Cuộc đời Phạm Xuân Ẩn là 'im lặng, trung thành và tự do'

  • Tina Hà Giang
  • BBCvietnamese.com
Phạm Xuân Ẩn
Chụp lại hình ảnh, Dù được phong thiếu tướng, ông Phạm Xuân Ẩn cũng không được tiếp xúc với báo chí nước ngoài, trong nhiều năm sau 1975

Trả lời BBC, tác giả Larry Berman nói mọi thứ về cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn vẫn là một điều bí ẩn, vì vậy 'tất cả chúng ta có thể làm là suy đoán'.

Nói chuyện với Tina Hà Giang của BBC Tiếng Việt hôm 24/02/2018, tác giả Larry Berman cũng cho biết im lặng, trung thành và tự do là ba biểu tượng về người điệp viên Việt Nam nổi tiếng này.

BBC: Điệp viên Phạm Xuân Ẩn xem cuốn "Perfect Spy: The Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent' là phiên bản chính thức của tiểu sử ông ấy. Trước khi làm việc với ông, Phạm Xuân Ẩn đã làm việc với Thomas Bass, nhưng cuối cùng ông ta đã quyết định chỉ làm việc với ông. Theo ông thì tại sao?

Larry Berman: Vâng, dĩ nhiên là tôi biết tại sao. Thực ra, Thomas Bass là người đã sáng tạo ra những thuật ngữ này, rằng tôi là nhà viết 'tiểu sử chính thức,' hoặc là người viết 'tiểu sử được ủy quyền' của Phạm Xuân Ẩn. Thực tế của vấn đề là, tôi là một sử gia. Tôi đã viết hơn 8 cuốn sách về Việt Nam. Tôi đã hỏi Ẩn nhiều năm để được viết cuốn sách về ông ấy, nhưng ông nói không. Nhưng khi đọc cuốn "No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam'' Phạm Xuân Ẩn nghĩ đó là cuốn sách công bằng và khách quan nhất được viết bởi một người không phải người Việt về tiến trình hòa bình và đàm phán giữa Hà Nội và Henry Kissinger, sau đó Phạm Xuân Ẩn bắt đầu nói chuyện với tôi nhiều hơn về những cuốn sách tôi viết.

Nhưng chỉ đến khi Ẩn phải vào bệnh viện và được cho biết rằng ông chỉ còn sống được khoảng 6 tháng nữa, thì ông mới nói 'OK, tôi muốn câu chuyện của tôi được kể bởi một người không quen biết tôi trong chiến tranh', một sử gia, và là người sẽ công bằng từ cả quan điểm của Mỹ và của Việt Nam. Thomas Bass là một nhà báo, Phạm Xuân Ẩn muốn một nhà sử học viết cuốn sách về mình. Và như một nhà sử học, tôi nghiên cứu một cách có phương pháp hơn. Tôi là người [nước ngoài] đầu tiên viết sách về Phạm Xuân Ẩn, và tôi rất vui là giờ đây có nhiều sách viết về ông ấy từ nhiều góc độ khác nhau.

Tác giả Larry Berman trong một buổi ra mắt sách

Nguồn hình ảnh, Larry Berman

Chụp lại hình ảnh, Tác giả Larry Berman trong một buổi ra mắt sách

BBC: Ông có thể giải thích thêm về sự khác nhau giữa sách mà sử gia viết và sách mà nhà báo viết?

Larry Berman: Một số bạn thân của tôi là nhà báo. Một số sách hay nhất về Việt Nam được viết bởi các nhà báo, đó là những sách đoạt giải Pulitzer Prize do giới nhà báo viết. Nhưng có hai hoặc ba cuốn sách của báo giới Việt Nam viết về Phạm Xuân Ẩn trước sách của tôi và chúng làm ông ấy xấu hổ. Bạn có thể mua những sách đó ở bất cứ đâu tại Việt Nam. Đại khái nội dung những cuốn sách này là, Phạm Xuân Ẩn là người hoàn hảo, ông ấy là một sự kết hợp của siêu nhân và mọi người hoàn hảo khác trong lịch sử Việt Nam, và điều đó làm cho Ẩn xấu hổ. Ẩn không muốn các nhà báo Việt Nam viết vì ông là một nhà báo, dĩ nhiên ông cũng là gián điệp, nhưng vì ông làm nghề viết báo, ông không nghĩ rằng một nhà báo nên viết câu chuyện của mình, mà sách về ông phải được viết dưới ngòi bút của một sử gia, đó là điều thực sự khiến ông ta chọn tôi.

