Tác phẩm hay
Chùa Việt Nam ở xứ Phật Thích Ca
09:37 | 12/05/2014

HỒ ANH THÁI

Vừa mới gặp ông từ trong vườn chùa đi tới, tôi có cảm tưởng đây đích thực là người Việt Nam. Một người đàn ông kính trắng, nho nhã mà rắn rỏi. Bộ bà ba màu nâu nhà chùa. Nhưng ở giữa xứ người, thấy ai trông giống người Việt thì vẫn phải thận trọng.

Chùa Việt Nam ở xứ Phật Thích Ca
Việt Nam Phật quốc tự giữa bạt ngàn cây lá - Ảnh: H.A.T

Tôi tự giới thiệu bằng tiếng Anh. Ông mỉm cười đáp lại: "I'm the pagoda's sweeper here". Tôi là người quét chùa ở đây. Tôi cũng là người Việt Nam.

Thầy Huyền Diệu trụ trì ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở nơi Phật giác ngộ. Xứ Bồ Đề Đạo Tràng (Boddhgaya) là nơi hoàng tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) đã ngồi thiền dưới gốc bồ đề, tạo dựng nên giáo lý Phật giáo. Hơn 2.500 năm sau, cây bồ đề bao lần phục sinh từ cây của Phật Tổ vẫn còn đó. Ngôi chùa cao 60 mét vẫn pho tượng Phật nhìn về hướng đông. Vẫn hồ sen Phật xuống tắm sau khi đắc đạo. Thị trấn mọc lên hàng chục ngôi chùa, Miến Điện, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Bhutan, Nepal, Thái Lan... Như là ngoại giao đoàn của Phật giáo các nước. Sự vắng bóng chùa Việt Nam ở một nơi như vậy là nỗi ưu tư triền miên của thầy Huyền Diệu. Cho đến một ngày gặp nhân duyên. Có tiền quyên góp của đồng bào ta ở nhiều nước, có tiền công thầy Huyền Diệu đi giảng dạy ở nhiều nước, thầy mua đất, tự mình thiết kế, theo dõi thi công, cùng lăn vào làm với thợ. Cuối cùng tòa sứ của Phật giáo Việt Nam đã hiện diện trên đất Phật.

Cũng đúng như thầy Huyền Diệu tự nhận, ông là người quét chùa. Một tòa nhà bốn tầng, sau này sẽ là ký túc xá cho sinh viên Phật học, một tay thầy quản lý. Gần bốn hecta khuôn viên chùa, một mình thầy trông nom. Tất cả mới được khoảng 1/10 dự án. Trên vùng đất gần 40.000m2 ấy thầy sẽ cho chở đá khối về, xây một ngọn núi lớn, tượng trưng cho dãy núi Hoàng Liên Sơn có đỉnh cao nhất Việt Nam. Dưới chân hòn núi có thác đổ suối reo là một ngôi chùa cổ Việt Nam giữa um tùm tre trúc. Ở một góc khác có Chùa Một Cột, có một ao sen, cây cối trong chùa sẽ là một số thực vật phổ biến của Việt Nam và những cây liên quan đến cuộc đời và giáo lý của Phật Tổ.

Tôi đến Bồ Đề Đạo Tràng nhiều lần. Thánh địa này cách thủ đô New Delhi khoảng 1.000 km. Lần đầu không biết có chùa Việt Nam. Lần thứ hai, năm 1991, tình cờ có một người địa phương nói cho biết, đến thăm chùa và được tiếp kiến thầy Huyền Diệu. Từ đó, hầu như hàng năm tôi đều đến. Cũng nhiều khi thầy lên thủ đô, lo mua vật liệu, cây giống, lo việc này việc khác cho chùa. Lại có lần Liên hoan Phim Quốc tế New Delhi với chín phim truyện Việt Nam ở khu vực tiêu điểm, thầy hăm hở lên thủ đô để xem phim, rồi lạc quan tuyên bố: "Pháp đang ồn ào mấy cái phim Người tìnhĐông Dương, phim mình mà lo được thêm phần nghệ thuật và kỹ thuật điện ảnh thì đâu có chịu thua".

Gặp gỡ thầy đã nhiều, tôi chưa bao giờ hỏi chuyện đời riêng. Thầy Huyền Diệu cũng không tự nói. Chỉ biết thầy tên thật là Lâm Trung Quốc, Trung Quốc là trung với nước, theo cách giải thích của thân phụ thầy khi đặt tên. Thư từ gửi đến chùa thường ghi người nhận là Dr. Lâm Trung Quốc, thầy đỗ tiến sĩ ở Đại học Sorbonne bên Pháp, bây giờ vẫn được mời đi giảng bài ở nước ngoài.

- Trung với nước là ý thức hàng đầu của con người - Một lần thầy bảo - Tổ quốc là trên hết. Có Tổ quốc rồi mới có Phật giáo, nhiều người lầm tưởng ngược lại. Ngay như cái tên chùa này, thầy đặt tên là Việt Nam Phật Quốc Tự, theo thứ tự thì Tổ quốc trước rồi mới là Phật giáo, rồi mới là ngôi chùa.

Trong tòa nhà bốn tầng dành cho việc nghiên cứu học tập sau này, thầy Huyền Diệu cho đắp nổi đất nước hình chữ S ở lối lên mỗi cầu thang. "Người sáng mắt thì khỏi nói. Còn lỡ có người hỏng mắt tới đây, họ sẽ sờ vào đó mà biết đã tới chùa Việt Nam thực sự".

Thời thanh niên, thầy Huyền Diệu tham gia phong trào Phật tử chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bị bắt bớ tù đày. Trải qua những năm máu lửa, từng phải chiến đấu để tự vệ, nhưng là Phật tử, thầy ủng hộ sự chung sống hòa bình. Có lần, một nhóm Phật giáo người Ấn Độ tổ chức biểu tình, đòi quẳng mấy cái tượng thần Hindu ra khỏi chính điện thờ Phật. Chả là người Hindu coi Đức Phật là kiếp thứ chín của thần Bảo Vệ Vishnu, hễ chỗ nào thờ Phật là người Hindu cũng đến cúng vái, rồi đặt thêm tượng thần của họ vào. Ở chỗ cây bồ đề giác ngộ cũng có chuyện ấy, có cả chuyện tranh chấp lịch sử để lại. Tôi kể chuyện đang có biểu tình của nhóm Phật giáo người Ấn ở gần cây bồ đề, thầy Huyền Diệu lắc đầu:

- Trời đất, mấy ổng muốn gây thanh thế, sao không lo làm chuyện khác, lại làm cái việc trứng chọi đá.

Trứng chọi đá? Thầy quả có lý. Trong 1.000 người Ấn, có đến 800 người theo đạo Hindu, chỉ có 8 người theo đạo Phật.

Sau khi đỗ đạt ở Pháp, tâm trí thầy Huyền Diệu càng hướng về đất Phật. Thầy lên đường, nhưng không đến thẳng Ấn Độ, mà qua Trung Quốc, rồi từ đó đi lại con đường của nhà sư Huyền Trang (Hiuan Tsang, tức Đường Tăng) sang Tây Trúc thỉnh kinh từ hồi thế kỷ VII.

Xứ Ấn Độ lầm than. Bồ Đề Đạo Tràng khi ấy còn hẻo lánh và hoang sơ. Ông tiến sĩ bên Pháp giờ thành anh kéo xe rồi làm thuê đủ nghề, mỗi ngày kiếm được khoảng vài rupi, vừa đủ ăn. Nhà sư trụ trì chùa Miến Điện thương, cho ở nhờ trong căn phòng khoảng bốn mét vuông, thấp hơn đầu người, trong vườn chùa. Ơn sâu ghi lòng, giờ đây hễ có khách Việt Nam, bao giờ thầy Huyền Diệu cũng đưa đến chào nhà sư Miến Điện trước, thăm chùa Miến trước, rồi mới đi thăm những ngôi chùa khác. Tôi cúi chào nhà sư Miến Điện ân đức cao dày, rồi đi xem căn phòng nhỏ hẹp như một cái buồng giam, nơi đã góp phần hun đúc ý chí và quyết tâm cho một Phật tử Việt Nam. Cũng có thể căn phòng ấy như cái hang nhỏ Khổ Hạnh Lâm của vị tu sĩ khổ hạnh ngày xưa, trước khi Người giác ngộ.

Lại cũng những dịp hiếm hoi có khách quý người Việt Nam đến chùa, thầy Huyền Diệu tổ chức đi làm phúc cho dân trong một cái làng nhỏ bên kia sông Ni Liên Thiền (Naranjana), gần hang Khổ Hạnh Lâm. Mấy cái nồi ba mươi đầy cháo, thầy dậy nấu lúc nửa đêm, được bê từ trên xe xuống. Trẻ em trong cái làng nghèo đói bê bát chạy đến, đứng ngồi lộn xộn. Thầy Huyền Diệu đưa cho tôi cái loa pin nhỏ, bảo tôi nói bằng tiếng Hindi giữ trật tự. Hai người làm thuê bê từng nồi cháo đi dọc theo hàng người. Tôi dùng cái muôi to múc cháo đổ vào từng cái bát. Ân đức này thầy Huyền Diệu dành cho tôi, một vị khách từ xa đến mời dân làng ăn chút ít điểm tâm. Thầy lại chọn cái làng được ghi ơn trong lịch sử Phật giáo, nơi nàng Sujata đã dâng cúng cho người chưa thành Phật một bát cháo sữa.

Chuyến ấy, thầy trò hoan hỉ trở về mà cũng chưa hết hoàn hồn. Chẳng là gần cuối cuộc múc cháo làm phúc, những người chưa đến lượt bắt đầu sốt ruột, sợ không còn phần cho mình. Cả một hàng người bắt đầu lộn xộn, có dấu hiệu tan rã, chỉ một kích động nhỏ là đám người đói khát sẽ ào đến cướp cháo, giẫm đạp lên nhau, xéo bẹp xoong nồi và phá phách xe cộ. Chuyện ấy từng xảy ra. Nhưng có lẽ sự bình tĩnh và nhẫn nại tỏa ra từ phong cách điều hành của thầy Huyền Diệu đã khiến đám người yên ổn trở lại.

Tại Lumbini, thầy Huyền Diệu và tác giả ở bên ngôi chùa thờ thân mẫu Phật, bà Maya - Ảnh tư liệu của H.A.T


- Nhiều lúc thầy tự hỏi vì sao Đức Phật lại chọn cái xứ như thế này để mà thành đạo, mọi thứ đều thái quá. Thiên nhiên khắc nghiệt. Con người cay nghiệt, lầm than.

Tôi kể những nhược điểm trong tính cách người Ấn, những điều thật khó chấp nhận. Thầy gật đầu:

- Nơi nào nhiều bậc thánh thì nơi ấy cũng nhiều quỷ ma.

Hẳn là hai thế lực này có quan hệ tương hỗ, cái này làm tiền đề cho sự xuất hiện của cái kia? Và sự cân bằng của tự nhiên khiến cho thế lực thứ hai không thể vắng bóng? Thử thách càng tăng đối với người tu hành.

Một lần, có một ông già người Việt từ Mỹ sang, nằng nặc xin thầy Huyền Diệu cho ở lại làm người quét chùa.

- Không dám, mỗi ngôi chùa chỉ cần một người quét - Thầy trả lời - Quý vị muốn thiền thì xin cứ ở lại. Ruộng đất đấy, trồng rau cấy lúa lấy mà ăn.

Ông già gần tuổi tám mươi ở lại thật. Ông còn khỏe, nhưng tâm niệm sống đất này, thác cũng đất này, về với cội nguồn Phật Tổ. Hàng ngày ông nhìn thầy Huyền Diệu phơi mình giữa cái nắng 45°C mà kinh. "Người quét chùa" trông coi thợ xây, rồi cấy lúa nước theo kiểu canh tác Việt Nam. Dân vùng này chỉ trồng lúa mì trên ruộng cạn. Làm được một ruộng nước, tạo được hệ thống thủy nông dẫn nước vào ruộng như thầy Huyền Diệu đã làm cũng là một kỳ công nữa. Gốc Nam Bộ, ít ăn rau muống, thầy vẫn trồng rau muống nước cho có vẻ mảnh ruộng miền Bắc. Ông Việt Kiều ở được khoảng một tháng, rồi một hôm ông ôm mặt khóc:

- Sao cái xứ gì mà buồn quá thầy ơi. Tạ lỗi thầy, thầy cho tôi về.

Một lần khác, một chị Việt Kiều từ Canada sang, dắt theo cậu con trai tên là Mẫn, khoảng hai mươi tuổi. Người mẹ giải thích rằng Mẫn ham đọc sách Phật, có ý sẽ đi tu, chị dẫn con đến đây xem ý con ra sao. Nhìn chàng thanh niên đep trai sáng láng, tôi động lòng, can chị rằng chính Phật Tổ cũng đã có vợ con rồi mới giũ bỏ bụi trần đi tìm chân lý. Chị vẫn thủ thỉ bình dị:

- Anh chị đâu có nghĩ chuyện nối dõi. Nếu gặp duyên, cứ để Mẫn theo ý nó. Ngay cả thằng anh nó, không hề có ý vào chùa, nhưng ví thử cả hai đứa đều muốn thì anh chị cũng vui vẻ chấp nhận.

Tôi và Mẫn đi loanh quanh trong vườn chùa chuyện trò. Tôi lội xuống ruộng, hái rau muống, thấy ngứa ở bắp chân, tuốt lên một con đỉa, giơ cho Mẫn xem. Mẫn rú lên:

- Má ơi, con gì ghê quá.

Mặt anh chàng tái mét. Anh chàng cũng đã tái mét như vậy khi thấy con gián chạy trong nhà.

Mấy ngày sau mẹ con Mẫn đi. Có lẽ Mẫn sẽ tu ở một ngôi chùa sạch sẽ nào đó bên Canada.

* * *

Người đến rồi người đi. Ngôi chùa rốt cục chỉ còn thầy Huyền Diệu trụ lại. Một năm mấy tháng đi dạy học, thời gian còn lại là để "quét chùa". Khi thầy đi vắng, có hai nhà sư Miến Điện trông coi chùa. Hai vị này đang làm tiến sĩ Phật học ở Đại học Tổng hợp Ma Kiệt Đà (Maghadha) ngay trong vùng, họ coi thầy Huyền Diệu như một người thầy.

Nhưng tôi cảm thấy trong thâm tâm thầy vẫn ngóng tìm những người Việt Nam có tấm lòng với đất nước và với Phật giáo để giúp thầy ở đây. Không phải chỉ đây mà thôi, thầy đã bắt đầu vươn sang Lâm Tì Ni (Lumbini) trên đất Nepal. Ở nơi Đức Phật ra đời ấy, thầy là người đến đầu tiên, dọn đất để xây chùa Việt Nam. Mấy chục người thợ phát quang vùng đất hoang, rắn độc to bằng bắp chân túa ra. Chiều tối chó sói lảng vảng tru lên xung quanh. Đêm dựng lều đốt lửa ngủ giữa trời. Một đêm rừng động, đột nhiên tiếng muông thú rầm rập mỗi lúc một gần. Thầy vùng dậy, gọi thợ đốt thêm nhiều đống lửa, rồi đồng thanh hét thật to. Cứ thế suốt đêm. Đám thú rừng chuyển hướng. May mà công trường xây dở và đám người không bị chúng xéo nát.

Chùa Việt Nam đang xây dựng thì Phật tử nhiều nước cũng theo chân đến, xây chùa của họ. Chùa nước nào có kiến trúc đặc trưng nước ấy. Bây giờ đã thành một quần thể mười mấy ngôi chùa. Không chỉ xây chùa, thầy Huyền Diệu còn đứng ra quyên tiền để xây cho dân địa phương một chiếc cầu. Mùa mưa lũ, dân liều mạng sang sông đi làm ăn thường bị lũ cuốn đi.

Tôi nhiều lần thấy những hoạt động này của thầy. Không khỏi ngạc nhiên. Nguồn năng lượng nào truyền tiếp thường xuyên vào hình hài một con người như vậy?

Một lần, xen giữa chuyện mua thêm gạch xây chùa, thầy Huyền Diệu bảo:

- Đỗ đạt rồi, hẵng về nước cống hiến ít lâu, rồi thỉnh thoảng sang đây phụ giúp thầy. Trông coi cho thầy việc đối ngoại của nhà chùa. Nơi nào mời đi dạy, thầy đi không hết được, thì đi giúp thầy.

Tôi không giật mình. Tất đến ngày thầy nói ra điều đó. Tôi nhìn lại thầy. Thầy không có dáng vẻ thùy mị như nhiều nhà sư tôi đã gặp. Một gương mặt rắn rỏi đàn ông, một cơ thể cứng cáp dẻo dai. Nhưng dáng vẻ vẫn là của người trí thức mảnh khảnh. Đêm đêm soạn bài viết sách. Ngày ngày lao động chân tay như lực điền. Dù cũng đã qua chiến tranh và những năm quân ngũ gian khó, tôi có lẽ chẳng hơn anh chàng Mẫn kia, tôi theo thầy sao được.

Một người nữa cũng được thầy Huyền Diệu gửi gắm nhiều, một anh đang làm tiến sĩ nông nghiệp, người của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng rồi cuối cùng cả hai chúng tôi đều chia tay thầy, về nước thì ai vào việc nấy, chẳng biết bao giờ gặp lại.

Sáu năm trời qua đi, còn mười ngày nữa phải rời Ấn Độ, cuối tháng 8-1994 tôi đến đất Phật một tuần. Thầy trẩy đu đủ trong vườn cho tôi ăn. Gạo mới ruộng nhà, thầy vừa đem lúa đi xay xát về. Những thứ ấy bán đầy chợ, nhưng thầy có ý thức về cây nhà lá vườn. Tôi hái rau muống, đem xào lên, trộn với vừng, vắt chanh, một món ăn lạ và hơi công phu so với bữa ăn đạm bạc hàng ngày của thầy. Thế mà cũng được thầy khen là khéo nấu.

Đúng vào ngày rằm tháng bảy. Thầy Huyền Diệu dậy sớm, nấu chè đồ xôi. Thầy sắp ra mấy mâm, bảo tôi bê dần lên chính điện trên tầng bốn, sắp xếp trước. Tôi ngại mình vụng về, làm không đúng cách.

- Cứ làm đi rồi sẽ biết - Thầy bảo.

Một phương châm hành động của nhà Phật. Tôi giúp thầy thu xếp mọi thứ để làm lễ. Cả một mâm cúng trên bàn thờ những người thân, trên đó có cả ảnh nhà thơ Hoàng Trung Thông và nhà văn Nguyễn Minh Châu do tôi gửi vào.

Buổi chiều thầy nhắc lại chuyện mời tôi thỉnh thoảng trở lại đất Phật. Hình như thầy cũng cảm thấy rất lâu nữa mới gặp lại. Tôi nhớ có lần thầy bảo rằng những người đi tu vì chán đời hoặc thất tình thì khó đắc đạo. Lại nữa, tôi được biết thầy đi tu khi mới dăm bảy tuổi, ông cụ thân sinh đi tu và dẫn thầy theo. Tôi không dám quanh co, tôi phải nói thẳng:

- Chúng con vương quá nhiều bụi trần tục, chắc không theo thầy được.

Tinh tế và nhạy cảm, thầy không để cho tôi kịp lúng túng:

- Vậy thầy trò mình giao ước thế này: thầy gắng xây xong ngôi chùa, Thái viết cho xong cuốn sách về thời đại Đức Phật. Xây chùa và viết sách, biết cái nào khó hơn cái nào?

Vẫn biết tôi đang yên lặng viết một cuốn sách như vậy, thầy gỡ bí cho tôi. Rồi chuyển sang việc ngày mai thầy sang Lâm Tì Ni, lo việc chùa bên ấy. Tôi cũng muốn thăm lại nơi Phật ra đời, tôi xin đi cùng.

Đêm xuống tôi mới cảm thấy mình thật phiêu lưu. Còn bốn ngày nữa là về nước, giờ lại tính chuyện đi thêm mấy trăm cây số, sang đất Nepal. Rồi tưởng tượng ra cảnh thầy quần quật lao động với đám thợ, mình dám đâu đứng nhìn.

Nửa đêm, thầy sang gõ cửa phòng tôi. Đến giờ đi rồi. Tôi trở dậy, cùng hai nhà sư người Miến Điện giúp thầy bê mấy bao gạo lên xe, rồi xoong nồi, cuốc xẻng. Thầy không tỏ vẻ bất ngờ khi tôi nói không đi được.

- Đúng rồi, phải chuẩn bị mà về nước. Khi nào thầy về, đưa thầy đi thăm danh thắng quê nhà. Nghe nói chùa chiền miền Bắc còn cổ xưa lắm.

- Sao thầy không dứt việc ra, về sơm sớm?

- Phải cho xong ngôi chùa. Phải làm được một chút gì, thầy mới có thể về lại quê hương.

Chiếc xe đưa mọi người đi trong màn đêm, bỏ lại tôi một mình giữa vườn chùa mênh mông. Còn hơn nửa ngày nữa tôi mới phải ra ga về thủ đô. Tôi lại có cảm tưởng mình vừa bỏ thầy Huyền Diệu một mình đơn độc. Ai cũng thường đơn độc trên con đường lý tưởng của mình. Người ta dễ yêu một lý tưởng, nhưng không dễ đồng hành với người đi thực hiện lý tưởng đó.

H.A.T







 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Người lau kính (28/04/2014)
Bến yên (24/04/2014)
Gió heo may (27/03/2014)
Kẻ dự phần (25/03/2014)