Covid: Báo VN phản ứng việc ông Hồ Đức Phước nói 'ngân sách trống rỗng'

Thị trường Việt Nam vẫn ưa dùng tiền mặt

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thị trường Việt Nam vẫn ưa dùng tiền mặt

Truyền thông Việt Nam đang ra sức 'cải chính' một phát biểu của lãnh đạo ngành tài chính để nhấn mạnh rằng ngân sách của chính phủ không hề trống rỗng.

Thông tin ngân sách trung ương "'gần như không còn đồng nào" được cho là bắt nguồn từ phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/9.

Thông tin này lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng đây là "mức độ báo động đỏ" khi chính phủ hết tiền.

Ngay lập tức, báo chí Việt Nam đồng loạt đăng các bài viết với nội dung rằng đã có sự hiểu lầm phát biểu của ông Hồ Đức Phớc.

Lý giải của truyền thông Việt Nam?

Ông Hồ Đức Phớc cho rằng, có thể nhân dân nghe nhầm vì ông nói tiếng Nghệ An, hàm ý khó nghe.

Trang thông tin Chính phủ dẫn lời ông Bộ trưởng: "Không có chuyện Ngân sách cạn kiệt - Bộ trưởng Tài chính khẳng định."

Trang này đăng câu hỏi như sau: "Vừa qua một số thông tin dư luận hiểu lầm rằng ngân sách nhà nước cạn kiệt, xin Bộ trưởng cung cấp thông tin lý giải rõ thêm về việc chuyển nguồn từ tiết kiệm chi thường xuyên sang dự phòng ngân sách nhà nước?"

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời: "Ngân sách nhà nước không bao giờ cạn kiệt. Thu ngân sách năm 2021 được Quốc hội phê chuẩn là 1.343 nghìn tỷ đồng, đến nay đã thu đạt 77% dự toán và ngành tài chính phấn đấu đạt 100%, đồng thời vẫn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch. Tôi khẳng định ngân sách nhà nước bảo đảm đầy đủ cho các nhiệm vụ chi đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao."

Thông cáo của trang Thông tin Chính phủ 17/9/2021

Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

Chụp lại hình ảnh,

Thông cáo của trang Thông tin Chính phủ 17/9/2021

Tờ Lao Động cũng khẳng định lại bằng cách chạy hàng tựa: "Bộ trưởng Bộ Tài chính: "Ngân sách Nhà nước không bao giờ cạn kiệt".

Đây cũng là tiêu đề bài báo trên Website của Đài truyền hình Việt Nam.

Các báo này nêu chi tiết: "Nguồn ngân sách dự phòng hiện nay đã hết, chứ không phải ngân sách Trung ương đã cạn tiền, hay trống rỗng. Thực tế đến nay, thu ngân sách vẫn đạt 77% và thu năm nay vẫn vượt so với dự toán ngân sách Quốc hội giao. Như vậy ngân sách làm sao mà trống rỗng được !?".

Báo Tuổi Trẻ giải thích "ngân sách gặp khó"..., chứ "không bao giờ cạn kiệt", trong bài báo với tiêu đề "Ngân sách gặp khó, tìm thêm nguồn từ đâu?"

Ý kiến của dân

Danh khoản Hoang Long viết: "Bộ trưởng tài chính thì làm gì nói sai, vì đã nói rạch ròi rõ ràng hai loại ngân sách còn gì. Chỉ sợ ảnh hưởng không tốt nên phải đính chính thôi. Nhìn tình hình chắc lại lạm phát vì sẽ in thêm nhiều tiền để chi trả. Ai có tiền nhiều thì đổi sang vàng USD mà cất."

Nguyễn Hải Dương đặt câu hỏi: "Trước thì đồng chí nói: ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào". Sau thì đồng chí lại bảo " ngân sách trung ương thì làm sao mà trống rỗng được, ngân sách trung ương hết thì lấy gì trả lương". Sao mà tiền hậu bất nhất thế đồng chí bộ trưởng ?"

Cong Pham phân tích: "Có người nằm nhà vì giãn cách, rảnh quá mới ngồi làm một bài tính đơn giản về chiến dịch thần tốc xét nghiệm để tìm con virus ở Hà Nội vừa qua và kết quả là bóc tách được 19 F0 nhưng tốn mất 572 tỷ, đó là bỏ mất mấy con số lẻ đằng sau rồi đó nghe. Chơi kiểu đó thì nhẵn túi thì đúng quá rồi. Không biết rồi số tiền đó lọt vào đâu nhỉ. Thì cũng phải có chỗ để nó vào chứ, không lẽ từng đó tiền biến mất tiêu vào không khí?"

Người này còn cho rằng: "Vào cuối tháng 7, tui còn nhớ đọc báo thấy tin ngân sách nhà nước bội thu 62.000 tỷ đồng chỉ trong bảy tháng đầu năm. Thế mà vèo một cái chỉ trong vòng một tháng chẳng còn đồng nào. Đúng là tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống."

Chính sách tiền tệ của chính phủ ảnh hưởng đến từng món hàng nhỏ

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chính sách tiền tệ của chính phủ ảnh hưởng đến từng món hàng nhỏ

Tiếp tục vận động dân góp tiền

Một động thái khác cũng đồng thời xuất hiện trên nhiều tờ báo của Việt Nam là chương trình "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng chống dịch Covid-19".

Báo Lao Động có bài: "Tiếp tục đợt vận động toàn dân ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19".

Cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc Phòng viết: "Ngày 16/9, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tiểu ban Vận động và huy động xã hội thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức chương trình tiếp tục đợt vận động "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19".

Trang Thông tin điện tử của Mặt trận Tổ quốc còn nêu việc này được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6386/VPCP-QHĐP về việc tiếp tục tổ chức vận động, quyên góp.

Báo chí không quên nhắc dân: "Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, "thương người như thể thương thân", "bầu ơi thương lấy bí cùng", với phương châm: "người có của góp của, người có công góp công; có nhiều góp nhiều, có ít góp ít" ủng hộ kinh phí, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm…"

Khẩu hiệu giăng mắc khắp nơi

Nguồn hình ảnh, MANAN VATSYAYANA/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Khẩu hiệu giăng mắc khắp nơi

Được biết Chính phủ Việt Nam đã có kết luận của Thủ tướng tại cuộc làm việc với các nhà khoa học hồi đầu tháng này, nêu rõ việc hỗ trợ nhằm nhanh chóng có vaccine Covid-19 do Việt Nam sản xuất.

Theo đó, "Bộ Y Tế và Bộ Tài chính đề xuất phương án sử dụng Quỹ vaccine Covid-19 cho nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine trong nước."

Người dân Việt Nam và các tổ chức đã đóng góp 8.663 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng chống Covid-19, tính đến trung tuần tháng 9/2021.