Cựu Ngoại trưởng Kissinger bất ngờ thay đổi 'kế hoạch Ukraine', ủng hộ Kiev gia nhập NATO

Nhà ngoại giao 99 tuổi thay đổi quan điểm, chuyển sang ủng hộ tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine.

Chú thích ảnh
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu qua video tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 17/1/2023. Ảnh: AP

Theo đài RT, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos ngày 17/1 rằng tính trung lập của Ukraine "không còn ý nghĩa" trong hoàn cảnh hiện tại. Ông tán thành tư cách thành viên của Kiev trong khối quân sự NATO do Mỹ lãnh đạo, nhưng tiếp tục nhấn mạnh vào đối thoại với Nga - lập trường từng khiến ông bị Ukraine chỉ trích.

Kissinger năm nay 99 tuổi, là ngoại trưởng kỳ cựu của Mỹ trong thời kỳ 1973 - 1977 và là cố vấn an ninh quốc gia từ 1969 - 1975. Ông là người đóng vai trò chính bên phía Mỹ trong các cuộc đàm phán về chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam.

Tại Diễn đàn Davos vào tháng 5 năm ngoái, ông Kissinger từng công khai ủng hộ việc chấm dứt khẩn cấp các hành động thù địch ở Ukraine, vì sợ rằng Nga sẽ "bị đẩy vào một liên minh lâu dài với Trung Quốc". Tuy nhiên, vì "dám" đưa ra gợi ý rằng Moskva có thể giữ Crimea, Kissinger đã bị Ukraine đưa vào danh sách kẻ thù của những “Người kiến ​​tạo hòa bình”.

Ngày 17/1, ông đã mở đầu bài phát biểu của mình với "sự ngưỡng mộ" dành cho nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky và "hành động anh hùng của người dân Ukraine", trước khi đề xuất một thỏa thuận hòa bình với nội dung cơ bản như đề xuất đưa ra năm ngoái.

Nhà ngoại giao kỳ cựu nói: “Trước cuộc chiến này, tôi đã phản đối việc Ukraine trở thành thành viên của NATO, bởi vì tôi sợ nó sẽ làm khởi phát chính xác quá trình mà chúng ta đã chứng kiến. Nhưng bây giờ, quá trình này đã đạt đến một mức độ mà ý tưởng về một Ukraine trung lập trong những điều kiện này không còn ý nghĩa nữa. Tôi tin rằng tư cách thành viên của Ukraine trong NATO sẽ là [một] kết quả thích hợp".

Theo quan điểm của ông Kissinger, cách để ngăn xung đột leo thang là làm đúng những gì Kiev, Mỹ và các đồng minh đang làm cho đến nay: yêu cầu Nga rút quân, viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine, đồng thời duy trì "các biện pháp trừng phạt và các áp lực khác" lên Moskva.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ lập luận rằng Nga nên được "mở cửa" để tái gia nhập phương Tây, "nếu đáp ứng các điều kiện cần thiết để tham gia với tư cách là một thành viên trong các quá trình này của châu Âu". Ông nói, điều quan trọng là tránh nhận thức rằng cuộc xung đột đã chuyển thành "chống lại chính nước Nga" - điều có thể khiến người Nga đánh giá lại cả "sự hấp dẫn về văn hóa của châu Âu và nỗi sợ bị châu Âu thống trị" trong lịch sử.

Ông Kissinger cũng nói rằng liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo phải là người bảo đảm cho giải pháp hòa bình cuối cùng "dưới bất kỳ hình thức nào mà NATO có thể phát triển."

Mặc dù đề xuất nói trên đã đề cao nhận thức của phương Tây rằng Ukraine đang chiến thắng trên chiến trường với sự trợ giúp của vũ khí NATO, ông Kissinger đã phớt lờ vai trò của cả Kiev và Moskva. Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đã dứt khoát từ chối bất kỳ hình thức ngừng bắn nào trừ khi Nga đầu hàng, trong khi Điện Kremlin kiên quyết rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải thừa nhận rằng 4 vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia là một phần của Nga và Crimea hoàn toàn không được bàn đến.

Hiện không rõ liệu Moskva có chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào do phương Tây làm trung gian hay không, sau khi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande từng thừa nhận rằng hiệp định đình chiến Minsk năm 2014 không được châu Âu dàn xếp một cách thiện chí, mà nhằm mục đích “cho Ukraine thêm thời gian" để chuẩn bị cho xung đột ở miền Đông nước này.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin. Ảnh: Getty Images

Cũng liên quan đến vấn đề Ukraine gia nhập NATO, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin ngày 17/1 nêu quan điểm rằng Nga đã không đưa quân vào Ukraine nếu nước này là thành viên của NATO, đồng thời cho biết thêm rằng đó là động lực chính khiến Helsinki nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Bà Marin cho biết bà "chắc chắn" rằng Tổng thống Putin sẽ không phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine nếu Kiev đã là một thành viên NATO. "Chúng ta có thể nhìn lại lịch sử và tự đặt câu hỏi, Ukraine có nên là thành viên của NATO không?", bà Marin phát biểu tại cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.

Thủ tướng Phần Lan nói thêm rằng năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea, lẽ ra châu Âu và các đồng minh phải hành động mạnh mẽ hơn. “Chúng ta cần học hỏi từ ngày hôm nay", bà Marin kết luận khi tham dự cuộc họp của các chính trị gia cấp cao và doanh nhân ở Davos. “Chúng tôi muốn trở thành thành viên của NATO vì chúng tôi không bao giờ muốn có chiến tranh ở Phần Lan nữa”, nhà lãnh đạo Phần Lan nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT, Politico)
Nguyên nhân khiến vấn đề cung cấp xe tăng cho Ukraine bất ngờ trở nên nổi cộm
Nguyên nhân khiến vấn đề cung cấp xe tăng cho Ukraine bất ngờ trở nên nổi cộm

Vào những năm đầu của thế kỷ 21, các nhà hoạch định quân sự từng băn khoăn liệu xe tăng, loại vũ khí "sấm sét" của thế kỷ 20, có trở nên lỗi thời? Và câu trả lời từ Ukraine là "Không".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN