Có một Nhượng Tống “thiên tài dịch thuật”

Thứ Năm, 23/01/2020, 09:16
Nhượng Tống sinh năm 1906 (Bính Ngọ), quê ở Đô Hoàng, Nam Định, là một người có số phận hết sức đặc biệt.


Được ông nội dạy chữ Hán trong gần 10 năm, ông làm báo từ rất sớm, quãng năm 16 tuổi. Là thành viên Việt Nam Quốc dân Đảng, ông bị thực dân Pháp bắt năm 1929 đày đi Côn Đảo, từ Côn Đảo về đất liền năm 1933. Làm thuốc chữa bệnh ở quê nhà từ năm 1934 đến 1944. Trong thời gian ở quê nhà, ông dồn tâm sức vào sáng tác, dịch thuật, để lại những trước tác cực kỳ có giá trị trong nền văn học Việt Nam.

Tây Sương ký - "Tài tử thư" đầu tiên của Nhượng Tống

Nhà phê bình văn học cuối Minh đầu Thanh Kim Thánh Thán xếp Tây Sương ký vào hàng thứ 6 trong Lục tài tử thư, còn bản dịch Tây Sương ký của Nhượng Tống, mà Nhượng Tống đã Việt hóa thành Mái Tây, nếu xếp theo thứ tự xuất bản, là bản "tài tử thư" đầu tiên! Khi dịch Tây Sương ký, Nhượng Tống đã đổi tựa đề vở kịch hát này thành Mái Tây, lấy trong một câu Kiều của Nguyễn Du, cảnh Thúy Kiều lần đầu đánh đàn cho Kim Trọng nghe:

Mái Tây để lạnh hương nguyền

Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

Có một sự khác biệt: từ một câu chuyện tầm thường Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du đã viết nên một thiên Truyện Kiều tuyệt tác; còn Nhượng Tống thì chuyển ngữ từ một tuyệt tác văn học cổ Trung Hoa thành một tuyệt tác tiếng Việt.

Nếu các dịch phẩm sử hay triết của Nhượng Tống bộc lộ sự uyên bác, thâm trầm sâu kín thì trong Mái Tây lại là một Nhượng Tống khác lạ, tuyệt đối duy mỹ. Câu chuyện chàng - nàng lén lút yêu nhau với sự giúp sức của con hầu nhằm phản đối sự áp đặt của bà mẹ tai nghiệt là một mô-típ hết sức quen thuộc trong văn hóa cổ kim Đông Tây, dù dưới những dạng thức khác nhau. Mẹ càng cấm đoán con càng đắm say! Chàng Trương Quân Thụy mới thoáng nhìn thấy nàng Thôi Oanh Oanh đã say như điếu đổ, hồn vía rụng rời. Hỏi han dò la con hầu, bị nó mắng cho một trận, chàng mới quay ra trách nàng một cách vô lối của kẻ đang tương tư:

Ví bằng mình (nàng) sợ mẹ giữ gìn

Thì quay đi còn ngảnh lại mà nhìn chi nhau?

Muốn dứt phăng, dễ dứt được đâu

Mầm tình đã trót ăn sâu trong người! 

Bốn câu thơ dịch tài tình, không những cực kỳ phù hợp với tâm trạng nhân vật mà còn ẩn giấu một nụ cười mỉm của dịch giả! Tập hợp những câu thơ dịch đẫm màu cổ thi của Nhượng Tống trong Mái Tây có thể có được một tập thơ cổ lưu truyền hậu thế.

Ly Tao - món quà bi thiết

Tài dịch thơ cổ Trung Hoa xuất chúng của Nhượng Tống hiển hiện rõ trong Ly Tao của nhà thơ vĩ đại Khuất Nguyên. Đây là bản “tài tử thư” thứ hai cùng theo thứ tự sắp xếp của Kim Thánh Thán và thứ tự xuất bản của Nhượng Tống.

Sự đồng điệu giữa tâm hồn Khuất Nguyên với Nhượng Tống đã làm rung lên sợi dây tình cảm man mác buồn thương, khiến Nhượng Tống cảm thấy đó như là chỗ bấu víu mỗi khi đọc, để - như lời Nhượng Tống - cho tâm hồn đỡ khô héo! Từ chỗ cảm đến chỗ ngồi xuống dịch cho những dòng tình cảm tuôn ra từ đầu ngọn bút, Nhượng Tống đã để lại một mẫu mực về sự đồng cảm giữa người dịch và tác giả, dẫu cách nhau cả nghìn năm!

Thơ Đỗ Phủ - nơi gửi gắm nỗi niềm

Dịch thơ Đỗ Phủ, Nhượng Tống gửi gắm vào đó nhiều nỗi niềm. Những nỗi niềm đó được ông thể hiện đầy đủ trong bài tựa đầu sách, một bài tựa đặc biệt vì hoàn toàn là thơ của Nhượng Tống, bộc lộ những suy tư của Nhượng Tống về thời cuộc, về những điều bất như ý đã xảy ra trong đời ông, đi làm cách mạng, bị tù đày nơi đảo xa rồi về an trí nơi quê nhà, sự bế tắc trong việc tìm ra một chủ thuyết cho cuộc đời vốn hăng say của ông trong những năm tháng tuổi 20 cùng các đồng chí của mình.

Trải qua nhiều thăng trầm, Nhượng Tống, một lần nữa lại tìm thấy sự đồng điệu với cuộc đời của con người đã sống trước ông cả nghìn năm: Đỗ Phủ.

Thơ Đỗ Phủ, bản dịch Nhượng Tống lần thứ nhất do Tân Việt in tại nhà in Đông Dương Hà Nội, xong ngày 2-7-1944. Sách dày 382 trang trên chất liệu giấy dó. Đây là “tài tử thư” thứ năm theo xếp hạng của Kim Thánh Thán và là “tài tử thư” thứ ba mà Nhượng Tống dịch và xuất bản, sau Mái TâyLy Tao.

Với thế giới thơ mênh mông của Đỗ, Nhượng Tống mặc sức tung hoành ở các thể thơ khác nhau, phản ánh sự đa diện trong thiên tài thơ Đỗ Phủ.

Thể thất ngôn bát cú trong bài Bạch Đế:

Cửa thành Bạch Đế lớp mây đùn

Chân thành Bạch Đế trận mưa tuôn

Cây xanh, dây xám, trăng, trời tối!

Thác dốc, đèo cao, sấm sét dồn...

Thể lục bát trong bài Chiêm bao thấy Lý Bạch:

Chết xa nhau, nín đã đành!

Sống xa nhau để đinh ninh bên lòng

Giang Nam hơi độc mịt mùng!

Khách đi đày biết vân mòng ra sao!

Trong số những dịch phẩm của Nhượng Tống, Thơ Đỗ Phủ là tập thơ đa thanh đa diện nhất. Cách nhau cả nghìn năm nhưng ở Đỗ Phủ, người có cuộc đời chung một nguyên tố là đau khổ giống mình, Nhượng Tống đã đồng cảm đến tận cùng để rồi thỏa sức vẫy vùng ngòi bút, sáng tạo nên một trong những dịch phẩm thơ Đường đồ sộ nhất trong văn học Việt Nam.

Sử ký Tư Mã Thiên - bí ẩn quanh một dịch phẩm lớn

Nhượng Tống là người đầu tiên ở Việt Nam dịch Sử ký Tư Mã Thiên, bộ sử văn học đồ sộ không chỉ của lịch sử và văn chương Trung Hoa mà còn của văn hóa nhân loại. Cũng lần đầu tiên trong lời mở đầu của bản dịch này, Nhượng Tống dẫn lại những phân loại của Kim Thánh Thán.

Thi nhân Việt Nam hiện đại của tác giả Phạm Thanh nhận định rằng “Chỉ riêng một dịch phẩm Sử ký Tư Mã Thiên, văn học Việt Nam thêm một dịch phẩm vô cùng giá trị rồi”.

Sử ký vốn là một tác phẩm kỳ vĩ với 130 thiên, tổng cộng 52 vạn chữ. Ở thời điểm những năm 1930-1940, việc dịch toàn bộ tác phẩm đồ sộ này không phải là chuyện dễ dàng. Bản thân Nhượng Tống, ở bìa 4 cuốn sách cũng đề tên tác phẩm là Sử ký trích diễm, có nghĩa là trích dịch tác phẩm Sử ký.

Ngay cả khi đã biết rằng đây là trích dịch từ Sử ký thì khi đọc Sử ký do Nhượng Tống dịch, có thể dễ dàng nhận thấy các phần khá rời rạc, có nhiều truyện khá hoàn chỉnh nhưng cũng có nhiều phân đoạn rất ngắn, chỉ 9-10 dòng. Cuối mỗi phân đoạn thường có thêm lời bình của Lâm Tây Trọng, thi thoảng lại có thêm lời phụ bàn của kẻ dịch (tức Nhượng Tống).

Vậy Lâm Tây Trọng là ai? 

Lâm Tây Trọng sinh năm 1628, mất năm 1697, sống đúng vào thời gian chuyển giao cuối Minh đầu Thanh ở Trung Quốc. Năm 1658, ông đỗ tiến sĩ, sau làm phán quan ở Huy Châu, tức An Huy ngày nay. Mặc dù làm phán quan nhưng Lâm Tây Trọng không chỉ phân tích các vụ án mà còn để tâm sức vào nghiên cứu cổ văn, chuyên phân tích, bình chú các tác giả, tác phẩm cổ điển Trung Hoa.

Trong số các tác phẩm của Lâm Tây Trọng, đặc biệt đáng chú ý có bộ Cổ văn tích nghĩa. Quyển thứ 8 trong bộ sách này, Lâm Tây Trọng chọn và bình các đoạn trong Sử ký Tư Mã Thiên! Đây cũng chính là quyển mà Nhượng Tống đã dịch để có bản dịch Sử ký Tư Mã Thiên đầu tiên ở Việt Nam! Nhưng Nhượng Tống không hoàn toàn dựa vào bản của Lâm Tây Trọng về thứ tự của các phần mà tự Nhượng Tống chia thành các tiết trong bản dịch Sử ký tiếng Việt.

Có thể thấy là phần nào đó, Nhượng Tống đã vừa dịch, vừa tái tạo lại một số phần nội dung trong Sử ký theo cách của ông để độc giả người Việt dễ theo dõi, đọc Sử ký như đọc những câu chuyện rời hấp dẫn. Đó là sáng tạo của Nhượng Tống ở bản dịch Sử ký đầu tiên này.

Một vũ trụ nhỏ về trí tuệ - Nam Hoa kinh

Mái Tây, bản dịch của Nhượng Tống, phần cuối cùng, hồi 4 có tựa đề Tan mộng, kể chuyện chàng Trương Quân Thụy nằm mộng thấy Thôi Oanh Oanh, phải lúc gặp giặc thì tỉnh mộng mới hết sợ. Kim Thánh Thán trong lời bình phần này nói rằng: “Câu chuyện của ông Nam Hoa kể, thật là chí lý: Trang Chu mơ hóa ra con bươm bướm xập xòe bay thật là con bướm, tự thấy thích chí, chẳng còn biết có Chu là gì. Đến khi tỉnh dậy thì lại thù lù vậy. Chu vẫn là Chu! Thật không biết Trang Chu mơ hóa ra bướm hay là bươm bướm mơ hóa ra Trang Chu nữa!”.

Trang Chu chính là Trang Tử, tác giả của Nam Hoa kinh.

Không phải ngẫu nhiên mà Kim Thánh Thán xếp Nam Hoa kinh của Trang Tử vào hàng thứ nhất trong Lục tài tử thư! Bởi ở Nam Hoa kinh kết tinh trí tuệ trác tuyệt của một trong những vĩ nhân cổ đại Trung Hoa, người có khả năng đưa vào chỉ trong một tác phẩm những suy niệm triết học, những cảm hứng thi ca, những cách ngôn có sức sống ngàn năm. Không chỉ là một tác phẩm triết học thâm sâu, Nam Hoa kinh, với ngôn ngữ diễn đạt trùng trùng lớp lớp ý tứ, những diễn giải đầy thơ mộng, còn là một tác phẩm văn học lớn theo đúng nghĩa của nó.

Cuốn Trang Tử Nam Hoa kinh, bản dịch của Nhượng Tống, in lần thứ nhất tại nhà in Đông Dương Hà Nội do nhà Tân Việt xuất bản, kiểm duyệt xong ngày 16-2-1945. Sách dày 516 trang, in trên chất liệu giấy dó. Đây là "tài tử thư" thứ năm theo thứ tự xuất bản của Nhượng Tống.

Cái cảm xúc của Nhượng Tống khi đọc Nam Hoa kinh, như ông kể trong lời cùng bạn đọc, giống như khi con người cất mình lên tiên giới, người nhẹ đi và lòng thì đầy những ngậm ngùi, tha thứ!

Nam Hoa kinh không chỉ là một công trình triết học kỳ vĩ mà còn là một tác phẩm văn học trác tuyệt lừng lẫy cổ kim. Ngòi bút dịch thuật của Nhượng Tống khi phóng túng, ảo diệu, khi khiêm cung, từ tốn, từ lời toát ý, hàm súc mà bay bổng, lãng mạn nhưng khúc chiết. Ngay mở đầu của thiên Tiêu dao du đã là một đoạn văn đẹp lộng lẫy:

“Bể Bắc có loài cá, tên nó là côn. Bề lớn của côn, không biết nó mấy nghìn dặm! Hóa mà làm loài chim, tên nó là bằng. Lưng của bằng, không biết nó mấy nghìn dặm! Vùng dậy bay, cánh nó như đám mây rủ ngang trời... Loài chim ấy, bể động thì dời sang bể Nam. Bể Nam là ao trời...

Tề hài là sách những chuyện quái lạ, nói rằng: “Khi bằng dời sang bể Nam, nước sóng sánh ba nghìn dặm. Nó liệng theo gió lốc mà lên chín muôn dặm. Đi cứ sáu tháng mới nghỉ”. Kìa bóng câu! Kìa vẩn bụi! Những vật có sống lấy hơi mà thổi nhau. Cái xanh-xanh của trời là màu của chính nó chăng?”.

Những ví dụ như vậy có rất nhiều trong Nam Hoa kinh, bản dịch Nhượng Tống. Và chỉ với riêng “Ngũ tài tử thư” mà Nhượng Tống đã dâng hiến cho văn học nước nhà, ông xứng đáng được coi là một thiên tài dịch thuật.
Nhan Ngọc
.
.