02/05/2012 09:23 GMT+7

Cứu doanh nghiệp, đừng để quá trễ

LÊ ĐĂNG DOANH
LÊ ĐĂNG DOANH

TT - Trên đời này có hai chữ nhất thiết phải tránh là “quá trễ”. Bác sĩ đến quá trễ, bệnh nhân vì không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong; vị tướng quyết định quá trễ, quân đội bị tổn thất, có thể thua trận...

Chúng tôi đang rơi rụng dần...Cứu doanh nghiệp, có nhiều cách!Chỉ gỡ cho doanh nghiệp gặp khó tạm thời

Yếu tố thời gian trong nhận định tình hình, quyết định và hành động cũng rất quan trọng trong kinh tế thị trường, nhất là giai đoạn khó khăn hiện nay.

Có doanh nghiệp (DN) đã nói: “Chúng tôi đang nằm trong quan tài rồi, muốn cứu chúng tôi phải mở nắp quan tài ra”. Cần cứu DN trước khi họ bị buộc phải hủy hợp đồng đã ký kết, mất bạn hàng, mất nhân viên cốt cán, tức là trước khi quá trễ.

Số DN phá sản, ngừng hoạt động, xin ngưng nộp thuế, sa thải nhân viên đã và đang tăng lên. Bộ Chính trị họp ngày 26-4 đã lưu ý đến yêu cầu cần “tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa; DN có thị trường tiêu thụ và năng lực cạnh tranh; DN sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu...”.

Cần tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ và DN, ở đó DN có thể nói lên những khó khăn và nguyện vọng của mình để Chính phủ có biện pháp đúng, trúng, có hiệu lực trong thực tế, tránh những biện pháp “chỉ đúng trên giấy”.

Cũng cần phân loại các khó khăn và xếp loại các DN theo những tiêu chí công nghệ, thị trường, hợp đồng, bạn hàng, đội ngũ lao động hiện đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để giúp đỡ. Không loại trừ có một số DN quá yếu kém bị đào thải. Phá sản trong kinh tế thị trường không phải là ngày tận thế mà là sự “tàn phá sáng tạo”. Nhà đầu tư sai lầm phải học bài học, trong khi nhà xưởng, máy móc, người lao động sẽ được nhà đầu tư mới vực dậy và từ “đống tro tàn sẽ có con phượng hoàng” bay lên.

Trên cơ sở làm rõ khó khăn và phân loại DN, cần một gói các giải pháp đồng bộ bao gồm cả chính sách tiền tệ, tín dụng lẫn tài khóa, trợ giúp cả về phía cung và cầu để đưa DN hoạt động trở lại. Trước mắt, cần ngay các biện pháp “cấp cứu, hồi sức”, sau đó sẽ thực hiện tái cấu trúc.

Nhất thiết tránh lặp lại cơ chế xin - cho, phải thật sự công khai, minh bạch, tham khảo trong toàn bộ quá trình thực hiện, tham khảo ý kiến của các hiệp hội ngành nghề, có sự giám sát của công luận, tránh trợ giúp trên cơ sở quan hệ hay lợi ích nhóm.

Có thể thực hiện các biện pháp để tiêu thụ bớt hàng hóa có chất lượng đang bị tồn kho, đẩy mạnh đưa hàng hóa về nông thôn và nới lỏng có chọn lọc tín dụng tiêu dùng. Khi giảm được hàng tồn kho, DN có điều kiện sản xuất trở lại.

Về phía cung, việc miễn, giảm hay giãn thuế có tác động đến những DN đang hoạt động. Cần xem xét hoãn nâng giá thuê đất, đánh thuế môi trường vào túi nilông đang thêm gánh nặng cho DN. Giảm lãi suất ngân hàng là đúng hướng nhưng vẫn còn quá cao, trong khi nhiều DN khó tiếp cận vốn. Vòng quay đồng tiền đã giảm từ 2,5 lần còn 0,8 lần, chứng tỏ sự trì trệ đáng lo ngại của tiền vốn trong nền kinh tế.

Chính phủ đã giúp Công ty Binhanfishco qua việc mua lại nợ là một cách làm tốt. Cần nhân rộng biện pháp này bằng cách lập quỹ mua lại nợ xấu hay lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN gặp khó khăn. Có thể khoanh nợ, giãn nợ, bảo lãnh tín dụng đối với những DN có triển vọng để có thể cấp tín dụng trở lại, giúp DN khôi phục hoạt động. Kinh nghiệm các nước cho thấy trợ giúp kịp thời, DN hồi phục, nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Khi đó nhà nước có thể bán lại số nợ đã mua dưới hình thức cổ phần mà không bị mất vốn.

Sau khi “cấp cứu, hồi sức” DN hồi phục, có thể tiếp tục các biện pháp tái cấu trúc DN, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả DN trong một chương trình dài hạn hơn.

LÊ ĐĂNG DOANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên