Cuốn sách không bao giờ được viết?

Dương Quốc Chính

13-3-2021

Mấy hôm rồi dư luận xôn xao về stt của nhà văn Bình Ca viết về quyền tác giả bộ hồi ký của tướng Giáp do Hữu Mai (cha ông) thể hiện, khi cả ông Mai và ông Giáp đều đã chết.

Đã có sự tranh chấp giữa 2 gia đình thừa kế quyền tác giả. Thường mọi người hay bàn về tác quyền. Nhưng mình lại ít quan tâm vì đã có đủ bộ hồi ký đó rồi, bản in chính thức hẳn hoi! Tuy nhiên, cái mà mình quan tâm nhất lại ở trang được chụp dưới đây. Đó là điều quan trọng gấp nhiều lần chuyện tác quyền kia và rất có thể nhà văn Bình Ca đã đánh tiếng tới gia đình tướng Giáp. Nếu không “biết điều” thì có thể nhiều “góc khuất” của tướng Giáp sẽ được phơi bày!

Ảnh chụp màn hình của tác giả

Trước đây, ở nhiều stt khác, mình đã viết rằng thế nào tướng Giáp cũng có một quyển hồi ký khác, hoặc một bản “full không che”, có cả những góc khuất. Đó là điều đáng mong chờ nhất của độc giả. Bởi ông Giáp là một khai quốc công thần nước VN Cộng sản. Ông chứng kiến rất nhiều bí ẩn của chế độ cũng như ông Hồ Chí Minh, và các lãnh tụ khác.

Nhưng mình không ngờ rằng bản thảo của cuốn hồi ký “full không che” đó lại nằm trong tay gia đình nhà văn Hữu Mai! Không rõ gia đình tướng Giáp có nắm một bản khác hay không? Nếu các NXB nước ngoài mà mua được bản quyền xuất bản này thì e rằng đó sẽ là một cuốn sách “chấn động địa cầu”! Bởi cuộc đời tướng Giáp gần như trùng khớp với lịch sử hình thành của nhà nước VN hiện nay.

Chúng ta thấy rằng, tướng Giáp có lẽ có nhiều hồi ký nhất trong số các danh nhân VN. Nhưng lại chỉ tập trung vào giai đoạn chống Pháp. Giai đoạn chống Mỹ và khi ông Duẩn còn sống thì người ta viết về ông khá hời hợt. Có lẽ vì đây lại giai đoạn nhạy cảm trong đời ông.

Bằng nhiều nguồn tư liệu khác, nhiều người cũng biết phần nào chuyện đó nhưng nếu có một bản hồi ký đầy đủ từ chính ông Giáp (nếu trung thực) thì sẽ hay hơn rất nhiều. Nhiều điểm yếu của tướng Giáp hiện đã được bạch hoá một cách không chính thức qua bức thư được cho là của bà Bảy Vân, vợ hai của ông Duẩn. Chủ yếu là mối quan hệ với chánh mật thám Marty và giai đoạn xảy ra vụ án xét lại chống đảng, giai đoạn đại tướng phụ trách việc sinh đẻ của chị em! Có nghĩa là gia đình ông Duẩn cũng nắm khá nhiều tư liệu. Lưu ý là ông Lê Duẩn chưa công bố hồi ký nào cả.

Mình rất mong mỏi nhà văn Bình Ca đủ dũng cảm để bạch hoá phần còn lại của hồi ký Võ Nguyên Giáp! Biết đâu nếu xung đột với gia đình ông Giáp về chuyện bản quyền được đẩy lên thì… à mà thôi!

_____

Bình Ca: Quyền tác giả

10-3-2021

Cha tôi, nhà văn Hữu Mai, đã dành 30 năm để viết (thể hiện) bộ hồi ký cho đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bắt đầu từ “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, tiếp theo là các tác phẩm “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường đến Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” lần lượt ra đời. Ông đã khắc hoạ khá toàn diện lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc và hình ảnh vị Đại tướng – người ông vẫn gọi là “bạn văn chương”. Có thể nói đó là một nửa sự nghiệp sáng tác của ông.

