Chuyện đời sống Hà Nội (Kỳ III)

(Nhật ký hậu chiến)

Vương Trí Nhàn

Hai tàu thuỷ chạy đường Quảng Ninh – Hải Phòng trốn sang Hồng Kông. Thuỷ thủ + công an thông đồng với nhau. Nhiều hành khách bất ngờ được di tản với giá vé 1,2 đ.

Trận bão số 6 – 1980 ở Thanh Hoá, 6 huyện bị lụt, nhà cửa mất 80%. Một cái cầu nhỏ, cầu Tào Xuyên, bị nước đe doạ. Người ta phải cho cả một toa tàu chở đá đến để giữ cầu.

Đột xuất kiểm tra xe ôtô Hà Nội – Hải Dương, khoảng 50 vé, thì 17 vé do nhà xe tuồn ra ngoài, bán lãi 15 đ 1 vé.

Trần Ninh Hồ được chia nhà. Do quen một người cùng làng, làm ở Sở nhà đất Sài Gòn. Tết cả nhà mình đến bỏ bom nhà nó, Trần Ninh Hồ cắt nghĩa.

Ông Ma Văn Kháng đi nhà máy dệt Nam Định về kể: 13.000 công nhân, 1.000 người ăn cắp. Ra cửa, khám nhau như thời Pháp.

Mỗi người chỉ lấy ngày 1 hay 2 con sợi cũng đủ chết. Cái đau nhất là một chiến sĩ thi đua 7 năm liền, giờ ăn cắp. Phải bù cho công nhân bằng cách bán vải bù cho họ, 5 đ độ 20 mét vải, ra họ bán ngoài.

Mới đầu chủ trương ai ăn cắp và nghỉ bừa không được mua kiểu đó. Sau họ chỉ đề nghị: tha cho người nghỉ bừa.

Lý do vỡ trận như vậy: Trả lương quá thấp. Vải làm ra, tiền lãi nhiều, lương chỉ đáng vài phần trăm, y như thời Pháp.

- Nghe kể Tỉnh ủy H N N đánh nhau. Bí thư Tỉnh đi vào Lâm Đồng thăm khu kinh tế, mang theo 3 vạn đồng tiền mặt, vài tấn đường, rất nhiều giò, thịt. Phó bí thư đi viện. Ở nhà, ban thường vụ tỉnh uỷ ăn cánh với nhau, cách chức một lúc 11 trưởng ty, gọi đến đàng hoàng bảo anh bàn giao (phe Ninh Bình đánh đổ phe Nam Hà); cả chủ tịch tỉnh, tay Soạn, mới lên 13 ngày, cũng phải đi Cămpuchia.

Thủ tướng Triệu Tử Dương: có thể sẽ phối hợp sự phát triển kinh tế với sự nghiêm khắc về chính trị, theo kiểu Đài Loan, Nam Triều Tiên.

10/10

Đâu cũng thấy tin đồn nhóm diễn viên Vân Khánh trốn đi nước ngoài. Họ lấy cớ đi biểu diễn, xuống Quảng Ninh rồi đi.

Trước đó, hai vợ chồng Vân Khánh giả vờ ly dị. Đến khoản chia gia tài, họ bảo: thôi, để bán đi, lấy tiền chia cho tiện. Có tiền, họ giải quyết được việc đi khá dễ.

Nghe nói một sinh viên ta từ Liên xô đi tham dự cuộc thi toán quốc tế ở Anh trốn vào đại sứ quán Anh.

Có người thông cảm: Thôi ai thoát được, may người ấy.

Một bài báo của Tây Đức về Việt Nam có cái tít nhỏ: Một dân tộc lêu lổng.

Một bộ phim của Thuỵ Điển chiếu cho quốc hội của họ hồi trước, đã có nhan đề Một dân tộc không thể cộng tác. Nay lại có một phim khác mang tên Một dân tộc không thể khôi phục.

Ông Lê Văn Lương – thường trực ban bí thư – đến hội nghị mừng công của nhà máy sản xuất quạt.

- Các đồng chí có nói thiếu điện và thiếu nguyên vật liệu. Về điện, tôi không biết nói thế nào. Tất cả cười. Ông nghỉ một lúc. Còn về nguyên liệu, các đồng chí chịu khó chạy lấy.

Ma Văn Kháng bảo y như một ông nông dân.

Những việc liên quan kỷ niệm Nguyễn Trãi:

Ông Võ Nguyên Gíáp nói về Nguyễn Trãi, y như nói về Cụ Hồ. Đoạn nói Nguyễn Trãi là nhà văn hoá, chỉ gợi ra được một chuyện Nguyễn Trãi làm văn.

Chọn nhầm ảnh. Nhân viên đưa ra một ảnh hơi mờ. Ông Hoàng Tùng bảo bên Hà Nội mới nó có cái ảnh rõ lắm. Sang lấy về in. Hoá ra ảnh Phan Thanh Giản. Báo phải xin lỗi và gọi chệch là ảnh Dương Khuê. Vì mình xưa nay vẫn ghét Phan Thanh Giản mà.

Một tay tâm thần ở chợ Hôm, cầm dao chém đứt đầu đâu 5, 6 người, bị thương nhiều người khác. Hắn cầm dao đi qua nhiều phố. Cho nên người ta tưởng là có nhiều kẻ đi chém bậy, lại đổ đi lùng một hồi.

Béc-linh-gơ (ĐCS Ý) – Theo tài liệu tham khảo đặc biệt:

Trường hợp Tiệp Khắc – Liên xô bỏ qua cơ hội thí nghiệm mở rộng dân chủ trong nội bộ các nước XHCN.

Trong chính trị, không có bản chất với hiện tượng gì. Những điều gì chưa xảy ra thì sẽ xảy ra, đang xảy ra.

Từ nay ĐCS Ý rút bỏ danh từ chủ nghĩa Mác Lê. Đảng chỉ thừa nhận lý tưởng và truyền thống văn hoá bắt nguồn từ tư tưởng Mác – Ăng ghen và được đổi mới nhờ các tư tưởng của Lê-nin.

Cái có thể học ở Mỹ là cách làm ăn có hiệu quả, óc mạo hiểm, một khả năng học tập cực lớn.

Nước Mỹ tiến một bước dài trong việc không còn đơn thuần coi triết học như một khoa học nhân văn nữa.

Các nước cộng sản không chỉ là cộng sản. Đó là những quốc gia với những sự xung đột nhau về quyền lợi, những sự kình địch nhau, thù oán nhau, những cách đào tạo về ý thức hệ và những sự cuồng tín riêng

Giáo hoàng: “Hãy coi chừng nếu tiếp tục sản xuất vũ khí thì rồi cuối cùng, người ta sẽ đem dùng nó đấy”.

Chuyện thất thu:

- Thất thu ở khâu vận tải hành khách trong thành phố khoảng 30%.

- Thất thu ở khâu nhà đất. Nhiều người không nộp tiền nhà. Từ khâu cho ở, đến khâu có hợp đồng, có khi hàng năm.

Đối đáp trên đường:

- Chị làm em mải nhìn, đâm cả vào xe người ta đây này.

- Mày có mê mớ rau muống của tao thì có!

Một người vào nhà Hồng. Bố mẹ Hồng đi vắng. Anh ta chỉ đứng ngoài cửa.

- Thôi, cứ đứng đây cũng được. Vào, cháu nó lại phải trông nhà, phiền ra.

27/11

Gạo lên 13 đồng một cân (giải thích – do lương cán bộ vừa được thêm phần phụ trợ). Guốc mỗi đôi lên một đồng.

Bác Hòa hàng xóm Thụy Khuê giữ trẻ 70 đồng một tháng.

Ông ngoại cháu Tú kể mỗi sáng mở mắt dậy lại sợ. Đường đường là một ông chủ nhiệm Hậu cần quân khu muốn gì có nấy. Nay về hưu phải trông hai cháu, trong đó có một cháu nhỏ 4 tháng. Lo cho nó từ chai sữa, múi cam.

Hai cán bộ công đoàn Đức sang VN, vào TP.HCM quay ra tới sân bay Nội Bài. Xe đi đón hỏng, nằm ở Gia Lâm chữa, bắt họ phải ngồi sân bay chờ mấy tiếng. Về Hà Nội họ chỉ kêu: Cho chúng tôi uống nước. Uống xong họ bỏ về khách sạn, không dự chiêu đãi.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ Tư. Đến ngày cuối cùng vẫn chưa biết ai sẽ làm chính khóa tới. Bọn tổ chức phải làm danh sách, nếu ông Đặng Quốc Bảo tiếp tục, cánh này sẽ làm; nếu người mới cánh kia sẽ làm.

Đại hội chính thức 3 ngày, nếu cả trù bị đâu 1 tuần. Trở về mỗi đại biểu được:

1 bộ quần áo comple, 1 va li rất nhiều sổ sách.

Trung ương Hội phụ nữ cho mấy chục ngàn.

Tổng công đoàn cho 30 ngàn.

Quân đội cho 1 triệu. Thảo nào có tiết mục ông Văn Tiến Dũng đến trao cờ cho ông Đặng Quốc Bảo.

4/12

Từ khoảng tháng 10 (hay 11), vụ Đặng Thái Sơn nổi lên mạnh mẽ.

Dân ai người ta cũng thích, thích hơn cả vụ Phạm Tuân. Có lẽ vì Phạm Tuân, là chuyện Tây nó cho, mà đây là tài thật.

Một kiểu nói dân gian: “Chó nó cũng lên vũ trụ được, nữa là người”.

Nhiều người coi hiện tượng ĐTS là tài năng âm nhạc của dân tộc. Bằng Việt bảo hình như âm nhạc, ta còn có Trần Văn Khê, Nguyễn Thiện Đạo, chứ mọi thứ khác có gì.

Khi nói về các khu vực văn học hay điện ảnh, mình cứ bốc nhau lên, chứ có đâu vào đâu. Còn khu vực âm nhạc mình bị bắt buộc phải theo Tây, cho nên dễ nên người hơn.

Theo Bằng Việt, nghe tiếng nhạc của Đặng Thái Sơn, thấy rõ một người rất tự tin. Và có cái chất riêng của tuổi trẻ. Nó cũng được tới trình độ của những Gilzburg, Oborin, Kogan đấy.

Tôi nhớ hồi mình 20, 22. Hình như vào tuổi ấy, con người cảm thấy mình có thể làm được đủ mọi chuyện, chỉ hích một cái, là cả thế giới đổi thay theo (!).

Bây giờ thì mất mất cái đó rồi, chỉ còn lo kiếm sống. Sự khiếp nhược đến quá sớm.

Từ lâu, đã nghe những chuyện xì xào chung quanh Đặng Thái Sơn. Ra có những chuyện xưa nay giấu. Sơn là con ông Đặng Đình Hưng, cho nên lúc được trường nhạc bên Liên xô nhận, vẫn không được đi. Sau bà Liên, mẹ Sơn phải lên nói với ông Đồng mới xong. Đến kỳ thi bên Ba Lan, Sơn cũng chưa được chú ý gì. Ở Liên Xô điện về nhà cho đi, Bộ ngoại giao + Bộ Văn hoá bảo không có tiền.

Sau ông Natason, thày giáo của Sơn bảo rằng nếu không ông ta bỏ tiền riêng cho Sơn đi. Bên nhà phải đồng ý vậy. Ở Ba Lan, Sơn cũng sống rất khổ.

Người khác đi thi, còn có cả gia đình đi theo. Sơn chỉ có một mình. Đến lúc vào kỳ ba, Sơn thiếu cả quần áo đàng hoàng “Nước mày sao khinh rẻ tài năng vậy” – bà giữ cửa khách sạn bảo vậy.

Vả chăng vấn để bảo vệ người cũng rất quan trọng. Ở một kỳ thi như thế này, trên thế giới, nó hại nhau là chuyện thường. Bà ta phải dặn Sơn là nhớ gõ cửa như thế nào mới mở cửa… Để tránh kẻ lạ, v.v.

Trần Vũ Mai bảo căn bản là trong Chopin với tay Sơn này có những khía cạnh rất gần nhau. Gần là ở chỗ nào? Nước mình thường bảo mình anh hùng. Nhưng căn bản là đau khổ ghê gớm chứ gì? Đây là chỗ làm cho Sơn gần Chopin đấy. Một thằng thanh niên ở Mỹ, sống sung sướng giàu có, làm sao hiểu được Chopin.

Mỡ lên 40 đ một cân. Ở Hàng Lược có đám cưới lo cho con gái 20.000 đ (Riêng cho con 10.000 đ để mua nhà). Mỗi bánh pháo 2,5 m.

Cậu Cường gửi cho ông ngoại 100 khăn mặt mỗi cái bán được hơn mười đồng (bán buôn, bán lẻ có thể 12 đ).

Ông Kiên, một cán bộ Đoàn cũ, cho rằng hiện nay ai cũng nhất trí ở chỗ là thanh niên có vấn đề. Thanh niên nó đang lảng ra, không gắn bó với Đảng – Nhà nước gì cả. Nó mê tín rất ghê. Tưởng là nó đùa chơi, nên mặc kệ. Hoá ra nó tin thật. Đang có sự khủng hoảng trên phạm vi toàn xã hội.

Khai tem phiếu 1981: 20 cột mục.

Báo cáo ông Trường Chinh tại kỳ họp Quốc hội 12 đại ý nói đất nước tuy thống nhất nhưng hai miền vẫn khác nhau. Dân ta không có thói quen tôn trọng pháp luật.

Những đứa trẻ trên đường Hà Nội lấy một cái chổi cùn, đốt lên để sưởi, nhưng reo ầm lên Ô-lanh-pích, ngọn lửa Ô-lanh-pích.

Một chiếc xe đạp phóng bạt tử qua ngã tư. Lúc tôi nhìn theo, thấy một cô gái, đầu để đôi bím kiểu 1960, nhưng mặc quần loe, xách cái túi lưới thưa, trong có tờ tạp chí Xây dựng Đảng.

Tạp chí Kinh tế Viễn Đông 7/12/80 viết: Kinh nghiệm của các nước cộng sản cho thấy nạn tham nhũng khó mà thanh toán nếu không phải là không thể thanh toán được; và theo ý kiến của một số nhà khoa học thì tệ đó thực sự là cần thiết để cho toàn bộ xã hội khỏi bị chế độ quan liêu của bản thân nó bóp nghẹt.

Sự khốn khó của kiếp người

Cách đây mấy tháng, ở chợ Hôm có một vụ đốt nhà giết người. Hai người hàng xóm ở cùng nhau, cùng là dân phe. A. đổ xăng ra nhà, đốt, cho B. chết + với cả chồng, con + 1 đứa con trong bụng = 4 người.

Người ta ồn lên vì nỗi giết người.

Toà xử tử hình.

Nhưng tất cả người đi dự phiên toà xin phạt nhẹ hơn. Ai cũng thương khóc.

A. là một người con gái khoảng 20 tuổi. Người nông thôn, nhưng vì gia đình mẹ chết, bố đi lấy vợ, nên bỏ lên Hà Nội.

Lấy người chồng bây giờ là lấy lẽ. Chồng hiện thời đi cải tạo lao động ở đâu rất xa. Chị ta phải tần tảo nuôi mẹ chồng, nuôi con. Người rất tử tế. Trong khi đó, vẫn là tạm trú ở Hà Nội, vẫn không có hộ tịch.

Đối thủ của chị ta cũng trẻ như chị, cũng dân phe phẩy. Nhưng mụ rất ác. Mụ từng bắt chồng ngồi yên để đánh. Gửi con ở nhà mẹ đẻ, có chút gì đó phải lôi về, mụ riếc móc: Phen này thì ngồi đấy mà há mồm.

Hai nhà đã chửi nhau đánh nhau nhiều phen. Trong phiên toà, A. kể có những lần đánh nhau, mụ B. cắn đứt đầu vú chị ta. Trông thấy, ai cũng rùng mình.

Bởi vậy, A. nghĩ nếu không giết nó nó cũng giết mình chết.

Lúc A. đi lùng mua xăng, một ý nghĩ loé ra. Đốt cho nó chết, rồi mình cũng đâm đầu vào đấy chết luôn thể.

Nhưng hỏi mãi, chẳng thấy đâu có bán xăng. May có một người khuyên đến phố Huế, đâu 2,5 đ một lít.

A. giục mẹ ẵm con đi, một mình ở nhà hành sự. Để thùng xăng cạnh cửa, giả vờ làm cháy cái gì đó, B. chạy ra, ẩy cửa, xăng đổ tung toé. Lửa thiêu chết cả mấy người.

A. thấy cái chết sợ quá bỏ trốn.

Sáng sớm, ra bến ô tô về quê, có mấy gã con trai tưởng ả là gái làm tiền trêu, ả bảo đừng có trêu tao, tao vừa đốt nhà thiêu chết người đây. Công an nghe tiếng bắt lại.

Ra toà, A. chỉ bảo:

- Tôi xin nhận tội chết. Chỉ xin cho con tôi bú một lần cuối cùng.

Sao mà có hơi hướng Dostoievski quá. Xã hội xấu, đẩy người ta vào vòng tội ác. Trần Vũ Mai bảo chính người tốt người ta mới hay phẫn trước mọi việc bất công và sinh ra làm liều.

Thư làm nhà in kể:

- Em ngày làm cho nhà nước tối thiểu 200, được lĩnh có 1,5 đ. Một ông khác tính làm ra vài vạn, được lĩnh có 2.000 (1 năm). Tham ô ăn cắp kinh khủng. Có thằng thông đồng với bảo vệ, ngày mang ra hàng cân báo (nếu in báo). Hiện nay, thằng nào lấy đến 4 tờ cũng bị bắt. (Giá ngoài, như chị Yên mua để nhuộm là 4 hào 1 tờ).

Đọc ở đâu đó “Tôn giáo là một nhân tố góp phần ổn định hoàn cảnh. Sự ổn định này tức là văn hoá”.

V.T.N.

Nguồn: FB Nhan Vuong Tri

This entry was posted in Vương Trí Nhàn, Xã Hội, XHCN. Bookmark the permalink.