Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Công nghệ : Mỹ và đồng minh siết chặt vòng vây quanh Trung Quốc

Đăng ngày:

Liên minh Mỹ-Nhật-Hà Lan hạn chế cung cấp chip bán dẫn cho Trung Quốc. Liên Âu tuyên bố sát cánh với Hoa Kỳ, « vì an ninh chung trong lĩnh vực công nghệ », Bruxelles và Washington « hoàn toàn đồng ý về mục tiêu ngăn cản Trung Quốc tiếp cận với các loại chip tiên tiến nhất ». Chính quyền Biden chuẩn bị cấm« toàn bộ » các tập đoàn Mỹ cung cấp công nghệ cho tập Hoa Vi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về chương trình phát triển kinh tế sau khi đi tham quan công trường xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử của Công ty Chế tạo Bán Dẫn Đài Loan, tại Phoenix, Arizona, Hoa Kỳ, ngày 06/12/2022.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về chương trình phát triển kinh tế sau khi đi tham quan công trường xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử của Công ty Chế tạo Bán Dẫn Đài Loan, tại Phoenix, Arizona, Hoa Kỳ, ngày 06/12/2022. © AP - Patrick Semansky
Quảng cáo

Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung không hề thuyên giảm. Washington càng lúc càng tăng thêm hỏa lực, siết chặt vòng vây nhắm vào đối phương. Nhật báo tài chính Anh, Financial Times ngày 31/01/2023 trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo cho biết chính quyền Biden chuẩn bị « tấn thêm những đòn đau vào Hoa Vi »

Biden còn mạnh tay hơn Trump

Từ 2019 chính quyền Donald Trump đã cấm các công ty Mỹ xuất khẩu công nghệ của Hoa Kỳ cho Hoa Vi. Lý do : Washington nghi ngờ tập đoàn Trung Quốc có trụ sở tại Thẩm Quyến này là cánh tay nối dài của Bắc Kinh, dọ thám Hoa Kỳ, đe dọa an ninh quốc gia. Dù vậy từ 2019 tới nay, bộ Thương Mại Mỹ vẫn để cho một số công ty Hoa Kỳ như Qualcomm hay Intel cung cấp cho đối tác Trung Quốc này một số các « công nghệ và dịch vụ không liên quan đến hệ thống viễn thông 5G ».

Tháng Giêng 2021 tổng thống Joe Biden lên cầm quyền. Washington cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc trong  các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Nhà Trắng chọn đánh đúng vào điểm yếu của Bắc Kinh để duy trì thế thượng phong của Mỹ về công nghệ và nhất là trong ngành chế tạo chip, những « bộ não » của tất cả những vật dụng kết nối.

Về trị giá, Trung Quốc nhập khẩu linh kiện bán dẫn (432 tỷ đô la) nhiều hơn là mua vào dầu hỏa (405 tỷ) của thế giới trong năm 2021. Chuyên gia về Trung Quốc chủ tịch trung tâm nghiên cứu về châu Á, Asia Centre- Paris, Jean-François di Meglio giải thích :  

« Đây không đơn giản là một cuộc chiến thương mại, bởi vì dù có đánh thuế nhập khẩu vào hàng Trung Quốc, nhập siêu của Mỹ vẫn tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Hai nền kinh tế hàng đầu trên thế giới đang lao vào một cuộc đối đầu giành quyền áp đặt luật chơi với thế giới. Đó là một cuộc đọ sức về công nghệ mang tính chiến lược và quân sự. Trong trận chiến này, vũ khí không phải là đạn dược mà là đủ các loại linh kiện bán dẫn ».

Đầu tháng 8/2022 chính quyền Biden ban hành luật Chip and Science Act dự trù một ngân sách hơn 52 tỷ đô la hỗ trợ các khâu « sản xuất, nghiên cứu và phát triển trong ngành công nghệ bán dẫn ». Đến cuối tháng bộ Thương Mại Mỹ cấm xuất khẩu sang Trung Quốc các loại bọ điện tử « cao cấp », nhỏ hơn kích cỡ 14 nano. Đây là những công cụ được sử dụng trong nhiều các lĩnh vực từ công nghệ tạo hình ảo cho các trò chơi video cho đến các hệ thống điều khiển ra-đa, vệ tinh, máy bay trinh sát … trong quân đội.

Tính toán của Hoa Kỳ được gói gọn trong hai câu như Kevin Wolf một cựu quan chức trong chính quyền Obama : « Giữ khoảng cách » với Trung Quốc và « Chạy nhanh hơn ».

Giữ khoảng cách có nghĩa là ngăn cản Trung Quốc làm chủ với những công nghệ hiện đại nhất. Để đạt được mục tiêu này theo Washington tốt nhất là « cắt nguồn cung cấp chip » và linh kiện bán dẫn tối tân nhất cho các nhà sản xuất Trung Quốc.

« Chạy nhanh hơn » có nghĩa là các doanh nghiệp Mỹ phải rút ngắn thời gian, chiêu dụ các nhà sản xuất chip hàng đầu trên thế giới mở nhà máy trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Ở khâu này, chính quyền Biden đã khá thành công. Tổng thống Biden liên tục cắt băng khánh thành các nhà máy của Intel tại bang Ohio sau khi Intel đầu tư 20 tỷ đô la trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Washington cũng đã thuyết phục được tập đoàn Đài Loan TSMC đầu tư 40 tỷ vào một cơ sở tại bang Arizona. Những con bọ điện tử của Đài Loan made in USA đầu tiên sẽ được ra lò vào cuối năm 2023. Về phần đại tập đoàn Hàn Quốc, Samsung, từ cuối 2021 hãng này đã khởi động dự án xây dựng nhà máy tại bang Texas và trên nguyên tắc cuối 2024 tổng thống Mỹ sẽ cắt băng khánh thành cơ sở này.

Chủ tịch trung tâm nghiên cứu về châu Á của Pháp, Jean François di Meglio nêu lên một trường hợp rất cụ thể cho thấy không có công nghệ cao của phương Tây, Trung Quốc rất kẹt.  

« Máy bay Comac C919 của Trung Quốc - tương đương với các loại Airbus A320 và Boeing 737 -  bắt đầu tham gia thị trường. Hiện tại là để phục vụ các chuyến bay nội địa. Trong tương lai có thể là một vài quốc gia sẽ cấp giấy phép bay cho Comac C919. Nhưng máy bay Trung Quốc phải sử dụng động cơ của nước ngoài và đây là một thách thức rất lớn về mặt công nghệ trong ngành hàng không. Trung Quốc phải sản xuất được động cơ có mức độ đáng tin cậy cao, và bền. Không thể có chuyện hỏng đầu máy với hàng trăm hành khách trên máy bay. Các tập đoàn chế tạo động cơ máy bay của Trung Quốc trong ngành chưa vượt qua được ngưỡng này ».  

Liên minh chống công nghệ Trung Quốc  

Cùng lúc Hoa Kỳ lôi kéo các đồng minh thành lập một mặt trận chung tấn công công nghệ cao của Trung Quốc. Về điểm này, Washington vừa ghi được một bàn thắng quan trọng : Ngày 27/01/2013 Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản đồng ý hạn chế xuất khẩu chip cao cấp cho Trung Quốc. Hiện vẫn còn có ít thông tín chi tiết về thỏa thuận này, tuy nhiên giới quan sát ghi nhận một số điểm như sau : Thứ nhất thỏa thuận nhắm vào ngành công nghiệp sản xuất vũ khí Trung Quốc. Thứ hai là Nhật Bản và Hà Lan là những mắt xích quan trọng trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn trên thế giới. Hà Lan với ASML còn Nhật với các tập đoàn Nikon và Tokyo Electron là những nhà cung cấp máy và thiết bị quan trọng trong khâu sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến nhất.

