Đạo diễn Leon Lê: 'Không ai có thể phủ nhận tình yêu của tôi với Việt Nam'

05/02/2019 - 19:53

PNO - Dự định trở về Việt Nam trong 6 tháng và làm một bộ phim hoành tráng về cải lương, nhưng Leon Lê dần 'vỡ mộng' trước tham vọng quá lớn. Thay vào đó, anh đã chọn một lát cắt mỏng và sâu hơn. 'Song Lang' ra đời.

ĐI ĐỂ TRỞ VỀ

Họ là những trí thức, nghệ sĩ ít nhiều đạt được thành tựu trong lĩnh vực họ theo đuổi nơi xứ người. Nhưng, một sợi dây, một cảm giác vô hình nào đó kéo họ trở về với quê hương, bản xứ. Họ khong gọi đó bằng những từ ngữ to tát, không hô hào truyền thống... Đó có thể là những ký ức không thể nào phai nhạt, là những lời kể trìu mến của bà của mẹ, là tình yêu không dứt dành cho nghệ thuật.

Họ làm việc và cống hiến bằng sức lao động, thầm lặng và nhiệt tâm. Họ nhìn mọi thứ bằng đôi mắt logic, khoa học của người phương Tây nhưng giang tay đón nhận tất cả vọng động của đời sống đang diễn ra trước mắt bằng trái tim Việt Nam. Cũng chính lúc đó, họ cảm nhận rõ dòng máu Việt đang chảy mãnh liệt trong người.

Leon Lê là vũ công, diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp tại sân khấu Broadway, Mỹ. Anhh còn dành cho phim ảnh tình yêu rất đặc biệt và mày mò tự học. Hai phim ngắn Dawn, Talking to My Mother do Leon viết kịch bản, đạo diễn và dựng phim tại Mỹ được chọn góp mặt trong hơn 50 liên hoan phim (LHP) ngắn trên thế giới và đoạt nhiều giải thưởng quan trọng như: “Phim ngắn hay nhất”, “Đạo diễn xuất sắc”… 

Dao dien Leon Le: 'Khong ai co the phu nhan tinh yeu cua toi voi Viet Nam'
Đạo diễn Leon Lê. Ảnh: Chu Trần Minh Đức

Người đầu tiên khơi dậy niềm yêu thích điện ảnh cho Leon Lê là đạo diễn Charlie Nguyễn, khi anh gia nhập vào nhóm phim Cinema Pictures do Charlie và Johnny Trí Nguyễn sáng lập. Tuy nhiên, sân khấu khi ấy vẫn đầy hấp lực nên Leon quyết định chinh phục giấc mơ đó trước. "Tôi không muốn dừng lại ở vai trò diễn viên, giúp người đạo diễn kể câu chuyện của họ bởi tôi cũng có câu chuyện riêng của mình và muốn chia sẻ. Cách duy nhất để làm được điều đó là mình phải cầm chèo" - Leon nói về lý do anh quyết định dấn thân với phim ảnh.

Năm 2010, Leon Lê trở về Việt Nam, tham gia một số tác phẩm phim ảnh trong nước với vai trò diễn viên. Cuộc dạo chơi ngẫu hứng đó, nói như Leon là đã trang bị cho anh khá nhiều kinh nghiệm. Song lang là phim dài đầu tiên của Leon Lê và là bộ phim đầu tiên anh thử sức ở vị trí đạo diễn tại Việt Nam.

Nói về mối duyên nợ với cải lương, Leon từng có lần tâm sự: "Từ bé, tôi đã mê tất cả loại hình sân khấu cổ truyền của Việt Nam: hát bội, chèo, ca trù, cải lương… Nhưng mê nhất vẫn là cảỉ lương". 10 tuổi, Leon đã ý thức rõ ràng về tình yêu của anh dành cho loại hình nghệ thuật này. Anh từng bị mẹ phạt vì tội trốn nhà đi xem hát. Leon mê đến đỗi khi cùng gia đình đi Mỹ định cư lúc 13 tuổi, gia đình anh rất mừng vì "e rằng nếu lớn lên ở Việt Nam, tôi sẽ nhất quyết theo nghiệp cải lương".

Dao dien Leon Le: 'Khong ai co the phu nhan tinh yeu cua toi voi Viet Nam'
Trên phim trường Song lang

Thế nhưng, dù sống lâu năm ở Mỹ, thành danh trên sân khấu kịch nghệ, Leon vẫn dành cho cải lương một khoảng trời riêng, yêu như máu thịt. Anh am hiểu sâu sắc về bộ môn nghệ thuật này và luôn dành cho những nghệ sĩ theo nghiệp cải lương sự kính trọng nhất định. Chính tình yêu đó đã giúp anh không bị bứt khỏi cội rễ, để trở về.

Tôi không quan tâm đến sự nổi tiếng

Phóng viên: Bây giờ nhắc đến Leon Lê, người trong nghề và giới truyền thông đều đã biết đến anh - một đạo diễn “quyết liệt” với nghề và gắn liền với Song lang - bộ phim gặt hái được nhiều giải thưởng điện ảnh trong và ngoài nước. Nhìn lại những thành quả đó, anh nghĩ gì?

Buồn, vui lẫn lộn. Song lang như một đứa con mà tôi phải trải qua nhiều khó khăn thai nghén, phải hy sinh rất nhiều để nó được chào đời lành lặn. Sau khi phim hoàn tất, không tránh khỏi cảm giác trống vắng vì sau nhiều năm trăn trở cùng dự án, giờ đây mỗi sáng thức dậy tôi thấy mình mất đi chút gì mục đích quen thuộc của một ngày. Song lang bây giờ cũng không còn của riêng tôi mà nó thuộc về khán giả.

Người ta có thể khen, chê, tung hô hay dè bỉu mà tôi không thể bảo vệ, che chở được nữa. Nhưng tôi cũng hạnh phúc và hãnh diện đến mức nhiều lúc không dám tin đây là thực tế vì giấc mơ mình ấp ủ bao năm đã thành hiện thực. Nhất là khi Song lang được hoàn thành và ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm cải lương.

Dao dien Leon Le: 'Khong ai co the phu nhan tinh yeu cua toi voi Viet Nam'
Là người kỹ tính, Leon Lê luôn cẩn thận kiểm tra phục trang, đạo cụ trước mỗi cảnh quay

* Sự nổi tiếng mang lại cho anh được gì và lấy mất của anh điều gì?

- Tôi không sống ở Việt Nam thường xuyên, nhất là sau khi Song lang hoàn thành nên không cảm nhận được và cũng chẳng quan tâm đến sự “nổi tiếng” đó. Nhưng tôi rất xúc động khi nhận được những tin nhắn, những chia sẻ về Song lang và hành trình của tôi trở về Việt Nam để thực hiện bộ phim này đã chạm đến trái tim nhiều người. Có những bài ca cổ, bài thơ, truyện ngắn, fanfic… được khán giả sáng tác lấy cảm hứng từ Song lang. Tôi hạnh phúc khi thấy mình đã làm được điều gì đó ý nghĩa và hữu ích. Tôi rất chú trọng đến việc bản thân phải trở thành người hữu ích.

* Hẳn là sau thành công của Song lang, ở bộ phim thứ hai, anh sẽ lại càng cẩn thận, cầu toàn hơn vì áp lực “không thể để khán giả thất vọng” khi đã thưởng thức bộ phim thứ nhất?

- Tôi làm phim vì đam mê, không phải để chứng tỏ và thể hiện bản thân nên không có cảm giác áp lực kiểu những sản phẩm kế tiếp phải ấn tượng, phá cách, gây bất ngờ, không lặp lại mình. Việc quan trọng nhất với tôi, đó có phải là câu chuyện tôi muốn kể không? Nó có cho tôi cảm hứng không? Còn cầu toàn thì thuộc về bản tính. Tôi không làm thì thôi, nếu đã làm thì phải cố hết khả năng có thể. Tôi có thể bất tài, nhưng rất có kỷ luật với bản thân và công việc, nhất là trong nghệ thuật.

Đối với tôi, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Sau khi Song lang ra đời, tôi thấy mình không còn cô đơn hay ít nhiều cảm thấy xa lạ như một khách du lịch trên chính đất nước mình. Vì giờ đây tôi biết quanh tôi có rất nhiều người hiểu, cảm thông, chia sẻ với những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ mà tôi đã gửi gắm qua Song lang. Họ là những người bạn, những tri kỷ mà có thể tôi chưa bao giờ một lần gặp mặt.

Dao dien Leon Le: 'Khong ai co the phu nhan tinh yeu cua toi voi Viet Nam'

* Đạo diễn Charlie Nguyễn - người từng khơi dậy niềm yêu thích điện ảnh trong anh, trở về Việt Nam vào năm 2006 để thực hiện phim ‘Dòng máu anh hùng’ rất hăm hở. Nhưng, thất bại về doanh thu sau đó của nhiều bộ phim cùng nhiều lý do cộng thêm, Charlie Nguyễn đã gác sang một bên thể loại phim hành động - võ thuật mà anh ấy cực kỳ yêu thích để làm phim giải trí, thương mại. Liệu rằng, Leon Lê trong tương lai có sự chuyển hướng này chăng?

- Bản thân tôi chưa bao giờ cho Song lang là một phim “nghệ thuật” mà nó chỉ là bộ phim tâm lý - tình cảm. Theo tôi, Song lang “bị” hoặc “được” gán cho mác phim nghệ thuật chỉ vì thị trường điện ảnh Việt hiện đang quá khập khiễng trong việc cân bằng sản phẩm. Trước Song lang nhiều năm, sau thành công của hai phim ngắn, tôi đã nhận được nhiều lời mời để làm phim ở Việt Nam nhưng đều từ chối vì chưa thấy có dự án nào cảm thấy thích hợp.

Nhưng như vậy không có nghĩa là tôi sẽ luôn nói không với những dự án phim mang tính chất thương mại. Nếu dự án đó cho tôi đủ cảm hứng, tôi sẽ nhận lời. Và tiền thì cũng có thể xem là một thứ có thể đem lại cảm hứng. Tôi không tự đề cao mình đủ sức cưỡng lại sự cám dỗ của nó. Chỉ có điều, đến thời điểm hiện tại chưa dự án nào mà chỉ riêng tiền đủ sức thuyết phục tôi.

* Bộ phim tiếp theo của anh sẽ là về chủ đề gì?

Hiện tôi đang viết kịch bản. Câu chuyện phim vẫn trung thành với chủ đề luôn cho tôi nhiều cảm hứng nhất: những mối quan hệ, tâm lý, tình cảm giữa người với người. Tôi không thích ba hoa về những gì mình chưa thực hiện được nên chỉ có thể tiết lộ bấy nhiêu. Ông bà mình có câu: "Nói trước bước không qua”.

Dao dien Leon Le: 'Khong ai co the phu nhan tinh yeu cua toi voi Viet Nam'
Song lang khiến người xem bùi ngùi nhớ về Sài Gòn của những năm 80, nhớ đến những bản vọng cổ trong hẻm vào đêm khuya, nhớ rạp hát một thời vang bóng...

Không ai có thể phủ nhận tình yêu của tôi đối với Việt Nam

* Tôi có xem ảnh chụp căn nhà của anh trong một khu chung cư cũ ở Sài Gòn. Anh có nói, vốn dĩ ban đầu chỉ là chốn tạm dừng chân nhưng rồi cứ nấn ná lại. Điều gì đã tạo nên sự nấn ná đó?

- Tôi về Việt Nam năm 2017 với mục đích duy nhất là thực hiện Song lang xong sẽ quay lại New York. Nhưng dự tính vỏn vẹn 6 tháng để hoàn tất dự án đã trở thành 2 năm vì nhiều sự cố khiến quá trình phim bị kéo dài. Cho đến giờ tôi trở nên gắn bó với nó nên cũng không nỡ rời bỏ. Hơn nữa với những dự án sắp tới tôi sẽ còn phải trở về Việt Nam thường xuyên nên tôi quyết định giữ lại căn hộ này.

* Tình yêu của anh dành cho Sài Gòn da diết nhưng cũng đầy ắp tâm sự. Dường như, anh chỉ yêu Sài Gòn của những năm 80 thôi, phải thế không?

- Có lẽ vì tôi đã cất Sài Gòn của giai đoạn ấy vào một ngăn kéo riêng trong trí nhớ non nớt của một đứa trẻ khi rời Việt Nam. Một Sài Gòn hậu chiến tranh, trước thời mở cửa, tuy thiếu thốn, khó khăn nhiều thứ nhưng chính những điều ấy đã tạo ra những dấu ấn cuộc sống đặc sắc, những trải nghiệm vui có, buồn có... nhưng là một mốc thời gian vô cùng ấn tượng khó thể xoá mờ.

Dao dien Leon Le: 'Khong ai co the phu nhan tinh yeu cua toi voi Viet Nam'
 

* Nhắc đến cái Tết trong không gian Sài Gòn xưa, và cái Tết của những tháng ngày trên đất Mỹ, trong ký ức của anh còn đọng lại những kỷ niệm nào?

- Tôi vẫn nhớ mãi những đêm hớn hở cùng mẹ đi dạo những gian hàng bánh mứt, những chợ hoa dựng lên dọc hai bên lề đường Trương Minh Giảng. Những buổi tối cúp điện cùng những đứa bạn trong xóm ngồi kể chuyện ma quanh những nồi bánh chưng được nấu ngay ngoài đường. Những giây phút hồi hộp chờ xông đất lúc nửa đêm, chờ đợi được lì xì. Mùi pháo khét nghẹt, đặc sệt cả không gian của con đường trước cổng nhà sáng mùng Một.

Đương nhiên Tết ở Mỹ, đặc biệt là New York thì không thể so sánh với Việt Nam. Và đã hơn mấy chục năm nay tôi không còn đón Tết. Nhưng Tết ở Việt Nam bây giờ cũng không khiến tôi náo nức như ngày xưa. Có thể vì lúc đó, chỉ đến Tết mới được ăn bánh mứt, bánh chưng, dưa hấu, được nghỉ học, được mặc đồ mới, được đi chơi. Ngày nay những thứ đó bất kể ngày giờ nào cũng có thể có được khiến nó không còn giá trị, ý nghĩa. Và quan trọng hơn đó là cảm nhận được mỗi lần Tết đến là ta lại… già hơn. Mỗi lần nghĩ đến điều này tôi chỉ muốn... chui vào chăn ngủ chờ Tết trôi qua cho nhanh.

Phim ngắn Dawn của Leon Lê:

* Ngoài lý do nguồn cội, không ít cá nhân cho rằng, ở xứ sở bên kia, các đạo diễn Việt kiều không tìm được chỗ chứng minh bản thân, đành trở về Việt Nam tìm đất “dụng võ”. Cảm xúc của anh khi nghe những lời mỉa mai này?

- Tôi không thể trả lời thay cho những đạo diễn khác. Riêng bản thân tôi chưa bao giờ có hoài bão bước chân vào Hollywood trong vai trò đạo diễn phim. Đam mê ban đầu của tôi là sân khấu chứ không phải điện ảnh. Và mặc dù mơ ước tuổi thơ được trở thành nghệ sĩ cải lương của tôi dang dở, tôi đã đạt được mơ ước kế tiếp của mình là trở thành một diễn viên nhạc kịch Broadway, tính đến nay đã 18 năm.

Khi quyết định thử sức với điện ảnh, tôi không ảo tưởng, tham vọng mà vạch rõ hướng đi cho mình. Hollywood không cần thêm một đạo diễn như Leon Le. Tôi cũng không đủ kiên nhẫn bỏ công sức, thời gian để hy vọng "đạp đổ" được cánh cửa Hollywood, rồi có "thò" đầu vào được nơi đấy thì với một đạo diễn mới như tôi, xác suất để có thể thực hiện những dự án phim mình thật sự yêu thích, mang đậm tính cách cá nhân đạo diễn dường như là số không.

Dao dien Leon Le: 'Khong ai co the phu nhan tinh yeu cua toi voi Viet Nam'
"Ở Việt Nam, tôi có thể lựa chọn những dự án thực sự cho tôi cảm hứng"- Leon Lê.

Ở Việt Nam tôi có nhiều mối quan hệ hơn, mặt bằng sản xuất phim rẻ hơn đồng nghĩa với việc có thể lựa chọn những dự án thật sự cho tôi cảm hứng. Quan trọng nhất, là Việt Nam đang cho tôi nhiều cảm hứng.

Tôi muốn đem những câu chuyện về người Việt, bối cảnh Việt, diễn viên Việt, văn hoá Việt để giới thiệu với thế giới. Và đến lúc này, tôi nghĩ không ai có thể phủ nhận tình yêu của tôi với Việt Nam. Với một mũi tên, tôi có thể cùng lúc bắn rơi một... đống nhạn. Đặt lên bàn cân, tôi nghĩ đó là một chọn lựa sáng suốt. Còn việc ai nói gì kệ họ. Đường tôi, tôi cứ đi.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. Chúc anh năm mới nhiều sức khỏe, vạn sự như ý.

Hoàng Linh Lan (thực hiện)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI