Chuyến đi 'nhớ đời' từ vùng dịch Hoa Kỳ về quê nhà

Kiều Oanh - 17:16, 19/05/2020

TheLEADERKhoảng 12 giờ ngày 7/5/2020 (giờ California), chuyến bay mang số hiệu VN001 của Vietnam Airlines (VNA) cất cánh từ phi trường quốc tế San Fancisco (SFO). Đây là chuyến bay thương mại đầu tiên của VNA đến Hoa Kỳ do Chính phủ Việt Nam tổ chức đưa 343 công dân Việt Nam từ vùng dịch Covid-19 trở về quê mẹ.

Là nhà báo duy nhất có mặt trên chuyến bay này và hiện đang cách ly tập trung tại tỉnh Hòa Bình, nhà báo Kiều Oanh đã gửi về cho The LEADER phóng sự ảnh dưới đây:

Là hành khách trên chuyến bay nói trên, chúng tôi không khỏi xúc động và tự hào khi chứng kiến hình ảnh của Việt Nam gần như tràn ngập nơi cửa ngõ quốc tế của nước bạn. Đọng vào mắt chúng tôi đầu tiên là tên hiệu của hãng hàng không quốc gia Việt Nam nơi quầy làm thủ tục check-in. 

Hơn 340 đồng bào cùng “nói tiếng nước tôi” xếp hàng trật tự làm thủ tục, đo thân nhiệt rồi đi lên phòng chờ. Vừa đi hết bậc thang cuối, tầm mắt chúng tôi chợt phóng ra đường băng và thấy ngay chiếc Boeing mang màu xanh của đại dương với những cánh sen vàng rực rỡ như đang chờ đang đợi. 

Không biết chuẩn bị tự bao giờ, các em du học sinh đã giương cờ Tổ quốc và hô vang: “Việt Nam! Việt Nam! Chúng tôi yêu Việt Nam!”.

Chuyến đi 'nhớ đời' từ vùng dịch Hoa Kỳ về quê nhà
Các du học sinh giương cờ Việt Nam tại sân bay SFO.

Có lẽ trải nghiệm từ chuyến bay đặc biệt này sẽ trở thành một kỷ niệm đáng nhớ đối với từng hành khách. Màu đỏ thắm của những lá cờ Việt Nam được cắm dọc theo từng hàng ghế, giai điệu bài hát “Hello Vietnam” như một lời thì thầm tha thiết, quấn quýt theo từng bước chân mỗi người con đất Việt khi chúng tôi bước lên khoang máy bay.

Và khi Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Fancisco Nguyễn Trác Toàn, người có mặt tại sân bay SFO từ lúc các công dân Việt Nam bắt đầu làm thủ tục hồi hương, bước vào nói lời chia tay và chúc bà con trở về quê hương bình an, mạnh khỏe, thì mọi cảm xúc của chúng tôi đã thật sự vỡ òa!

Chuyến đi 'nhớ đời' từ vùng dịch Hoa Kỳ về quê nhà 1
Tổng lãnh sự Nguyễn Trác Toàn nói lời tạm biệt.

Sau 15 giờ bay và 1 giờ dừng tiếp nhiên liệu tại thành phố Anchorage (Alaska), vượt qua 7.420 dặm bay, vào lúc 18 giờ 40 phút ngày 8/5, chúng tôi đã đáp xuống an toàn tại sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).

Sau khi thực hiện những thủ tục khai báo y tế, khử trùng hành lý và làm thủ tục nhập cảnh bên ngoài nhà ga, hành khách tiếp tục xếp hàng lên những đoàn xe quân đội đang túc trực. Toàn bộ hành khách được đưa về 3 trung tâm cách ly ở các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Thanh Hóa.

Riêng nhóm chúng tôi gồm 80 người được đưa về cơ sở cách ly thuộc Trung đoàn 814- Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình. Trong 4 tiếng đồng hồ vượt quãng đường hơn 270km, chúng tôi kịp làm quen với Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Hồng Thịnh - thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương, Thượng úy Nguyễn Văn Tuấn, Trung đoàn bộ binh 2, Sư đoàn 395, quân khu 3 - là người lái xe và chỉ huy chuyến xe này - và được biết, cả hai anh đã liên tục đưa bà con từ sân bay về các khu cách ly tập trung từ cuối tháng 1 đến nay, vì thế, các anh cũng thuộc diện cách ly dài hạn và chưa thể về nhà.

Về đến Hòa Bình, một lần nữa, chúng tôi được khử trùng toàn bộ hành lý, rửa tay sát khuẩn và được cấp phát khẩu trang trước khi vào khu nhà cách ly. Từng kiện hành lý rất nặng (23kg mỗi kiện, theo tiêu chuẩn hàng không) được các quân nhân phục vụ tại đây khuân vác giúp lên hai tầng lầu giữa đêm khuya.

Khi mọi người tạm ổn định chỗ ở thì đồng hồ đã báo 3 giờ sáng. Lúc này, những người lính lại tiếp tục phục vụ buổi ăn khuya cho cả đoàn. Cơm nước, dọn dẹp xong thì hừng đông vừa rạng. Không ai đi ngủ. Một ngày mới “sống đời cách ly tập trung” bắt đầu!

Chuyến đi 'nhớ đời' từ vùng dịch Hoa Kỳ về quê nhà 2
Xếp hàng lên xe về khu cách ly.

5 giờ sáng, những lo lắng mông lung bỗng như trốn đi đâu! Hòa Bình đã chiếm trọn trái tim tôi từ cái nhìn đầu tiên khi tôi đứng nơi đây trong một sớm tinh mơ, giữa bốn bề núi giăng mây phủ. Nơi tôi sẽ lưu lại 14 ngày “kỳ lạ” trong đời chắn chắn sẽ trở thành một phần ký ức không phai.

Đó là tiếng kèn quân lệnh giục giã mỗi hừng đông; là hình ảnh gà mẹ dẫn đàn gà con tha thẩn tìm mồi; là tiếng gà cha giữa ban trưa bỗng gáy vang oai vệ; là tiếng à uôm của ếch, tiếng rung cánh rả rít của dế mèn giữa đêm thâu… Và đặc biệt là tôi đã được hạnh ngộ với những người bạn bổ củi xa xưa. Thỉnh thoảng từ vườn sau bỗng có một chàng bổ củi to bằng nửa nắm tay bất chợt lao xuống bổ vào mặt, vào chân. Tuy đau nhưng “đáng” lắm, vì chúng đã đem lại cho tôi niềm vui sướng khôn cùng về một ký ức tuổi thơ tưởng khó còn gặp lại!

Buổi sáng đầu tiên ấy, tôi còn chưa biết đến một điều bất ngờ khác (sẽ kể sau), nhưng vẻ đẹp của đất trời xen với vẻ đẹp do con người tạo ra: những đồng lúa xanh do những người nông dân canh tác trên cánh đồng gần; những vạt chuối, luống rau, những hàng xoài quả to lúc lỉu và cả những bụi hoa hồng đỏ thắm do chính bàn tay chai sạn của người lính vun trồng - khiến tôi thấy mọi thứ xung quanh bỗng nhiều hơn chữ “Đẹp”!

Chuyến đi 'nhớ đời' từ vùng dịch Hoa Kỳ về quê nhà 3
Khu cách ly yên bình nhiều cây xanh.
Chuyến đi 'nhớ đời' từ vùng dịch Hoa Kỳ về quê nhà 4
Những vạt chuối, luống rau, những hàng xoài quả to lúc lỉu và cả những bụi hoa hồng đỏ thắm do chính bàn tay chai sạn của người lính vun trồng.
Chuyến đi 'nhớ đời' từ vùng dịch Hoa Kỳ về quê nhà 5
Khu cách ly yên bình nhiều cây xanh.

Thiếu tá Phạm Quang Huy, Chính trị viên Tiểu đoàn bộ binh 2, Trung đoàn 814 - là người trực tiếp quản lý hoạt động cách ly ở đây - cho tôi biết, từ ngày 26/3 đến nay, đơn vị đã liên tục tiếp nhận 4 đợt cách ly với 350 công dân Việt Nam trở về từ Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.

Lực lượng quân đội, y tế phục vụ ở đây sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ khi vẫn còn những đợt bà con được đưa về. Đợt này, tuy chỉ có 80 bà con đến cách ly, nhưng số người phục vụ trực tiếp đã lên tới 33 người. Với đội ngũ quân nhân và y bác sĩ đang làm nhiệm vụ, Thiếu tá Huy là Chỉ huy chung, còn với bà con, thì đó là “anh Huy, chú Huy”. Cái tên Quang Huy đã trở nên thân thương khi được mọi người liên tục “nhắc” đến với hàng trăm yêu cầu cần giúp đỡ trong suốt những ngày này…!

Chuyến đi 'nhớ đời' từ vùng dịch Hoa Kỳ về quê nhà 6
Kiều Oanh trò chuyện với các sĩ quan và chiến sĩ trong khu cách ly.

Số quân nhân phục vụ “vòng ngoài- vòng một” có 20 người. Bao gồm bộ phận phụ trách các vấn đề kỹ thuật như điện, nước, internet cho toàn khu, và một bộ phận lớn hơn, họ quần quật từ sáng đến khuya để chuẩn bị và nấu nướng cho bà con những suất ăn đủ dinh dưỡng cho 3 bữa trong ngày.

Đến bữa, họ phân chia suất ăn sẵn cho từng người rồi đưa đến tập trung tại một chiếc bàn đặt ngay hàng rào cách ly - là những sợi dây giăng ngang, tuy “mong manh, nhưng đầy sức nặng”. Và mọi người vẫn nói đùa, đó là “vòng lễ giáo”, không được vượt qua!

Chuyến đi 'nhớ đời' từ vùng dịch Hoa Kỳ về quê nhà 7
Chuẩn bị chuyển cơm vào khu cách ly.

Sau “lằn ranh” với “vòng ngoài” là 13 cán bộ, chiến sĩ ở “vòng trong - vòng hai”. Bao gồm Thiếu tá Phạm Xuân Huy, Thượng úy Bùi Văn Thọ và 6 binh nhất trực tiếp quản lý và phục vụ những người cách ly theo diện “tiếp xúc gần”. Họ chỉ được di chuyển trong phạm vi từ lằn ranh này ngược vào trong và đi lên xuống hai tầng lầu nơi bà con trú ngụ.

Họ chia ca canh gác liên tục ngày đêm, vừa để bảo đảm quy định cách ly, vừa phục vụ hàng trăm thứ việc không tên cho bà con như tiếp nhận thực phẩm từ “lằn ranh” rồi đem vào phân phối đến từng phòng, bổ sung chăn màn, ổ cắm điện, sửa vòi nước hỏng, sửa quạt máy, tìm phích nấu nước, tìm thuốc chống muỗi...

Cùng phục vụ ở “vòng hai” còn có 5 cán bộ y tế của CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật) tỉnh Hòa Bình và cán bộ quân y của Trung đoàn 814, do bác sĩ Bùi Thị Dậu làm đội trưởng. Theo quy định chung, lực lượng này có nhiệm vụ theo dõi sức khỏe chung cho toàn trại, thường xuyên hướng dẫn và nhắc nhở mọi người tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Mỗi ngày, họ đến tận các phòng để đo thân nhiệt hai lần cho mọi người, thực hiện công tác xét nghiệm virus Covid-19 hai đợt trong 14 ngày cách ly. Có một tin rất vui là sau lần xét nghiệm đợt 1, tất cả 80 người cách ly tập trung đều có kết quả âm tính. Trừ lực lượng phục vụ ở “vòng ngoài”, những cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và cán bộ ngành y tế làm nhiệm vụ ở “vòng trong” đều đã, đang và sẽ còn những ngày tháng cách ly bằng nhiều đợt 14 ngày cộng lại.

Chuyến đi 'nhớ đời' từ vùng dịch Hoa Kỳ về quê nhà 8
Đo thân nhiệt hàng ngày.

Điều đặc biệt là trong số 80 người cách ly ở đây đợt này, có đến 58 em là du học sinh. Mỗi ngày, khi tiếng kèn trong doanh trại cất lên báo bình minh thường trùng với thời điểm các em vừa kết thúc một đêm dài học tập trực tuyến hoặc phải hoàn thành nhiều bài tập với sự hướng dẫn và kiểm soát của các thầy cô ở bên kia bờ đại dương.

Trong hầu hết các giờ học, buổi học, nếu không phải lên lớp trực tuyến thì các em cũng phải hoàn thành và nộp bài tập theo đúng giờ quy định mà giáo viên có thể kiểm soát được. Trừ hôm đầu tiên đến đây phải lo ổn định chỗ ở, từ ngày thứ hai trở đi, hầu hết các phòng của các em đều sáng đèn thâu đêm, vì đó là giờ học trực tuyến ban ngày ở Hoa Kỳ. Do vậy, hàng ngày, khi mọi người lớn thức dậy chuẩn bị cho một ngày mới thì lại là lúc các em xếp bút nghiên, tập thể dục nhẹ, làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi… đi ngủ!

Hầu hết các em đều còn khoảng 2 tuần học trực tuyến nữa là kết thúc chương trình của năm học, vì vậy, có thể nói, trong 2 tuần cách ly này, nơi đây giống như một ngôi trường nội trú thật sự. Các em không phải lo chỗ học, chỗ ở, bữa ăn, mà còn được theo dõi sức khỏe hàng ngày…

Chuyến đi 'nhớ đời' từ vùng dịch Hoa Kỳ về quê nhà 9
Các du học sinh học bài online tại khu cách ly.

Và, còn điều bất ngờ (và dường như nhiều hơn một điều) mà từ đầu bài tôi hứa sẽ kể sau. Đó là, chỉ sau cánh cổng doanh trại Trung đoàn 814, chỉ ngay phía bên kia con đường thôi, là bạn đã có thể “gặp lại” con sông Đà huyền thoại. Ôi, con sông Đà dữ dội mà thơ mộng, mà có lẽ từ năm 1960, khi đi vào Tùy bút “Sông Đà” của cụ Nguyễn Tuân, nó đã khiến bao thế hệ ước mơ được tìm đến, được nhìn thấy một lần trong cuộc đời.

Còn với chúng tôi, những người “yêu nước như tất cả các bạn”, khi hứa rằng “sẽ ở yên trong khu cách ly” (mà chúng tôi còn thuộc diện “đặc biệt”, là phải ở “vòng trong nữa - vòng ba”, tức chỉ được phép di chuyển dọc theo hành lang nơi tầng mình ở), thì nói gì đến con sông Đà “gần nhau trong tấc gang, mà biển trời cách mặt”!

Nhưng bạn đừng lo, sau khi báo “tin buồn”, tôi sẽ “bù” lại cho bạn một “tin vui”. Dù chỉ được di chuyển trong phạm vi giới hạn, nhưng nếu bạn không muốn, thì ai ngăn nổi tầm mắt và trái tim của bạn đi xa? Và đây, bạn có bất ngờ không, khi tôi nói chỉ cần đi trên một đoạn hành lang ngắn là có thể xem như bạn đã được gặp cả xứ Mường. Tỉnh Hòa Bình hiện có tới 63,3% dân số là người dân tộc Mường, vì vậy Hòa Bình cũng được mệnh danh là “Thủ phủ của người Mường”.

Chuyến đi 'nhớ đời' từ vùng dịch Hoa Kỳ về quê nhà 10
Kiều Oanh và các y bác sĩ người dân tộc Mường.

Tôi đã gặp gỡ nơi đây chàng trai Bùi Xuân Chính, cậu thuộc nhóm 6 chàng binh nhất cùng đơn vị Đại đội Trinh sát, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình đang làm nhiệm vụ ở “vòng trong - vòng hai”. Ngoài Hà Văn Minh, 20 tuổi, là người dân tộc Thái (thuộc nhóm chiếm tỷ lệ 3,9% dân số của tỉnh), Chính và các bạn gồm Bùi Hồng Đức, Quách Tất Tùng, Phùng Anh Tuấn (đều 20 tuổi) và Bùi Văn Nhật (21 tuổi) đều là con em dân tộc Mường.

Hàng ngày Chính và các đồng đội luôn tất bật phục vụ bà con trong khu cách ly. Nhìn các “cậu bé” (nhỏ hơn con trai tôi ở nhà) ngoan ngoãn, chăm chỉ, lễ phép nhưng vô cùng nghiêm túc trong nhiệm vụ của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong tôi không khỏi dâng lên sự quý trọng và niềm thương mến dạt dào.

Tương tự, trong số 5 cán bộ y tế phụ trách khu cách ly, ngoài Y sĩ - Thiếu úy chuyên nghiệp Lã Quang Tuấn thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh là người Kinh, 4 người còn lại (thuộc CDC tỉnh) là bác sĩ Bùi Thị Dậu, y sĩ Nguyễn Minh Lụa, y sĩ Bùi Thị Mừng, cử nhân xét nghiệm Nguyễn Đình Khải đều là người dân tộc Mường.

Sự tận tụy và hy sinh của họ bên cạnh những đồng đội thuộc các dân tộc anh em khác trong những ngày giáp mặt với nguy cơ dịch bệnh đã vẽ lên những hình ảnh đẹp của những sứ giả xứ Mường nơi miền Tây Bắc của đất nước thân yêu!