Trong bộ hồi ký này thì “Chiến đấu trong vòng vây” trắc trở nhất. Nó được viết xong sau Đại hội 4 (1977) và không được xuất bản. Năm đó mưa to, nước ngập vào nhà, cha tôi phải cất tập bản thảo lên gác xép. Hơn 15 năm sau, khi sách được phép in thì bản thảo đã bị mối xông hết. Cha tôi phải viết lại từ đầu.

Trong “Tổng tập hồi ký” Võ Nguyên Giáp dày 1358 trang thì phần cha tôi viết là 1.136 trang, nhưng ông chỉ dừng lại ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Khi tôi hỏi tại sao không viết tiếp về thời chống Mỹ, trong khi về tư liệu cha có đầy đủ hơn bất cứ nhà văn nào, ông trả lời: “Viết về lịch sử, có những vấn đề cần độ trễ của thời gian.”

Nhà văn Hữu Mai và Võ Nguyên Giáp. Ảnh: FB tác giả

Thực ra, cha tôi có dự định viết một cuốn sách về đại tướng, với tư cách một con người, chứ không phải một vị Tổng tư lệnh QĐNDVN – Một con người trong cõi nhân gian với hạnh phúc, vui buồn, vinh quang, cay đắng và cả những góc khuất. Đó sẽ là cuốn sách của ông, chứ không phải là hồi ký của Đại tướng do ông thể hiện. Ông đã chuẩn bị rất kỹ cho cuốn sách này.

Nhưng rồi cha tôi cứ lần lữa mãi không viết. Khi tôi nhắc, ông lắc đầu. Tôi hiểu điều ông không nói ra.

Sau cơn bạo bệnh, sức khoẻ cha yếu đi nhiều. Tôi rất muốn nói với ông, nếu ông không viết, cuốn sách mà ông ấp ủ suốt cuộc đời có thể sẽ không bao giờ được viết ra. Nhưng tôi không đủ can đảm.

Giờ thì cả cha tôi và Đại tướng đã đi vào cõi vĩnh hằng. Dù tư liệu của cha tôi để lại vẫn còn nguyên vẹn, và nhiều người khuyên anh em chúng tôi nên viết tiếp, nhưng chúng tôi nhận thấy chỉ cha tôi mới là người có thẩm quyền làm điều đó. Nếu cha đã không làm thì chúng tôi sẽ tuân theo ý nguyện của cha. Đó sẽ là một cuốn sách không bao giờ được viết.

Nhưng không ngờ, lại một lần nữa “Chiến đấu trong vòng vây” không thể phát hành, và lần này cùng với nó là toàn bộ những cuốn hồi ký của Đại tướng do cha tôi thể hiện. Lý do khá đáng buồn.

Theo luật Sở hữu trí tuệ, cha tôi và Đại tướng là đồng tác giả các cuốn hồi ký này. Những năm cha tôi còn sống, nhuận bút vẫn được chia giữa ông và đại tướng theo tỷ lệ 50/50. Nhưng từ khi ông mất, anh Võ Điện Biên, đại diện gia đình đại tướng đã không chấp nhận nhà văn Hữu Mai là đồng tác giả. Anh Biên không đồng ý ký vào hợp đồng xuất bản nếu trong đó có đại diện gia đình nhà văn Hữu Mai. Vì vậy các NXB không thể in sách khi thiếu chữ ký cho phép của một trong hai đồng tác giả theo luật định.

Tháng 6 năm 2020, gia đình chúng tôi vô tình được biết Nhà Xuất bản Thông tin Truyền thông đã in hai cuốn sách trong bộ hồi ký là Đường tới Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, nhưng không xin phép gia đình nhà văn. NXB giải thích đã xin ý kiến gia đình Đại tướng, và được anh Võ Điện Biên cho biết không cần phải lấy ý kiến gia đình nhà văn Hữu Mai. Điều đó khiến họ hiểu nhầm là gia đình Đại tướng đã được gia đình nhà văn ủy quyền thay mặt hai bên ký hợp đồng. NXB gửi cho gia đình chúng tôi bản sao toàn bộ hồ sơ, trong đó có sự chấp thuận cho tái bản, hợp đồng, tiền nhuận bút… do anh Biên ký.

Tuy nhiên, NXB là nơi hiểu luật về quyền tác giả hơn ai hết. Sau khi biết rõ sự việc, họ đã làm công văn xin lỗi gia đình chúng tôi, đồng thời gửi công văn tới gia đình Đại tướng đề nghị hủy hợp đồng 5 năm do việc ký kết giữa hai bên không theo đúng các quy định pháp luật. NXB cũng xin được khép lại câu chuyện và chúng tôi chấp thuận.

Có một câu chuyện cũ được mẹ chúng tôi lúc sinh thời kể lại: Ngày cha còn sống, cũng có lần văn phòng Đại tướng gửi tới những cuốn hồi ký được tái bản nhưng trên đó không có dòng chữ “Hữu Mai THỂ HIỆN.” Cha tôi rất buồn, ông trực tiếp gặp Đại tướng và nói: “Tôi dành mấy chục năm viết bộ sách này, và trên đó tôi chỉ có mỗi một cái tên thôi, vậy mà sao giờ lại bỏ nó đi?” Đại tướng im lặng một lát rồi nói: “Chắc anh em văn phòng sơ xuất, để tôi bảo lại họ.” Từ đó, tên cha tôi lại hiện lên trên những cuốn sách được in.

Vì câu chuyện liên quan đến cha tôi và Đại tướng nên gia đình chúng tôi đã cân nhắc và suy nghĩ về vấn đề này rất thận trọng, trong một thời gian dài. Chúng tôi nhận thấy với một nhà văn, điều quan trọng nhất là tác phẩm được đến tay bạn đọc. Hơn nữa, bộ hồi ký của Đại tướng có thể coi là bộ sử thi về cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của dân tộc, là tài liệu cho các thế hệ sau tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử của đất nước, nếu không được in ra nữa thì thật đáng tiếc.

Thời gian tới, nếu sự việc tiếp tục lặp lại, liệu chúng tôi có nên coi như không biết (đồng nghĩa với việc chấp nhận loại bỏ quyền tác giả của cha tôi) để bộ hồi ký tiếp tục được tái bản? Nhưng nếu chỉ vì mong muốn những cuốn sách cha viết đến được với bạn đọc mà bắt ông bỏ đi cái quyền duy nhất của người cầm bút là “quyền tác giả” liệu có đúng không?

Vì vậy, dù rất thiện chí và mong muốn bộ hồi ký của Đại tướng được tiếp tục in, nhưng gia đình chúng tôi cho rằng nó phải được phát hành theo đúng quy định của pháp luật, và tôn trọng quyền tác giả của nhà văn. Chúng tôi cũng đề nghị các NXB có ý định xuất bản bộ hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do cha tôi thể hiện tôn trọng quyền chính đáng và theo luật định này.

Theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ, sau 50 năm tính từ ngày cha tôi và Đại tướng đi vào cõi vĩnh hằng, quyền sở hữu tác phẩm sẽ hết hiệu lực và khi đó tác phẩm sẽ thuộc về công chúng.

Thông báo của NXB Bộ TT-TT. Ảnh: FB tác giả
Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Cuốn sách không viết ra cũng nà trạng thái ” ÔN HÒA CÓ HỌC” để giữ vững CÁI NỒI CƠM+ ĐÙI GÀ cho con cháu.
    Từ ” vĩnh hằng” không được phép cá mè một lứa.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây