Đạo diễn phim Kong kể chuyện tự tìm ra kẻ đánh mình

Việt Nam, Hoa Kỳ, phim

Nguồn hình ảnh, Reuters

Đạo diễn phim Kong: Đảo đầu lâu, Jordan Vogt-Robert, vừa tiết lộ việc ông tự điều tra để lần ra thủ phạm đánh ông 'gần chết' trong một hộp đêm ở Sài Gòn.

Trong một bài báo dài đăng trên tạp chí Gentleman Quarter GQ, đạo diễn Hollywood, ông Jordan Vogt-Roberts kể lại quá trình ông tự tìm kiếm tung tích nghi phạm.

Ông thuật lại chi tiết cuộc ẩu đả khủng khiếp xảy ra tại một hộp đêm ở Sài Gòn năm 2017, nơi ông bị đánh 'vỡ đầu'.

Vụ tấn công được cho là 'gần như giết chết' ông, theo lời kể của của Vogt-Roberts cho tờ GQ.

'Suýt chết'

Việt Nam, Hoa Kỳ, phim

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Jordan Vogt-Robert cho hay từng bị đánh 'gần chết' tại hộp đêm XOXO ở Sài Gòn năm 2017

Sau khi hoàn thành các khâu sản xuất phim Kong: Đảo đầu lâu, với tổng doanh thu từ phòng vé lên tới hơn 500 triệu đô la năm 2017, Vogt-Roberts quyết định rời Hollywood, chuyển đến sống tại Việt Nam.

Ông nói đã đem lòng yêu Sài Gòn.

Thành phố đón nhận sự hiện diện của Vogt-Roberts. Giới chức ở đây thậm chí bổ nhiệm ông làm đại sứ du lịch người Mỹ đầu tiên của Việt Nam.

Vị đạo diễn sau đó nhanh chóng trở thành khách thường xuyên của các hộp đêm ở Sài Gòn.

Ngày 9/9/2017, tại hộp đêm XOXO, Vogt-Roberts, cùng với bạn bè ông, trong đó có ngôi sao đóng thế nổi tiếng Hollywood, diễn viên Ilram Choi, bị ít nhất là 10 người đánh đập tàn nhẫn.

Vogt-Roberts mô tả những người này như một nhóm 'gangster điên cuồng', đập một chai rượu lên đầu ông trước khi bỏ trốn.

Ông được đưa đến bệnh viện, được chẩn đoán nứt hộp sọ, tụ máu, xuất huyết, và có một túi khí trong não.

Sau khi nằm viện 10 ngày, Vogt-Roberts trở về California tiếp tục điều trị và được cho biết tình trạng của ông tồi tệ hơn nhiều so với chẩn đoán của các bác sĩ Việt Nam.

Bác sĩ cho hay 'tôi xém chút nữa đã chết', Vogt-Roberts kể lại. Kế hoạch mua nhà ở Sài Gòn của Vogt-Roberts chuyển thành kế hoạch chữa thương ở Mỹ.

Theo bài báo trên GQ, Vogt-Roberts nhớ lại một tình tiết có thể liên quan đến vụ tấn công, là khi ông đưa điện thoại cho một phụ nữ - người muốn có địa chỉ Instargram của ông.

Chính cô này trước đó đã từ chối nhóm gangster nói trên.

Sau đó, một gã râu quai nón và một tên khác đội chiếc mũ có chữ B tỏ ra giận giữ, chỉ tay vào mặt Vogt-Roberts và tìm cách quấy rối câu chuyện giữa Vogt-Roberts và cô gái nọ.

Vì sao phải tự điều tra?

Việt Nam, Hoa Kỳ, phim

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Jordan Vogt-Robert cho hay trên tờ GQ rằng công an Việt Nam đã không thông tin cho ông biết cuộc điều tra tiến triển thế nào, nghi phạm là ai và có thể bắt bọn chúng hay không.

Nhưng Jordan Vogt-Robert cũng được cảnh báo không nên tiếp tục tìm hiểu sự việc, rằng những kẻ tấn công ông thật ra được công an Việt Nam 'bảo kê'.

"Những người cảnh báo tôi rất am tường về giới tội phạm tại Việt Nam. Họ cho rằng thực ra công an Việt Nam biết những kẻ tội phạm là ai và có bắt bọn chúng hay không," Vogt-Robert thuật lại trên GQ.

Từ chối để sự việc 'chìm xuồng', Vogt-Roberts tự tiến hành điều tra .

Ông dùng Facebook Messenger, chắp vá những mẩu thông tin thu lượm được từ bạn bè và những người hay lui tới hộp đêm XOXO ở Sài Gòn.

Vogt-Roberts cũng khai thác các nguồn tin là những người có kiến thức về giới tội phạm tại Việt Nam.

Hai nghi phạm Canada gốc Việt

Thoạt tiên, Vogt-Roberts lần ra thông tin rằng thủ phạm không phải người địa phương mà nhiều khả năng là dân buôn ma túy người Canada gốc Việt.

Những người này chạy sang Việt Nam để mở rộng đường dây buôn bán ma túy toàn cầu hoặc tránh áp lực từ chính quyền Canada.

Với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn tin và từ chính quyền Canada, một nghi can được xác định, tên Kenny Cuong Nguyen.

Nguồn tin từ cảnh sát Vancouver cho hay Kenny Cuong Nguyen là thành viên của Chinatown Boys, một băng nhóm đường phố là tay sai của các băng đảng lớn ở Canada.

Kenny từng giết thành viên một băng đảng đối thủ tại Vancoover năm 1999. Kenny bị bắt, tại ngoại năm 2012, sau đó được cho phép về Việt Nam trong khoảng tháng 4-5/2015. Nhưng sau đó không quay trở lại Canada.

Việt Nam, Hoa Kỳ, phim
Chụp lại hình ảnh, Một cảnh trong phim Kong: Đảo đầu lâu

Cảnh sát Vancouver cũng cho hay Kenny dính líu tới băng đảng ma túy khét tiếng có tên United Nations với những thương vụ trị giá nhiều triệu đô la bằng máy bay qua biên giới Mỹ-Canada.

Một trong những thủ lĩnh của băng đảng này là Billy Tran, còn gọi là Tran Viet Cuong, hiện sống như 'vua' tại Việt Nam, theo cảnh sát Vancouver.

Sau khi xem các bức ảnh do Vogt-Roberts cung cấp, một cảnh sát điều tra tội phạm Vancover đã nghỉ hưu khẳng định Kenny Cuong Nguyen chính là gã râu quai nón ở hộp đêm XOXO.

Còn gã đàn ông đội mũ có chữ B, chính là Billy Tran.

Vogt-Roberts cho hay trên GQ rằng ông đã chuyển toàn bộ thông tin này cho cảnh sát ở Sài Gòn. Nhưng nhiều tháng trôi qua, nhóm tội phạm tấn công ông vẫn bặt vô âm tín.

Một nghi phạm bị bắt

Cuối tháng Sáu, một nguồn tin từ giới chức Canada cho Vogt-Roberts hay rằng Kenny Cuong Nguyen đã bị bắt ở Ấn Độ, liên quan đến một đường dây buôn ma túy và buôn người.

Người này có khả năng phải đối mặt với 12 năm tù ở Ấn Độ, hoặc bị dẫn độ sang Canada hoặc Việt Nam.

Nhưng Billy Trần vẫn ở ngoài vòng pháp luật.

Giới chức Canada cho hay đang tiếp tục tìm kiếm thủ phạm tại Bangkok và các nơi khác.

Trong khi cuộc tìm kiếm toàn cầu đang tiếp tục, Vogt-Roberts nói vẫn dành tình yêu của mình cho Việt Nam, rằng "không có nỗi đau nào làm tôi ngừng cảm kích về đất nước này."

Giới chức Việt Nam nói gì?

Trao đổi với BBC qua điện thoại ngày 11/7, đại tá Nguyễn Tấn Đạt, nguyên Trưởng Công an quận 1 TP Hồ Chí Minh cho biết sau khi vụ tấn công đạo diễn phim Kong xảy ra, công an đã xác định được một số đối tượng tình nghi.

"Hồi đó công an quận 1 đã điều tra ra một số đối tượng rồi. Nhưng sau đó đã chuyển hồ sơ cho công an thành phố nên không biết sự việc được xử lý như thế nào," ông Đạt nói.

"Vụ đó công an quận 1 chỉ lập hồ sơ ban đầu, còn công an thành phố có chức năng điều tra do liên quan đến người nước ngoài."

Ông Đạt cho hay trong số kẻ tình nghi có một nhóm người Canada gốc Việt.

"Nói chung đã có manh mối một số đối tượng, nhưng khi khai ra một số đối tượng người Canada gốc Việt thì ngày hôm sau chúng đã ra máy bay về Canada."

Ông Đạt cũng nói trong trường hợp Vogt-Roberts tự tìm ra được ai đánh mình thì ông này hoàn toàn có thể gửi đơn lên công an TP Hồ Chí Minh đề nghị điều tra.

BBC nhiều lần gọi điện cho ông Nguyễn Sỹ Quang,Trưởng phòng tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh trong hai ngày 10-11/7 để hỏi thông tin liên quan đến sự việc này nhưng ông Quang không nhấc máy.