Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Cộng đồng Công Giáo Việt Nam nóng lòng chờ đón giáo hoàng Phanxicô

Đăng ngày:

Khi đến thăm Tòa Tổng Giám Mục Huế ngày 14/12/2023, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thông báo với Tổng Giám mục Tổng giám phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh là ông vừa ký Thư mời giáo hoàng Phanxicô sang thăm Việt Nam để “chứng kiến sự phát triển về kinh tế-xã hội và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.”

Ảnh tư liệu: Giáo hoàng Phanxicô và cố chủ tịch nước Trần Đại Quang trong cuộc gặp tại Vatican ngày 23/11/2016.
Ảnh tư liệu: Giáo hoàng Phanxicô và cố chủ tịch nước Trần Đại Quang trong cuộc gặp tại Vatican ngày 23/11/2016. AP - Maurizio Brambatti
Quảng cáo

Đối với Giáo hội Công Giáo và giáo dân Việt Nam, đây quả là một tin vui giữa mùa Giáng Sinh 2023, vì từ rất lâu họ vẫn ước ao được đón tiếp một vị giáo hoàng đến thăm một quốc gia tuy chỉ có khoảng 8% theo Công Giáo ( 7,2 triệu giáo dân ), nhưng đây là một cộng đồng mà đức tin được thể hiện rất mạnh mẽ và Giáo hội vẫn rất tuân phục Tòa Thánh.

Ngày giờ chuyến viếng thăm của giáo hoàng Phanxicô chưa được xác định, nhưng trong chuyến thăm Tòa Tổng Giám Mục Huế, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã bày tỏ mong muốn cộng đồng Công giáo Việt Nam cùng phối hợp với các cơ quan nhà nước để sớm có cơ hội được đón giáo hoàng tới thăm Việt Nam “trong một ngày không xa.”

Trong lịch sử, thật ra quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican với Việt Nam chưa bao giờ được thiết lập. Cho tới hiện nay, cấp bậc cao nhất trong mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam mới chỉ là Khâm sứ Tòa Thánh, nhưng sau năm 1975, Vatican không còn Khâm sứ nào ở Việt Nam.

Sau nhiều thăng trầm, quan hệ giữa hai bên đã đạt được một bước tiến lớn với việc thông qua “Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam”, khi ông Võ Văn Thưởng thăm Tòa Thánh và gặp giáo hoàng Phanxicô vào tháng 7 vừa qua. Đến ngày 23/12 vừa qua, Tòa thánh Vatican đã chính thức công bố việc Tổng Giám mục Marek Zalewski được giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Đại diện thường trú đầu tiên của Tòa thánh tại Việt Nam. Tổng Giám mục Marek Zalewski nguyên là Sứ thần Tòa thánh tại Singapore và đã kiêm nhiệm Đặc phái viên không Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam từ năm 2018.

Tuy vậy, hãy còn quá sớm để nêu lên khả năng Hà Nội và Tòa Thánh bình thường hóa bang giao. 

Nhân ngày Lễ Giáng Sinh hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe tâm tình của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh và Giáo phận Hà Tĩnh và cũng đã từng là Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bài phỏng vấn qua điện thoại được thực hiện ngày 20/12/2023.

RFI: Thưa Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, sau khi nghe tin chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chính thức ký thơ mời giáo hoàng sang thăm Việt Nam, tâm trạng của Đức cha nói riêng và của Giáo hội Công Giáo Việt Nam nói chung là như thế nào?

Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Đó là một niềm vui rất lớn đối với các vị lãnh đạo Giáo hội và tất cả giáo dân Việt Nam, vì nhiều lần chúng tôi đã nói là giáo dân Việt Nam rất gắn bó và yêu mến các Đức Thánh Cha, đặc biệt là những vị lãnh đạo Giáo hội trong thời gian gần đây. Chúng tôi nhiều khi rất buồn khi thấy Đức Thánh Cha có thể đi thăm khắp nơi, kể cả sang Mông Cổ, nơi mà số giáo dân chỉ hơn 1.000 người. Trong khi đó, có lẽ ít có nơi nào có một thành phần giáo dân tận tụy với đạo Chúa và hy sinh nhiều cho đạo Chúa như là ở Việt Nam. Thế mà ước nguyện được đón Đức Thánh Cha bao nhiêu năm rồi vẫn chưa được thành tựu. Thành thử chúng tôi rất vui, với tư cách là người Công Giáo Việt Nam, khi chủ tịch nước thông báo chính phủ Việt Nam chấp nhận Đức Thánh Cha sẽ được sang thăm Việt Nam. 

Tiến trình chuẩn bị chắc là phải chờ lâu và đến khi đó thì hai bên mới xác định năm nào, ngày nào và những nơi nào Đức Thánh Cha sẽ ghé thăm, thì lúc đó mới có sự chuẩn bị.

RFI: Thưa Đức cha, trước mắt, trong quan hệ giữa Việt Nam với Vatican đã có một bước tiến đáng kể, đó là Việt Nam chấp nhận cho Tòa Thánh bổ nhiệm một đại diện thường trú ở Việt Nam. Việc thành lập chức vụ đó hiện đang được tiến hành đến đâu, thưa Đức cha?

Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Cho đến nay, thật sự thì Việt Nam có đại diện không thường trú của Vatican. Đó là đẳng cấp thấp nhất trong lĩnh vực ngoại giao. Bây giờ mới thực hiện đẳng cấp cuối cùng của ngành ngoại giao. Đó là một niềm vui. Chính vì vậy chúng tôi cũng hy vọng là trong tương lai thì quan hệ giữa Việt Nam với nhà nước Vatican sẽ được bình thường hơn. Đó cũng là để có thể cải chính điều mà dư luận ở ngoại quốc vẫn nói là Việt Nam luôn luôn hành động theo Trung Quốc, Trung Quốc làm gì thì lúc đó Việt Nam mới làm vậy. Phải chăng bây giờ nên có một dấu hiệu để chứng tỏ rằng trong quan hệ với Vatican, Việt Nam cũng  làm khác hơn Trung Quốc. Với tư cách là một người Việt Nam, một người Công Giáo Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng, hoan hỉ trước thông tin đó. 

Còn có rất nhiều chuyện trong thực tế lúc đó thì mới giải quyết. Đây mới là trên nguyên tắc. Chắc chắn là lúc đó phải tạo cơ hội để Tòa Thánh có một trụ sở. Trước đây Tòa Thánh không có trụ sở ở Hà Nội hay Sài Gòn. Trong tương lai thì thế nào cũng phải có văn phòng của vị đại diện. Chắc chắn rằng trên thực tế phải có thời gian để giải quyết : văn phòng đặt ở nơi nào và có diện tích như thế nào. Đó sẽ là những đàm phán cụ thể giữa hai bên, bây giờ chưa thể nói được. 

RFI: Thưa Đức cha, từ việc bổ nhiệm đại diện thường trú cho đến việc bình thường hóa bang giao giữa Hà Nội với Vatican thì còn những cản ngại nào? Cho tới nay vẫn có một vấn đề gây rắc rối trong quan hệ giữa Việt Nam với Vatican, đó là bổ nhiệm các giám mục. Hiện nay vấn đề có đã được khai thông so với trước đây chưa?

Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Tôi cũng không rõ. Đó là vấn đề nguyên tắc giữa Tòa Thánh với nhà nước. Trước đây nói rằng nhà nước chủ động trong vấn đề bổ nhiệm các giám mục thì cũng không đúng. Nguyên tắc tới đây thì bổ nhiệm là do Tòa Thánh quyết định, rồi sau đó thì thông báo lại cho nhà nước. Đức Khâm sứ hiện tại cũng đã một lần nói một cách công khai là cho đến thời gian cách đây vài năm, nhà nước Việt Nam chỉ có veto ( phủ quyết ) trong một trường hợp. Như vậy là đa số các trường hợp mà Giáo hội đề nghị thì nhà nước đã chấp nhận, nếu đúng theo tuyên bố của vị đại diện Tòa Thánh cách đây không lâu.

RFI: Theo quan sát của Đức cha, thì Giáo hội Công Giáo nói và các giáo xứ năm nay đón mừng Lễ Giáng Sinh trong bầu không khí như thế nào?

Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Cho đến hôm nay, mặc dù Lễ Giáng Sinh không phải là một ngày nghỉ lễ, tuy nhiên, chúng tôi vẫn hãnh diện và vui mừng rằng có lẽ trong cả năm, ở Việt Nam không có ngày lễ nào nhộn nhịp và vui tươi như Lễ Giáng Sinh. Đó là một đêm của ánh sáng, một mùa mà mọi người đều cảm nhận bầu không khí Giáng Sinh, dù là người Công Giáo hay người không Công Giáo. Khi đến Lễ Giáng Sinh thì những làng xóm, những khu phố luôn có ánh sao, có đèn. Trong vài năm trở lại đây thì ngay cả chương trình phát thanh, truyền hình của nhà nước vẫn có những bài hát thánh ca. Trong dân gian thì có thể nói, trong cả một năm Dương lịch và Âm lịch, không có lễ nào lớn hay vui tươi, với bầu không khí đặc biệt như Lễ Giáng Sinh. Chúng tôi thấy càng ngày, ngay cả những giới ngoài Công Giáo cũng cảm thấy có một cái gì đó đặc biệt trong ngày Lễ Giáng Sinh. Năm nay, với những thông tin mà chủ tịch nước vừa thông báo, thì chắc chắn niềm vui đó, đêm Giáng Sinh và ánh sáng Giáng Sinh sẽ ngày càng lan tỏa. 

RFI: Với tư cách cựu chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, Đức cha có một thông điệp nào nhắn gởi đến thính giả của RFI?

Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Với tư cách một giám mục đã về hưu, đã nghỉ những chức vụ mà Hội đồng Giám mục giao phó, tôi không thể phát biểu với tư cách chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nhưng với tính cách một người Công Giáo, một cựu giám mục, tôi vẫn ước mong đêm Giáng Sinh là một đêm ánh sáng. Ánh sáng đó không chỉ là ánh sáng bên ngoài, của đèn, nến, mà là ánh sáng của tâm hồn. Ước mong là với tin vui mà chủ tịch nước gởi đến cựu chủ tịch Hội đồng Giám mục, người Công Giáo chúng tôi biểu hiện tin vui đó không chỉ bằng niềm vui tâm hồn, mà còn phải làm sao cuộc đời của chúng tôi cũng trở thành ánh sáng của niềm vui. Chúng tôi ước mong rằng người Công Giáo, qua cuộc sống của mình, qua niềm tin của mình, càng biểu lộ được niềm vui của đêm Giáng Sinh và hy vọng niềm vui đó lan tỏa cho những anh chị em chúng tôi, mặc dù họ chưa chia sẽ niềm tin tôn giáo với chúng tôi.

Nhân dịp này, xin được chúc mừng tất cả quý vị thính giả của đài RFI một Giáng sinh an bình và ước mong rằng quý vị cũng chia sẽ niềm vui với chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn.

RFI: RFI Việt ngữ xin cám ơn Đức cha Nguyễn Thái Hợp và xin kính chúc Đức cha một mùa Giáng sinh thật an lành và thật nhiều sức khỏe.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.