DMagazine

Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích điểm đặc biệt trong cuộc đấu Trump - Biden

(Dân trí) - Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng cuộc bầu cử Mỹ năm nay rất khác khi nước Mỹ đang ở trong một hoàn cảnh đặc biệt sau 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump.

Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích điểm đặc biệt trong cuộc đấu Trump - Biden

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã trao đổi với Dân Trí về tình hình cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 và cơ hội thắng cử của hai ứng viên tổng thống Donald Trump - Joe Biden trong giai đoạn nước rút.

Cuộc bầu cử tổng thống khác biệt

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay rất khác biệt khi nước Mỹ đang ở trong một hoàn cảnh rất đặc biệt.

Một là, nước Mỹ 4 năm qua đã có sự phân hóa chính trị rất cao. Nhìn vào các cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ có thể thấy rằng, sự phân hóa đó làm cho các cử tri cũng phân hóa theo. Khi các cử tri phân hóa, đồng nghĩa với việc vào thời điểm này, những cử tri nào chọn ứng viên tổng thống nào đã thể hiện tương đối rõ.

Số lượng cử tri do dự, nhân tố được xem là ẩn số của cuộc bầu cử năm 2016, dường như giảm đi trong cuộc bầu cử năm nay. Các cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ cho thấy nếu vào năm 2016, ông Trump được xem là nhân tố bất ngờ, thì năm nay, cả ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đều không phải là nhân tố bất ngờ.

Các cử tri do dự trong cuộc bầu cử năm 2016 chiếm khoảng 20% tổng số cử tri, trong khi năm nay rút xuống còn một nửa, tức là khoảng 10%. Điều này chứng tỏ những cử tri nào đã đưa ra quyết định và những cử tri nào chưa đưa ra quyết định đều thể hiện rõ ràng.

Hai là, nước Mỹ đang ở trong hoàn cảnh rất khác biệt. Nước Mỹ đang ở trong một cuộc khủng hoảng, có thể gọi là khủng hoảng đa chiều, tức là từ khủng hoảng dịch bệnh đã tạo ra khủng hoảng y tế, kinh tế, xã hội.

Nếu theo dõi toàn bộ cuộc bầu cử năm nay, chính cuộc khủng hoảng này đã đảo chiều cơ vận của các ứng cử viên. Điều này kéo theo sự đảo chiều về kỳ vọng của các cử tri. Nếu như lâu nay cử tri Mỹ coi trọng vấn đề kinh tế - việc làm trong mỗi kỳ tranh cử, bây giờ họ chuyển sang những mục tiêu cấp thiết trước mắt là thoát khỏi đại dịch và trở lại cuộc sống bình thường. Điều này đồng nghĩa với việc những lợi thế mà một tổng thống đương nhiệm lẽ ra phải có thì nay đã mất đi.

Trên thực tế trong 3 năm rưỡi qua, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, rõ ràng cử tri Mỹ đều nhận ra và cảm thấy hưng phấn về thành tựu mà Tổng thống Trump đã làm được, khi ông tiếp tục duy trì nền kinh tế phát triển và tạo thêm nhiều việc làm. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, cử tri Mỹ đã có những cân nhắc trái chiều, giữa mục tiêu dài hạn về kinh tế và mục tiêu ngắn hạn về một cuộc sống trở lại bình ổn, thoát khỏi đại dịch. Đây là sự xung đột trong suy nghĩ của cử tri Mỹ, từ đó làm đảo chiều cuộc bầu cử.

“Giải mã” thăm dò dư luận bầu cử

Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích điểm đặc biệt trong cuộc đấu Trump - Biden - 1

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh trao đổi với Dân Trí vào tháng 7/2020. (Ảnh: Quốc Anh)

Về các cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ, cho đến nay có một số điểm đáng chú ý như sau:

Một là, thăm dò dư luận cho thấy ông Biden luôn dẫn trước ông Trump và các cuộc thăm dò dư luận năm nay chắc chắn đã có sự điều chỉnh để tránh các sai số từng xảy ra trong năm 2016.

Nếu tính ở cấp độ toàn liên bang, ông Biden nhìn chung đang dẫn 9-10 điểm cách biệt so với đối thủ. Điều này phản ánh nguyện vọng chung của đa số cử tri Mỹ hiện nay, cho thấy họ tin ông Biden hơn ông Trump trong việc đưa đất nước trở lại bình ổn và thoát khỏi dịch bệnh. Cũng như thời điểm năm 2016, các cử tri Mỹ từng ủng hộ và đặt niềm tin ở ông Trump trong việc chống lại nền chính trị “tha hoá” và tái thiết nền kinh tế. Chính sự lựa chọn của cử tri dẫn tới 10 điểm cách biệt giữa hai ứng viên tổng thống trong các cuộc thăm dò dư luận hiện nay.

Hai là, quyết định kết quả bầu cử phần lớn tùy thuộc vào các bang chiến trường và thăm dò dư luận hiện nay cho thấy ông Biden cũng đang dẫn trước tại các bang này, tuy với tỷ lệ thấp hơn, từ 3-5 điểm. Một số dự báo cho rằng, ông Biden có thể không chỉ giành được đa số phiếu phổ thông mà còn có thể giành được số phiếu đại cử tri vượt quá 270/538 để đắc cử tổng thống, và cơ may này của ứng viên đảng Dân chủ ước tính lên tới 70-85%.

Ba là, mặc dù các cuộc thăm dò dư luận nhận định ông Biden “trên cơ” ông Trump và sẽ giành chiến thắng, nhưng đa phần chưa thể khẳng định chắc chắn 100% rằng ông Biden sẽ thắng hoặc ông Trump bị loại khỏi cuộc đua. Đây là một vấn đề phức tạp.

Nhìn lại bài học của năm 2016, các hãng thăm dò dư luận đã dự đoán sai khi để "lọt lưới" một bộ phận cử tri không được thăm dò hoặc không được thăm dò đúng mức, nhất là bộ phận cử tri da trắng không có bằng cấp - lực lượng quyết định kết quả bầu cử cho ông Trump cách đây 4 năm.

Chắc chắn sau 4 năm, các hãng thăm dò dư luận đã phải điều chỉnh, bao gồm cả về phương pháp và hệ số sai số thăm dò. Tuy nhiên, rõ ràng nhiều người vẫn quan ngại có thể xuất hiện các nhân tố mới và thăm dò dư luận lại để "lọt lưới" trong cuộc bầu cử năm nay.

Nếu năm 2016, nhân tố bất ngờ là Donald Trump, thì năm 2020, cả hai ứng viên đều không còn là nhân tố bất ngờ. Nền chính trị Mỹ vốn phân hoá, và 4 năm qua càng phân hoá thêm, nên đa phần cử tri đã “chốt” quyết định lựa chọn ứng viên tổng thống, khiến số cử tri do dự giảm đi (thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ cử tri do dự năm nay đã giảm chỉ bằng một nửa so với năm 2016).

Tuy nhiên, chắc chắn vẫn còn một bộ phận cử tri "thầm lặng", những người không muốn nói ra họ định ủng hộ ai. Cũng có những cử tri tuy không thích con người Tổng thống Trump, nhưng họ vẫn có thể lựa chọn ứng viên đảng Cộng hòa vì ủng hộ chính sách của ông. Điều này có thể không được phản ánh đầy đủ trong thăm dò dư luận.

Một điều nữa cũng đáng chú ý trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay là lực lượng cử tri ủng hộ mỗi ứng viên tổng thống.

Ông Trump chưa bao giờ là tổng thống của đa số. Từ khi thắng cử cho đến lúc làm tổng thống, ông Trump vẫn duy trì chính sách dân tuý và khác biệt. Điều này giúp ông củng cố được số cử tri nòng cốt, nhưng không mở rộng được sự ủng hộ của mình.

"Liên quan tới việc thăm dò dư luận, có lẽ là bài học lớn nhất từ năm 2016 chuyển sang năm 2020 là mỗi bên đều có lực lượng cam kết ủng hộ, nhưng vấn đề đặt ra là các lực lượng này có thực sự đi bỏ phiếu cho ứng viên họ ủng hộ hay không. Hầu hết trong các cuộc bầu cử tại Mỹ trong hai thập niên gần đây, chỉ có khoảng 60% cử tri đi bầu, vậy 40% không đi bầu còn lại liệu sẽ rơi vào cử tri của bên nào? Đây là một câu chuyện rất lớn" - cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh

Trong gần 4 năm qua, tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Trump thường xuyên ở mức 40-43%. Con số này thể hiện số cử tri nòng cốt của ông Trump khá ổn định, từ lúc ông thắng cử, rồi bị luận tội, cho tới khi nước Mỹ gặp đại dịch và kinh tế khó khăn như bây giờ. Mặc dù tỷ lệ đó không thể hiện rằng đa số cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump, nhưng cho thấy rằng dù ông gặp khó khăn đến đâu, lực lượng 40-43% nòng cốt ủng hộ ông vẫn không thay đổi.

Còn về phía Joe Biden, nhìn lại từ khi tranh cử sơ bộ, ông đều phải cạnh tranh khá khó khăn với các ứng viên khác trong đảng Dân chủ để giành được đề cử của đảng. Như vậy, bộ phận cử tri ủng hộ ông Biden rõ ràng là sự tập hợp của đa thành phần, bao gồm lực lượng nòng cốt và trung dung của đảng Dân chủ, ngoài ra còn có lực lượng cấp tiến và những người dù không thích ông Trump, không thích ông Biden, nhưng vẫn chọn đứng về phía Dân chủ.

Tập hợp 52-53% cử tri ủng hộ ông Biden, do vậy, tương đối đa thành phần và đa dạng. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Biden có duy trì được tập hợp này cho đến phút cuối hay không? Rõ ràng các cuộc tranh luận vừa qua cho thấy về mặt chính sách, ông Biden cũng gặp khó khăn trong việc duy trì tập hợp này, nhất là bộ phận cấp tiến. Để duy trì lực lượng đa thành phần, thể hiện bằng tỷ lệ 52-53% đang có, ông Biden sẽ còn phải tiếp tục nỗ lực củng cố lực lượng này. Điều quan trọng là nếu các cử tri đã cam kết ủng hộ, họ phải thể hiện bằng việc thực sự đi bầu, tức là thông qua lá phiếu của họ.

Điểm mạnh nhất của Joe Biden

Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích điểm đặc biệt trong cuộc đấu Trump - Biden - 2

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden vận động tranh cử "nước rút" tại Philadelphia, Pennsylvania ngày 1/11. (Ảnh: Reuters)

Nếu nhìn vào toàn cục từ cuối năm 2019 đến nay, dường như tình hình nước Mỹ đã bị đảo chiều. Lần đầu tiên Mỹ đặt 50 bang trong tình trạng khẩn cấp từ ngày 1/3. Vào thời điểm đó, Mỹ nghĩ rằng có thể kiểm soát được sớm đại dịch Covid-19, nhưng từ tháng 5 trở đi, Mỹ dường như mất kiểm soát. Dịch bệnh cùng lệnh phong tỏa đã tạo ra cuộc khủng hoảng đa chiều, cả về y tế, kinh tế, xã hội đối với nước Mỹ.

Lẽ ra các tổng thống đương nhiệm khi tái tranh cử thường có lợi thế. Hồ sơ của ông Trump trong 3 năm rưỡi trước khi đại dịch xảy ra có nhiều điểm cộng, chẳng hạn kinh tế tăng trưởng, thị trường chứng khoán vốn thể hiện kinh tế vĩ mô của nước Mỹ luôn ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 50 năm.

Ông Trump đề cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, trong đó chính sách đối ngoại của ông cũng phù hợp với sự thay đổi về nhận thức của cử tri Mỹ, khi họ không muốn nước Mỹ bao cấp quá nhiều ra bên ngoài. Ông Trump đánh vào tâm lý đó và thực sự mang lại kết quả. Tuy nhiên, do đại dịch kéo dài nên ông Trump không thể tận dụng được những thành tựu vốn được xem là điểm mạnh của một tổng thống đương nhiệm khi tái tranh cử.

Trong suốt thời gian qua, do cách điều hành của ông Trump, nên ông Biden từ chỗ gặp khó khăn ban đầu trong việc nhận được đa số ủng hộ trong đảng Dân chủ, đã chuyển thành thế mạnh khi ông trở thành biểu tượng của một nước Mỹ ổn định trở lại, nước Mỹ đoàn kết, nước Mỹ hướng đến giá trị. Đây có lẽ là điểm mạnh nhất của Joe Biden khi ông đánh trúng vào kỳ vọng ngắn hạn của cử tri.

Ngoài ra, trong suốt quá trình vận động tranh cử và trong các cuộc tranh luận tổng thống, người ta nhắc đến Joe Biden như một chính trị gia chắc chắn, dễ gần, ôn hòa, trung dung, mặc dù ông hay gặp vấn đề trong việc thể hiện những quan điểm và chính kiến của mình. Tuy nhiên, ông Biden đã vượt qua được những điều đó và thực sự không để lại sai sót. Đó là điểm mạnh của ứng viên đảng Dân chủ .

Có thể coi Joe Biden là một biểu tượng mà lúc này cử tri Mỹ đang cần. Đó là điểm mạnh nhất của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ năm nay.

3 điểm yếu của ứng viên đảng Dân chủ

Một là, ông Biden có tập hợp lực lượng ủng hộ đa dạng ngay trong lòng đảng Dân chủ, bao gồm lực lượng cấp tiến, lực lượng trung dung và lực lượng dù chống Trump nhưng chưa hẳn thích Biden. Lực lượng đa dạng này có những lập trường khác biệt rất lớn, do vậy bài toán của Biden là sẽ phải kết hợp các chính sách của mình như thế nào để tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ.

Thứ hai là bài học từ năm 2016 khi các cử tri cam kết ủng hộ, nhưng cuối cùng họ chưa chắc đã đi bỏ phiếu. Năm nay, trong bối cảnh nền chính trị Mỹ bị phân hóa và cử tri đều mong muốn bỏ phiếu cho người mình ủng hộ, tỷ lệ đi bỏ phiếu sẽ cao hơn các năm trước. Tuy nhiên tỷ lệ bỏ phiếu cao hơn như vậy có bao gồm các cử tri mới hay không, hay chỉ là các cử tri cũ đi bầu, đó lại là vấn đề cần xem xét.

Thứ ba, ông Biden vẫn dẫn trước ông Trump khá xa, khoảng 9-10 điểm trên toàn liên bang, nhưng khoảng cách tại các bang chiến trường vẫn chưa xa đến mức đủ để bảo đảm sự an toàn cho ứng viên đảng Dân chủ, giúp ông nắm chắc trong tay một chiến thắng. Do vậy, bất kỳ yếu tố nào cũng có thể gây ra xáo trộn, như cách ông Trump từng giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton cách đây 4 năm. Tóm lại, ông Biden mặc dù được đánh giá “trên cơ” nhưng vẫn có thể gặp rủi ro.

“Thế mạnh của Biden là điểm yếu của Trump”

Có thể nói, thế mạnh của ông Biden chính là điểm yếu của ông Trump. Và trong chính bản thân ông Trump, điểm mạnh cũng là điểm yếu.

Cuộc bầu cử diễn ra khi nước Mỹ đang lâm vào khủng hoảng kép, do vậy, đã làm mất đi các thế mạnh của ông Trump và làm đảo lộn kỳ vọng của cử tri, trong đó chủ yếu nhắm vào các thất bại chống dịch của ông Trump. Các cuộc thăm dò dư luận giống như cuộc trưng cầu dân ý về thất bại của Tổng thống Trump, chứ không phải về thành tựu của ông. Chính điều này tạo ra mặt lợi cho ông Biden và thành bất lợi cho ông Trump.

Sau 4 năm ông Trump cầm quyền, mặc dù có nhiều thành tựu kinh tế, nhưng người dân Mỹ bây giờ chỉ quan tâm tới tình trạng dịch bệnh khó khăn hơn là hồ sơ thành tựu của đương kim tổng thống. Dường như rất nhiều người muốn biết làm thế nào để đưa nước Mỹ thoát khỏi đại dịch và quay trở lại cuộc sống bình thường.

Ngoài ra, kể từ khi thắng cử cho đến khi làm tổng thống, ông Trump chưa bao giờ là tổng thống của số đông và cách ông triển khai mục tiêu của mình lại càng làm phân hóa nước Mỹ.

Ông Trump không kết hợp hài hòa giữa mục tiêu khi ông tuyên bố tranh cử với khi ông cầm quyền để xây dựng thành mục tiêu chung của nước Mỹ. Đây là lý do khiến lực lượng ủng hộ ông Trump không được mở rộng trong 4 năm ông cầm quyền. Từ khi lên nắm quyền, ông Trump vẫn chỉ bám vào các mục tiêu dân tuý và ứng xử theo cách riêng của mình, thay vì giống các tổng thống trước đó là sau khi thắng cử sẽ dung hoà hơn, hướng đến cái chung của cả đảng mình và cả nước Mỹ để tạo ra cơ sở cử tri rộng rãi.

Cử tri nòng cốt của Donald Trump

Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích điểm đặc biệt trong cuộc đấu Trump - Biden - 3

Tổng thống Donald Trump vẫy tay chào các cử tri ủng hộ tại sự kiện vận động tranh cử ở Dubuque, Iowa ngày 1/11. (Ảnh: Reuters)

Dù tình hình chuyển biến thế nào, không phải ngẫu nhiên hơn 40% cử tri vẫn ủng hộ ông Trump qua các thời kỳ khó khăn nhất. Nếu nhìn vào cách ông Trump đi tranh cử, có thể thấy lực lượng nhiệt huyết này gần như chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử năm nay.

Mặc dù chiếm tới 52-53% lực lượng ủng hộ, nhưng chưa chắc toàn bộ số cử tri này sẽ đi bỏ phiếu cho ông Biden. Trong khi đó, có thể tạm coi rằng 42-43% ủng hộ Trump về cơ bản sẽ đi bỏ phiếu hết cho ứng viên đảng Cộng hòa.

"Trong suốt thời gian dài dịch bệnh bùng phát, người của đảng Dân chủ và ông Biden ở trong nhà và vận động tranh cử trực tuyến. Trong khi người của đảng Cộng hòa, mặc dù bị chỉ trích là phớt lờ quy tắc phòng dịch, vẫn đi gõ cửa từng nhà để vận động tranh cử. Rõ ràng việc đi gõ cửa từng nhà như vậy sẽ giúp lôi kéo được nhiều cử tri hơn" - cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh.

Tổng thống Trump được cho là người giữ lời hứa. Những gì ông đã cam kết khi tranh cử, ông đều nỗ lực thực hiện khi lên nắm quyền. Ngoài ra, một số khẩu hiệu dân túy của ông cũng đánh trúng tâm lý của một số bộ phận cử tri. Ví dụ, ông Trump đã giảm rất nhiều loại thuế và các quy định ràng buộc doanh nghiệp nhằm giúp họ phát triển sản xuất. Đây là chủ trương của đảng Cộng hòa, nhưng ông Trump đã thực hiện theo cách của mình.

Các cử tri Mỹ hiện vẫn đắn đo trong việc lựa chọn con người hay chính sách của ông Trump. Con người của ông Trump có thể gây tranh cãi, khi có những cử tri rất hào hứng ủng hộ ông nhưng cũng có những người không thích ông. Mặc dù vậy, phải thừa nhận rằng những chính sách của ông Trump vẫn luôn nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận cử tri.

Ông Trump cũng “đấu tranh” với bên ngoài để giảm chi phí đóng góp cũng như sự can dự của Mỹ. Những người đứng ở góc độ giá trị có thể cho rằng nước Mỹ đang bị suy yếu trên thế giới nhưng với người dân Mỹ, họ đang có xu hướng không muốn bao cấp ra bên ngoài, do vậy chính sách của ông Trump cũng đánh vào tâm lý của một bộ phận cử tri.

Yếu tố thay đổi “cuộc chơi” trước giờ G

Liên quan tới những yếu tố bất ngờ có thể làm thay đổi cục diện bầu cử Mỹ trong giai đoạn nước rút, có thể thấy rằng: Thứ nhất, những gì xảy ra như nước Mỹ thường gọi là “bất ngờ tháng 10” thì cho đến nay đã phải xảy ra rồi. Thứ hai, nếu bây giờ có chuyện gì xảy ra, đó dường như không phải là vấn đề đột biến và không thể tác động kịp khi hơn 50% cử tri đã đi bỏ phiếu. Do vậy, khó có điều gì có thể là gọi là yếu tố bất ngờ xảy ra cho đến lúc này đủ để đảo chiều cục diện bầu cử.

Khi chính trị Mỹ phân hóa và khi không có những yếu tố bất ngờ trong cuộc bầu cử năm nay, bộ phận cử tri do dự sẽ đóng vai trò quan trọng đối với chiến thắng của hai ứng viên. Đó là lý do khiến ông Trump và ông Biden vẫn gấp rút tranh thủ tới các bang chiến trường để vận động tranh cử, đặc biệt là ứng viên được cho là đang ở “cửa dưới” như ông Trump.

Xét về đại cục nước Mỹ, ông Biden đang “trên cơ” đối thủ, do vậy chỉ sự cọ xát ở những bang chiến trường mới có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Sắp tới, chỉ cần tỷ lệ ủng hộ ở những bang chiến trường chênh nhau 2-3% là có thể đảo ngược cuộc đua bầu cử và đó là điều cần phải theo dõi.

Quyết định của cử tri Mỹ sau hai cuộc tranh luận tổng thống

Nếu nhìn tổng thể 3 cuộc tranh luận tổng thống năm nay, cuộc tranh luận thứ nhất được xem như một cuộc cãi lộn; cuộc tranh luận thứ hai bị hủy; cuộc tranh luận thứ ba dường như trật tự, ôn hòa hơn và hai bên thể hiện được những quan điểm của nhau. Dường như mỗi bên có những mục tiêu khác nhau trong tranh luận.

Trong các cuộc tranh luận, đặc biệt là cuộc tranh luận thứ nhất và cuộc tranh luận thứ hai - vốn bị trục trặc, có vẻ ông Biden là người “trên cơ”, còn cuộc tranh luận thứ ba có phần thiên về ông Trump. Điều ông Biden đã làm được ở các cuộc tranh luận là thể hiện được thông điệp của mình mà không để xảy ra sai sót. Ông Biden vẫn đang dẫn trước đối thủ trong các cuộc thăm dò dư luận, do vậy những gì ông cần làm chỉ là không để xảy ra sai sót.

Đối với ông Trump, điều đầu tiên là ông đã làm hài lòng các cử tri của mình. Ông Trump đã làm được điều đó kể cả trong cuộc tranh luận đầu tiên khi ông liên tục ngắt lời Joe Biden. Mục tiêu của ông Trump không phải là tranh thủ thêm những cử tri còn do dự, vì bây giờ số lượng cử tri do dự không còn nhiều, mà phải làm phân hóa những người đang ủng hộ ông Biden. Họ không bỏ phiếu cho ông Trump nhưng ông Trump cũng không muốn họ bỏ phiếu cho ông Biden.

Cuộc tranh luận đầu tiên được dự đoán có thể tạo ra một sơ suất nào đó cho ông Biden, nhưng ông Biden cuối cùng đứng khá vững. Đáng chú ý là cuộc tranh luận cuối cùng, trong đó hai bên đã thể hiện được những quan điểm của mình tương đối rõ ràng. Cuộc tranh luận này có một số điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, dường như hai bên khác biệt trên mọi vấn đề, thể hiện sự phân hóa chính trị giữa hai đảng Cộng hòa - Dân chủ và cả hai ứng cử viên đều không đồng nhất với nhau.

Thứ hai, dường như không ứng viên nào đưa ra một khung chính sách lớn trong tương lai, mà chỉ nói về sự khác biệt và vạch lỗi của bên kia. Ông Trump lấy lại của hồ sơ của nhiệm kỳ cũ, trong khi ông Biden cơ bản nhắc lại câu chuyện của cựu Tổng thống Barack Obama.

Thứ ba, ông Trump là người có kiểm soát trong cuộc tranh luận lần 3. Trong khi đó, ông Biden có nhiệm vụ lớn hơn là phải duy trì lực lượng ủng hộ đa số trong đảng.

Nhiệm vụ lớn nhất ông Biden là phải duy trì lực lượng ủng hộ đa số trong đảng cho đến ngày bỏ phiếu. Tuy nhiên, khi đi vào những vấn đề cụ thể, không phải chính sách nào của ông cũng nhận được sự ủng hộ của tất cả lực lượng trong đảng.

Rốt cuộc, trong lịch sử nước Mỹ, nhìn chung các cuộc tranh luận chỉ mang lại cho cử tri Mỹ hai điều. Một là, những cử tri đã ủng hộ ứng viên nào sẽ yên lòng hơn về ứng viên của mình. Hai là, nếu có một bộ phận cử tri còn do dự thì thông qua các cuộc tranh luận, họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Sau cuộc tranh luận cuối cùng vừa diễn ra, có thể một bộ phận cử tri đã đưa ra quyết định, trong bối cảnh nước Mỹ đang phân hóa mạnh mẽ và bộ phận cử tri do dự còn rất ít.

Bất cứ một sơ suất nào trong tranh luận sẽ thành một điểm trừ rất lớn. Các ứng viên có thể hoàn thành phần tranh luận không tốt, điều đó có thể không thành vấn đề, nhưng nếu họ để xảy ra sơ suất thì sẽ thành câu chuyện rất phức tạp trong tranh cử. Còn về tỷ lệ % tác động vào cục diện bầu cử, trong lịch sử Mỹ, các cuộc tranh luận tổng thống thường không tác động đảo chiều cục diện.