Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Chuyển biến trong xã hội Việt Nam đương đại qua sách của chuyên gia Pháp

Đăng ngày:

Việt Nam thay đổi một cách sâu sắc kể từ khi thực hiện chính sách Đổi Mới năm 1986. Đối với nhiều nhà nghiên cứu Pháp, hình ảnh Việt Nam không chỉ còn gắn với thời Pháp thuộc, mà họ hiện bị cuốn hút vào hình ảnh một sức mạnh đang trỗi dậy ở châu Á.

Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện IRSEM, chủ biên cuốn Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours (2018).
Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện IRSEM, chủ biên cuốn Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours (2018). Photo : Lionel Monnier
Quảng cáo

Quan sát, nghiên cứu, phân tích những biến chuyển về mọi lĩnh vực trong xã hội Việt Nam đương đại là mục tiêu chính của cuốn Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours (Lịch sử Việt Nam từ thời thuộc địa đến ngày nay), được phát hành ngày 15/03/2018. Điểm đặc biệt : Tác phẩm là công trình của nhiều chuyên gia thuộc ba thế hệ nhà nghiên cứu Pháp ngữ và thể hiện rõ cách phân tích, quan điểm riêng của mỗi thế hệ.

RFI tiếng Việt đã đặt câu hỏi với giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, chủ biên cuốn Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours.

07:43

PV. Giam doc nghien cuu Benoit de Treglode

RFI : Lịch sử Việt Nam từ thời thuộc địa đến ngày nay từng được đề cập nhiều, cuốn sách do ông chủ biên có những điểm mới và khác biệt nào so với những tác phẩm trước đây?

Benoît de Tréglodé : Việt Nam vẫn là một câu chuyện tình ở Pháp. Đúng là có rất nhiều tác phẩm về Việt Nam từ lâu rồi. Với một tác phẩm như cuốn sách này, được xuất bản dưới dạng sách bỏ túi, nhỏ nhắn, với khoảng 300 trang, mục đích của chúng tôi là giới thiệu những thay đổi gần đây nhất trong xã hội Việt Nam, chứ không chỉ nhắc lại những điều thường được làm về đất nước này, có nghĩa là nghiên cứu về tiến trình lịch sử của Việt Nam.

RFI : Vậy xã hội đương đại Việt Nam từng bước thay đổi như thế nào?

Benoît de Tréglodé : Điều đầu tiên cần nói là một xã hội không hẳn được tóm gọn trong việc lược lại lịch sử, những sự kiện lớn dẫn đến chiến tranh Việt Nam, nền độc lập của Việt Nam và sự mở cửa của đất nước từ lúc Đổi Mới.

Với chúng tôi, còn nhiều mặt khác cũng rất quan trọng. Dĩ nhiên phải đề cập đến nền kinh tế từ năm 1986, nhưng cũng phải nói đến con người, cách thức mà xã hội và người Việt đã thay đổi, phát triển và thích nghi với thời đại mới. Đây chính là điều mà chúng tôi quan tâm, đề cập trong cuốn sách. Có nghĩa là không chỉ nói về lịch sử và kinh tế, mà chúng tôi còn nghiên cứu mối quan hệ xã hội, sự trao đổi trong xã hội Việt Nam được tiến hành như thế nào trong thời đại ngày nay. Chúng tôi cũng tìm hiểu xem xã hội thời 2.0 đã chuyển hóa sâu sắc như thế nào mối quan hệ xã hội ở Việt Nam đương đại.

Ngoài ra, cuốn sách còn đề cập đến vấn đề môi trường vì môi trường cũng là một cách để tầng lớp trung lưu và xã hội Việt Nam nghĩ khác đi về mối quan của họ với chính trị. Dĩ nhiên là chúng tôi cũng trở lại với cách đặt vấn đề liên quan đến tôn giáo. Theo nhãn quan lâu nay ở Pháp, lịch sử Việt Nam vẫn bị gò bó trong một số chủ đề như chiến tranh, kinh tế và nông thôn. Nhưng Việt Nam còn có nhiều điểm khác. Việt Nam là một xã hội chuyển biến nhanh chóng mà người Pháp ngày nay không hiểu hết vì vuột khỏi tầm tay họ.

RFI : Chính sách « Thêm bạn, bớt thù » được Việt Nam theo đuổi cũng được đề cập trong sách. Đây là cách để Việt Nam duy trì cân bằng giữa Trung Quốc và phương Tây để bảo vệ lợi ích quốc gia?

Benoît de Tréglodé : Việt Nam luôn vận hành theo thực tế và theo nhu cầu tìm được sự cân bằng để bảo vệ quyền lợi quốc gia trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Việt Nam không thật sự có một đường lối, theo Liên Bang Xô Viết hay ngả theo Trung Quốc. Trong quá khứ, Việt Nam luôn luôn có những dàn xếp, thương lượng cho phép người Việt có thể từng bước bảo vệ lợi ích của chính mình trong bối cảnh tái cân bằng sức mạnh trên trường quốc tế.

Chiến tranh lạnh kết thúc vào cuối thập niên 1990, ngân sách nhà nước trống rỗng, nên theo đúng thời thế, Việt Nam hướng đến những « kẻ thù xưa » : bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh, hòa nhập trên trường quốc tế… Đó là một thách thức thực tế lớn đối với giới tinh hoa Việt Nam.

Quan hệ với Trung Quốc đã tác động đến sự xoay chuyển thực dụng này và hiện vẫn đuợc chú trọng trong cách Việt Nam cố bảo vệ, duy trì quyền tự chủ, độc lập quốc gia và thế cân bằng trong người dân qua việc quan hệ với cả Washington và Bắc Kinh.

RFI : Có nghĩa là Việt Nam phải dung hòa giữa hai cường quốc, Hoa Kỳ và Trung Quốc?

Benoît de Tréglodé : Câu hỏi ít được nêu ra là liệu Việt Nam có sự lựa chọn hay không ? Rõ ràng là trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, cách đây 40 năm, Việt Nam đã chơi với các nước có ảnh hưởng, đôi khi là quan trọng hơn Việt Nam.

Chúng ta nên nhớ là có rất nhiều thách thức về lãnh thổ ở Biển Đông, cũng như thách thức chính trị về mặt ổn định quyền lực trong nước và ảnh hưởng của nước ngoài trên các mặt chính trị, kinh tế và chiến lược. Và thách thức đối với giới tinh hoa Việt Nam là duy trì quyền lực và có thể lèo lái giữa ý đồ của các cường quốc. Vấn đề quan trọng là bảo tồn được vị trí của Việt Nam trong môi trường quốc tế thường biến động.

Việc một tầu sân bay Mỹ, lần đầu tiên ghé cảng Việt Nam, là một quyết định quan trọng và đánh dấu quan hệ song phương Mỹ-Việt. Và hiểu theo một cách nào đó, sự kiện này cũng dẫn đến khả năng là Việt Nam, trong những tháng sắp tới, sẽ đón tiếp hoặc chấp nhận một chuyến viếng thăm tương tự, nhưng lần này là của một tầu sân bay Trung Quốc.

Vấn đề đặt ra là liệu chuyến thăm của tầu sân bay Mỹ có thể hiện sự tăng cường quan hệ an ninh với Washington hay không ? Hay chuyến thăm đó là một cái cớ có chủ ý dẫn đến việc trong thời gian tới người Việt sẽ chấp nhận chuyến thăm và yêu cầu từ phía Trung Quốc để tầu sân bay của họ đến Việt Nam.

Ngoài ra, năm 2018 là một năm quan trọng đối với Trung Quốc, được đánh dấu bằng những hành động mang tính biểu tượng, vì đây là năm kỷ niệm quan hệ đối tác chiến lược mà Bắc Kinh đã ký với khối ASEAN. Trong bối cảnh này, một số nước, đôi khi có quan hệ phức tạp với Bắc Kinh, như Việt Nam hoặc gần đây là Philippines, đã trở thành mối ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.

Chính vì vậy, một sự kiện mang tính biểu tượng sẽ diễn ra để đánh dấu quan hệ đối tác chiến lược, cũng như tăng cường hợp tác an ninh. Và rất nhiều khả năng là Trung Quốc đang chuẩn bị để tầu sân bay nước này ghé cảng Việt Nam. Nếu việc này diễn ra, Bắc Kinh sẽ cho đó là một thành công trong việc hai nước xích lại gần hơn nữa trong bối cảnh toàn diện hơn của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN.

RFI : Trong cuốn sách, ông viết về « Nhà nước-Đảng » và « Nhà nước và Đảng ». Hai khái niệm này khác nhau như nào?

Benoît de Tréglodé : Đây là một vấn đề có từ lâu và góp phần làm sôi nổi hướng suy nghĩ của cộng đồng nghiên cứu về Việt Nam, cũng như trong số các bạn đồng nghiệp Việt Nam của chúng tôi.

Kể từ khi đất nước mở cửa năm 1986, hình ảnh mà Việt Nam muốn truyền tải ra nước ngoài, và ở cả trong nước, là dần dần có sự độc lập giữa Đảng và Nhà nước. Nhà nước không còn trực tiếp phụ thuộc vào Đảng nữa và điều này được đi theo hướng dân chủ hóa hệ thống chính trị nội bộ Việt Nam. Nhưng đó chỉ là những lời nói. Tại sao ? Chúng ta có thể thấy rõ điều này kể từ đại hội gần đây nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam, theo đó Đảng tiếp tục đóng vai trò đầu tầu trung tâm của hệ thống chính trị Việt Nam. Mọi diễn biến và vận hành của chính phủ quanh hệ thống vẫn bị kiểm soát và tuân theo chỉ đạo của Đảng.

Việt Nam có ý định từng bước chứng minh là hệ thống chính trị dần dần được dân chủ hóa, thậm chí một cách nào đó còn theo xu hướng Tây phương. Nhưng trên thực tế, vẫn tồn tại một quy tắc chủ đạo, đó là quy tắc Đảng vẫn là động lực chính của hệ thống chính trị Việt Nam.

***

Benoît de Tréglodé (chủ biên), Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours, Paris : Editions de la Sorbonne, 2018, 296 trang.

Bìa cuốn sách Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours (Lịch sử Việt Nam từ thời thuộc địa đến ngày nay), NXB La Sorbonne, 2018.
Bìa cuốn sách Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours (Lịch sử Việt Nam từ thời thuộc địa đến ngày nay), NXB La Sorbonne, 2018. Editions de la Sorbonne

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.