Cơ hội và rủi ro năm 2024

Nguyễn quang Dy

Mỗi khi năm mới đến, người ta thường đề cập đến cơ hội và rủi ro sắp tới. Dự báo chính xác để hoạch định chính sách phù hợp là thiết yếu để tránh bị động chiến lược. Nhưng việc đó ngày càng khó trong một thế giới đầy ẩn số và biến số khó lường. Năm 2023 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với Việt Nam. Năm 2024 có thể là một năm “bản lề” (pivotal year). Hy vọng Việt Nam sẽ xoay chuyển tình thế để “biến nguy thành cơ”.

 Trung Quốc vẫn suy thoái

Thế giới hầu như thoát khỏi đại dịch Covid, nhưng Trung Quốc vẫn phải trả giá, với hệ quả nặng nề và dai dẳng. Chuỗi cung ứng bị đứt gẫy và kinh tế bị suy thoái do nhiều nguyên nhân như thiên tai và nhân họa. Nội bộ Trung Quốc bộc lộ nhiều mâu thuẫn và quản trị kinh tế kém hơn trước. Trong thời kỳ “hậu Covid”, Trung Quốc hội tụ nhiều rủi ro khó lường (Xi Jinping and China face another tough year, Economist, January 2, 2024).

Nhân dịp đầu năm, Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận: “chúng ta sẽ gặp phải gió ngược chiều trên đường” (Along the way, we are bound to encounter headwinds). Đó là cách nói giảm nhẹ (understatement) những bất ổn của Trung Quốc. Hơn một triệu người bị chết trong đại dịch. Nền kinh tế vẫn chưa có đà phục hồi. Số thanh niên thất nghiệp vẫn tăng. Thị trường bất động sản vẫn đình trệ. Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng lo ngại.

Năm 2024, “gió ngược chiều” càng mạnh. Tại các nước Phương Tây, người ta đón năm mới với mối lo về Trung Quốc đang trở thành “nguồn gốc rủi ro” (a source of risk). Kinh tế suy thoái và cạnh tranh chiến lược với Mỹ gia tăng. Tập Cận Bình chủ trương đối đầu với Phương Tây trên nhiều lĩnh vực nhằm bảo vệ chế độ. Để đối phó với khủng hoảng, chủ nghĩa dân tộc không còn hiệu quả. Các cuộc biểu tình “giấy trắng” là một minh chứng.

Một dấu hiệu bất ổn là “Trung ương 3” vẫn chưa được tổ chức vào cuối năm 2023 như dự kiến nhằm cải cách kinh tế. Việc Trung Quốc phải hoãn họp “Trung ương 3” sau chu kỳ năm năm đã gây ra nhiều đồn đoán trong dư luận về sự bất ổn trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc. Tuy các quan chức cấp cao Trung Quốc đã họp vào tháng 12/2023 để thảo luận về các vấn đề kinh tế cấp bách, nhưng vẫn chưa có giải pháp gì mới cho tăng trưởng.

Phong trào biểu tình “giấy trắng” là một biểu tượng về phản đối kiểm duyệt. Cũng như biểu tình tại Thiên An Môn trước đây, họ đã hát bài Quốc tế ca. Đó không phải là một thông điệp về ý thức hệ, mà về nổi loạn (revolt). Tại Thượng Hải, nhiều người còn hô “Đảng Cộng sản hãy từ chức” và “Tập Cận Bình hãy từ chức”. Tại một đất nước bị theo dõi chặt chẽ bằng công nghệ, đó là một hành động dũng cảm đặc biệt ám ảnh Tập Cận Bình.

Tại một cuộc họp (23/12/2023) thảo luận các nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2024, các giám đốc công an tỉnh và thành phố đã được lệnh của Bắc Kinh phải “thắt chặt các sợi dây an ninh chính trị”. Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cùng một số tướng lĩnh đã bị cách chức đột ngột vì những lý do bất thường. Chiến dịch “làm trong sạch nội bộ” năm 2023 chắc sẽ được đẩy mạnh năm 2024.

Thay vì thúc đẩy cải cách kinh tế thị trường, một khi “Trung ương 3” được tiến hành, chắc sẽ nhấn mạnh sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng và Tập Cận Bình. Bầu không khí ảm đạm của khu vực kinh tế tư nhân chắc vẫn tồn tại trong năm 2024. Dù ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thì Trung Quốc vẫn là mối lo chính của Washington. Mỹ sẽ tiếp tục thắt chặt đầu tư và thương mại nhằm cản trở phát triển công nghệ ở Trung Quốc.

Mỹ cũng đang bất ổn

Trong bối cảnh đó, việc cập nhật thông tin và dự báo về cơ hội và rủi ro trong năm 2024 là một “hoạt động tri thức cần thiết” (useful intellectual exercise). Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2024 là một “sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất” (most significant event). Ai thắng, ai thua sẽ tác động rất lớn không chỉ đối với Mỹ mà còn với cả thế giới, vì các ứng cử viên rất khác nhau (The world in 2024, Richard Haass, ASPI, 9 January 2024).

Tuy các ứng cử viên nhất trí cần phải cứng rắn đối với Trung Quốc, nhưng họ khác biệt nhiều hơn là đồng thuận. Trong khi Joe Biden là một chính khách tin vào nền dân chủ và ủng hộ các quy chế dân chủ, sẵn sàng cộng tác với các nước đồng minh và đối tác vì tầm nhìn và hệ thống giá trị, thì Donald Trump là một nhân vật “tay ngang” không đảng phái, không chấp nhận quy tắc chính trị và coi vai trò cá nhân của mình cao hơn nền dân chủ.

Trong khi Trump coi các đồng minh là đối thủ kinh tế và thích chơi với các nhà chuyên chế (autocrats) liên quan đến các vấn đề như biến đổi khí hậu và chính sách nhập cư, Biden lại coi giai đoạn hiện nay là thời điểm cạnh tranh giữa dân chủ và chuyên chế, với lập luận rằng Mỹ cần giúp các nước bạn bè dân chủ trên toàn thế giới. Nhưng vấn đề lớn nhất của Trump hiện nay là liệu các vấn đề pháp lý có trở thành các vấn đề chính trị không.

Ông Trump đang đối mặt với bốn vụ kiện lớn, trong đó có hai vụ kiện cấp liên bang ở D.C. về âm mưu đảo ngược kết quả bầu cử, và ở Florida về vụ tàng trữ bất hợp pháp các tài liệu mật của chính phủ Mỹ. Ông Trump đã hai lần bị Hạ viện luận tội nhưng cả hai lần đều được Thượng viện tha bổng vì không đủ số phiếu kết tội. Việc ông có được miễn tội hình sự trong vụ 6/1 hay không sẽ quyết định liệu ông có thể ứng cử tổng thống hay không.

Hiện nay, Thượng viện nằm trong tay đảng Dân chủ, trong khi đảng Cộng hòa nắm đa số trong Hạ viện. Nhưng sau tháng 11 năm nay, có thể tình thế sẽ đảo ngược. Nếu Trump thắng cử thì Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát, có thể thành trở ngại lớn nhất cho quyền lực của Trump tại cấp liên bang, trừ phi Tòa án Tối cao tỏ ra bảo thủ hơn ý thức hệ. Nhưng nếu Biden thắng cử thì Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể là trở ngại lớn.

Với hai cuộc chiến tranh lớn đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông, sự lãnh đạo của Mỹ và các giải pháp đa phương càng quan trọng. Nhưng nhiều người lo ngại nếu Trump trở lại Nhà Trắng thì vai trò lãnh đạo của Mỹ sẽ không tồn tại lâu. Washington có thể hướng tới chủ nghĩa biệt lập. Đó sẽ là hồi chuông báo tử cho cam kết của Mỹ đối với chủ nghĩa đa phương. Nếu Mỹ rút khỏi NATO và Châu Âu thì vận mệnh của Ukraine sẽ bị đảo ngược.

Bầu cử Tổng thống năm 2024 có thể làm đảo lộn chính sách đối ngoại Mỹ. Tác động lớn nhất đối với thế giới có lẽ là sự khác biệt về phong cách và điều hành. Trump và Biden khác nhau về một loạt vấn đề như chủ nghĩa đa phương, biến đổi khí hậu, và Đài Loan. Trong khi Trump trước đây chế ngự sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng thuế quan, Biden hiện nay kết hợp thuế quan với biện pháp kiểm soát đầu tư và xuất khẩu công nghệ.

Quan hệ Mỹ-Trung năm 2024 chắc không có gì thay đổi đột ngột. Có lẽ Trung Quốc muốn tập trung vào kinh tế nên không muốn đối đầu với Mỹ, vì điều đó có thể dẫn đến kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư chặt chẽ hơn. Cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas đã bước vào tháng thứ ba. Nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu hay một chính phủ như vậy tiếp tục cầm quyền thì triển vọng giải quyết xung đột bằng ngoại giao rất mong manh.

Nếu Trump trở lại nhà trắng, thế giới phải chuẩn bị cho một chính phủ Mỹ “thất thường, khó đoán, và ngang ngược”. Phong cách của Trump luôn luôn muốn khoa trương và gây hỗn loạn. Năm 2016, Trump đã chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương và gắn nó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngay sau khi đắc cử, Trump đã lập tức rút Mỹ khỏi TPP và Hiệp định Khí hậu Paris. Nay ông vẫn liên tục dọa sẽ rút Mỹ khỏi WTO và WHO.

Chính trị và đối ngoại

Vì vậy, các đồng minh và đối tác của Mỹ đang cảnh giác trước khả năng Trump có thể trở lại Nhà Trắng. Nếu điều đó diễn ra thì hệ quả đối với quan hệ Mỹ-Trung sẽ rất nặng nề. Nhiều nước sẽ phải lựa chọn khó khăn giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, một ứng cử viên nặng ký của đảng Cộng Hòa là bà Nikki Haley lại đưa ra một chương trình nghị sự theo chủ nghĩa quốc tế, muốn Mỹ sử dụng quyền lực một cách táo bạo hơn cả Biden.

Các nước G-7 đã họp hội nghị thượng đỉnh tại Cornwall, Anh (6/2021) và cam kết với “Sáng kiến Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn” (nay được gọi là “Quan hệ Đối tác về Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu”). Biden đang tìm cách tập hợp các cường quốc hàng đầu của Phương Tây nhằm hỗ trợ cho các đối tác dựa trên giá trị. Hiện nay nỗ lực đó đang tiến triển rất chậm, nhưng nếu Trump trở lại Nhà Trắng thì nó có thể bị đình trệ hoàn toàn.

Năm 2024, rất nhiều nước tổ chức bầu cử, trong đó có Đài Loan (13/1/2024). Ông Lại Thanh Đức (William Lai) của đảng cầm quyền DPP (Dân Tiến) đã thắng cử và kế nhiệm bà Thái Anh Văn. Việc Đảng KMT (Quốc Dân) thất bại, có thể làm Trung Quốc phản ứng, tăng cường sức ép quân sự, kinh tế và chính trị với Đài Loan (What Another Trump-Biden Showdown Means for the World, Leslie Vinjamuri, Foreign Policy, January 3, 2024).

Trung Quốc đã đầu tư lớn và tinh vi để tác động đến tranh cử và chính trị của Đài Loan. Họ đã chi hàng chục tỷ USD cho chiến dịch gây ảnh hưởng nhằm ủng hộ các ứng cử viên của Đảng Quốc Dân. Trong cuộc tranh cử lần này, Bắc Kinh tiếp tục tung tin thất thiệt (misinformation) và sử dụng các nhân tố bên trong (local proxies) để gây chia rẽ nội bộ Đài Loan, nhằm làm cho cử tri lo ngại về chiến tranh và căng thẳng tại eo biển Đài Loan.

Chính phủ Đài Loan đã có những sáng kiến hiệu quả để đối phó và loại bỏ các tay sai Trung Quốc (Chinese proxies). Hệ thống bầu cử của Đài Loan vẫn cởi mở và vững mạnh, vì dân chúng rất nhạy cảm đối với sự can thiệp của Trung Quốc. Chống lại Trung Quốc can thiệp vào nội bộ là một thách thức lớn, nhưng Đài Loan đã đối phó có hiệu quả (Can China Swing Taiwan’s Elections? Kenton Thibaut, Foreign Affairs, January 12, 2024).

Sau đó khoảng hai tháng, nước Nga cũng tổ chức bầu cử tổng thống (3/2024). Tuy chưa thể dự báo chắc chắn, nhưng ông Vladimir Putin có thể giành thắng lợi thêm một nhiệm kỳ nữa. Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ bước vào năm thứ ba, nhưng không bên nào có thể áp đặt ý chí của mình trên chiến trường hay sẵn sàng đàm phán. Putin có vẻ tự tin rằng thời gian sẽ làm suy yếu ý chí ủng hộ Ukraine của phương Tây, nếu Trump thắng.

Có người cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng thống Joe Biden tại San Franscisco (15/11/2023) là một dấu hiệu hai nước quay lại hợp tác (engagement). Nhưng theo Giáo sư Joe Nye (Harvard), đó chỉ là một bước nhỏ để giảm căng thẳng (a minor détente) chứ không phải là một thay đổi lớn về chính sách (a major change in policy). “Hợp tác đã chết từ năm 2016” (What killed US China engagement? Joe Nye, ASPI, 12 Jan 2024).

Trong bối cảnh hiện nay khi Trung Quốc và Mỹ đều có những vấn đề đối nội và đối ngoại rất phức tạp, cả hai đều không muốn có một cuộc khủng hoảng mới tại Đài Loan. Ông Tập Cận Bình vẫn phải tỏ ra cứng rắn và tiếp tục đe dọa “thu hồi Đài Loan”, chủ yếu nhằm mục đích chính trị nội bộ (để giữ thể diện) hơn là chủ trương thực sự. Khả năng Trung Quốc tấn công để thu hồi Đài Loan bằng vũ lực tuy không loại trừ nhưng bất khả thi.

Theo một số chuyên gia, công nghệ bán dẫn tiên tiến của Đài Loan có thể giúp họ tránh được nguy cơ bị Trung Quốc tấn công. Tập đoàn TSMC kiểm soát hơn 60% thị trường vi mạch của thế giới. TSMC đã giúp Đài Loan (với 24 triệu dân) trở thành một trong các nền kinh tế hùng mạnh nhất ở Châu Á. TSMC trở thành “chiếc lá chắn silicium” hay “thần hộ mệnh” giúp bảo vệ Đài Loan trước nguy cơ bị Trung Quốc tấn công bằng vũ lực.

Tuy tương lai của Đài Loan phụ thuộc vào công nghệ mũi nhọn là bán dẫn, nhưng lá chắn răn đe thực sự để bảo vệ Đài Loan là sức mạnh quân sự của Mỹ và Đài Loan. Về lâu dài, công nghệ bán dẫn sẽ nằm trong tay Mỹ và Trung Quốc, và cách thức hai bên duy trì nguyên trạng. Nhưng trước mắt, lãnh đạo TSMC khẳng định toàn bộ các khâu then chốt trong đổi mới công nghệ của TSMC trong ba thập niên qua sẽ không rời khỏi Đài Loan.

Theo các chuyên gia, Mỹ phải hỗ trợ các nỗ lực của Đài Loan để xây dựng chiến lược phòng thủ “con nhím”. Mỹ có thể giúp Đài Loan tàng trữ vũ khí và huấn luyện để bảo vệ bờ biển và và bầu trời. Đài Loan cần một lực lượng phòng vệ dân sự mạnh, và dự trữ chiến lược các vật dụng thiết yếu như thực phẩm và chất đốt, để răn đe và khi cần đánh bại một cuộc xâm lược hay bao vây cấm vận (Taiwan and the True Sources of Deterrence, Bonnie Glaser, Jessica Chen Weiss, Thomas Christensen, Foreign Affairs, January/February 2024).

Ngoại giao cây tre

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã dàn xếp thành công quan hệ chiến lược với Mỹ và Trung Quốc, để tránh bị mắc kẹt vào bàn cờ cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng giữa hai siêu cường tại khu vực. Việt Nam đã nâng cấp thành công quan hệ với Mỹ lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) ngang hàng với Trung Quốc và Nga, mà không bị họ phản ứng quá đáng. Nói cách khác, đó là do Việt Nam đã vận dụng thành công “Ngoại giao cây tre”.

Có thể nói, Việt Nam đã điều hòa được cân bằng chiến lược trong quan hệ nhạy cảm với các siêu cường như Mỹ và Trung Quốc. Hình tượng cây tre (hay cây trúc) đã được dùng để trang trí cho phòng khách lớn khi lãnh đạo Hà Nội đón tiếp Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng như phòng họp báo của Tổng thống Biden ở Hà Nội (10/9/2023). Để làm rõ hơn về ngoại giao cây tre, cần tham khảo các bình luận của dư luận quốc tế.

Theo giáo sư Carl Thayer, Việt Nam đã đón tiếp thành công cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khi nâng cấp quan hệ với Mỹ lên CSP. Đó là “một thành công lớn, nhưng một phần là do tình cờ”. Nếu không khéo, “Việt Nam có thể đánh mất bạn bè và sự tín nhiệm với ngoại giao cây tre” (Việt Nam có thể đánh mất bạn bè và sự tín nhiệm với ngoại giao cây tre, phỏng vấn Carl Thayer, VOA, 4/1/2024).

Ngoại giao cây tre (bamboo diplomacy) đã được Việt Nam vận dụng để cân bằng quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc. Theo Thayer, “Việt Nam đã gửi bốn giấy mời tới ông Biden trước khi ấn định được ngày giờ thăm cụ thể”. Kết quả là hai bên đã quyết định “nhảy vọt về phía trước”. Việt Nam đã linh hoạt nâng cấp quan hệ với Mỹ để tìm cách tối đa vị thế của mình về kinh tế, trong khi Trung Quốc gặp rắc rối.

Ngoại giao tre của Việt Nam chủ yếu nhằm vào quan hệ Mỹ-Trung, với chủ trương “kiên định về nguyên tắc nhưng linh hoạt về chiến lược”. Nhưng thực chất nó chủ yếu hướng tới dư luận trong nước. Trong khi đó, thỏa thuận “cộng đồng chia sẻ tương lai” trong thông cáo chung Việt Nam-Trung Quốc “không thấy có cam kết thực hiện”. Carl Thayer gọi đó là cách “bày hàng tủ kính”, vì bằng cách đó, Việt Nam không mất gì mà được nhiều.

Ngoại giao cây tre có một số nghịch lý vì đó không thực sự là một định hướng chắc chắn hay tuyệt đối cho chính sách đối ngoại của Việt Nam trong tương lai. Nó cũng không phải là một liều thuốc chữa bách bệnh. Nếu Chính quyền Biden bị thay thế bởi Chính quyền Trump thì Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Quốc hội Mỹ có thể tức giận với Hà Nội về một số vấn đề cụ thể, trong khi ngoại giao cây tre quá trừu tượng để xử lý các vấn đề đó.

Vì vậy, ngoại giao cây tre vừa có điểm mạnh vừa có điểm yếu. Đó không phải là một ý tưởng tuyệt vời đột nhiên xuất hiện để giải quyết các vấn đề của Việt Nam. Hiện nay, thế giới đang phân cực hơn bao giờ hết, nên việc tránh chọn bên ngày càng khó khăn hơn. Việt Nam sẽ không trở thành đồng minh hiệp ước chính thức với bất kỳ ai, nhưng Việt Nam sẽ mất đi sự tín nhiệm nếu không lên tiếng về các vấn đề cơ bản như nhân quyền.

Ngoại giao cây tre không phải là một chiến lược lâu dài trong quan hệ quốc tế. Không có văn bản chính thức nào mà chỉ có một loạt các bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng về ngoại giao cây tre. Đó chỉ là sách lược để duy trì tự chủ, độc lập và không liên kết của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đó không phải là sự liên kết hay liên minh bằng hiệp ước mà chỉ là hợp tác nhiều hơn với Mỹ, Nhật và Hàn Quốc chủ yếu vì lý do kinh tế.

Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với các nền kinh tế mạnh như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, và Úc. Sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện, Giáo sư Alexander Vuving (APCSS) bình luận về ngoại giao cây tre rằng “Việt Nam cần tránh chọn bên trong cuộc chiến của các cường quốc, nhưng cũng phải tham gia hoặc thậm chí tạo ra cơ chế nhằm thúc đẩy chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và khả năng tự cường của mình”.

Với những thành công về ngoại giao gần đây, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam không chỉ thoát khỏi nguy cơ bị mắc kẹt trong bàn cờ chiến lược giữa hai siêu cường, mà còn có thể góp phần giúp Mỹ và Trung Quốc giảm căng thẳng. Hà Nội đã có kinh nghiệm đứng ra làm trung gian hòa giải thành công giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên (27-28/2/2019), nay có thể vận dụng kinh nghiệm đó với Mỹ và Trung Quốc, hay Mỹ và Nga.

Rủi ro và thách thức

Việt Nam đã nâng cấp lên “đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ và các nước khác, tạo cơ hội để “biến nguy thành cơ”, giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghệ cao như bán dẫn và chuyển đối số. Khai trương Trung tâm Đổi mới Sáng tạo” (NIC) là một tín hiệu tích cực. Nhưng nếu không đổi mới nhanh về đào tạo nguồn nhân lực và thể chế, thì khó “giữ được chân đại bàng” (Đại bàng ở trọ, VNExpress, 23/11/2023).

Đầu tư vào con người và công nghệ cao để vươn lên trong chuỗi giá trị phải là ưu tiên số một, vì năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước ASEAN. Theo ông Phạm Chánh Trực, “Nếu cứ đi với tốc độ như hiện tại, làm sao đạt được mục tiêu trở thành nước giàu”. Intel đã đầu tư vào Việt Nam cách đây 17 năm, nhưng thuyết phục họ đầu tư thêm là rất khó. Gần đây, Intel quyết định đầu tư thêm vào Ba Lan, chứ không phải Việt Nam.

Đối mới về “lượng” phải đi đôi với “chất”. Trong số 26 nhà cung cấp của Samsung ở Việt Nam, có 22 công ty Hàn Quốc, 2 Nhật Bản, 2 Trung Quốc, không có Việt Nam. Theo TechInsights, để sản xuất một chiếc smartphone của Samsung, khâu lắp ráp, kiểm tra tại Việt Nam chỉ chiếm 5% giá thành sản xuất. Việt Nam hiện có tỷ lệ liên kết xuôi thấp hơn nhiều nước Đông Nam Á, và đang tiếp tục giảm, trong khi đó liên kết ngược tăng dần.

Các tập đoàn FDI khó bám rễ tại Việt Nam khi sợi dây liên kết với nền kinh tế trong nước rất mỏng manh. Các doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ cao. Malaysia và Singapore có một hệ sinh thái sản xuất bán dẫn hoàn chỉnh với doanh nghiệp nội địa đảm nhận được tất cả các khâu từ thiết kế, chế tạo đến lắp ráp, kiểm định chip. Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, xếp trên Việt Nam về ECI.

Một rủi ro nữa là quá trình chuyển giao quyền lực ở Việt Nam có lỗ hổng. Cho đến nay vẫn chưa chọn được ai thay thế vị trí Tổng Bí thư. Ông Đinh Thế Huynh và Trần Quốc Vượng đã bị loại. Đến nay, ông Trọng vẫn cầm trịch, mặc dù đã 80 tuổi và bị đột quỵ. Tại hầu hết các nước, thông tin về sức khỏe lãnh đạo cấp cao đã được giữ kín, đặc biệt là ở các nước cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, dễ gây đồn đoán và thuyết âm mưu.

Gần đây, có tin TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhập viện (27/12/2023) trong tình trạng đau đầu dữ dội, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, tức ngực, đi lại loạng choạng, ngất nhiều lần, khó thở nghiêm trọng, Viện 108 đã chẩn đoán ông bị nhồi máu não. Khi chụp cắt lớp sọ não, các bác sĩ đã hội chẩn và kết luận ông bị “cơn thiếu máu não thoáng qua” (Transient Ischemic Attack), nhưng không gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc nhồi máu não cấp tính.

Báo chính thống không đưa tin về sức khỏe ông Trọng, nhưng nội bộ đã tuồn ra tin thất thiệt về bệnh tình ông Trọng “cực kỳ nguy hiểm, hôn mê nhiều lần, sắp chết, không kịp trăng trối hay viết di chúc”. Tuy “sinh-lão-bệnh-tử” là quy luật không ai tránh khỏi, nhưng sẽ là cú sốc lớn và thảm họa nếu ông Trọng qua đời lúc này, khi việc dàn xếp chuyển giao quyền lực chưa xong, chống tham nhũng còn dang dở, ngoại giao cây tre mới bắt đầu.

Nhưng ông Trọng đột ngột xuất hiện, dự phiên khai mạc Quốc hội bất thường (sáng 15/1/2024) làm nhiều người bất ngờ và đầy kịch tính (anti-climax). Trong bối cảnh các nhóm lợi ích vướng vào tham nhũng hoặc tranh giành quyền lực, muốn “ném đá dò đường”, đây là một cú sốc mạnh đối với họ, làm dấy lên tin đồn về thuyết âm mưu “cáo giả chết bắt quạ”. Nhưng dù hiểu theo cách nào, thì đây là một tin mừng và một nước cờ ngoạn mục.

Nhưng điều đó không thể phủ nhận lỗ hổng về thể chế và chuyển giao quyền lực tại Việt Nam khi vận mệnh quốc gia đặt trong tay một lãnh đạo đã ngoài 80 tuổi, bị tai biến, nhưng vẫn chưa ai có thể thay thế nên đang phải cầm chịch. Nói cách khác, đó là “khoảng trống quyền lực” (power vacuum) và “khủng hoảng lãnh đạo” (leadership crisis) không mong muốn (undesirable) trong một thế giới bất an, với nhiều ẩn số và biến số khó lường.

Trong bối cảnh đất nước có nhiều cơ hội và rủi ro khó lường như hiện nay, ai lên làm Tổng Bí thư để kế nhiệm di sản của ông Nguyễn Phú Trọng về đối nội (tiếp tục chống tham nhũng) và đối ngoại (tiếp tục ngoại giao cây tre) phải có thực lực và sức mạnh như lực lượng vũ trang làm hậu thuẫn, để đảm bảo ổn định và an ninh quốc gia lúc này. Trong trường hợp đó, Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng Quốc phòng là những ứng cử viên nặng ký.

Thay lời kết

Tại mỗi bước ngoặt của lịch sử, vai trò của lãnh đạo rất quan trọng. Năm 2024 là năm bản lề, diễn biến càng khó lường nếu không kiểm soát được rủi ro. Tuần qua, người Việt từ cán bộ cấp cao đến anh lái xe taxi, đều lo lắng hỏi thăm sức khỏe của ông Trọng. Đó là một dấu hiệu đáng mừng. Đây chính là lúc cần đồng thuận quốc gia và đoàn kết dân tộc. Vì vậy, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích nhóm và cá nhân, để “biến nguy thành cơ”.

Tham khảo

1. Xi Jinping and China face another tough year, Economist, January 2, 2024

2. What Another Trump-Biden Showdown Means for the World, Leslie Vinjamuri, Foreign Policy, January 3, 2024

3. The world in 2024, Richard Haass, ASPI, 9 January 2024

4. What killed US China engagement? Joe Nye, ASPI, 12 January 2024

5. Can China Swing Taiwan’s Elections? Kenton Thibaut, Foreign Affairs, January 12, 2024

6. Taiwan and the True Sources of Deterrence, Bonnie Glaser, Jessica Chen Weiss, Thomas Christensen, Foreign Affairs, January/February 2024

7. Trump Is Already Reshaping Geopolitics, Graham Allison, Foreign Affairs, January 16, 2024

8. Đại bàng ở trọ, VNExpress, 23/11/2023

9. Việt Nam có thể đánh mất bạn bè và sự tín nhiệm với ngoại giao cây tre, phỏng vấn Carl Thayer, VOA, 4/1/2024

N.Q.D.

16/01/2024

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chính trị Việt Nam và thế giới 2024, Ngoại giao cây tre, Nguyễn Quang Dy. Bookmark the permalink.