BBC: Ông không từng làm việc với Phạm Xuân Ẩn trong cuộc chiến, vậy ông gặp ông Ẩn trong trường hợp nào, và tại sao ông muốn viết sách về ông ấy?

Larry Berman: Mãi đến năm 2000 tôi mới gặp Ẩn, vào buổi tối đầu tiên trong chuyến đi đầu tiên của tôi tới Việt Nam, tôi có kể chuyện này trong sách tôi viết. Lúc ấy, tôi thậm chí không biết ông Ẩn là ai, và lại càng chắc chắn không biết mình sẽ viết một cuốn sách về ông ấy. Nhưng chúng tôi ngồi cạnh nhau và ông ấy nói tiếng Anh không giống như bất kỳ người Việt Nam nào có mặt ở đó. Khi Ẩn biết tôi là giáo sư tại Đại học California ở Davis, thì ông ấy cho biết đã từng ở UC Davis. Ông Ẩn đã sống hai năm ở Hoa Kỳ, ông yêu thích California, yêu khoảng thời gian ông sống ở Hoa Kỳ và nguyên buổi tối chúng tôi chuyện trò về thời gian ông ở Mỹ. Sau đó, một người nào nói với tôi rằng người tôi vừa nói chuyện với là Phạm Xuân Ẩn. Ẩn đề nghị gặp tôi vào ngay ngày hôm sau tại quán cà phê Givral, bởi tôi đang soạn một cuốn sách và Ẩn nói với tôi ông biết rất nhiều về chủ đề tôi viết. Đó là thưở ban đầu trong quan hệ của chúng tôi.

BBC: Ông bị ông Ẩn cuốn hút ngay lập tức, hay dần dà mới đánh giá cao con người mà sau này ông chọn làm đề tài cho hẳn một cuốn sách?

Larry Berman: Tôi đã rất tò mò về nhân vật này vì tôi bị cuốn hút bởi tính hai mặt của Phạm Xuân Ẩn, đó là ông thích Mỹ, thích nói về Mỹ, yêu thích báo chí và luôn có vẻ khó chịu khi nói về vai trò gián điệp của ông trong chiến tranh, lúc làm việc cho tạp chí Time. Ai mà không bị hấp dẫn bởi điều đó? Tôi bị lôi cuốn, và tôi tự hỏi ông ấy đã làm thế nào mà sống sót được. Tôi cũng tự hỏi làm sao mà ông ấy có lắm bạn bè Mỹ thế, và cũng bị mê hoặc bởi vai trò của ông ấy trong quá trình hòa giải sau khi chiến tranh kết thúc, tôi thắc mắc làm thế nào mà Đại sứ Hoa Kỳ và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ phải đến hỏi ý kiến ông ấy, rồi làm sao ông ấy lại trở thành một khách VIP trên tàu USS Vandergrift, chiến hạm đầu tiên của Hoa Kỳ trở lại Việt Nam sau chiến tranh.

Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson và Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu dự hội nghị Mỹ - Nam Việt Nam tại Honolulu ngày 20/7/1968

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson và Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu dự hội nghị Mỹ - Nam Việt Nam tại Honolulu ngày 20/7/1968. Vào cuối tháng 3/1974, bản phác thảo ông Phạm Xuân Ẩn gửi cho Bộ Chính trị ở Hà Nội nói rằng người Mỹ sẽ không bao giờ trở lại, đưa đến quyết định tổng tiến công của Miền Bắc vào Nam

BBC: Tác giả Thomas Bass gọi Phạm Xuân Ẩn là một gián điệp tứ trùng. Ông có đồng ý với nhận định này?

Larry Berman: Thomas Bass làm gì có bằng chứng nào về việc đó. Tôi đã thảo luận về điều này trong cuốn sách của tôi. Thực ra Phạm Xuân Ẩn đã được CIA và vài cơ quan khác tuyển dụng, nhưng đó chỉ là vì họ thấy ông ta là một nhà báo người Việt Nam làm việc cho tạp chí Time. Ẩn nói với tôi rằng anh ta đã hỏi ý cấp trên xem có nên nhận việc của CIA không. Nhưng vai trò của ông Ẩn rất quan trọng cho sự thành công chiến lược của cộng sản, và làm việc với CIA quả là điều quá nguy hiểm.

Họ đã cắm được điệp viên hoàn hảo này vào tạp chí Time, với quyền truy cập vào cơ quan tình báo Mỹ, cơ quan tình báo VNCH, bạn thân nhất của ông ta là Giám đốc cơ quan tình báo của Nam Việt Nam, người có thể liên lạc với quân đội Nam Việt Nam. Họ không cần ông phải tăng nguy cơ bị khám phá bằng cách làm gián điệp cho người Pháp, người Anh, hoặc người Mỹ.

Với Thomas Bass, hoặc bất cứ ai tuyên bố rằng Phạm Xuân Ẩn là một gián điệp tứ trùng hoặc thậm chí nhị trùng, tôi sẽ hỏi họ là bằng chứng của bạn đâu? Là một học giả, tôi thấy không có bằng chứng gì cho thấy Ẩn làm việc cho bất kỳ cơ quan tình báo nào khác.

Bạn biết đấy, Ẩn có nghĩa là bí mật. Tên ông Ẩn là cuộc đời ông ấy phải không? Mọi thứ về Phạm Xuân Ẩn là một điều bí ẩn. Và cho đến khi các hồ sơ chính thức đang được chính phủ Việt Nam niêm phong tại Hà Nội được bạch hóa, không ai trong chúng ta sẽ biết sự thật, vì vậy tất cả chúng ta có thể làm là suy đoán. Suy đoán của tôi khác hẳn với hai tác giả khác viết về Phạm Xuân Ẩn.

Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về ông Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn trước 1975
Chụp lại hình ảnh, Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về ông Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn trước 1975

BBC: Ông đánh giá tình bạn của Phạm Xuân Ẩn với Đại Tá Phạm Ngọc Thảo và ông Trần Kim Tuyến như thế nào?

Larry Berman: Với Phạm Ngọc Thảo, tôi không có nhiều thông tin, nhưng bác sĩ Trần Kim Tuyến thì tôi khá rõ. Dĩ nhiên, Ẩn và bác sĩ Tuyến đã có mối quan hệ ngay cả trước khi ông Ẩn đến Hoa Kỳ vào năm 1959, và đó là chuyện hấp dẫn nhất trong cuộc đời của ông, tôi nghĩ vậy. Chuyện ông Ẩn được Việt Minh tuyển chọn từ hồi rất nhỏ, chuyện Edward Lansdale, tiền thân của CIA tài trợ cho chuyến đi của Ẩn đến Hoa Kỳ, sắp xếp cho ông ta đi đến Orange Coast College, California để học báo chí. Đây là một kế hoạch tuyệt vời mà Việt Minh đã tạo ra từ nhiều năm trước khi quân Mỹ đến Việt Nam, vì họ nhận ra rằng việc Mỹ đến Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Mỹ không hề nghi ngờ gì. Vì vậy, Ẩn được gửi đến Mỹ để trở thành Mỹ hóa, học ngành báo chí, bởi vì đó là ngụy trang hoàn hảo nhất, ít rủi ro nhất so với những nghề khác mà Ẩn có thể chọn.

Sau khi học xong báo chí ở Hoa Kỳ, ông Phạm Xuân Ẩn trở về Việt Nam năm 1961, trong một giai đoạn hết sức khó khăn, lúc chính quyền Ngô Đình Diệm đang bắt giam rất nhiều Việt Cộng. Phạm Xuân Ẩn nương náu tại nhà ông Tuyến khoảng 30, 35 ngày, vì sợ bị mật vụ của ông Diệm bắt nhốt. Bác sĩ Trần Kim Tuyến là người đã giúp ông Ẩn tìm được việc làm đầu tiên trong làng báo Việt Nam, rồi từ đó họ trở thành bạn. Bác sĩ Tuyến thực sự đã giúp đỡ nhiều người Bắc Việt bị giam trong tù.

Dĩ nhiên sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt tháng 4 năm 1975, Phạm Xuân Ẩn là người đã cứu mạng bác sĩ Trần Kim Tuyến bằng cách giúp ông ta trốn khỏi Việt Nam. Ẩn luôn luôn nói rằng ông làm thế vì tình bạn. Tôi thì tôi ngờ rằng ông ấy làm điều đó vì họ là bạn cũng có, và cũng bởi vì, và đây là điều rất quan trọng, cả hai đều biết nhiều bí mật về nhau. ''Giả thuyết của tôi là, Ẩn sợ nếu bác sĩ Tuyến bị bắt, ông ta sẽ bị tra tấn và sẽ tiết lộ những điều về Ẩn mà Ẩn không muốn lộ ra, như việc ông đã cứu mạng sống của nhiều người Mỹ trong chiến tranh, bảo vệ bạn bè người Mỹ. Cộng sản rất tức giận về việc Ẩn giúp bác sĩ Tuyến trốn thoát, đó là một trong những lý do khiến ông Ẩn bị bắt phải cải tạo.'

Tất nhiên Phạm Xuân Ẩn không phải vào những trại tù cải tạo lao động như người miền Nam, nhưng họ cố gắng cải tạo lại suy nghĩ của ông ấy. Ông ta không còn tư duy của một người cộng sản nữa, vì đã tiếp xúc với cách suy nghĩ và giáo dục về báo chí của người Mỹ. Ông tin vào một nền báo chí tự do, thế mới chết! Và với những người cộng sản, đó là những ý tưởng phải được xóa sạch ngay ra khỏi tâm trí.

Và theo lời Ẩn nói, thì nó (chương trình cải tạo) không hiệu quả, vì vậy vợ ông đã được triệu hồi về nhà, và trong 7 hoặc 8 năm tiếp theo, ông Ẩn ở trong tình trạng chỉ có thể mô tả là bị quản thúc tại gia, không được phép tiếp khách. Đó là một khoảng thời gian rất đen tối trong cuộc đời ông Ẩn. Vì vậy, lý do thật sự tại sao ông Ẩn đã cứu mạng ông Tuyến, một lần nữa, chúng ta chỉ có thể suy đoán. Sau này may ra mới biết được sự thật.

Thomas Bass coi Phạm Xuân Ẩn trước hết là một nhà báo giỏi
Chụp lại hình ảnh, Thomas Bass coi Phạm Xuân Ẩn trước hết là một nhà báo giỏi

BBC: Vậy theo ông bác sĩ Trần Kim Tuyến và ông Phạm Xuân Ẩn, người này có biết người kia là gián điệp không?

Larry Berman: Tôi nghĩ họ biết. Tất nhiên đó chỉ là suy đoán của tôi, nhưng tôi nghĩ bác sĩ Tuyến biết nhiều điều về Ẩn và Ẩn biết nhiều điều về bác sĩ Tuyến để người nọ có thể biết người kia trung thành với ai. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc cho đến khi hồ sơ được bạch hoá.

BBC: Ông có nghĩ ông Phạm Xuân Ẩn rất cay đắng sau năm 1975, khi ông không được phép theo gia đình sang Mỹ, mà bị cải tạo và dường như không được chính quyền cộng sản tin tưởng?

Larry Berman: Ông Ẩn nói với tôi nhiều về chuyện này. Không, họ không biết ông ấy là ai. Họ không tin tưởng ông ấy. Họ không cho phép ông ấy qua Mỹ. Ông ấy có rất nhiều ảnh hưởng, biết quá nhiều bí mật. Ông Ẩn chấp nhận một thỏa thuận. Thỏa thuận ấy là họ sẽ cho phép con trai đầu lòng của ông đi học ở Hoa Kỳ để lấy bằng luật. Bạn bè của Ẩn từ tạp chí Time quyên góp được 30.000 đôla để tài trợ cho việc đó, và ngược lại, ông Ẩn hứa sẽ im miệng, sẽ không công bố này nọ... Ông ấy chấp nhận số phận mình.

Bởi vì ông Ẩn tin rằng đó (đi du học) là điều quan trọng cho cuộc đời, bởi vì chính ông đã có kinh nghiệm là một người Việt Nam được ra nước ngoài học tập, tiếp xúc với cách suy nghĩ mới, tiếp cận mới, sau đó trở về Việt Nam phục vụ đất nước. Đó là những gì ông đã làm. Ông Ẩn tin rằng mình là một mô hình tuyệt vời cho người trẻ Việt Nam, và quả thực, trong nhiều khía cạnh, tôi nghĩ đúng là như vậy. Ông ấy có một sứ mệnh. Nhiệm vụ của ông là đẩy quân đội nước ngoài, trong trường hợp này là người Mỹ, ra khỏi Việt Nam. Ông Ẩn rất lý tưởng. Ông hình dung ra nước Việt Nam sẽ như thế nào sau khi thống nhất. Vì vậy, ông đã trở lại Việt Nam sau khi học xong, hoàn thành nhiệm vụ của mình và làm việc để hòa giải. Khoảng 50 trang sách của tôi được dành cho vai trò của ông trong quá trình hòa giải mà hầu như không ai nói đến.

BBC: Có ý kiến cho rằng, các tác giả ngoại quốc có khuynh hướng đánh giá quá cao vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong Chiến tranh Việt Nam. Tựa đề như 'người Điệp Viên xoay chuyển tình thế cuộc chiến Việt Nam' có thể nghe rất hấp dẫn, nhưng có quá lời không, chắc chắn phải có những điệp viên khác ngoài Phạm Xuân Ẩn?

Larry Berman: Phạm Xuân Ẩn đã tham gia vào trận Tết Mậu Thân, và thực sự đã giúp xác định những điểm an toàn, tiếp cận đại loại như vậy, nhưng ông không thay đổi cục diện cuộc chiến. Nơi duy nhất mà ông ta tạo thay đổi, nói cách khác, ảnh hưởng lớn nhất của ông là vào năm 1962. Tường trình của ông về Ấp Bắc, thực sự ảnh hưởng đến, và đưa đến cho Việt Minh một cách mới suy nghĩ về lực lượng chống nổi dậy.

Và sau đó, vào cuối tháng ba năm 1974, là bản phác thảo ông Ẩn gửi cho Bộ Chính trị ở Hà Nội, nói rằng người Mỹ sẽ không bao giờ trở lại, họ sẽ không bao giờ trở lại. Các lực lượng phe cộng sản lúc đó đã phải chịu những tổn thất nặng nề và gần như kiệt quệ trong cuộc chiến năm 1972. Kế hoạch của họ lúc ấy là chuẩn bị thống nhất vào năm 1978, nhưng Phạm Xuân Ẩn nói, 'không, không, không, chúng ta có thể làm ngay bây giờ. Người Mỹ không bao giờ trở lại, cho kẹo họ cũng sẽ không trở lại. Tình hình chính trị Mỹ ở Hoa Kỳ sẽ không hỗ trợ chiến tranh.'

Ông Ẩn giải thích vụ Watergate, và điều đó đã khiến bộ chính trị đẩy mạnh kế hoạch thống nhất đất nước nhanh hơn được hai hoặc ba năm. Tôi thực sự nghĩ rằng, đó là lý do Ẩn được trao huy chương quân sự, và cuối cùng được thăng lên cấp Tướng. Đó bản báo cáo quan trọng nhất của chiến tranh Việt Nam. Có hàng trăm gián điệp cộng sản thời ấy, nhưng Phạm Xuân Ẩn trở nên nổi tiếng nhất, vì vai trò của ông trong việc gắn bó với tạp chí Time, và tình bạn ông có với tất cả mọi người, chứ không chỉ trong giới nhà báo. Ông Ẩn đã đánh lừa tất cả mọi người. Các nghĩa trang đầy rẫy điệp viên đã bị giết trong chiến tranh. Câu chuyện của ông Ẩn thật thú vị vì ông ấy sống sót.

BBC: Nếu chỉ dùng vài chữ để mô tả Phạm Xuân Ẩn ông sẽ nói gì?

Larry Berman: Tôi sẽ mô tả ông Ẩn thế này. Ẩn có ba biểu tượng mô tả cuộc đời của mình. Đó là ba con: cá, chó và chim, và mỗi con tượng trưng cho một giai đoạn trong đời ông ấy. Cá: bởi vì cá không bao giờ nói chuyện. Chó: vì chó trung thành, dù chủ có nhiều hay ít tiền, chúng vẫn luôn ở bên cạnh, và chim: bởi vì chim bay rất tự do, rất tự do, rất tự do...

'Những gì chúng ta có đến nay chỉ là tranh cãi về di sản của Phạm Xuân Ẩn'

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, 'Những gì chúng ta có đến nay chỉ là tranh cãi về di sản của Phạm Xuân Ẩn'

Tác giả Larry Berman viết cuốn 'Perfect Spy: The Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent' (2008). Bản tiếng Việt của sách đã bị kiểm duyệt nhiều đoạn ở Việt Nam.

Xem thêm về Cuộc chiến Việt Nam: