Con đường nào cho Việt Nam trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung?

Kiều Mai - 06:11, 07/04/2018

TheLEADERTheo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong bối cảnh căng thẳng thương mại như hiện nay, con đường tích cực nhất là đến với nhau nhiều hơn, tăng cường hợp tác với nhau nhiều hơn để bù đắp những thiệt hại bị gây ra.

Con đường nào cho Việt Nam trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung?
Những động thái trả đũa liên tiếp gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại sẽ thành hiện thực. Ảnh: Asia Nikkei

Tính từ cuối tháng Một tới nay, những thay đổi thuế của tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tạo ra nhiều sự biến động trên thị trường, không chỉ trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa của mỗi nước mà còn tạo ra những tác động cả trên thị trường chứng khoán.

Nỗi lo về nguy cơ chiến tranh thương mại ngày càng gia tăng khi Trung Quốc tiến hành các biện pháp “ăn miếng trả miếng”, đáp lại mức thuế bị áp đặt từ Mỹ. Con số vài tỷ USD giá trị thương mại dự kiến bị ảnh hưởng hiện đang ngày càng tăng lên và thậm chí đã đạt tới hàng trăm.

Giữa một bên là đối tác xuất khẩu lớn nhất, một bên là thị trường nhập khẩu lớn nhất, Việt Nam được cho là sẽ có nhiều khả năng gặp khó khăn trong mối quan hệ thương mại với Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới. TheLEADER đã có buổi trò chuyện với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bên lề chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh cấp cao Đại học Hawaii tại Hà Nội (Chương trình VEMBA) và EuroCham đồng tổ chức nhằm làm rõ hơn vấn đề này.

Theo bà, nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam hay không trong bối cảnh như hiện nay?

Bà Phạm Chi Lan: Theo tôi chắc chắn là có.

Ví dụ như việc thuế thép đánh trực tiếp vào Việt Nam thì không nhiều nhưng gián tiếp thì nhiều do gây ảnh hưởng đến dòng đầu tư, ảnh hưởng đến các đối tác chính của Việt Nam.

Thuế thép hướng nhiều nhất đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và khi những đối tác quan trọng bị ảnh hưởng, Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng. Tôi lấy ví dụ Trung Quốc chẳng hạn. Trong trường hợp Trung Quốc không bán được nhiều sang Mỹ thì sẽ tìm cách tuồn sang các nước khác hay những nước xung quanh.

Và ảnh hưởng gián tiếp nhiều khi còn lớn hơn cả ảnh hưởng trực tiếp.

Theo bà, Việt Nam nên có thái độ như thế nào trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Việt Nam với Mỹ?

Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam luôn luôn cố gắng tạo thế cân bằng và có những đối trọng cần thiết giữa những đối tác của mình bởi vì quan hệ với Trung Quốc hay quan hệ với Mỹ cũng không kém phần phức tạp.

Tôi thấy một số bình luận rất hay rất đúng là Việt Nam luôn có một chính sách rất khôn ngoan. Có một số người phê phán là đu dây nhưng ở tình huống kẹt giữa hai anh to như vậy, không đu dây làm sao được và không tạo sự cân bằng làm sao được.

Do vậy Việt Nam cũng cần coi trọng mối quan hệ với EU, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Chúng ta tìm những kênh khác, có những mối quan hệ khác để bù đắp.

Nếu có những điều phức tạp hơn gây khó cho Việt Nam trong quan hệ với bất kì anh lớn nào thì cũng có một số nước khác sẽ ở vị thế bù đắp cho Việt Nam, nhất là về kinh tế.

Con đường nào cho Việt Nam trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Trong bối cảnh ông Trump luôn có những biện pháp bảo hộ kinh tế thì con đường nào sẽ dành cho Việt Nam nói riêng và các nước nói chung?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ là nhiều nước khác cũng đang làm như Việt Nam, nghĩa là làm ngược lại. Ông Trump thắt lại thì mình mở rộng ra để khỏi dựa vào Mỹ quá nhiều. Ví dụ như thị trường Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất thì bây giờ phải tìm thêm và thúc đẩy sang những thị trường khác nữa.

Ngay sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi TPP thì Việt Nam là một trong những nước rất tích cực thúc đẩy đàm phán TPP 11, ủng hộ vai trò lãnh đạo của Nhật Bản thay cho vai trò của Mỹ trước đây.

Thật sự có một vài nước đã lưỡng lự bởi nếu không có Mỹ, TPP không còn ý nghĩa gì nữa nhưng nếu các nước vẫn tiếp tục cùng nhau thì sẽ có ý nghĩa khác. Sau khi CPTPP hình thành, có thể thấy đây là cơ chế tốt khiến nhiều nước khác mong muốn tham gia. Hàn Quốc muốn tháng 6 này đàm phán hay Anh cũng có mong muốn trở thành thành viên của hiệp định này. Việc tham gia CPTPP vừa giúp ứng phó chính sách mới của Mỹ lại vừa ứng phó với chính sách của Trung Quốc.

Trong khi ông Trump muốn bảo hộ thì ông Tập Cận Bình lại ra sức cho thế giới thấy ông ấy theo mậu dịch tự do, ủng hộ thương mại tự do.

Nhưng ai cũng hiểu là cả chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và chủ nghĩa thương mại tự do của Trung Quốc đều gây bất lợi cho tất cả. Vì vậy người ta phải tăng cường với nhau. Giữa hai bên đều là những cường quốc về kinh tế trên toàn cầu, giữa hai lực lượng như vậy thì không ai muốn đứng về một bên hay đứng im để chịu sức ép làm cho mình chết, làm cho mình bị thua thiệt.

Cho nên phải tìm đường mà một trong những con đường tích cực nhất là đến với nhau nhiều hơn, tăng cường hợp tác với nhau nhiều hơn để bù đắp cho những thiệt hại gây ra bởi chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và bù đắp cho tình trạng lấn áp của Trung Quốc.

Cám ơn bà!