Covid: Biden gọi 500.000 người chết là 'cột mốc nghiệt ngã'

Biden speaks

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tổng thống Joe Biden phát biểu trước toàn dân khi Hoa Kỳ ghi dấu mốc 500.000 người chết vì Covid, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

"Là một quốc gia, chúng ta không thể chấp nhận một số phận nghiệt ngã như vậy. Chúng ta phải chống lại việc trở nên tê liệt trước nỗi buồn", ông nói.

Tổng thống và phó tổng thống, cùng người phối ngẫu của họ, sau đó có một phút mặc niệm bên ngoài Nhà Trắng trong buổi lễ thắp nến tưởng nhớ nạn nhân đại dịch.

Hơn 28,1 triệu người Mỹ đã bị nhiễm virus corona - một kỷ lục toàn cầu khác.

"Hôm nay, tôi kêu gọi tất cả người dân Mỹ hãy nhớ đến những người chúng ta đã mất và những người chúng ta đã bỏ lại phía sau," ông Biden nói, kêu gọi người Mỹ cùng nhau chống lại Covid.

Ông Biden đánh dấu ngày này như thế nào?

Tổng thống Biden ra lệnh hạ cờ trên tất cả các tòa nhà liên bang xuống trong năm ngày tới.

Tại Nhà Trắng, ông Biden mở đầu bài phát biểu với lưu ý rằng số người Mỹ chết vì Covid cao hơn số người chết vì Thế chiến I, Thế chiến II và Chiến tranh Việt Nam cộng lại.

Ông nói: "Hôm nay chúng ta đánh dấu một cột mốc thực sự nghiệt ngã và đau lòng - 500.071 người chết.''

"Chúng ta thường nghe về những người được mô tả là người Mỹ bình thường. Không phải như vậy, chẳng có gì là 'bình thường' ở họ. Những người chúng ta mất đi thật phi thường. Họ trải qua nhiều thế hệ. Sinh ra ở Mỹ, di cư đến Mỹ."

"Rất nhiều người trong số họ đã trút hơi thở cuối cùng một mình trên đất Mỹ," ông nói tiếp.

A family says goodbye to their father's flag draped coffin

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Gia đình khóc thương Gregory Blanks, 50, chết vìCovid hồi tháng Giêng ở Texas

Ông Biden nhắc lại trải nghiệm đau buồn của chính mình - vợ và con gái ông thiệt mạng trong một tai nạn ô tô vào năm 1972 và một trong những người con trai của ông chết vì ung thư não năm 2015.

"Đối với tôi, con đường vượt qua đau buồn là tìm cho mình một mục đích", ông nói trong bài phát biểu trực tiếp trước toàn dân.

Cách tiếp cận của ông Biden với đại dịch khác với người tiền nhiệm Donald Trump, người hoài nghi tác động của loại virus chết người này và được coi là đã chính trị hóa việc đeo khẩu trang và các biện pháp ngăn chặn sự lây lan khác của virus.

Hôm 19/1, một ngày trước khi nhậm chức, ông Biden đã tổ chức một sự kiện đánh dấu 400.000 người Mỹ chết vì căn bệnh này.

Sự kiện hôm thứ Hai, đánh dấu số người chết mới nhất, diễn ra sau đó chưa đầy một tháng.

Ở những nơi khác tại Washington DC, chuông tại Nhà thờ Quốc gia gióng lên 500 lần, một lần cho mỗi nghìn người Mỹ bị thiệt mạng trong trận đại dịch.

Điều gì đang xảy ra ở Mỹ?

Moment of silence

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Biden, Phó Tổng thống Harris, đệ nhất phu nhân và phu quân của bà Haris trong lễ mặc niệm

Số người Mỹ nhiễm virus corona gần gấp đôi so với nước đứng thứ hai là Ấn Độ (11 triệu người) và Brazil (10,1 triệu người). Brazil ghi nhận số nạn nhân lớn thứ hai với 244.000 người, trong khi Mexico đứng thứ ba với 178.000 tử vong.

Tiến sĩ Anthony Fauci, nhà nghiên cứu miễn dịch học hàng đầu của Mỹ, nói với CNN hôm Chủ Nhật: "Nhiều thập kỷ tới, mọi người sẽ nói về điều này như một cột mốc khủng khiếp trong lịch sử đất nước này, khi có nhiều người chết vì nhiễm trùng đường hô hấp như vậy."

"Đó là một con số đáng kinh ngạc. Một năm trước, tôi không thể ngờ rằng nửa triệu người Mỹ lại mất mạng vì căn bệnh này", Tiến sĩ Ashish Jha, trưởng khoa sức khỏe cộng đồng tại Đại học Brown nói.

Ông nói với BBC News hôm thứ Hai: "Chúng tôi có rất nhiều khả năng, rất nhiều nguồn lực ở đất nước này... tất cả những điều này đều có thể ngăn ngừa được và lẽ ra không nên xảy ra. Nhưng giờ đã đến nước này rồi. Và tôi nghĩ rằng chúng ta phải suy gẫm lại về tất cả các cách phản ứng sai lầm của mình."

Bidens

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Theo dự báo gần đây của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME), ít nhất 90.000 người Mỹ nữa sẽ chết từ nay cho tới 1/6.

IHME ước tính vào cuối tháng Năm, virus sẽ giết chết khoảng 500 người Mỹ mỗi ngày - giảm so với khoảng 2.000 ca tử vong hàng ngày hiện nay.

Tỷ lệ nhập viện đã giảm trong 40 ngày liên tiếp, vì khoảng 1,6 triệu người Mỹ được chủng ngừa mỗi ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn rất lo ngại về việc ngày càng có nhiều biến thể virus corona trong nước, có thể tạo ra các đợt bùng phát chết người mới.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ nói mặc dù số liệu đã được cải thiện, nhưng tuổi thọ của người Mỹ đã giảm một năm vì virus corona, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết vào tuần trước.

Sự thay đổi diễn ra nghiêm trọng nhất ở các nhóm người chủng tộc thiểu số, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi loại virus chết người này.

Đàn ông da đen bị giảm tuổi thọ nhiều nhất, khoảng 3 năm, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2020.

Đàn ông gốc Tây Ban Nha bị giảm tuổi thọ 2,4 năm trong cùng giai đoạn nói trên.