Got a TV Licence?

You need one to watch live TV on any channel or device, and BBC programmes on iPlayer. It’s the law.

Find out more
I don’t have a TV Licence.

Tường thuật trực tiếp

Thời gian tính bằng giờ Anh

  1. Ai giúp sức cho Vũ 'nhôm' làm giả hộ chiếu?

    "Tới đây Bộ Công an sẽ điều tra làm rõ bị can Vũ đã sử dụng hộ chiếu như thế nào, ai là người giúp sức nếu có việc làm giả hộ chiếu?" - TS Dương Thanh Biểu- nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao nói với báo Dân Trí.

    TS Dương Thanh Biểu cho rằng, việc bắt được ông Vũ 'nhôm' sẽ giúp Cơ quan điều tra Bộ Công an giải đáp toàn bộ những bí ẩn, thắc mắc bấy lâu của dư luận xung quanh nhân vật này và tại sao chỉ trong thời gian ngắn lại có thể thâu tóm rất nhiều nhà, đất công sản ở vị trí đắc địa như vậy tại Đà Nẵng?.

    TS Biểu cũng phản ánh hiện nay dư luận xã hội cũng đang bàn tán xôn xao về nhân thân của Phan Văn Anh Vũ.

    Vũ Nhôm
  2. Giáo sư Carl Thayer từ Úc bình luận:

    Ông Anh Vũ từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 (Thành phố Hồ Chí Minh) và Chủ tịch Hội đồng Thành viên The Sunrise Bay Đà Nẵng. Ông Anh Vũ, với tư cách là một doanh nhân bất động sản, có thể đã biết hoặc dính líu đến các vụ bê bối về bất động sản dẫn đến việc sa thải chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng của ông Nguyễn Xuân Anh vào tháng 10/2017.

  3. Ông Vũ 'nhôm' có thể tiếp tục kiện sau khi bị trục xuất?

    Luật sư Phùng Thanh Sơn bình luận trên trang cá nhân rằng "Về lý thuyết thì ông Vũ có quyền đeo đuổi vụ kiện đó sau khi bị trục xuất."

    Trong thời điểm hiện tại, ông Vũ 'nhôm' đang bị tạm giam để phục vụ điều tra, theo luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) được trích lời trên báo Tuổi Trẻ.

    Luật sư Nghiêm nói quy trình điều tra gồm "lấy cung, đối chất (nếu có), giám định các tài liệu liên quan (nếu có)."

    "Nếu quá trình điều tra còn phát hiện thêm hành vi vi phạm khác, cơ quan điều tra tiếp tục xem xét thêm các hành vi khác.Ngay khi bị bắt, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, ông Vũ có thể mời luật sư để bào chữa và hỗ trợ cho mình trong quá trình bị điều tra."

    "Khi kết thúc quá trình điều tra, cơ quan điều tra có thể ban hành kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang viện KSND đề nghị truy tố bị can theo tội danh đã bị khởi tố và điều tra."

    "Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bị can có thể làm đơn xin đọc hồ sơ vụ án của chính vụ án của mình sau khi kết thúc quá trình điều tra. Đây là quy định mới của Bộ luật hình sự hiện hành."

    View more on facebook
  4. Vụ Anh Vũ: ‘Không thể trách Bộ Công an hay Ban Tuyên giáo chậm trễ’

    Nguyễn Lễ viết viết trên diễn đàn báo chí trên Facebook:

    Bác Khế [Nguyễn Công Khế]) từng làm Tổng Biên tập một tờ báo lớn hiểu bếp núc trong nghề mà nói như vậy tôi ko đồng tình.

    Báo chí chính thống phải có trách nhiệm trước thông tin mình đưa ra nên ko thể nhanh nhảu đoảng được. Nếu chỉ nghe phong thanh một nguồn hay tin đồn nào đó mà đưa lên rủi sai thì sao? Người dùng mạng xã hội thì muốn nói gì thì nói, nói sai họ có mất mát gì đâu nên càng có tin nóng tin giật gân thì họ càng phải hóng hớt và loan tin đầu tiên. “Tin nóng” trên mạng xã hội 10 cái thì hết 9 cái là tin vịt thậm chí là tin tầm bậy tầm bạ, khiến mạng xã hội trở thành cái lò hổ lốn của fake news toàn cầu. Ngay cả các đài báo chính thống lớn như BBC, CNN, New York Times đưa tin những sự kiện quan trọng đều có độ trễ sau các tin đồn vì họ còn phải kiểm chứng kỹ càng nữa mà.

    Mà kiểm chứng việc trong nước mình thì dễ, việc ở nước người ta thì khó. Cho nên trong vụ Phan Van Anh Vu này không thể trách Bộ Công an hay Ban Tuyên giáo chậm trễ gì cả. Làm sao biết được cái người đó với cái tên hộ chiếu đó là ông Vũ Nhôm đang bị truy nã? Nếu phía bạn khong cho Đại sứ quán tiếp xúc thì chỉ khi nào ông Vũ bị trục xuất về đến VN mới xác nhận được và có tin chính thức cho báo chí. BBC hay Straits Times họ kiểm chứng thế nào là cách của họ. Nhưng người của nước mình, việc của nước mình thì chính mình phải kiểm chứng chứ ko thể đu theo họ được.

  5. Bình luận quanh "Báo chính thống lẽo đẽo theo mạng xã hội"

    Bạn đọc bình luận về nhận định của nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế rằng "Báo chính thống lẽo đẽo theo mạng xã hội."

    Lạc Nguyễn Quang: Mọi thông tin về ông Vũ Nhôm chỉ qua mạng xã hội, thế mới là mạng thông tin siêu việt, chả trách chẳng có ai ( kể cả công chúc và quan chức, cán bộ,.... ) đọc báo nữa... Buồn thật.

    Nhi Hoàng: Không thể tạo niềm tin, khi dân chúng không còn niềm tin nữa, chứ không phải đi trước hay sau..

    Hoangchi Luu: Báo mạng rất thực, thông tin nhanh và hay hơn cả báo truyền thống (lề đảng)..!

    Dung Pham Quan: Mạng xã hội là đời, có đúng, có sai buộc người đọc phải vận dụng sự hiểu biết để chọn lựa. Báo chính thống phụ thuộc vào giới chủ.

    Linh Phan: Báo thính thống bao giờ cũng phải qua kiểm duyệt mới được đưa tin, đâu như báo mạng ngay và luôn.

    Trọng Nguyên Trần: Cơ chế không có tự do dân chủ thì báo chí truyền thống cũng chỉ dừng lại ngang đó thôi và mạng xã hội sẽ lên ngôi, sớm muộn gì cũng nảy sinh nhiều vấn đề phiền phức mất lòng tin của công chúng ...

    Trung Nguyen: Đúng vậy báo chí chính thống khi đăng tin nóng hổi thì dân mạng đã biết hết rồi.

    Ba Le: Trứơc đây tôi đặt mua báo Tuổi Trẻ (có khi là Thanh Niên). Nhiều năm qua (5 , 7 năm gì đó), tôi không còn xem một tờ báo giấy nào. Mọi thông tin tôi có được là từ mạng xã hội.

  6. Bộ Nội vụ Singapore nói về việc trục xuất ông Anh Vũ

    Tờ Straits Times của Singapore ngày 4/1 viết ‘ông trùm bất động sản’ người Việt đã bị trục xuất khỏi nước này.

    “Ông ta sau đó bị Cơ quan điều tra an ninh bắt giữ tại Việt Nam.”

    Tờ này xác nhận Bộ Nội vụ (MHA) Singapore xác nhận ông Anh Vũ bị bắt vì vi phạm luật di trú, đã bị trục xuất hôm thứ Năm (4/1).

    Trong bản tuyên bố ngày 4/1, MHA cho biết Cục Quản lý xuất nhập cảnh (ICA) đã hoàn tất cuộc điều tra về trường hợp của ông Vũ, và đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc thay vì truy tố. ICA cũng buộc ông Anh Vũ rời khỏi Singapore theo luật di trú, MHA nói.

    Vũ Nhôm
    Image caption: Ông Anh Vũ tại sân bay Nội Bài chiều 4/1
  7. Post update

    Tuan Tran Viết trên Facebook BBCVietnamese:

    Vũ ta sử dụng đến 3 hộ chiếu, trong đó chỉ có một cái mang tên thật. Ngoài ra, còn bị truy nã đỏ bởi Interpol. Trốn sao được!

  8. Singapore vi phạm quyền tự do đi lại của Anh Vũ?

    Bịnh luật về việc ông Anh Vũ bị trục xuất khỏi Singapore, Facebook Phạm Lê Vương Các cho rằng "Singapore đã phớt lờ luật quốc tế về quy định trục xuất".

    Theo đó, "khi một người nước ngoài bị trục xuất nhưng còn khả năng nhập cảnh hợp pháp vào nhiều quốc gia khác nhau thì trước tiên người đó được "quyền lựa chọn" nơi đến theo ý nguyện của mình."

    Điều này có nghĩa ông Anh Vũ "có quyền đến quốc gia “Antigua & Barbuda”- là nơi ông Vũ có hộ chiếu và quốc tịch thứ hai."

    "Cụ thể, căn cứ vào Đoạn 8, trong Bình Luận Chung số 27 của Ủy ban Nhân quyền, bảo vệ cho quyền tự do đi lại theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) đối với người nước ngoài bị trục xuất, nêu rõ: "[...] Một người nước ngoài bị trục xuất một cách hợp pháp có quyền được lựa chọn nước đến, tùy thuộc vào sự đồng ý của quốc gia đó."

    "Như vậy, với việc sở hữu hợp pháp Hộ chiếu của quốc gia Antigua & Barbuda, thì đương nhiên ông Vũ hoàn toàn có quyền hợp pháp để đi đến quốc gia Antigua & Barbuda khi bị trục xuất."

    "Tuy nhiên, Singapore đã phớt lờ quy định này khi buộc ông Anh Vũ phải trở về Việt Nam."

    "Singapore tới giờ vẫn chưa ký ICCPR."

    "Ngoài ra, lệnh trục xuất của ông Vũ được tiến hành bằng một biện pháp hành chính (quyết định của Cục trưởng), chứ không phải được tiến hành hay xem xét bằng một phiên tòa xét xử theo thủ tục tố tụng, làm ông Vũ mất đi cơ hội tự bào chữa, tranh luận về lệnh trục xuất này. Đây là những dấu hiệu cho thấy ông đã bị trục xuất tùy tiện ra khỏi Singapore".

  9. Post update

    Quote Message: “Tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ cho dân giữa việc truy tố tội làm lộ bí mật hay tội tham nhũng.Đặc biệt là đằng sau Vũ ‘nhôm’ là ai mà nó có thể khống chế toàn bộ ban lãnh đạo Đà Nẵng”. from Đặng Vân Cán bộ hưu trí quận Hải Châu, Đã Nẵng
    Đặng VânCán bộ hưu trí quận Hải Châu, Đã Nẵng
    Đặng Vân
    Image caption: Đặng Vân
  10. Hãng tin Reuters có bài của John Geddie tại Singapore và Mi Nguyen ở Hà Nội

    Bài có đoạn:

    Vụ Phan Văn Anh Vũ tạo sự quan tâm quốc tế mới đối với việc chống tham nhũng trong chế độ cộng sản, nơi tham nhũng sinh sôi nảy nở cùng những năm tháng tăng trưởng kinh tế nhanh vốn làm cho Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư.

    "Tốc độ đã là kẻ thù của cả sự minh bạch và công lý trong vụ này," ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách về châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đóng tại New York nói.

    "Singapore đáng bị lên án mạnh vì buộc ông [Vũ] trở lại để đối mặt với những gì chắc chắn sẽ là một phiên tòa trá hình, và rất dễ là có án tử hình. "

    Cuộc chiến chống tham nhũng được hoan nghênh rộng rãi ở Việt Nam nhưng giới chỉ trích chính phủ nói rằng họ tin là việc chống tham nhũng này cũng đang được sử dụng để làm suy yếu các quan chức nằm trong chính quyền của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

    Luật sư người Đức của Vũ, Victor Pfaff, nói với Reuters rằng là sỹ quan cao cấp trong ngành tình báo của công an Việt Nam, Vũ hẳn có biết về sự biến mất của Thanh [Trịnh Xuân Thanh] và rằng ông có thông tin quan trọng về vụ việc này.

    Giới chức Đức không bình luận về trường hợp của Vũ.

  11. Luật sư của ông Vũ 'nhôm' nói về việc trục xuất

    Luât sư người Singapore của ông Vũ 'nhôm', ông Remy Choo, bình luận với BBC:

    "Tôi rất thất vọng vì thân chủ của tôi đã bị trục xuất khỏi Singapore mà tôi không được biết. Tôi không được thông báo trước việc này."

    "Rất đáng tiếc, vào lúc 1:58 chiều, ông Phan Văn Anh Vũ đã bị trục xuất khỏi Singapore."

    "Tôi chỉ được thông báo về việc ông ấy bị trục xuất vào lúc 4:40 phút chiều."

    Video content

    Video caption: Luật sư của Vũ "nhôm" tại Singapore
  12. "Hành vi bỏ trốn không coi là tình tiết định tội hay tăng hình phạt"

    Theo Luật sư Phạm Thanh Bình, từ Hà Nội, theo quy định của cả Bộ luật Hình sự 1999 và Bộ luật Hình sự 2015, hành vi bỏ trốn của nghi can không phải là tình tiết định tội cũng như tăng nặng hình phạt khi bị tòa án xét xử, tờ VN Express đưa tin hôm 4/1.

    Chỉ duy nhất, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điều 140) coi việc "bỏ trốn" là tình tiết định tội, theo Luật sư Bình.

    "Vì thế với hành vi bỏ trốn của ông Phan Văn Anh Vũ, tòa án khi xét xử theo điều 263 Bộ luật Hình sự 1999 (tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước) sẽ không coi là tình tiết định tội, tăng nặng hình phạt", ông Bình được VN Express dẫn lời.

  13. "Cần khởi tố vụ án liên quan đến giao dịch bất động sản được thực hiện với danh nghĩa của cơ quan an ninh"

    Bình luận vụ ông Vũ "nhôm" và cuộc chiến chống tham nhũng, PGS TS Hoàng Ngọc Giao thuộc Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, nói trong chương trình Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 4/1:

    "Ông Vũ được coi là một doanh nhân kinh doanh bất động sản, nhưng hành vi kinh doanh bất động sản của ông ta nó mờ ám, gắn với bộ máy công quyền và thu lợi rất lớn với một số tài sản khổng lồ ở Đà Nẵng cũng như ở TP HCM.

    Nhưng khi khởi tố, truy tố ông Vũ, lại theo nội dung “làm lộ bí mật nhà nước.” Cái này chưa đáp ứng được mong muốn về cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam.

    Tôi rất băn khoăn liệu tội tham nhũng hay tiếp cho tay tham nhũng của ông Vũ có được xem xét và khởi tố như một vụ án không. Câu chuyện này phức tạp hơn rất nhiều vì hành vi thao túng bất động sản cũng như chiếm đoạt các bất động sản với một cái giá có thể là rất rẻ lại được thực hiện với danh nghĩa của cơ quan an ninh. Điều này có thể nói là rất nghiêm trọng đối với Việt Nam…

    Cá nhân tôi nghĩ cần khởi tố vụ án liên quan đến các giao dịch bất động sản mà ông Vũ, thông qua doanh nghiệp bình phong thực hiện. Chắc chắn sẽ có nhiều quan chức liên quan sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm."

    PGS TS Hoàng Ngọc Giao
    Image caption: PGS TS Hoàng Ngọc Giao
  14. Bàn tròn Thứ năm: Ông Vũ ‘Nhôm’ về Việt Nam – diễn biến, hệ lụy và bình luận

    Mời các bạn theo dõi lại chương trình Bàn tròn thứ Năm về chủ đề này, được phát trên kênh Facebook và YouTube của BBC Tiếng Việt.

    View more on facebook
    View more on youtube
  15. "Có cuộc sống bình thường ở VN, chạy qua Đức xin tỵ nạn chính trị là ảo tưởng"

    Về quy định xét tỵ nạn chính trị của Đức, nhà báo Lê Mạnh Hùng bình luận trên chương trình Bàn tròn Thứ năm của BBC hôm 4/1:

    "Nước Đức là một nước đứng đầu trong khối EU về việc tiếp nhận người tỵ nạn, nhất là những trường hợp đặc biệt như những nước Trung Đông, những nước có chiến tranh, hay xảy ra những sự cố lớn.

    Việt Nam là một trong số những nước mà rất ít người tới Đức được công nhận tỵ nạn chính trị, bởi lẽ tình hình Việt Nam bây giờ không giống như tình hình Việt Nam ba bốn chục năm trước.

    Vì thế, những người nào trong nước vẫn ảo tưởng rằng mình đang có cuộc sống bình thường ở Việt Nam, bỗng dưng đến Đức trình bày là tôi bị đàn áp vì lý do ABC gì đó, cần nước Đức bảo vệ là ảo tưởng. Những cán bộ quan chức nhà nước cho rằng đến lúc gặp khó khăn chạy qua Đức xin tỵ nạn chính trị thì theo tôi đó là một ảo tưởng.

    Nước Đức [thường chỉ] bảo vệ những người mà vì chính kiến và những hoạt động chính trị của họ ở quê hương mà qua đó gặp phải sự đàn áp hay khó khăn."

    Lê Mạnh Hùng on FB Live
  16. Ông Anh Vũ 'có ba hộ chiếu'

    Một thông cáo của Bộ Nội vụ Singapore cho biết ông Vũ có ba hộ chiếu, trong đó có hai hộ chiếu Việt Nam.

    Thông cáo này xác nhận lại ông Vũ vào Singapore dùng một hộ chiếu tên giả, đồng thời có một hộ chiếu Việt Nam dùng tên thật.

    Bộ Nội vụ Singapore nói ông Vũ từng dùng hai hộ chiếu Việt Nam này vào Singapore trước đây.

    "Ông cũng sở hữu một hộ chiếu thứ ba. Trong lần vào Singapore mới nhất, cũng như những lần vào trước đây, ông ta đã có khai báo sai với Cục di trú," thông cáo này nói.

    Ông Anh Vũ, doanh nhân sinh năm 1975, bị Việt Nam truy nã từ hôm 21/12 sau quyết định khởi tố ông vì hành vi "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".

    Singapore xác nhận đã tạm giữ ông Singapore từ hôm 28/12.

    Cục di trú Singapore (ICA) hôm 4/1 có thư gửi luật sư của ông Anh Vũ, Remy Choo, giải thích vì sao họ xem ông Vũ vi phạm luật di trú.

    "Thân chủ của ông nhập cảnh vào Singapore với hộ chiếu không đúng tên thật của mình.

    Chính phủ Việt Nam đã thông báo cho Chính phủ Singapore rằng hộ chiếu này là giả, mang danh tính giả.

    Ông ta cũng mang một hộ chiếu Việt Nam với tên thật của mình.

    Ngoài ra, thân chủ của ông đã khai báo sai lạc khi vào Singapore. Thân chủ của ông cũng là đối tượng truy nã với thông báo "Đỏ" cho Interpol về tội đã vi phạm ở Việt Nam."

    Lá thư nói Singapore quyết định trục xuất ông Vũ dựa theo Luật di trú.

  17. Bản tin AFP

    Trích tin từ AFP hôm 4/1:

    “Một sĩ quan tình báo Việt Nam trốn chạy, bị truy nã vì cáo buộc tiết lộ bí mật nhà nước, đã bị giữ khi đưa về đến Hà Nội chiều thứ Năm, theo lời giới chức, vài giờ sau khi bị trục xuất từ Singapore.

    Phan Văn Anh Vũ, người có cấp bậc cao trong ngành tình báo công an Việt Nam, bị chặn lại tuần trước ở cửa khẩu Singapore khi ông định sang Malaysia.

    Bất chấp lo ngại cho ông Vũ, giới chức Singapore nói ông ta bị đưa về Việt Nam vì dùng giấy tờ giả khi đi vào nước này.

    “Ông ta vào Singapore dùng hộ chiếu Việt Nam có danh tính giả,” một phát ngôn nhân bộ nội vụ Singapore nói trong thông cáo.

    “Cục di trú Singapore đã yêu cầu Phan Văn Anh Vũ đi về Việt Nam.”

  18. Báo quốc tế bình luận về 'nỗ lực thanh trừng của Việt Nam'

    Tờ Asia Times hôm 3/1 đăng bài có tựa đề: “Nỗ lực thanh trừng của Việt Nam đang vượt tầm kiểm soát?” (Is Vietnam’s purge spinning out of control?)

    Bài có đoạn bình luận về quan hệ Việt Nam - Singapore: "Singapore không có hiệp ước dẫn độ với Việt Nam, nhưng hai quốc gia ASEAN có quan hệ ngoại giao tốt đẹp và hai nước được trông đợi là còn gần nhau hơn nữa khi Singapore đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào 2018. Hai quốc gia được cho là dẫn đầu những nước lo ngại về Trung Quốc trong một hiệp hội hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận."

    Nói về vụ Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, bài báo viết:

    "Bằng chứng về sự tham gia của lãnh đạo cao cấp trong vụ được cho là bắt cóc cũng có thể làm tổn hại đến hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam tại thời điểm Hà Nội đang cố gắng đa dạng hóa thương mại quốc tế khỏi sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc và việc Mỹ không tham gia vào hiệp định TPP."

    Thủ tướng Lý Hiển Long và Chủ tịch Trần Đại Quang
    Image caption: Thủ tướng Lý Hiển Long và Chủ tịch Trần Đại Quang
  19. Bộ Công an Việt Nam bắt Phan Văn Anh Vũ

    Thông báo của Bộ Công an Việt Nam
    Image caption: Thông báo của Bộ Công an Việt Nam
  20. GS Carlyle A. Thayer bình luận trên Twitter

    Giáo sư, chuyên gia nghiên cứu chính trị Việt Nam, Carlyle A. Thayer viết trên Twitter hôm 4/1:

    "Phan Văn Anh Vũ bị trục xuất khỏi Singapore hôm nay và về đến Hà Nội vào khoảng 16:00h. Singapore phát hiện ông ta sở hữu hai hộ chiếu, [trong đó có] một tấm từ Antigua và Barbuda. Theo Điều 263 của Bộ luật hình sự, các bản án có thể là nhiều năm tù nhưng không có án tử hình."

    View more on twitter