Cùng nhìn lũ quét và lắng nghe nước mắt

Lê Học Lãnh Vân

Đọc bài thơ Lắng Nghe Nước Mắt của Nguyễn Duy, tôi không muốn thốt lên lời nào, không muốn gây âm thanh nhỏ nào. Chỉ lặng im dùng mắt lướt trên dòng sông nước mắt. Bất động mà nhìn, bất động vì cảnh tượng quá đau thương và vì không có thể làm gì được nữa! Hãy nhìn, nhìn kia…

Hai khổ đầu đầu nối tiếp nhau như một dòng lũ quét. Dòng bùn đất cuốn theo bao nhiêu là rác rến, củi mục, xác gia súc và xác người… Nhìn gần hơn, tất thảy những thứ đó đều là những kiếp người. Chao ôi,

“… những kiếp người

từng đoàn người lao đi

mưu sinh

từng đoàn người lao về

tị nạn

tị nạn nơi quê hương mình

Mênh mông vô tận những kiếp người Việt trong dòng lũ quét đó, ta kinh hãi, đau xót thấy cả dân tộc giẫy dụa và lầm lũi buông trôi trong tuyệt vọng đất bùn.

Từ khi cùng Phạm Duy “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” bảy mươi năm trước, người Việt thời đó có thấy chưa thấp thoáng hình ảnh của hôm nay?

“… ngoái lại mà coi cuộc trôi định mệnh

một dân tộc

trôi

tới Mũi Cà Mau

hết đất

đường thiên lý đầm đìa

máu

mồ hôi

nước mắt…

Nước Việt Nam được nhiều người ví có hình chữ S. Nhà thơ Tạ Hữu Yên nhìn hình “đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu” mà nghe chan chứa thanh âm. Dù có khổ đau và mất mát,

Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”,

thì nước Việt Nam của Tạ Hữu Yên vẫn có phần chủ động trong chọn lựa của mình. Khổ thơ trên của Nguyễn Duy nhìn người Việt hôm nay như một đoàn người bị lũ quét hung dữ cuốn đi từ ải Nam Quan quăng lông lốc tới mũi Cà Mau! Những người bị cuốn đi trong dòng “máu, mồi hôi, nước mắt” đó, họ hoàn toàn bị động trong thời cuộc hôm nay!

Nguyễn Duy rời mắt khỏi dòng lũ quét nhìn về cõi suy tư. Chao ôi, trong vòng chưa tới trăm năm, người Việt đã chịu bao lần lũ quét như thế…

thời xa lắc gọi chung là chạy loạn

tản cư

di cư

sơ tán

di tản

ngôn ngữ mỗi thời cải tiến cải lui

nôm na vẫn là… chạy

chạy giặc ngoại xâm

chạy anh em ruột thịt

Trăm rưỡi năm xưa cụ Đồ Chiểu đã thuật lại dân miệt Bến Nghé chạy giặc ngoại xâm

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ bầy chim dáo dác bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây

Sau cuộc chạy giặc ngoại xâm đó,

Năm 1954, khoảng một triệu người dân Miền Bắc chạy vô Miền Nam

Đầu thập niên 1970s, các chuyến chạy trên đại lộ kinh hoàng, chạy từ vùng chiến địa An Lộc, Phước Long…

Năm 1975, chạy từ Tây Nguyên đổ xuống đồng bằng, từ Quảng Trị, Đà Nẵng chạy về hướng Nam. Bám càng trực thăng, chạy từ đất liền tuôn ra biển…

Cuối thập niên 1970s tới giữa thập niên 1980s, lại triệu người tháo chạy ra biển dữ trên những chiếc ghe mong manh, tạc hình thuyền nhân giữa Biển Đông.

Và bây giờ, thế hệ giàu có, trí thức chạy vô toà đại sứ các nước xin đi nhập cư, mang theo của cải, tri thức với dự tính vĩnh viễn trở thành công dân quốc gia khác…

Mỗi cuộc tháo chạy một tính cách, và kích thước cuộc tháo chạy sau thường lớn hơn cuộc tháo chạy trước.

Trong cuộc Chạy hôm nay,

ai xe máy rồ máy

ai xe đạp cọc cạch đạp

ai không xe lê bàn chân Giao Chỉ

Như nghe tiếng vọng hào hùng từ Lời Kêu Gọi Toàn Quốc Kháng Chiến năm 1946 thúc giục cha, chú rầm rập bước

“Ai có súng dùng súng

Ai có gươm dùng gươm

không gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc

Qua bao nhiêu “mùa thu rồi ngày hăm ba” mà những cuộc tháo chạy từ đó vẫn còn tiếp nối cho tới tận bây giờ, chừng nào mới hết nghe “tiếng kêu sơn hà nguy biến”? Có đáng lo sợ không nếu những bài học về Đạo Đức Cốt Lõi và Lòng Dân lần nữa không được rút ra…

Xin mời các anh chị cùng Nguyễn Duy nhìn số phận người dân trong cơn Lũ Quét và im lặng, cúi đầu, nghiêm cẩn lắng nghe Nước Mắt…

Ngày 12 tháng 10 năm 2021

Comments are closed.