, Interesting Times. A Twentieth-Century Life, Abacus, 2002, p. 409 [trad. fr., Franc-tireur, Ramsey, 2005].

[4] Eric J. Hobsbawm, The Observer, 16 janvier 2011.

[5] Eric J. Hobsbawm, “A conversation about Marx, student riots, the New Left, and the Milibands, entretien avec Tristram Hunt, The Observer, 16 janvier 2011.

[6] Ibid., p. 114.

[7] Claude Julien, “Le siècle des extrêmes, Le Monde diplomatique, mars 1995.

[8] Perry Anderson, “Confronting defeat, London Review of Books, 17 octobre 2002.

[9] Ibid.

[10] Eric J. Hobsbawm, Interesting Times..., op. cit., p. 276.

[11] Perry Anderson, “Confronting defeat”, art. cité.

[12] Eric J. Hobsbawm, Interesting Times..., op. cit.

[13] Ibid., p. 251.

[14] Eric J. Hobsbawm, “Rien n’aiguise l’esprit comme la défaite”, Marx et l’Histoire, Demopolis, 2008, p. 196.

[15] Le bandeau du Livre noir du communisme indique “85 millions de victimes”.

[16] Stéphane Courtois (dir.), Le Livre noir du communisme, Robert Laffont, 1997, p. 24-25.

[17] John Bushnell, “The “New Soviet Man” turns pessimist”, in Stephen F. Cohen, Alexander Rabonowitch et Robert Sharlet (dir.), The Soviet Union Since Stalin, Indiana University Press, 1980.

[18] Samuel Huntington, Michel Crozier et Joji Watanuki, Crisis of Democracy, Report on the Governability of Democracies to the Trilateral Commission, New York University Press, 1975.

[19] Samuel Huntington, “Remarks on the meaning of stability in the modern era”, in Seweryn Bialer et Sophia Sluzar (dir.), Radicalism in the Contemporary Age, vol. III, Strategies and Impact of Contemporary Radicalism, Westview Press, Boulder (Colorado), 1977, p. 277.

[20] Maxime Petrovski et Renaud Fabre, “La “thérapie” et les chocs: dix ans de transformation économique en Russie, Hérodote, 2002/1, no 104.

[21] Cité par Lucien Sève, Octobre 1917. Une lecture très critique de l’historiographie dominante, Les Éditions sociales, 2017, p. 68.

[22] Lire à ce propos Moshe Lewin, Le Siècle soviétique, Fayard-Le Monde diplomatique, Paris, 2003.

[23] Vào tháng 8-9 năm 1944, một viện thăm dò dư luận đã hỏi người dân ở Paris mới được giải phóng nước nào là nước đã đóng góp nhiều nhất cho chiến thắng. Kết quả: Liên Xô, 61%; Mỹ, 29%. Sáu mươi năm sau, cũng viện thăm dò đó đã đặt cùng một câu hỏi. Kết quả: Mỹ, 58%; Liên Xô 20%.

[24] James K. Galbraith, “Une vision du monde franco et anglo-centrée, Le Monde, 6 septembre 2019.

[25] Alexander Zevin, Liberalism at Large, Verso, 2019, p. 299.

[26] Le Monde, 17 septembre 1998.

[27] Eric J. Hobsbawm, “La démocratie ne s’exporte pas comme la bicyclette, entretien avec Charles Silvestre, L’Humanité, 20 mai 2009.

[28] Xem Serge Halimi et Pierre Rimbert, “Libéraux contre populistes, un clivage trompeur, Le Monde diplomatique, septembre 2018.

[29] Claude Imbert, Le Point, 15 novembre 1997.

[30] Eric J. Hobsbawm, Aux armes, historiens..., op. cit., p. 121.

[31] Về bối cảnh tiếp nhận cuốn sách của ông, xin đọc lời tựa mà Hobsbawm đã viết cho ấn bản tiếng Pháp của Cuốn Thời Đại Thái cực.

[32] Stanley Hoffman, dans son compte rendu de The Age of Extremes, paru dans le New York Times — cité in Eric J. Hobsbawm, “Commentaires”, Le Débat, 1997, no 93.

[33] Eric J. Hobsbawm, Interesting Times, op. cit., p. 302.

[34] Pierre Nora, “Traduire: nécessité et difficultés”, Le Débat, 1997, n° 93, p. 93-95.

[35] Eric J. Hobsbawm, Interesting Times, op. cit., p. 327.

[36] Ibid., p. 336 — citation complète infra, p. postscriptum2002:page.

[37] Selon les termes de Perry Anderson, In the Tracks of Historical Materialism, Londres, 1983.

[38] Pierre Nora, Historien public, op. cit., p. 217.

[39] Claude Julien, “Le siècle des extrêmes, Le Monde diplomatique, 1995, p. 16-17.

[40] Pierre Nora, Historien public, op. cit., 2011.

[41] Tuy nhiên, Nora đã nói rõ là: Hobsbawm đã giải thích về sự thận trọng của ông đối với nạn diệt chủng một cách hoàn toàn có thể chấp nhận được”; nhưng vẫn không để lộ bất cứ điều gì về sự giải thích “hoàn toàn có thể chấp nhận được” cho độc giả của mình.

[42] Bret Stephens, “Eric Hobsbawm et les détails de l’histoire”, The Wall Street Journal, 5 octobre 2012.

[43] Ban giam khảo giải Aujourd’hui năm 2018 do Christine Clerc chủ trì, mà chủ tịch danh dự là Jacques Julliard, bao gồm Raphaëlle Bacqué, Albert Du Roy, Christophe Barbier, Alain Duhamel, Bruno Frappat, Franz-Olivier Giesbert, Laurent Joffrin, Hélène Jouan, Catherine Nay, Élisabeth Quin, Alain-Gérard Slama Philippe Tesson.

[44] Edward Saïd, “Contra Mundum”, London Review of Books, 9 mars 1995, vol. 17, n° 5.

Print Friendly and PDF