Friday, May 3, 2024

Cuộc chiến bảo vệ con bị kỳ thị chủng tộc của người mẹ gốc Việt

Kalynh Ngô/Người Việt

HOUSTON, Texas (NV) – Một phụ nữ gốc Việt ở Houston, Texas, kiên trì đấu tranh suốt một năm, cáo buộc Học Khu Cypress-Fairbanks Independent School District (CFISD) vì không có bất kỳ hành động nào để xử phạt tội phân biệt chủng tộc, mà nạn nhân là hai con trai của cô.

Cô Huỳnh Hải Âu điều trần sự việc con trai là nạn nhân của phân biệt chủng tộc trước Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Cypress-Fairbanks Independent School District. (Hình: Học Khu CFISD)

Những lời giễu cợt

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên nhật báo Người Việt, cô Huỳnh Hải Âu kể lại hàng loạt những sự việc xảy ra từ Tháng Giêng, 2023. Hai con trai của cô, năm nay 11 tuổi và 9 tuổi, đã phải chịu những lời giễu cợt mang tính thù ghét người Mỹ gốc Á trên xe buýt của trường tiểu học McGown Elementary School.

Gọi hai người con của mình là “nạn nhân,” cô nói: “Vào Tháng Giêng, 2023, cả hai con trai tôi đều là nạn nhân của những lời miệt thị người gốc Á từ một học sinh khác trên xe buýt của trường học. Con trai út 8 tuổi của tôi học lớp Ba. Trên suốt chặng đường về nhà, học sinh kia đã gọi tên của con tôi và sau đó hô lên ‘ching chong wing wong’ trong gần 10 phút, cho đến khi con tôi xuống xe buýt và đi vào nhà. Dù con của tôi đã yêu cầu nam sinh đó dừng lại nhưng cậu ta vẫn tiếp tục nói rất to.”

Cô Hải Âu cho biết có một video kèm âm thanh trên xe buýt ghi lại toàn bộ sự việc trong 10 phút từ trường về nhà. Gia đình cô đã xem đoạn video nhưng bị từ chối khi yêu cầu được giữ một bản sao chép.

“Con trai lớn của tôi rất hoảng sợ. Tôi có thể nói là thằng bé ngồi run rẩy trên xe. Con trai út của tôi yêu cầu học sinh kia dừng lại. Thằng bé nói ‘đây là phân biệt chủng tộc, bạn cần phải chấm dứt.’ Học sinh kia quay đi là tiếp tục những lời miệt thị giễu cợt không hay đó,” cô Hải Âu kể lại trong sự xúc động.

McGown Elementary School, nơi hai con trai của cô học, có 31% học sinh gốc Á. “Ba mươi mốt phần trăm là con số không nhỏ,” cô nói. “Và phần lớn trong số đó là người Mỹ gốc Việt. Không chỉ riêng các con của tôi, mà những học sinh khác cũng là nạn nhân. Chúng tôi rất lo ngại về vấn đề này.”

Những gia đình gốc Á khác từng kể lại với cô Hải Âu rằng con của họ cũng gặp phải những lời nói xấu mang tính phỉ báng chủng tộc.

“Rất nhiều phức tạp khi phải đối diện và giải quyết nạn kỳ thị trong cộng đồng này,” cô nói.

Trường học từ chối trách nhiệm

Một trong những sự phức tạp đó là phản ứng từ phía cơ quan có trách nhiệm, mà trong sự việc này là trường tiểu học McGown Elementary School.

Cô Hải Âu kể: “Trường học và Học Khu CFISD không nhìn nhận sự việc này là phân biệt chủng tộc. Sau lần xảy ra sự việc trên xe buýt, ban giám hiệu trường đã có vài cuộc họp và gửi một bản kết luận, nói rằng họ không tìm thấy chủ ý phân biệt chủng tộc trong hành động đó. Và trách nhiệm giáo dục cộng đồng về những lời miệt thị chủng tộc không thuộc về học khu.”

Cô Hải Âu nhấn mạnh trong buổi nói chuyện với phóng viên Người Việt: “Vấn đề chính là trong lúc họ tư vấn cho em học sinh có hành động kỳ thị với con tôi, họ đã không đề cập đến ý phân biệt chủng tộc và cả với trường học.”

Sau đó, con trai của cô Hải Âu vẫn tiếp tục bị quấy rối từ những lời miệt thị như thế. “Mỗi khi sự việc xảy ra, gánh nặng lại đè lên các con của tôi khi phải kêu người bạn đó dừng lại,” cô nói.

Cô Huỳnh Hải Âu trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Người Việt. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Hành động thù ghét

Diễn tiến sự việc không dừng lại. Điều đáng lo ngại hơn đã xảy ra. Ngày 23 Tháng Năm, 2023, con trai lớn 11 tuổi đến trường. Em khoác thêm chiếc áo sơ-mi lớp Năm được dùng để các bạn ký tên kỷ niệm trong những ngày cuối năm học. Theo lời cô Hải Âu kể, sau khi rất nhiều bạn và cả thầy cô ký tên vào, vì trời nóng, con trai cô đã cởi áo sơ-mi và nhận thấy có một chữ biểu tượng của “swastika” trên vai áo mình.

“Con của tôi biết đó là biểu tượng ‘swastika’ tượng trưng cho chủ nghĩa Phát Xít Đức. Khi cháu nhìn thấy chữ đó, cháu kinh sợ và nhanh chóng lấy bút vẽ nguệch ngoạc lên vì không muốn ai nghĩ rằng cháu đã vẽ hay ủng hộ ‘swastika.’ Cùng ngày hôm đó, quả bóng của một học sinh khác trong trường có chữ Hitler. Vài học sinh khác cũng có chữ này vẽ trên vật dụng cá nhân của các em,” cô Hải Âu kể lại sự việc.

Gia đình cô Hải Âu báo với trường học về hành động thù ghét chủng tộc xảy ra trong ngày cuối năm học. Cô nói: “Họ (nhà trường) chỉ nói với chúng tôi là cuộc điều tra của họ đã kết thúc và họ tuân theo quy tắc ứng xử của học sinh. Họ chưa bao giờ hỏi chuyện các con của tôi để biết chuyện gì đã xảy ra hoặc hỏi thăm về sức khỏe tinh thần của các cháu.”

Chính con trai của cô sau đó đã tìm ra người viết chữ này lên áo của em. Học sinh này từng dùng ngôn ngữ thù ghét, bao gồm cả việc gọi một học sinh da màu là “N” (Nigger – cách gọi miệt thị đối với người da đen).

Gia đình cô Hải Âu đã chính thức gửi đơn khiếu nại trường vì giải quyết không minh bạch. Cô yêu cầu trường học phải gửi ra “thỏa thuận tránh xa” (stay away agreement) đối với con trai của cô ở trường trung học Sprague Middle School, là trường mà con trai lớn của cô và học sinh đã viết biểu tượng Phát Xít chuyển đến cho năm học lớp Sáu. Tuy nhiên, cả trường tiểu học và trung học đều không giải quyết.

“Lần giải quyết cuối cùng với Học Khu CFISD là buổi làm việc trực tiếp với ban lãnh đạo của học khu liên quan đến thực hiện lệnh phải tránh xa con của tôi. Đó là cấp độ ba. Họ cũng từ chối giải quyết, cho rằng vẽ hình của Đức Quốc Xã lên áo của con tôi không gọi là ngôn ngữ thù ghét,” cô Hải Âu nói.

Cô quyết định nộp thêm hai đơn kháng cáo, tham gia ba phiên điều trần để nói về sự việc đã xảy ra với con trai cô và trình bày tại một cuộc họp hội đồng của học khu vào Tháng Mười Một, 2023.

Cho đến khi diễn ra cuộc phỏng vấn với phóng viên Người Việt, cô Hải Âu cho biết cô vẫn chưa nhận được “stay away agreement” từ trường Sprague Middle School.

Hiểu rõ quyền công dân

Năm 1987, gia đình cô Huỳnh Hải Âu định cư ở Mỹ theo diện di dân. Cô thẳng thắn cho biết chính cô, hoặc chồng của cô, cũng là người Mỹ gốc Việt, đều đã từng là nạn nhân của nạn kỳ thị.

Cô nói: “Vấn đề ở đây là phải biết cách làm thế nào. Khi sự việc xảy ra lần đầu tiên, chúng tôi không biết là chúng tôi có thể làm đơn khiếu nại lên học khu. Chúng tôi không biết. Không ai (phụ huynh) nói hoặc hướng dẫn. Cho đến khi chúng tôi tìm hiểu, hỏi chuyện nhiều người. Từ đó, từ bước này đến bước khác.”

“Tôi nghĩ rằng có rất nhiều gia đình gốc Á là di dân ở khu vực này, những gia đình gốc Việt, có thể sẽ không biết những nguồn tài liệu hướng dẫn. Chúng tôi may mắn là đã có những nguồn thông tin đó, biết được mình có quyền ra điều trần trước học khu. Chúng tôi quyết định lên tiếng. Ở đây, ngôn ngữ là một rào cản lớn,” cô nói.

Cho dù không phải chỉ riêng con trai của cô Huỳnh Hải Âu là nạn nhân gốc Á duy nhất của nạn kỳ thị và tội thù ghét, cô cho biết trong hành trình khiếu nại, chiến đấu để bảo vệ con của mình, chỉ có cô và chồng.

Theo chia sẻ của người mẹ can đảm Huỳnh Hải Âu, cô, cũng như chồng của cô, là con của một thế hệ di dân, tị nạn.

“Cách đây 20 năm, 30 năm, kỳ thị đã tồn tại ở Mỹ, nhưng nó không ở mức độ như bây giờ,” cô nói. “Thời đó, cha mẹ chúng tôi không thể làm gì vì rào cản ngôn ngữ và thiếu sự tiếp cận với những kiến thức, tài liệu, như chúng tôi có thể làm bây giờ.”

Cho dù không phải chỉ riêng con trai của cô Huỳnh Hải Âu là nạn nhân gốc Á duy nhất của nạn kỳ thị và tội thù ghét, cô cho biết trong hành trình khiếu nại, chiến đấu để bảo vệ con của mình, chỉ có cô và chồng.

Chiến đấu để bảo vệ quyền lợi cho con của mình là một hành trình không dễ dàng. Nhưng để xoa dịu các em vượt qua ám ảnh, lo sợ về tai nạn của tội thù ghét là một việc càng khó hơn. Đối với cô Hải Âu, đây mới thật sự là một cuộc chiến khó khăn, vì vấn nạn kỳ thị, thù ghét vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi trên nước Mỹ.

Cô chia sẻ điều mà người gốc Á nên làm để chống lại nạn kỳ thị: “Chúng ta cần phải biết quyền của mình. Chúng ta may mắn hơn thế hệ đi trước trong vấn đề ngôn ngữ để có thể tìm hiểu và học hỏi. Hiện nay, có rất nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng hỗ trợ chúng ta để chống lại sự thù ghét. Chúng ta không đơn độc. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng. Chúng ta sẽ mạnh hơn khi chúng ta đoàn kết. Do đó, không phải chỉ mình tôi, hay chồng tôi, một người không thể làm được, nhưng nếu có một cộng đồng hỗ trợ thì kết quả sẽ khác.” [đ.d.]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT