20.1.24

Có phải chúng ta đang chứng kiến một cuộc diệt chủng ở Gaza? 10 điểm về cáo buộc của Nam Phi chống lại Israel

CÓ PHẢI CHÚNG TA ĐANG CHỨNG KIẾN MỘT CUỘC DIỆT CHỦNG Ở GAZA? 10 ĐIỂM VỀ CÁO BUỘC CỦA NAM PHI CHỐNG LẠI ISRAEL

Ngày 29/12, Nam Phi đã đệ đơn lên Tòa àn Công lý Quốc tế (Cour Internationale de Justice/CIJ), cáo buộc Israel thực hiện hành vi “diệt chủng” đối với người Palestine ở Dải Gaza. Phiên điều trần đầu tiên mà Israel đồng ý xuất hiện để bác bỏ những cáo buộc “vô căn cứ” sẽ được tổ chức vào ngày 11 và 12/1 tại La Haye. 10 điểm, 8 bản đồ và đồ thị giúp chúng ta hiểu được điều gì được thực thi trong quy trình tố tụng bất thường này.

Người Palestine tập trung tại địa điểm Israel tấn công một ngôi nhà ở Rafah, phía nam Dải Gaza, Thứ Tư, ngày 10 tháng 1 năm 2024. © Ismael Mohamad/UPI Ảnh qua Newscom

-----------------------------------------------

1 – Diệt chủng là gì?

Nam Phi đã chính thức khởi kiện Nhà nước Israel trước Tòa án Công lý Quốc tế vào ngày 29 tháng 12[1] vì hành vi diệt chủng đối với người Palestine ở Dải Gaza.

Công ước về diệt chủng[2] được thông qua năm 1948 định nghĩa tội ác này là thực hiện một trong năm hành vi được trích dẫn trong Điều 2 - giết các thành viên của nhóm; gây tổn hại nghiêm trọng đến sự toàn vẹn về thể chất hoặc tinh thần của các thành viên trong nhóm; cố ý buộc nhóm phải phục tùng các điều kiện tồn tại gây nên sự hủy diệt toàn bộ hoặc một phần về thể chất của nhóm đó; áp dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa sinh đẻ trong nhóm; cưỡng chế chuyển trẻ em từ nhóm này sang nhóm khác - với ý định thực hiện hành vi được đề cập.

Đơn kiện của Nam Phi được đệ trình vào tháng 12 tố cáo “tính chất diệt chủng” của “những hành động và những thiếu sót” của Israel, lưu ý đến sự hiện diện của “ý định đặc thù đi kèm […] nhằm tiêu diệt người Palestine ở Gaza”. Ngoài ra đơn kiện này cũng tố cáo những thiếu sót của Israel đối với “nghĩa vụ ngăn chặn nạn diệt chủng, cũng như nghĩa vụ trừng phạt hành vi xúi giục trực tiếp và công khai phạm tội diệt chủng”, điều cũng được quy định trong công ước năm 1948.

Bức ảnh chụp ngày 10/1/2024 cho thấy các tòa nhà bị phá hủy trong trại tị nạn Jabalia ở phía bắc Dải Gaza. © Abdul Rahman Salama/Tân Hoa Xã

Mặc dù có thể phải đợi vài năm mới biết được kết quả của quy trình tố tụng như vậy, nhưng các hiệu ứng có thể đạt được trong ngắn hạn hơn bằng “các biện pháp tạm thời” của CIJ, qua đó CIJ có thể chính thức yêu cầu đình chỉ giao tranh ở dải Gaza — như trong trường hợp cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 3 năm 2022[3]. Israel, mà Bộ Ngoại giao đã tố cáo một cuộc truy tố “vô căn cứ”[4], đã đồng ý ra hầu tòa; phiên điều trần đầu tiên diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng 1 năm 2024.

2 – Ai tố cáo Israel phạm tội diệt chủng?

Ngay từ ngày 2 tháng 11, một nhóm báo cáo viên độc lập tại Liên Hợp Quốc đã báo cáo về “nguy cơ diệt chủng nghiêm trọng” đối với người dân Palestine[5]. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã cáo buộc Israel “diệt chủng” trong hội nghị thượng đỉnh BRICS bất thường về tình hình ở Gaza vào ngày 21 tháng 11[6] – tuy nhiên, các quốc gia trong nhóm đã không đồng ý đưa thuật ngữ này vào một tuyên bố chung. Dường như thuật ngữ này không nhận được sự nhất trí trong nội bộ các quốc gia BRICS. Trong số các nhà lãnh đạo khu vực, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan, người ban đầu có lập trường kêu gọi giảm leo thang, đã dần dần có lập trường cứng rắn hơn với Israel. Ông cũng tuyên bố vào giữa tháng 11 rằng chúng ta đang “đối mặt với nạn diệt chủng” ở Dải Gaza.

Sau khi Nam Phi đâm đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế, đại diện thường trực của Pháp tại Liên Hợp Quốc ngày 2/1 khẳng định Paris là “người ủng hộ nhiệt thành Tòa án Công lý Quốc tế” và sẽ ủng hộ quyết định của cơ quan này. Ngược lại, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller đã phản ứng bằng cách tuyên bố rằng Hoa Kỳ “không quan sát thấy các hành vi cấu thành tội diệt chủng” từ phía Israel[7]. Hôm thứ Tư, Brazil của Lula, Colombia của Petro và Liên đoàn Ả Rập đã chính thức tuyên bố ủng hộ sáng kiến ​​​​của Nam Phi.

3 – Thiệt hại về người

Theo Bộ Y tế Gaza, một tổ chức do Hamas kiểm soát, số người chết ở Dải Gaza kể từ ngày 7 tháng 10 là hơn 23.357 người, cộng thêm vào đó còn có 59.410 người bị thương[8] - một tổng kết được Michel Goya mô tả là đáng tin cậy vào tháng 11 do cường độ và tính chất của các vụ đánh bom.

Mặt khác, Liên Hợp Quốc cũng ước tính số người buộc phải di dời trong phạm vi Dải Gaza là 1,9 triệu người vào cuối tháng 12. Hơn một triệu người được cho là đang ở tỉnh Rafah ở phía nam Dải Gaza, “nơi trú ẩn chính hiện nay”.

4 – Những người chết là ai?

Cũng theo nguồn tin này, 70% số người thiệt mạng kể từ ngày 7/10 là phụ nữ và trẻ em. Dân số của Dải Gaza thuộc hàng trẻ nhất thế giới: vào năm 2023, độ tuổi trung vị của 2,1 triệu dân ở vùng đất này là 19,2 tuổi[9].

Tổng cộng, 40% dân số là trẻ em dưới 14 tuổi - được sinh ra sau khi Israel phong tỏa Dải Gaza bắt đầu từ năm 2007.

5 - “Sự vây hãm toàn diện”: tình trạng phong tỏa kéo dài

Ngoài các vụ đánh bom, người dân vẫn đang phải gánh chịu tình trạng “bị vây hãm toàn diện” do chính phủ Israel áp đặt sau vụ tấn công ngày 7/10. Ngay từ hôm 9/10, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã kêu gọi “không cho điện, thực phẩm, nước hay nhiên liệu” đến Dải Gaza.

Những chiếc xe tải viện trợ nhân đạo đầu tiên chỉ bắt đầu tiến vào Dải Gaza vào ngày 21/10. Mặt khác, cho đến ngày nay số lượng xe vào được hàng ngày vẫn thấp hơn nhiều so với con số 500 xe giao hàng cần thiết cho người dân vào khu vực này mỗi ngày trước khi cuộc vây hãm bắt đầu.

Bức ảnh này chụp vào ngày 4 tháng 1 năm 2024 cho thấy các tòa nhà bị hư hại ở phía bắc Dải Gaza, nhìn từ miền nam Israel. © Gil Cohen Magen/Tân Hoa Xã

Còn tính hợp pháp của việc phong tỏa thì sao? Một số tổ chức, bao gồm cả Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), đã nhắc lại rằng các phương pháp tước đi thực phẩm của dân thường cấu thành tội ác chiến tranh[10], theo Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế. Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk đã nhắc lại vào tháng 10 rằng “Các biện pháp của Israel nhằm ngăn cản dân thường tiếp cận hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, như một hình thức trừng phạt tập thể, cũng trái với luật pháp quốc tế”[11].

6 - Ngoài các vụ đánh bom: số ca tử vong trong trung và dài hạn

Ngoài số người chết do các vụ đánh bom, hậu quả trung và dài hạn của việc phong tỏa có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể về số người thiệt mạng ở Dải Gaza. Việc phong tỏa nhiên liệu gây ra nhiều hậu quả nhân đạo, đặc biệt là hạn chế hoạt động bình thường của các bệnh viện, của các hệ thống giao thông để chuyển viện trợ nhân đạo, khử muối và sản xuất điện. Theo UNRWA, 70% hộ gia đình đã sử dụng nước mặn hoặc nước bị ô nhiễm vào giữa tháng 11, làm tăng nguy cơ mất nước và phát triển bệnh tật[12].

Liên quan đến thực phẩm, theo ước tính mới nhất dựa trên Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp về an ninh lương thực (IPC - Integrated Food Security Phase Classification), toàn bộ người dân Dải Gaza phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cao (đạt cấp độ IPC Giai đoạn 3, “Khủng hoảng”, Giai đoạn 4, “ Khẩn cấp” hoặc Giai đoạn 5, “Thảm họa”) - ngoại trừ 5% cư dân của các tỉnh phía Nam đang ở cấp độ “Căng thẳng” Giai đoạn 2). Hơn một nửa dân số (53%) đang trong tình trạng khẩn cấp (Giai đoạn 4) và hơn một phần tư (26%) đang trong tình trạng thảm họa (Giai đoạn 5)[13]. Như vậy, theo nhà kinh tế trưởng của Chương trình Lương thực Thế giới mô tả một tình huống “chưa từng có”, trong số tất cả những người đang phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực thảm khốc trên quy mô toàn cầu, cứ 5 người thì có 4 người đến từ Gaza[14].

Cuối cùng, tình trạng dân số quá đông tại nơi trú ẩn cho người dân phải di dời và sự thiếu khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng vệ sinh cũng làm cho nguy cơ dịch bệnh trầm trọng thêm. WHO ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đặc biệt, 50.000 trường hợp tiêu chảy đã được báo cáo kể từ giữa tháng 10 ở trẻ em trong độ tuổi này, gấp 25 lần so với trước khi bắt đầu đợt cuộc vây hãm toàn diện[15].

7 – Mức độ tàn phá vật chất

Theo điều tra dư luận Gallup, tính đến tháng 1 năm 2023, tỷ lệ cư dân ở Dải Gaza không thể tìm được chỗ ở trong 12 tháng qua đã là 29%. Theo chính quyền ở Dải Gaza, tính đến ngày 30 tháng 12, số lượng đơn vị nhà ở bị phá hủy hoặc không thể ở được ước tính là 65.000, thêm vào đó là 290.000 đơn vị bị hư hại.

Cơ sở hạ tầng cũng bị hư hại phần lớn. Ngay từ tháng 11, 60% cơ sở hạ tầng viễn thông đã bị hư hại và phá hủy, cũng như 70% cơ sở hạ tầng liên quan đến lĩnh vực thương mại và gần một nửa số đường giao thông[16].

8 – Sự tàn phá nền kinh tế Gaza

Chiến tranh và sự vây hãm toàn diện đang làm xấu đi tình hình kinh tế vốn đã nghiêm trọng ở Dải Gaza. Trong quý 3 năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp ở đó lên tới 45,1%. Vào đầu tháng 11, Tổ Chức Lao Động Quốc tế ước tính rằng ít nhất 66% việc làm trong khu vực này đã bị mất kể từ ngày 7 tháng 10 - tương đương 192.000 việc làm[17].

Theo Ngân Hàng Thế Giới, GDP của các vùng lãnh thổ Palestine (Dải Gaza và Bờ Tây/Cisjordanie) vào năm 2023 – mà mức tăng trưởng ban đầu được ước tính là 3,2% - dự kiến ​​sẽ giảm 3,7%, xóa đi những thành tựu kinh tế đạt được kể từ khi đại dịch kết thúc. Tình trạng thiếu hụt cũng khiến giá cả tăng cao: vào tháng 10, lạm phát trong một tháng lên tới 12%, giá nước đóng chai tăng 75% và giá xăng tăng gần 120%.

9 — Vai trò của tu từ học hung hãn của chính phủ cực hữu của Netanyahu bị Nam Phi nhấn mạnh trong đơn tố cáo đưa lên CIJ

Bản trình bày tóm tắt những số liệu này và sự đánh giá về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza giúp xác lập bối cảnh trong đó Tòa Án Công lý có thể chỉ ra các biện pháp tạm thời kêu gọi đình chỉ các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza.

Liên quan đến cáo buộc diệt chủng, vốn đòi hỏi phải có bằng chứng về tính chủ tâm, trong đơn tố cáo của mình - ngoài việc khẳng định rằng “ý định này cũng phải được suy ra từ bản chất và cách tiến hành hoạt động quân sự của Israel ở Gaza - Nam Phi một phần dựa vào “những tuyên bố lặp đi lặp lại của các đại diện Nhà nước Israel, kể cả ở cấp cao nhất” “thể hiện ý đồ diệt chủng”.

Người Palestine quan sát cảnh tàn phá sau cuộc tấn công của Israel ở Rafah, phía nam Dải Gaza, Thứ Tư, ngày 3 tháng 1 năm 2024. © AP Photo/Fatima Shbair

Đến từ các đảng cực hữu của Israel, một số thành viên của chính phủ Netanyahu - như Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Ben Gvir rất hăng hái - đã công khai sử dụng những ngôn từ có thể phủ nhận sự tồn tại của một “dân tộc Palestine”, trước ngày 7 tháng 10. Ví dụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và chủ tịch Đảng Chủ nghĩa Phục quốc Tôn giáo (sioniste), Bezalel Smotrich, đã tuyên bố vào tháng 3 năm 2023: “không có dân tộc Palestine”[18] - những bình luận gây ra những lời khiển trách từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại diện cấp cao của Liên Minh Châu Âu về chính sách đối ngoại.

Trong bài phát biểu đáng chú ý của mình vào ngày 9 tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, kèm theo thông báo về việc vây hãm toàn diện Dải Gaza, đã khẳng định: “Chúng tôi đang chiến đấu với những thú vật và chúng tôi hành động tương ứng”.

Theo báo Guardian, một nhóm nhân vật của công chúng Israel đã gửi thư tới các cơ quan tư pháp của nước này vào tháng 12 kêu gọi họ hành động chống lại việc bình thường hóa diễn ngôn về “sự tiêu diệt, trục xuất và trả thù” cũng như việc khái quát hóa “những lời kêu gọi rõ ràng phạm tội ác tàn bạo” ở Israel[19].

10 — Bình thường hóa các kế hoạch cưỡng bức di dời người dân Dải Gaza

Kể từ ngày 7 tháng 10, một số quan chức Israel đã công khai và rõ ràng bảo vệ ý tưởng “khuyến khích” người Palestine di cư khỏi Dải Gaza. Cho đến gần đây, hai bộ trưởng trong chính phủ Netanyahu là Bezalel Smotrich và Itamar Ben Gvir vẫn bảo vệ ý tưởng này. Một số quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã lên án bình luận của các bộ trưởng, được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller mô tả vào ngày 2 tháng 1 là “kích động và vô trách nhiệm”[20]. Trong dài hạn, Ben Gvir cũng ủng hộ việc “hồi hương” những người định cư Israel đến Dải Gaza, ngược lại với kế hoạch rút khỏi Dải Gaza do Thủ tướng Ariel Sharon chỉ đạo vào năm 2005[21].

Ngay từ tháng 10, phương án “di dời” người Palestine đến Sinai, Ai Cập, đã được nêu lên trong một tài liệu làm việc của Bộ Tình báo Israel được văn phòng Thủ tướng xác thực, sau đó đã hạ thấp tầm quan trọng bằng cách gọi nó là “không có tính ràng buộc”. Ngay từ đầu cuộc xung đột, Ai Cập đã áp dụng quan điểm từ chối trước nguy cơ xảy ra “Nakba [cuộc di dời cưỡng bức người Palestine vào năm 1948 sau khi Israel xâm chiếm một số lãnh thổ của người dân Palestine để thành lập quốc gia Israel ND] thứ hai” và sự tiếp nhận đông đảo người tị nạn.

Trong một diễn đàn đăng ngày 19/11 trên tờ Jerusalem Post, Bộ trưởng Tình báo Israel Gila Gamliel cũng kêu gọi khuyến khích việc tái định cư người dân Gaza ra quốc tế, mô tả giải pháp này là “các bên cùng thắng” (win-win). Văn bản của Bộ trưởng, được trình bày như một đề xuất mở để tranh luận, đặc biệt kêu gọi chuyển hướng viện trợ quốc tế theo hướng này: “thay vì bơm tiền vào việc tái thiết Gaza hoặc vào UNRWA, vốn đã thất bại, cộng đồng quốc tế có thể đóng góp vào chi phí của sự tái định cư, giúp người dân Gaza xây dựng cuộc sống mới ở đất nước đón tiếp mới”[22]. Trang tin Zmar Israel tiết lộ hồi đầu tháng 1 rằng chính phủ Israel đã tổ chức các cuộc thảo luận về việc tái định cư “tự nguyện” của người Palestine với các nước thứ ba, trong đó có Cộng hòa Congo - quốc gia này cho biết họ “sẵn sàng chào đón người di cư”[23]. Theo cùng nguồn tin trên, các cuộc thảo luận do các quan chức của Mossad và Bộ Ngoại giao dẫn đầu cũng đang được tiến hành với Rwanda và Tchad[24].

Khái niệm “thanh lọc sắc tộc”, mà việc sử dụng đã trở nên phổ biến kể từ cuộc chiến tranh ở Nam Tư trong những năm 1990, không được định nghĩa về mặt pháp lý và không bao gồm một tội phạm độc lập trong luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, nó vẫn được sử dụng để chỉ các hành động nhằm loại bỏ một dân số khỏi một khu vực địa lý và đặc biệt được một số bên sử dụng nhằm cảnh báo về những rủi ro đè nặng lên người dân của Dải Gaza - gần đây là báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc Francesca về tình hình nhân quyền tại các vùng lãnh thổ của người Palestine bị chiếm đóng.

Xem xét lại tuyên bố của các bộ trưởng của mình, sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và một ngày trước phiên điều trần, vào thứ Tư ngày 10 tháng 1, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố rằng Israel “không có ý định chiếm đóng vĩnh viễn Dải Gaza hoặc di dời người dân thường ở Dải Gaza”.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: À Gaza, assiste-t-on à un genocide, 10 points sur l’accusation de l’Afrique du Sud contre Israel, Le Grand Continent, 11.01.2024

----

Bài có liên quan: Trung Đông: sự trở lại của “chính nghĩa của Palestine”




Tài liệu tham khảo:

[2] Ou, dans sa forme longue Convention pour la prévention et la répression du crime de génocide (ou CPRCG), adoptée le 9 décembre 1948 par l’assemblée générale des Nations unies et entrée en vigueur le 12 janvier 1951.

[3] Cour Internationale de Justice, Communiqué de presse du 16 mars 2022.

[5] Haut commissariat des Nations Unies pour les droits de l’homme, Communiqué de presse, 2 novembre 2023.

[8] United Nations Office for the Coordination of Humanitarian Affairs, Hostilities in the Gaza Strip and Israel | Flash Update #89, 11 January 2024.

[9] CIA Factbook, Gaza Strip, December 2023.

[10] Human Rights Watch, « Israel : Starvation Used as Weapon of War in Gaza », 18 December 2023.

[14] The New Yorker, « Gaza is starving », 3 January 2023.

[20] Département d’État américain, « Rejection of Irresponsible Statements on Resettlement of Palestinians Outside of Gaza », 2 January 2024.

[24] Zmar Israël, 5 January 2023.

Print Friendly and PDF