Cùng ngày (27/01), phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, trụ sở tại Washington, ủy viên đặc trách thị trường nội địa của Liên Hiệp Châu Âu, ông Thierry Breton tuyên bố Bruxelles chọn đứng về phía Washington trong cuộc đọ sức với Trung Quốc về công nghệ : « Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ tiên tiến nhất », « cần ngăn cản Trung Quốc làm chủ những loại chip cao cấp nhất ». Viện cớ vì « an ninh chung của Liên Âu và Mỹ, ông Breton nhấn mạnh : « Hoàn toàn đồng ý với Mỹ trên mục tiêu ngăn chận các nhà sản xuất Trung Quốc đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự có được các linh kiện bán dẫn ».

Tháng 11/2022 Luân Đôn chận lại một thương vụ do tập đoàn Hà Lan, Nexperiera một chi nhánh của hãng điện thoại di động Trung Quốc Wingtech, muốn mua lại cổ phần của một công ty đúc linh kiện bán dẫn của Anh là Newport Wafer Fab. Tại Berlin, bộ Kinh Tế từ chối cho các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại hai nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Đức. Đức luôn xem Trung Quốc là một đối tác thương mại « chủ chốt » và có thể mở cửa một số cơ sở hạ tầng thiết yếu như hải cảng Hambourg cho các tập đoàn Trung Quốc vào « làm ăn » nhưng chính phó thủ tướng, kiêm bộ trưởng Kinh Tế Robert Habeck đã dùng quyền phủ quyết ngăn chận Trung Quốc mua lại hai nhà máy điện tử của Đức.

Câu hỏi kế tiếp là liệu rằng liên minh công nghệ do Mỹ dẫn đầu có ảnh hưởng hay không đến những tham vọng của Trung Quốc tự chủ về công nghệ cao ? Chuyên gia về Trung Quốc Jean-François di Meglio trung tâm Asia Center trả lời :

« Trong giai đoạn đầu, những chương trình phát triển công nghệ cao của Trung Quốc có thể bị chựng lại nhưng bước kế tiếp, thì đây cũng là động lực để Bắc Kinh thúc đẩy mạnh hơn nữa kế hoạch Made in china 2025. Chúng ta biết rằng có thể do áp lực của Mỹ, kế hoạch đó sẽ bị chậm trễ mất 10 năm, nhưng kinh nghiệm cũng cho thấy rằng, Bắc Kinh hoàn toàn đủ sức rút ngắn khoảng cách về kỹ thuật với các nền công nghiệp tiên tiến nhất. Tôi không loại trừ khả năng, các đòn phong tỏa Mỹ ban hành với mục đích ngăn cản Trung Quốc tiếp cận với công nghệ hiện đại nhất phản tác dụng và thậm chí là dẫn tới tình trạng ‘gậy ông đập lưng ông’, tức là có thể làm phương hại tới chính kinh tế của Mỹ ».

Trung Quốc trả giá đắt ?

Trước mắt, một số hãng của Trung Quốc trong ngành đang điêu đứng. Một trường hợp cụ thể là YMTC. Được thành lập năm 2016, trong chưa đầy 6 năm công ty này chen chân vào được thị trường « bọ » và linh kiện bán dẫn. Đỉnh cao của sự thành công đó là hãng Apple của Mỹ tháng 9/2022 dự trù ký hợp đồng với YMTC để trang bị « chip » cho điện thoại iPhone. Nhưng giấc mơ chóng tàn. Ngày 07/10/2022 Washington kiểm soát chặt chẽ hơn các khoảng giao dịch giữa các tập đoàn Mỹ với các đối tác Trung Quốc « vì lý do an ninh quốc gia ». Apple lập tức hủy chương trình cộng tác với YMTC. Hãng này phải sa thải một phần nhân viên. Đến ngày 15/12/2022 thì chính quyền Biden đưa công ty Trung Quốc này vào « sổ đen » những tập đoàn bị cấm giao dịch với các công ty Mỹ. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.