Chủ biên môn toán phổ thông mới: Thi trắc nghiệm nhiều lựa chọn là vô cùng tai hại!

Hà Ánh
Hà Ánh
24/11/2019 17:59 GMT+7

‘Đánh giá trắc nghiệm bằng multiple choice không đo được năng lực tư duy và lập luận. Nó chỉ khuyến khích học sinh nhận biết bản chất thông qua dấu hiệu bên ngoài, đó là vô cùng tai hại’.

Đó là nhận định của GS-TSKH Đỗ Đức Thái, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Chủ biên môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tại Ngày hội toán học mở năm 2019 với chủ đề "Toán học ở khắp mọi nơi"  do Viện nghiên cứu cao cấp về toán, Hội Toán học TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn phối hợp tổ chức sáng nay 24.11, 
Ngày hội đã thu hút khoảng 5.000 người tham dự.
Tại đây, trong cương vị chủ biên môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới,  GS Đỗ Đức Thái cho biết có những trải lòng "gan ruột" về đổi mới giáo dục toán học Việt Nam nhìn từ góc độ chương trình toán 2018, trong đó có quan điểm về hình thi trắc nghiệm môn toán.

"Không đồng ý thi trắc nghiệm multilpe choice"

Trong những trăn trở của mình về môn toán, GS-TSKH Đỗ Đức Thái đã có những trả lời thẳng thắn quan điểm của mình về việc thi trắc nghiệm. Ông nói: "Chúng ta cần phải thay đổi thi cử và với tất cả trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ cố gắng giải thích với các lãnh đạo để hỗ trợ giáo dục phổ thông. Nếu không thì một bên xây một bên phá, xây lâu mà phá rất nhanh".
Trước hết, chủ biên môn toán không phản đối hình thức thi trắc nghiệm. Theo ông, trong trắc nghiệm có nhiều loại khác nhau, trong đó có một hình thức trắc nghiệm yêu cầu chọn 1 đáp án đúng trong số 4-5 lựa chọn (gọi là multiple choice). "Hình thức trắc nghiệm này có đánh giá được, phản ánh được những năng lực giáo dục toán học đòi hỏi không, không làm được", ông đặt vấn đề rồi trả lời ngay.
Multiple choice đang hướng học sinh đến cảm giác toán học ăn may, nhận biết những bản chất thông qua dấu hiêụ bên ngoài. Cái đấy là giết chết học sinh, giết chết toàn bộ sự sáng tạo của con người. 
GS-TSKH Đỗ Đức Thái 
Ông lý giải, trong giải quyết vấn đề thì khó nhất là nhìn thấy vấn đề là gì và trôi về đâu. Đó là giá trị sáng tạo lớn nhất của con người. "Khi chúng ta đặt ra dạng thi này thì chẳng qua chúng ta thử thách học sinh cái cảm giác tính đúng của một bài toán. Tôi đồng ý trong dạy toán phải dạy cảm giác toán, trực giác toán để biết được tính đúng tính sai. Nhưng đấy chỉ là một phần của toán học mà không phải là phần cơ bản. Phần cơ bản của toán học là dạy cho người học biết chịu trách nhiệm về mình, nói gì phải có căn cứ không phải cảm giác đúng đó", GS Thái nói.
Từ đó, GS Thái cho rằng: "Multiple choice đang hướng học sinh đến cảm giác toán học ăn may, nhận biết những bản chất thông qua dấu hiêụ bên ngoài. Cái đấy là giết chết học sinh, giết chết toàn bộ sự sáng tạo của con người. Không có con người nào có thể sáng tạo nghiêm túc từ vài ba nhìn nhận dấu hiệu bên ngoài, nếu những người đó đi học y là chết. Biểu hiện bên ngoài của bệnh là giống nhau, chỉ mổ xẻ phân tích bên trong mới biết biểu hiện này ứng với bệnh nào".

Học sinh tham gia ngày hội Toán học mở tại TP.HCM

H.A.

"Tôi khẳng định rằng đánh giá trắc nghiệm bằng multiple choice không đo được năng lực tư duy và lập luận, không đo được năng lực giải quyết vấn đề, không đo được khả năng giao tiếp. Nó chỉ khuyến khích học sinh nhận biết bản chất thông qua dấu hiệu bên ngoài, đó là vô cùng tai hại. Chúng ta muốn thi trắc nghiệm thì phải thay đổi hình thức thi trắc nghiệm", ông đề xuất.
Lập luận thêm vấn đề này, ông Thái nói tiếp: "Có người hỏi tôi IELTS có thi trắc nghiệm không? Thực ra nó là một tổ hợp những hình thức đánh giá, thí sinh vẫn phải nghe, nghe xong phải nói lại và vẫn phải viết".
Ông kết luận: "Tôi không đồng ý thi toán bằng trắc nghiệm multiple choice nhưng cũng không cổ vũ lối thi toán tự luận mà khó như thời '3 chung' hoặc những năm trước"
"Việc ra hình thức thi nào cần một nghiên cứu rất cẩn thận. Việc thi trắc nghiệm nhiều năm cần có tổng kết đánh giá tính hiệu quả và nguồn nhân lực sinh ra từ đó trước khi quyết định một cách ào ạt và áp dụng thẳng vào chương trình giáo dục phổ thông mới", ông đề xuất mạnh mẽ.

Học toán để kiếm được tiền, nuôi được bản thân và gia đình 

Trong buổi nói chuyện, GS-TSKH Đỗ Đức Thái cũng có những chia sẻ cá nhân trong chuyện tham gia làm chương trình môn toán. Ông nói: "Tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ làm chương trình môn toán từ 2013 đến nay là 6 năm. 6 năm cần mẩn nghiêm túc bằng hết sức lực của tập thể được sự ủng hộ của nhiều người. Vì vậy đừng nghĩ rằng đây là sản phẩm vội vàng, sinh non về thời gian là không có".
"Cá nhân tôi cũng chịu nhiều thiệt thòi trong làm chương trình giáo dục trình môn toán mới. Tôi là người làm toán, cái duy nhất chứng minh mình còn tồn tại trên cõi đời này là công trình công bố. Những năm làm chương trình, công trình môn toán tôi công bố rất ít. Cố gắng lắm mỗi năm công bố 1 bài để đáp ứng tiêu chuẩn đánh giả giảng viên", ông Thái kể lại.
Theo ông Thái: "Nói thế để thấy những người tham gia cuộc này đã làm hết khả năng mình. Nó phụ thuộc nhiều yếu tố, tài năng, sự thay đổi đến đâu thì xã hội chấp nhận được và đến đâu nữa xã hội không thể chấp nhận được".
Nói về chương trình môn toán trong chương trình phổ thông mới, theo ông Thái, môn học này muốn hình thành 5 năng lực, thực ra chỉ 2 điều. Thứ nhất học toán để thông minh hơn, suy nghĩ logic hơn, hợp lý hơn, lập luận chắc chắn, biết đúng biết sai một cách rõ ràng - những tối cần thiết trong cuộc đời. Thứ 2 là học toán kiếm được tiền, nuôi được bản thân và gia đình.
"Để kiếm được tiền thì bắt buộc phải giải quyết vấn đề thực tiễn chứ không phải giải quyết đề thi. Đề thi vào lớp 10 của TP.HCM vừa qua là một cách ra đề thi theo định hướng dạy học này", GS Thái nhận định.
Chúng ta đem một trường hợp kỳ dị để khái quát hóa biểu trưng cho một đối tượng học sinh là không đúng. Việc dạy học khơi nguồn sáng tạo và đẩy học sinh đi học những bài thi học sinh giỏi toán là khác xa nhau 
 GS-TSKH Đỗ Đức Thái 
Ông Thái cũng nêu ra những ra mong muốn với môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đó là tinh giản, thiết thực, hiện đại và khả năng sáng tạo được phát huy.
Ông nói: "Điểm yếu rất lớn của học sinh Việt Nam nói riêng và con người Việt Nam nói chung là khả năng sáng tạo không được phát huy. Lối dạy, lối học, đặc biệt lối thi cử đào tạo ra con người có tư duy khuôn mẫu, không khơi nguồn sáng tạo của con người, điều đó cản trở đất nước đi lên".
"Tôi nhắc lại chúng ta không phải học để đi thi, đừng nhầm tưởng 1 năm chúng ta có rất nhiều học sinh tham gia các loại kỳ thi học sinh giỏi trên thế giới, đỉnh cao nhất là kỳ thi toán quốc tế cho học sinh THPT và thường lớp 12. Cái đó không phản ảnh sự sáng tạo của học sinh Việt Nam", ông nhìn nhận.
GS Thái nói: "Có những thời điểm chúng ta tham gia kỳ thi toán quốc tế trong sự hoang đường và để lại hậu quả lâu dài từ sự hoang đường đó. Chúng ta đánh giá thành tựu toán học phổ thông, sức mạnh của nền toán học đất nước thông qua các cuộc thi đó vầ bây giờ vẫn tiếp tục như thế. Chúng ta đem một trường hợp kỳ dị để khái quát hóa biểu trưng cho một đối tượng học sinh là không đúng. Việc dạy học khơi nguồn sáng tạo và đẩy học sinh đi học những bài thi học sinh giỏi toán là khác xa nhau…".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.