April 20, 2024, 7:01 pm

Chuyện ít biết về Cuba, về Fidel Castro và Đường mòn Hồ Chí Minh

Raul Valdes Vivo (1929-2013), tác giả cuốn sách Tối mật, có 9 năm liền (1965-1974) là đại sứ Cuba tại Phnôm-pênh, chiến khu Tây Ninh và Hà Nội. Ông là nhà báo, nhà nghiên cứu có tên tuổi ở Cuba; từng là ủy viên Trung ương, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Cuba và Viện trưởng Học viện Lý luận cao cấp Nino Lopez...

Năm 1959, cách mạng Cu-ba thắng lợi, nhưng đã từ lâu Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam,  có chỗ đứng trong trái tim Fidel Castro. Fidel rất hiểu, Việt Nam muốn thống nhất đất nước, phải có chi viện từ miền Bắc vào miền Nam; nghĩa là phải có “con đường vận chuyển Bắc – Nam”.

Được một anh bạn học ở Cuba cho mượn cuốn sách Tối mật, và tôi đã biết thêm nhiều điều mới lạ về con đường Hồ Chí Minh...

Fidel Castro thăm UBND Cách mạng tỉnh Quảng Trị (Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam). (Ảnh TTXVN)

Con đường huyền thoại

Trong cuốn sách Tối mật, Raul đã kể lại tỉ mỉ cái buổi sáng 19/5/1959, thượng tá Võ Bẩm (sau này là thiếu tướng) nhận được điện lên Văn phòng Đảng ủy quân sự Trung ương, họp với thiếu tướng Nguyễn Văn Vịnh1. Ông được giao làm Đoàn trưởng Đoàn 559 với nhiệm vụ: Bí mật tuyển chọn cán bộ, xây dựng “đơn vị đặc biệt” chuẩn bị mở “con đường giao thông quân sự đặc biệt” có tên “Đường Hồ Chí Minh” – đưa bộ đội, vũ khí, thuốc men... vào Nam.  

Bắt tay ngay vào việc. Đầu tiên ông tuyển chọn trong số những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, lấy những người trung kiên nhất, làm “cán bộ khung”. Chỉ sau một tháng, Đoàn 559 có trong tay Tiểu đoàn 301 “gùi thồ” đầu tiên. Với khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, cán bộ chiến sĩ 559 có “chuyến mở tuyến đầu tiên”, vượt qua vĩ tuyến 17, vượt qua sự kiểm soát của phía Việt Nam Cộng hòa, tới được Pa Lin (tây nam Thừa Thiên - Huế).

Và ngày 13/8/1959 ghi nhận “chuyến hàng đầu tiên” của Đoàn 559. Mỗi người đeo trên lưng mình 20 kg hàng cùng súng đạn, giắt quanh thắt lưng là đồ ăn, nước uống... tay cầm dao quắm, vạch rừng mà đi. Gặp bà con dân tộc thì giả là lính biên phòng Sài Gòn. Sau 8 ngày gùi chuyển dọc đông Trường Sơn, đã tới Tà Riệp (Bắc A Lưới, Thừa Thiên – Huế)...

“Con đường mòn” cứ như thế dần được hình thành.

Những quyết định quan trọng

Con đường mòn này phải cắt ngang vĩ tuyến 17 (may mà vượt sông Bến Hải ở phía thượng nguồn nên không nhiều nước vào mùa khô). Nhưng nguy hiểm nhất là khi phải cắt ngang qua đường số 9 dẫn sang Lào, sau này quân đội Mỹ còn dựng lên hàng rào điện tử Mc Namara hiện đại... Công việc đang thuận lợi thì trong một chuyến hàng, có chiến sĩ để quên một thùng đạn ở đồn điền cà phê, bị chủ đồn điền phát hiện. Phía Sài Gòn cho cả tiểu đoàn càn đi quét lại... Buộc phải tạm dừng tuyến cả thời gian.

Bộ Chính trị nhận định: qua lại đường số 9 rất nguy hiểm nên thống nhất gặp gỡ, bàn bạc với các đồng chí Đảng Nhân dân cách mạng Lào, chuyển hướng cho con đường chạy sang phía tây Trường Sơn. Năm 1961, bạn thống nhất nhưng cũng đồng nghĩa: khối lượng vận chuyển cũng phải tăng gấp đôi, không chỉ cho ta mà cho cả bạn Lào (Thời gian này ở Lào thành lập Chính phủ liên hiệp trung lập nên ta đã cử 2 thiếu tướng Hoàng Sâm và Lê Chưởng sang giúp đỡ và tranh thủ sự ủng hộ, cho đến khi phái cực hữu phản bội).

Đầu 1965, do Đoàn 559 phát triển thành Bộ Tư lệnh 559 nên thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được cử làm Chính ủy kiêm Tư lệnh. Đến cuối năm ấy, đại tá Hoàng Văn Thái2 là tư lệnh và Võ Bẩm là phó tư lệnh. Tướng Phan Trọng Tuệ quyết định dùng lực lượng thanh niên xung phong tuổi đời mười tám đôi mươi, mở con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn (từ Phong Nha, Kẻ Bàng, Quảng Bình đến Ngã 3 Lùm Bùm, Khăm Muộn, Lào) dài 125km. Vì thế con đường có tên “Đường 20”! Từ đây, một mạng lưới đường xá, kho bãi, binh trạm dần phát triển từ Sê-pôn, dọc – ngang trải dài suốt 1000km...

Chuyến thăm lịch sử 3

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Việt Nam từng nhận được sự chi viện to lớn của Liên-xô, Trung Quốc và các nước XHCN về vật chất và tinh thần. Chính phủ Việt Nam từng kí những nghị định thư viện trợ vũ khí, khí tài, phương tiện chiến đấu, lương thực - thực phẩm, quân trang - quân dụng... với Liên-xô, Trung Quốc.

Trung Quốc từng viện trợ cho ta 500 xe cơ giới, phục vụ đường Hồ Chí Minh và đề nghị: cử sang 500 lái xe là chiến sĩ Trung Quốc. Nhưng ta không đồng ý với lí do: tuyến  đường này rất nguy hiểm, luôn bị máy bay và pháo từ hạm đội ngoài khơi rình rập, đặc biệt B-52 thường xuyên rải thảm, cái chết cận kề nên Việt Nam không muốn nhân dân Trung Quốc phải hy sinh con em mình nhiều hơn trên đất Việt. Sâu xa hơn, Đảng và Bác thấy món nợ về vật chất có thể trả được nhưng nợ máu rất khó trả (!). 

Vậy mà năm 1966, vị khách nước ngoài đầu tiên (theo đề nghị của Fidel) - đại sứ Raul - có “chuyến đi đặc biệt” vào thị sát Khu Bốn và vĩ tuyến 17. Ông được cùng đi với đại tá Đồng Sỹ Nguyên (phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm chủ nhiệm Hậu cần Tiền phương)4. (Thế mới biết quan hệ của Việt Nam và Cuba, của Fidel với Bác thân tình đến mức nào!).

Tràn đầy tình yêu với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng tới ngày 2/9/1969, Fidel không có may mắn được gặp Người. Năm 1971, đại sứ Raul rời Phnôm-pênh sang Hà Nội vì Lonon đã đảo chính Sihanuok. Giữa năm 1972, ý định của Fidel muốn vào thăm miền Nam Việt Nam qua Raul được trình bày với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. 

Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí kết ngày 27/1/1973. Ngày 12/9/1973, sau khi dự Hội nghị quốc tế ở Ấn Độ, Fidel bay sang Hà Nội. Ông được nhân dân Hà Nội đón tiếp thịnh tình. Trong chương trình, ông sẽ đi thăm Hải Phòng và không có lịch trình thăm khu mới giải phóng ở miền Nam. Đúng lúc đó, tại quần đảo Philippines hình thành một cơn bão sẽ đổ bộ vào miền Trung trong 2 ngày tới, có khả năng gây lũ lụt; đồng thời ta e ngại chính quyền Sài Gòn sẽ lợi dụng cơ hội tấn công phái đoàn Cuba. Vậy mà Fidel nói, “cuộc đi thăm Việt Nam chỉ thực sự có ý nghĩa” nếu như ông đi thăm được miền Nam!

Tình cảm chân thành và quyết tâm của Fidel đã thuyết phục Thủ tướng chấp thuận. Ông hiểu, sự có mặt của Fidel ở chiến trường lúc này sẽ động viên tinh thần của nhân dân trong cả nước, nhất là ở chiến trường chính. Ngay sáng hôm sau, 15/9, Thủ tướng cùng Fidel có mặt ở sân bay Gia Lâm, và có chuyến bay bí mật vào Đồng Hới - sân bay còn ngổn ngang bom đạn; trong khi đó nhân dân Hải Phòng đang nóng lòng chờ đón người bạn yêu quý. Tại đây, Fidel đã đi thăm Đồng Hới, Vĩnh Linh. Sớm 16/9, Fidel vượt vĩ tuyến 17. Thủ tướng tự hào khoe với Fidel là “người miền Nam lần đầu tiên được tranh thủ “thăm nhà” vài tiếng đồng hồ từ sau năm 1954”. 5 giờ 25 sáng, Bộ trưởng Quốc phòng Trần Nam Trung và Thứ trưởng ngoại giao Hoàng Bích Sơn (Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đón đoàn tại bờ nam sông Bến Hải.

Có câu chuyện cảm động! Khi đoàn qua sông Bến Hải, vô tình chứng kiến một cô gái lấp hố bom bên đường nhưng cuốc trúng bom bi và phát nổ. Fidel yêu cầu dừng xe và bật khóc khi thấy cô gái bị thương. Cô gái tên là Nguyễn Thị Hương. Khi đó, bệnh viên Vĩnh Linh đã hết máu dự trữ. Để có máu truyền cho Hương, Fidel đã điều xe ra Quảng Bình, mang máu về bệnh viện Vĩnh Linh. Sau một tháng điều trị, Hương đã ổn định. Cô được Fidel gửi cho quà gồm thuốc chữa bệnh, thuốc bổ và tấm danh thiếp. Sau này hễ có đoàn Cuba sang thăm,  Fidel  đều gửi quà cho cô.

Sau đó Fidel thăm thị xã Quảng Trị, thị trấn Đông Hà rồi ngược lên đường số 9 lên cao điểm 241 – Căn cứ Tâm Lâm. Tại đây, tướng Trần Nam Trung tặng Fidel chiếc xe tăng khổng lồ của Mỹ M-48. Fidel còn đi thăm căn cứ Dốc Miếu, hàng rào điện tử phòng thủ Mc Namara…

Và bí mật của chuyến đi được giữ kín cho đến khi chính Fidel trở về Hà Nội thông báo tin này.

Sự giúp đỡ chí tình

Sau đêm tiệc chiêu đãi, Võ Đại tướng cùng Thủ tướng đến thăm Fidel rất sớm. Bỏ qua nghi thức ngoại giao, họ có những trao đổi chân tình. Phía Việt Nam trình bày mong ước Hiệp định Paris được thực hiện nghiêm chỉnh, sớm lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng Tổng thống Thiệu hiểu rằng, Chính phủ Lâm thời dự kiến 3 thành phần thì chính quyền Sài Gòn sẽ là thiểu số; vì thế, họ sẽ rắp tâm phá hoại việc thi hành Hiệp định. Vì vậy, việc nâng cấp, mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh là cần thiết và Việt Nam cần đến sự giúp đỡ của Cuba về máy móc thiết bị, về huấn luyện đào tạo nhân lực Việt Nam ở Cuba cũng như ở Việt Nam.

Về thiết bị, Đại tướng nêu ý kiến: Nếu sử dụng xe máy công trình của Liên-xô và chuyển theo tuyến đường sắt quốc tế rất dễ bị tình báo Mỹ, Nhật nắm được. Ông đề nghị “xe máy phải là của Nhật” với lí do “thực hiện Hiệp định Cuba – Việt Nam”: xây dựng một con đường dân dụng ở miền Bắc từ Xuân Mai đi Ba Vì. Như vậy “ngụy trang” được việc mua máy móc hiện đại mà đường Hồ Chí Minh cần. Fidel nhất trí và đồng ý cả việc xây dựng Bệnh viện Đồng Hới - để chữa trị cho bà con Quảng Bình, Vĩnh Linh phải chịu đạn bom Mỹ suốt 20 năm qua cùng xây dựng Khách sạn Thắng Lợi ở Hà Nội.

Ngay sau đó, 2 công trình sư Cuba mang 6 triệu đô-la tiền mặt sang Nhật mua xe ủi, xe xúc, xe tải nặng của hãng Kawasaki, Komatsu... Trên vận đơn ghi “Lô hàng chuyển tới cảng: La Havana, Cuba” nhưng tầu viễn dương Cuba đã tạt vào cảng Hải Phòng xuống hàng.

Vĩ thanh!

Nhờ có đường mòn Hồ Chí Minh dọc theo sườn đông và sườn tây Trường Sơn cùng đường mòn Hồ Chí Minh trên biển mà từ năm 1959 đến năm 1975, chúng ta đã đưa được 16 triệu tấn hàng hóa (vũ khí, thuốc men, lương thực - thực phẩm) cùng các binh đoàn hùng mạnh vào chi viện cho cách mạng miền Nam; sau đó còn chở ra Bắc 700 nghìn thương bệnh binh và nhân dân. Những công nhân trong “đội bóng chày” (tên gọi đội làm đường Cuba trên đường mòn Hồ Chí Minh) đã làm đến ngày cuối cùng 30/4/1975. Trong thắng lợi vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc phải kể đến sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Cuba anh em mà trực tiếp là Fidel Castro.

Năm 2020, kỷ niệm 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, và 130 năm Ngày sinh của Bác, xin kể lại câu chuyện về “con đường huyền thoại” từ góc nhìn về tình cảm của nhân dân Cuba với nhân dân Việt Nam, của Fidel với Hồ Chí Minh. Đó chính là giá trị tinh thần vô giá để lại cho thế hệ mai sau!

_________

1. Khi này là Phó Tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng Quốc phòng. Trung tướng (8/1959), Chủ nhiệm Ủy ban Thông nhất chính phủ (1960).

2. Trung tướng (1982), quyền Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (1987-88).

3. Fidel còn có 2 chuyến thăm Việt Nam vào 12/1995 và 2/2003.

4. Ông là Tư lệnh Bộ tư lệnh 559 thời gian (1967 – 1976).

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020


Có thể bạn quan tâm